<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Các ngày Tết trong năm</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#0000FF"><b>Các ngày Tết
trong năm</b></font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Tết Thanh Minh</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thanh Minh là tiết thứ năm trong
"nhị thập tứ khí" và đã được người phương Đông coi là một lễ tiết hàng năm. Tiết
Thanh Minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày. Theo nghĩa đen, Thanh là khí trong,
còn Minh là sáng sủa. Khi tiết Xuân Phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã
hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang tiết Thanh Minh (thường bắt
đầu trong tháng ba hoặc muộn lắm là đầu tháng tư âm lịch tuỳ từng năm). </font>
</p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Tết Đoan Ngọ</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ở nước ta, Tết Đoan ngọ được coi
trọng, xếp vào hàng thứ hai sau Tết Nguyên Đán. Vì vậy các cụ thường nói: "Mồng
5 ngày Tết". Học trò tết thầy, con rể tết bố mẹ vợ... quanh năm cũng chỉ tập
trung vào hai lễ Tết đó. </font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Tết Hàn Thực </font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Theo phong tục cổ truyền, ngày
mồng 3 tháng 3 tức Tết Hàn Thực, ta làm bánh chay. Tết này có xuất xứ từ bên
Trung Quốc, làm giỗ ông Giới Tử Thơi (một hiền sĩ thời Xuân Thu có công phò Tần
Văn Công), bị chết cháy ở núi Điền Sơn. </font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Tết Thượng Nguyên (Tết Nguyên
Tiêu) </font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tết Thượng Nguyên (Tết Nguyên
Tiêu) vào đúng Rằm tháng Giêng - ngày trăng tròn đầu tiên của năm. Tết này phần
lớn tổ chức tại chùa chiền, vì Rằm tháng Giêng còn là ngày vía của Phật tổ.
</font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Tết Trung Nguyên (Rằm tháng
Bảy) </font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Rằm tháng Bảy theo tín ngưỡng là
ngày xá tội vong nhân, nghĩa là bao nhiêu tội nhân ở dưới âm phủ ngày hôm đó đều
được tha tội. Bởi vậy trên dương thế mọi gia đình đều làm cỗ bàn, đốt vàng mã
cúng gia tiên và đồng thời cúng những linh hồn bơ vơ không được ai chăm sóc.
Người ta cũng thả chim lên trời, thả cá xuống sông, để làm điều phúc đức. </font>
</p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Tết Trung thu </font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tết Trung thu vào Rằm tháng Tám.
Trung thu là Tết của trẻ con nhưng người lớn cũng nhân đây họp mặt, uống rượu,
uống trà, ngắm trăng... Thường ban ngày người ta làm lễ cúng gia tiên, tối mới
bày hoa quả, bánh kẹo, chè cháo để trẻ con vui chơi, phá cỗ, trông trăng rước
đèn... Nhiều nơi còn tổ chức hát trống quân (trai gái hát đối đáp trong tiếng
trống đệm nhịp). </font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Tết Hạ Nguyên </font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tết Hạ nguyên vào Rằm hay mồng
Một tháng Mười. Ở nông thôn, Tết này được tổ chức rất lớn vì đây là dịp nấu cơm
gạo mới của vụ vừa xong - trước là để cúng tổ tiên, sau để thưởng công cày cấy.
</font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Tết Trùng Cửu </font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mồng Chín tháng Chín (âm lịch) là
Tết Trùng cửu. Tết này bắt nguồn từ sự tích của đạo Lão. Thời Hán, có người tên
gọi Hoàn Cảnh, đi học phép tiên. Một hôm, thầy Phí Tràng Phòng bảo Hoàn Cảnh
khuyên mỗi người trong nhà nên may một túi lụa đựng hoa cúc, rồi lên cao mà tạm
trú ngụ. </font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Tết Trùng thập </font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tết của các thầy thuốc. Theo sách
Dược lễ thì ngày Mười tháng Mười (âm lịch cây thuốc mới tụ được khí âm dương,
mới kết được sắc tứ thời (Xuân-Hạ-Thu-Đông) trở nên tốt nhất. Ở nông thôn Việt
Nam, đến ngày đó người ta thường làm bánh dày, nấu chè kho để cúng gia tiên rồi
đem biếu những người thân thuộc (chứ không mấy quan tâm đến cây thuốc, thầy
thuốc). </font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Tết Táo quân </font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tết Táo quân vào ngày 23 tháng
Chạp - người ta coi đây là ngày "vua bếp" lên chầu Trời để tâu lại việc bếp núc,
làm ăn, cư xử của gia đình trong năm qua. Cứ phiên chợ 23 tháng Chạp, mỗi gia
đình thường mua 2 mũ ông Táo, 1 mũ bà Táo bằng giấy và 3 con cá chép làm "ngựa"
(chuyện cá chép hóa rồng) để Táo quân lên chầu trời. Sau khi cúng trong bếp, mũ
được đốt và cá chép được mang ra thả ở ao, hồ, sông… </font></p>
</body>
</html>