<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Tường thuật buổi giao lưu trực t</title>
</head>
<body>
<span class="indexstorytext" id="lbTeaser">
<p><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Tường thuật buổi giao lưu trực
tuyến với anh Võ Văn Thưởng - Bí thư thứ nhất Trung
ương Đoàn</font></b></p>
<div align="center" style="float: left; width: 121px; height: 148px">
<table border="0" cellpadding="0" style="border-collapse: collapse" width="109%" id="table1">
<tr>
<td><img border="0" src="anhthuong.jpg" width="119" height="120"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhân tháng Thanh niên 2007, từ 9h hôm nay ngày 01/03, Báo
Thanh Niên tổ chức giao lưu trực tuyến với anh Võ Văn Thưởng - Bí thư thứ
nhất T.Ư Đoàn. Bạn đọc quan tâm đến việc học hành, việc làm, đời sống văn hóa
tinh thần và các chương trình của tổ chức Đoàn - Hội hỗ trợ cho bạn trẻ…Website
Thành Đoàn TP.HCM tường thuật toàn văn buổi giao lưu này. </font></p>
<p align="justify"></span><span class="indexstorytext">
<font face="Arial" size="2">Sau đây là diễn tiến buổi giao lưu</font></span><font face="Arial" size="2"><span class="indexstorytext" id="lbTeaser"><span class="indexstorytext" id="lbTeaser0">.</span></span></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<span class="indexstorytext" id="lbBody"><font color="#009900"><i>
<span class="interview_question">* Anh là một Bí thư thứ nhất trẻ nhất của Đoàn,
anh có cảm giác như thế nào khi làm việc với các đồng chí trong BBTTƯ Đòan đều
lớn tuổi hơn mình? Anh có dự định gì để làm cho Đoàn ta "trẻ lại" khi có một bí
thư thứ nhất trẻ nhất không, có người nói Đoàn đang già đi, nặng nề, "hành chính
hóa" nhiều hơn trước mất rồi! Anh có ý kiến gì trước ý kiến này? </span>
<span class="interview_asker">(Nguyễn Khắc Kỳ, 40 tuổi, Nam, 9/3 Trần Quốc
Tuấn,P4, TX Bến Tre, Lao động tự do)</span></i></font><br>
<br>
<span class="interview_reply"><strong>- Anh Võ Văn Thưởng:</strong> Được làm
việc trong một tập thể lãnh đạo những có nhiều người lớn tuổi hơn mình là một
may mắn vì tôi sẽ học tập được nhiều kinh nghiệm vốn sống. Tôi rút ra được điều
đó khi làm Bí thư Quận ủy Q.12 (TP.HCM) nhưng là người trẻ nhất trong Ban chấp
hành. Tôi vẫn không ngừng học tập rèn luyện để xứng với nhiệm vụ đang làm. Đoàn
luôn luôn trẻ vì Đoàn gắn bó mật thiết với giới trẻ, trăn trở suy nghĩ cùng giới
trẻ, lấy nguyện vọng và lợi ích chính đáng của giới trẻ làm cơ sở để xác định
các chương trình nội dung, công tác. Nếu cán bộ Đoàn không gắn bó với thanh
niên, không trăn trở suy nghĩ cùng thanh niên Đoàn sẽ bị "hành chánh hoá", sẽ
"già" đi. </span><br>
<br>
<i><font color="#009900"><span class="interview_question">* Theo anh, lý tưởng
của thanh niên ngày nay là gì? Bằng cách nào để giáo dục/xây dựng lý tưởng đó
cho thanh niên? </span><span class="interview_asker">(Mac Van Trang, 70 tuổi,
Nam, HaNoi, Giao vien nghi huu)</span><br>
</font></i><br>
<span class="interview_reply"><strong>- Anh Võ Văn Thưởng:</strong> Lý tưởng của
thanh niên hiện nay hòa quyện với khát vọng của toàn dân tộc, quyết tâm hành
động đưa nước ta phát triển giàu mạnh, đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh
phúc, xã hội công bằng, dân chủ văn minh theo đường lối đổi mới do Đảng khởi
xướng và lãnh đạo. Tuyên truyền để thanh niên hiểu về mục tiêu của Đảng về con
đường đi lên của đất nước; vận động đưa thanh niên nhập cuộc rèn luyện mình
trong thực tiễn sinh động của công cuộc xây dựng đất nước là cách bồi dưỡng lý
tưởng tốt nhất vì chỉ khi đó thanh niên mới hiểu, có tình cảm, tin tưởng và hành
động thúc đẩy sự nghiệp đó thành hiện thực.</span></span></font></p>
<span class="indexstorytext" id="lbBody0">
<p align="justify"><font color="#009900" face="Arial" size="2"><i>
