<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>APEC - Nơi hội tụ những hiểu biế</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">APEC - Nơi hội
tụ những hiểu biết chung về kinh tế toàn cầu</font></b></p>
<div style="float: left; width: 204px; height: 29px">
<table border="1" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="APEC.bmp" width="296" height="140"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hội nghị không chính thức của các
nhà lãnh đạo các nền kinh tế Châu A - Thái Bình Dương (APEC 14) họp từ 17 đến
19/11/2006 vừa qua tại Hà Nội. Trước đó, Mỹ dự tính nhân hội nghị APEC 14 sẽ đề
nghị đại biểu các nền kinh tế thành viên ký kết luôn Hiệp định tự do mậu dịch
khu vực và Tuyên bố chung của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên. Mặc dù vấn đề
khu vực tự do mậu dịch Châu Á - Thái Bình Dương không được đưa vào chương trình
nghị sự, nhưng đại biểu các nền kinh tế thành viên do Việt Nam đứng đầu vẫn đồng
ý xem xét và coi đó là "đề tài nghiên cứu trong tương lai"; sẽ đưa nó vào tuyên
bố chung và khuyến khích các học giả quan tâm nghiên cứu.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nội dung bản Tuyên bố chung của
APEC 14 rất rộng, bao gồm: Về tự do mậu dịch thế giới, các nhà lãnh đạo nền kinh
tế thành viên APEC ủng hộ tự do mậu dịch toàn cầu và cho rằng việc thúc đẩy tiến
trình đàm phán Doha là "nhiệm vụ hàng đầu". Về tự do mậu dịch khu vực, các nhà
lãnh đạo thừa nhận việc thành lập khu vực tự do mậu dịch có "khó khăn thực tế",
vì vậy đồng ý sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm. Các nhà lãnh đạo nền kinh tế thành
viên APEC sẽ có báo cáo về vấn đề này trong lần hội nghị không chính thức tiếp
theo.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hiện tại xu thế toàn cầu hoá ngày
càng phát triển trình độ sức sản xuất thế giới ngày càng nâng cao, khu vực Châu
Á - Thái Bình Dương đang đứng trước cơ hội phát triển chưa từng có. Đồng thời,
thế giới và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề
phức tạp, các quốc gia khu vực phải đối đầu với nhiều thách thức cam go cần phải
giải quyết một cách nghiêm túc. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Việc hòa nhập APEC với WTO là
bước đi đầu tiên của toàn cầu hóa kinh tế. Toàn cầu hoá có ít nhất 6 đặc trưng
chủ yếu sau đây:</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>1- Sử dụng rộng rãi Anh ngữ.
</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hiện nay, trên mạng Internet,
trên báo chí, trên các văn bản pháp quy và tài liệu khoa học kỹ thuật… phần lớn,
người ta dùng Anh ngữ để diễn đạt, chuyển tải thông tin. Nếu không học tập thông
thạo Anh ngữ khó có thể thích ứng với môi trường cạnh tranh quốc tế khi gia nhập
WTO. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>2- Quốc tế hoá 4 thị trường
lớn. </b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thị trường hàng hoá, thị trường
dịch vụ và kỹ thuật, thị trường tài chính tiền tệ, thị trường nhân tài. Điều đó
có nghĩa là mỗi sản phẩm hàng hoá, mỗi loại dịch vụ, mỗi loại kỹ thuật, mỗi đồng
vốn và mỗi người chúng ta (người là một loại hàng hoá đặc biệt), khi được đưa ra
thị trường thì đó là thị trường quốc tế. Chỉ cần đối thủ cạnh tranh là đối thủ
quốc tế thì dù là cạnh tranh ở trong hay ngoài nước đều là cạnh tranh quốc tế.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>3- Các công ty đa quốc gia
lũng đoạn nền kinh tế thế giới.</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Có khoảng 10 vạn công ty đa quốc
gia với hàng triệu chi nhánh và hàng chục triệu cơ sở thương mại có mặt ở khắp
thế giới. Các công ty đa quốc gia và các công ty đối tác đã trực tiếp giải quyết
việc làm cho khoảng 10% và gián tiếp giải quyết việc làm cho khoảng 20% lao động
thế giới; số thuế mà các công ty đa quốc gia nộp cho các nước sở tại bằng
