<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Các phong tục Tết lý thú ở các n</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#0000FF"><b>Các phong tục
Tết lý thú ở các nước Asean</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>TẾT BUỘC CHỈ CỔ TAY Ở LÀO:</b>
các bộ tộc Lào có một cái Tết rất vui nhộn là Tết Bun-gu-may, quen gọi là Tết
buộc chỉ cổ tay hay Tết té nước. Tết Bun-gu-may được tổ chức trong ba ngày
13,14,15 tháng 4 dương lịch. Mở đầu ngày Tết mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng,
rồi chúc nhau bằng cách buộc chỉ cổ tay. Những sợi chỉ bằng bông hay len mầu
xanh, hồng được buộc vào cổ tay nhau. Trong ba ngày Tết, ai được nhiều chỉ buộc
cổ tay được coi là gặp may mắn cả năm. Tiếp theo là tục té nước thơm cho tượng
Phật, sư sãi. Người ta càng vui càng té nhiều nước. Có người bưng cả xô nước
giội lên đầu nhau ướt mèm. Trong dịp Tết này ở một số nơi, người Lào còn làm lễ
phóng sinh cho chim, cá, rắn,... gọi là làm việc thiện đầu năm mới. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>TẾT CHOI CHNĂM THMÂY Ở CAM-PU-CHIA:</b>
còn gọi là Tết Núi Cát. Tết này được tổ chức rất trọng thể trong các ngày
12,13,14 và 15 tháng 4 dương lịch (tức vào trung tuần tháng Chett, lịch Khmer).
Để đón tết, các gia đình đều làm năm núi cát. Núi Mê-ra ở giữa (trung tâm vũ trụ)
và đông, tây, nam, bắc. Có nơi người ta không đắp bằng cát mà đắp năm núi bằng
trái cây, các loại bánh, hoặc những chẽn lúa,... Ngày đầu Tết Choi Chnăm Thmây,
đồng bào ăn mặc sặc sỡ đến chùa dự lễ, nghe sư đọc kinh cầu nguyện, tưới nước
thơm vào tượng Phật, sư sãi, dâng các loại bánh ngon lên ông bà cha mẹ để chúc
thọ và báo hiếu. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>TẾT LÚA Ở IN-ĐÔ-NÊ-XI-A:</b>
Tết bắt đầu từ đầu vụ mới, có cuộc diễu hành của các cây ngũ cốc diễn ra rất
trọng thể bằng những chiếc xe hoa. Để chuẩn bị cho Tết, người nông dân In-đô-nê-xi-a
chọn 16 ngôi sao gọi là Be-rang-vê-lu-cu, bằng cách lấy 16 cây mạ tốt cấy thành
một vòng tròn giữa ruộng đã cày bừa kỹ để tỏ lòng tôn sùng Chúa Gạo. Sau đó 16
cây lúa tốt lên, trổ bông, chín hạt thì được gặt cất riêng với niềm tin mùa tới
sẽ bội thu. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>TẾT NHỊN ĂN Ở MALAI-XI-A: </b>
Tết bắt đầu từ ngày đầu tiên trong năm tính theo Lịch Hồi giáo. Trước Tết 10
ngày, mọi người đã nhịn ăn (chỉ ăn nhẹ trước khi mặt trời lặn), để thể hiện sự
thông cảm với nỗi khốn khổ của những người nghèo trên trái đất như lời Thánh
A-la răn dạy. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>TẾT "ĐÓN THẦN" NA-ZA-RE-NO Ở
PHI-LI-PIN:</b> Na-za-reno là một pho tượng thánh bên trong nhà thờ Gi-y-a-po ở
thành phố Ma-ni-la cổ kính. Đây là pho tượng đặc biệt, được tạc bằng gỗ ở tư thế
qùy, vai vác một cây thánh giá lớn, dựng ở vị trí trung tâm của Thánh đường.
Tương truyền giáo đường này đã một lần bị hoả hoạn thiêu cháy toàn bộ, duy chỉ
có pho tượng vẫn nguyên vẹn chỉ bị khói làm cho đen nhẻm. Từ đó các tín đồ vô
cùng sùng bái và thành kính gọi pho tượng là Na-za- e-no Đen và tôn là Thần.
Hằng năm vào ngày 9-1, người ta đưa pho tượng từ trong nhà thờ ra cử hành lễ
rước rất long trọng. Họ đặt pho tượng lên trên một chiếc xe trang hoàng bằng hoa
tươi, cành lá xanh chung quanh, có những nam tín đồ đứng hộ Thần. Đám rước Thần
từ từ tiến về phía trước, hàng nghìn tín đồ vây quanh xe, tranh nhau hôn vào
chân, hoặc sờ vào chiếc áo choàng khoác trên pho tượng, không chen vào được thì
lấy khăn tay ném lên trước nhờ người lau vào pho tượng để đem về. Mọi người đều
tin rằng nếu sờ được vào bức tượng, thần sẽ ban cho họ sức mạnh chống lại bệnh
tật. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>TẾT ĐÈN Ở MI-AN-MA:</b> Tết
đèn được tổ chức rất long trọng vào các ngày 14 đến 16-7 lịch Mi-an-ma để
tỏ niềm tôn kínhđối với Thần Đèn. Những ngày đó, từ chiều tối tất cả mọi gia
đình, các cửa hiệu, chùa chiền, công sở, dinh thự... từ thành phố đến thôn quê
đều treo trước cửa những chiếc đèn lồng màu sắc rực rỡ. Người ta còn thả lên
trời vô vàn chiếc bóng bay có nhiều màu khác nhau. Không biết cơ man nào là đèn
của muôn nghìn kích cỡ, hình dàn, màu sắc. Ban đêm người ta ùa ra cửa để xem đèn,
rồi ca hát. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b>ĐAN THANH (st)</b></font></p>
</body>
</html>