<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><strong><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10/1956 - 15/10/2021), Ban Biên tập trang tin điện tử Thành Đoàn giới thiệu đến quý độc giả bài viết về anh Nguyễn Điền - Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Thanh niên - Học sinh - Sinh viên Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định.</span></span></strong></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong><em>Anh Nguyễn Điền là Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Thanh niên - Học sinh - Sinh viên Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định. </em></strong><strong><em>Nguyễn Điền (Năm Hải) sinh ngày 8/3/1934 tại Thừa Thiên - Huế trong một gia đình trí thức yêu nước. Anh tham gia Đội Thiếu niên Tiền phong ở Huế sau Cách mạng Tháng Tám. Năm 1948, anh vào Sài Gòn học ở trường Chasseloup Laubat và Đại học Khoa học Sài Gòn, thi đậu Cử nhân Vật lý và tiếp tục theo học cao học Vật lý. Anh tham gia Ban cán sự Học sinh - Sinh viên Sài Gòn, và là Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Thanh niên - Học sinh - Sinh viên Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định được bầu vắng mặt, vì trước Đại hội mấy ngày anh đã hi sinh trong một trận phục kích của giặc, 18/5/1963.</em></strong></span></span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2021/10/34649/NGUYENDIEN.jpg" style="height:500px; width:393px" /></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Một tràng súng máy nổ bất thần trong đêm rồi im bặt. Chị Năm giao liên “bàn đạp” của cánh Học sinh - Sinh viên Sài Gòn sinh nghi vội lắc võng đánh thức người bảo vệ,</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trời vừa rạng sáng, từ bìa rừng có tiếng chim chóc làm ám hiệu. Tổ công tác vùng ven không ai bảo vệ, lẹ làng thức giấc, thu dọn vật dụng cá nhân. Trong phút chốc, toàn tổ đã quân sự hóa, cùng nhau bám ra bìa đồng. Thoạt trong thấy nhau, Tám Xinh - nữ giao liên công khai hớt hải:</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">- Du kích xã vừa cho tin: Hồi đêm, khoảng 10 giờ, địch phục kích bìa ấp chiến đấu, đụng phải một đơn vị qua đường, sau loạt nổ súng tao ngộ, chúng bỏ chạy. Bên mình nghe có người hy sinh!... Hiện du kích đang theo dấu bọn biệt kích. Báo để các anh cảnh giác.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Để tránh bị động, tổ công tác bảo nhau chuyển nhanh sang ấp Trảng Lắm xã Trung Lập Hạ. Địa hình Trảng Lắm rộng đường hơn. Dựa vào địa đạo và xã chiến đấu sẽ dễ đối phó.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2021/10/34649/Copy%20of%20000.jpg" style="height:369px; width:600px" /></span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>Căn cứ Thành Đoàn tại Củ Chi năm 1963</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Khoảng 5 giờ sáng, anh Bảy Đì, xã đội chính xã Trung Lập Hạ lệnh cho đội du kích Trảng Lắm bung ra cảnh giới, mở cổng rào xã chiến đấu cho bác Hai xe ngựa đánh xe ra chợ sớm hơn mọi bữa. Xe đến chợ Bắc Hà, trời vừa hửng sáng. Bạn hàng và khách sang xe lam đi tiếp ra thị trấn Củ Chi. Hôm ấy bác Hai không đón khách, cho chạy xe không bận về. Khi ngang qua đồng Mả, bác ghì cương ngựa, dừng xe bên vệ đường, lúc này trời đã sáng hẳn. Bỏ xe bỏ ngựa, bác Hai băng tắt qua vẹt rừng găng, hướng về toán người đang hè hụi lúp xúp bên bờ rào chiến đấu ấp Cây Sộp. Tới gần, bác như điếng cả hồn. Trước mặt bác, một thanh niên trắng trẻo, ăn vận quần cụt và áo bà ba đen nằm bất động mà làn môi như vẫn đang cười nụ, và đôi mắt vẫn mở to. Nhiều vết đen xuyên phá lỗ chỗ, thi thể anh hãy còn tứa máu!