30% tổng thu nhậptài chính của các nước đó; giá trị sản phẩm hàng hoá do nó tạo
ra bằng 40% tổng giá trị sản phẩm hàng hoá của tất cả các công ty có mặt trên
toàn cầu. Các công ty đa quốc gia đã lũng đoạn 50% tổng giá trị sản phẩm hàng
hoá, 60% giá trị thương phẩm mậu dịch, 70% giá trị dịch vụ mậu dịch, 80% giá trị
kỹ thuật mậu dịch và 90% giá trị đầu tư toàn cầu.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>4- Toàn cầu hoá pháp chế.</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Toàn cầu hoá pháp chế được bắt
đầu từ việc toàn cầu hoá hệ thống luật kinh tế. 16 văn kiện cơ bản của WTO, hàng
trăm văn kiện song phương cùng với vô số các luật lệ quốc tế về đầu tư, mậu dịch
đều có ảnh hưởng trực tiếp đến việc lập pháp của các nước. Nói tóm lại, những
đặc sắc của mỗi dân tộc thì vẫn còn, nhưng mọi hoạt động kinh tế, văn hoá hầu
như sẽ phải sửa đổi phù hợp với trào lưu quốc tế hoá. Nhân dân các nước không
thể tránh khỏi sự ảnh hưởng của lối sống và phương thức quản lý trong hoàn cảnh
toàn cầu hoá pháp chế. Nhìn chung thì toàn cầu hoá pháp chế sẽ có lợi cho nhân
dân các nước, nhưng đó cũng là tai họa đối với một số người. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Toàn cầu hoá pháp chế là một xu
thế, một quá trình chứ không phải là nhất thể hoá, cũng không phải là mất chủ
quyền quốc gia. Mỗi nước có quyền giải thích khái niệm pháp trị theo cách riêng
của mình, nhưng khi làm luật cần phải tham khảo, đối chiếu luật pháp của nước
khác và nhất thiết phải tôn trọng các nguyên tắc minh bạch, mỗi người khi thực
hiện quá trình lập pháp, tư pháp, hành pháp đều phải chịu sự giám sát quốc tế.
Đó chính là toàn cầu hoá pháp chế. Toàn cầu hoá pháp chế là sự đảm bảo của toàn
cầu hoá kinh tế.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>5- Sử dụng rộng rãi kỹ thuật
tin học và khoa học kỹ thuật hiện đại được phổ cập nhanh.</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Kỹ thuật tin học đang phát triển
như vũ bão khiến cho ngành tin học và ngành kỹ thuật tin học trở thành "điểm
tăng trưởng kinh tế" mới của toàn cầu; càng quan trọng hơn nữa là nó giúp cho
các ngành nghề khác hạ giá thành sản phẩm và tăng nhanh năng xuất lao động. Khoa
học kỹ thuật hiện đại, chu kỳ từ phát minh đến thiết kế, chế tạo rồi phổ biến,
ứng dụng, ngày càng rút ngắn; tri thức, ngay trong giai đoạn nghiên cứu, cũng có
thể thành sản phẩm hàng hoá. Đó gọi là "vốn khái niệm", "đầu tư rủi ro" trong
kinh tế mới. Trong kinh tế đương đại thì tri thức là phần quan trọng cấu thành
tư bản. Vì vậy, người ta còn gọi kinh tế đương đại là "kinh tế tri thức". Bảo vệ
quyền sở hữu trí tuệ là một nguyên tắc quan trọng của tự do hoá mậu dịch WTO.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Kỹ thuật tin học giúp thúc đẩy
phát triển loại hình dịch vụ thương mại điện tử, làm tăng nhanh tốc độ lưu thông
vật tư, vốn liếng và trao đổi nguyên vật liệu. Việc phổ cập loại hình thương mại
điện tử càng làm cho các khái niệm truyền thống về "biên giới quốc gia", "hải
quan cửa khẩu" trở nên mơ hồ. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>6- Quốc tế hoá mục tiêu phát
triển của nhân loại. </b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trình độ phát triển của các nước
là không đồng đều, bối cảnh văn hoá của các dân tộc cũng không giống nhau, nhưng
tất cả đều thống nhất về lợi ích trên những vấn đề lớn như: an ninh địa cầu,
thương mại điện tử, an ninh kỹ thuật, môi trường, quyền lợi sinh tồn, khả năng
duy trì sự phát triển… Do đó loài người phải đoàn kết với nhau như người trong
một đại gia đình. </font></p>
<p align="right" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2"><b>NGUYỄN THÀNH TIẾN</b></font></p>
<p align="right" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2"><b>(Tổng hợp từ http://www.yzzk.com)</b></font></p>
</body>
</html>