</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Du kích và đồng bào trong ấp xúm xít, kề tay nâng bê thi hài đặt nhẹ lên chiếc võng ni lông, hai đầu buộc chặt vào ngọn tầm vông làm cáng. Người người thay nhau bươn bả khiêng cáng đưa nhanh vào xóm. Bác Hai để ý nhiều đến cô gái trẻ mảnh khảnh, dáng dấp sinh viên, trong tay đang cầm lấy cặp kính cận của người quá cố, đầm đìa nước mắt. Bác đánh thúc ngựa nước đại về nhà. Xe dừng bên tàu ngựa, trông thấy Ba Tâm từ nhà dưới bước ra, bác vẫy gọi như để báo về điều hệ trọng. Giọng bác thì thào:</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">- Đêm rồi bọn biệt kích đột vô ấp, nổ súng gây tổn thất cho người đằng mình. Người hy sinh bác nghi nếu không là giáo sư cũng là bác sĩ. Cứ trông vào đôi kính cận văng cách nơi ngã xuống, mọi người đoán là cán bộ nhân sĩ trí thức của đằng mình…</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đại hội lần thứ nhất Hội Liên hiệp Thanh niên - Học sinh - Sinh viên Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định diễn ra ngày 24 tháng 5 năm 1963 và kết thúc theo đúng tiến trình của Ban trù bị Đại hội. Hàng trăm đại biểu đã nhất trí chọn bầu người trí thức trẻ - giáo sư Nguyễn Điền - làm Chủ tịch Hội, vị chủ tịch đầu tiên của phong trào thanh niên học sinh sinh viên Sài Gòn dù anh đã vắng mặt. Tuyệt nhiên trong đại hội không ai biết trước đó vài ngày - đồng chí Nguyễn Điền - ngày 18/5/1963, đã vĩnh biệt đồng chí, đồng đội trên quê hương Thành đồng Nam bộ... đất thép Củ Chi!</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tổn thất của phong trào học sinh sinh viên đô thị không thể bù đắp. Trước lợi ích của phong trào đấu tranh cách mạng trong đô thị, Ban cán sự giữ bí mật việc đồng chí Nguyễn Điền được “điều đi học xa”. Ngay sau Đại hội kết thúc, Ban cán sự Thanh niên - Học sinh - Sinh viên tiến hành lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Điền tại cơ quan Tuyên huấn, trú đóng tại khu vực ấp Phú Bình xã Phú Mỹ Hưng - Củ Chi.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"> </p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2021/10/34649/TD%20C%E1%BB%A6%20CHI.jpg" style="height:459px; width:600px" /></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"> <em>Cán bộ Thành Đoàn tại căn cứ Củ Chi năm 1963</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nguyễn Điền, tên bí danh Năm Hải, sinh ngày 8 tháng 3 năm 1934 trên quê hương cố đô Huế, đã gia nhập lực lượng Thiếu niên Tiền phong lúc vừa tuổi mười một và hoạt động bí mật trong tổ chức học sinh đoàn. Vào tuổi mười ba, thiếu niên Nguyễn Điền đã hăng hái gia nhập vào đội vũ trang Việt Dũng, hoạt động bí mật trong kinh thành Huế. Những tờ truyền đơn, những lá cờ nền đỏ sao vàng được Điền và đồng đội tung rải khắp trường học, trong rạp hát và trước chợ Đông Ba. Hình ảnh cô em gái đã cùng anh nghi trang lựu đạn bí mật đặt trước nhà tên tay sai Việt gian ở phố Huế, cả hai cùng ngồi co ro, chịu lạnh chờ đợi. Tiếng nổ trừ gian, diệt thù vẫn đi bên anh trong những ngày đòn roi, ngục tù mặc cho đau bệnh hoành hành.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trong phong trào học sinh sinh viên, anh đã một lần bị địch bắt trước khi được cử đi dự Đại hội Liên hoan Thanh niên và Sinh viên Thế giới tổ chức tại Varsava - thủ đô nước Ba Lan (1956).</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Vào Sài Gòn, khi tuổi mười lăm, anh vào học trường Chasseloup Laubat (trường THPT Lê Quý Đôn ngày nay) cùng cha mẹ và đàn em vượt bao nỗi nhọc nhằn, lòng vẫn hướng về cách mạng. Anh đỗ tú tài toàn phần, hạng ưu và được nhà nước Pháp khen thưởng cho đi du lịch hai tháng qua các nước Tây - Bắc Âu. Anh từ chối. Bè bạn đồng học và thầy cô ngạc nhiên. Bởi không ai ngờ Nguyễn Điền đã tham gia tổ chức cách mạng, hoạt động bí mật trong nội thành.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2021/10/34649/SVHS%202.JPG" style="height:532px; width:652px" /></span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>Phong trào đấu tranh của Thanh niên học sinh sinh Sài Gòn chống chế độ Mỹ - Diệm</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Sài Gòn đang trong thời kỳ đấu tranh sục sôi quyết liệt. Anh xây dựng nhiều cốt cán và cơ sở cách mạng bí mật trong nhà giáo vào học sinh trường Marie Curie, sau đến trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Khi đứng vào hàng ngũ của Đảng, năm 1956, anh đã tổ chức được chi bộ Đảng đầu tiên của trường Đại học Khoa học thông qua phong trào đấu tranh đòi chuyển ngữ. Chi bộ đã kết tập đông đảo sinh viên có tinh thần dân tộc, gia nhập Tổng hội Sinh viên Việt Nam, một tổ chức công khai do chi bộ Đảng lãnh đạo, đã chi phối mạnh mẽ và từng bước đánh ngã dần “Tổng hội Sinh viên Quốc gia” do chế độ Diệm Nhu và bọn mật vụ tay sai áp đặt dựng ra cốt để kìm kẹp, theo dõi, bắt bớ, đánh phá phong trào đấu tranh cách mạng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Lần bị Diệm Nhu bắt vào năm 1959, anh đã bị những trận đòn thù khốc liệt... Bọn mật vụ Diệm Nhu giở đủ trò khủng bố, chiêu dụ. Trong phòng tra, địch trói tay anh treo lên trền nhà, đầu dốc xuống nền gạch hàng giờ vẫn không moi được ở anh điều gì. Trò buộc gô tay chân vào thớt ghế, trùm bao bố phủ mặt, đổ nước xà bông, đục thước sắt vào bẹ sườn, dìm đầu vào hồ nước đến chết ngợp, anh vẫn cắn răng hứng chịu. Nước xà bông pha với crésyl (Thuốc sát trùng và diệt côn trùng) làm ói mật xanh, mật vàng gây thương tích phổi, dẫn đến bệnh tình phát triển ngày một trầm trọng, địch buộc phải chuyển anh đi bệnh viện. Trong những ngày thoát ngục ra vùng giải phóng, anh được đồng đội gọi vui là Điền Rimifon - vì anh uống nhiều Rimifon để trị bệnh phổi.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Anh hy sinh khi chưa đầy 30 tuổi. Nhưng nụ cười “gởi lại” của anh vẫn còn - khắc sâu trong ký ức nhiều người, rạng rỡ trong trang sử Đoàn Thành phố.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ngày nay, đường quốc lộ từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Tây Ninh, đoạn ngã ba dẫn vào xã An Nhơn Tây để lên đền tưởng niệm Bến Dược, Bến Súc, Củ Chi, chạy xuyên qua vùng đất liệt sĩ Nguyễn Điền đã ngã xuống, thấp thoáng xa xa một ngôi trường. Ngôi trường tình nghĩa Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Điền do đồng chí, đồng đội, bè bạn và Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố chung sức dựng xây để tưởng nhớ người sinh viên yêu nước, người trí thức trẻ bất khuất, kiên trung với cách mạng.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:16px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>T. V. N - H.Đ.N.T (Theo : “Căn cứ Thành Đoàn Sài Gòn-Gia Định 1960-1975” - NXB Trẻ 2009)</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"> </p>
<p> </p>
</body></html>