<span class="interview_question">* Anh Thưởng nhìn nhận như thế nào về những
thách thức với tổ chức Đoàn trong thời kỳ hội nhập, hợp tác và cạnh tranh toàn
cầu? </span><span class="interview_asker">(Vương Quang Thái, 27 tuổi, Nam,
Singapore, Sinh viên)</span></i></font><span class="interview_reply"></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>- Anh Võ Văn Thưởng:</strong>
Thách thức lớn nhất của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là phải phát triển
vững mạnh để xứng tầm là tổ chức của những thanh niên tiên tiến được mang tên
Bác Hồ kính yêu; thực hiện tốt chức năng trường học xã hội chủ nghĩa của thanh
niên với những nội dung và phương thức mới phù hợp với thời kỳ hội nhập, hợp tác
và cạnh tranh toàn cầu. Một trong những nội dung quan trọng là góp phần chuẩn bị
nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển đất nước nhanh
và bền vững với tư cách là thành viên của WTO. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Vì vậy Đoàn phải đổi mới tổ chức
để phù hợp với tính đa dạng về môi trường, điều kiện hoạt động của thanh niên;
đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để chia sẻ hỗ trợ được nhiều hơn lợi
ích của giới trẻ; vận động được nhiều hơn thanh niên tham gia vào các chương
trình hành động cách mạng... Đoàn phải đổi mới công tác cán bộ để xây dựng được
đội ngũ cán bộ giỏi đáp ứng yêu cầu công tác. </font></p>
<div align="center">
<table border="0" cellpadding="0" style="border-collapse: collapse" width="100%" id="table2">
<tr>
<td align="center">
<img border="0" src="toan%20canh.jpg" width="350" height="228"></td>
</tr>
<tr>
<td align="center"><b><i>
<font face="Arial" size="1" color="#000080">Toàn cảnh buổi giao lưu
- Ảnh Lưu Quang Phổ</font></i></b></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"></span><font face="Arial" size="2"><font color="#009900"><i>
<span class="interview_question">* Nước ta là nước có
dân số trẻ, lực lượng thanh niên chiếm tỷ lệ khá lớn. Vậy anh (hay Trung ương
Đoàn) có những chương trình hành động gì để biến lực lượng này thành sức mạnh
của quốc gia để bước vào hội nhập WTO? </span><span class="interview_asker">
(Tuấn Anh, 35 tuổi, Nam, Quận Bình Thạnh HCM, kỹ sư XD)</span></i></font><br>
<br>
<span class="interview_reply"><b>- Anh Võ Văn Thưởng: </b>Lực lượng thanh niên
chỉ có thể trở thành sức mạnh của quốc gia khi thực sự có hoài bão lớn, thực sự
là nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao. Để có nguồn nhân lực trẻ chất lượng
cao, cần có giải pháp tổng thể của nhà nước. Động viên giới trẻ không ngừng rèn
luyện, học tập, để nâng cao trình độ, ngoại ngữ, tin học, luật pháp quốc tế...
Nâng cao kỹ năng lao động, kỹ năng hội nhập; bồi dưỡng phát hiện nhân rộng những
điển hình là "nhà lãnh đạo quản lý trẻ giỏi" "doanh nhân trẻ giỏi"; "nhà khoa
học văn hóa trẻ giỏi"; "người thợ trẻ giỏi" để cổ vũ cho thanh niên học tập noi
theo, là cách làm của Đoàn Thanh niên Cộng sản, góp phần bồi dưỡng nguồn nhân
lực trẻ - một yếu tố quan trọng tích hợp thành năng lực cạnh tranh quốc gia
trong quá trình phát triển của đất nước. </span></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><em><font color="#009900">* Việt
Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi và đang được mong đợi sẽ có những thay đổi
đột phá. Trong tiến trình này, vai trò và tiếng nói của giới trẻ ngày càng trở
nên mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, theo tôi quan sát, Đoàn TNCS HCM không tạo được dấu
ấn rõ rệt trong việc thu hút thanh niên tham gia các hoạt động của Đoàn. Nói một
cách thẳng thắn, thanh niên hiện nay - cả thành thị lẫn nông thôn - không tìm
thấy lợi ích và cảm hững trong việc tham gia các hoạt động Đoàn. Ý kiến của anh
về quan điểm này? (Trần Mạnh Cường, 29 tuổi, Nam, Đống Đa, Hà Nội, Nhân viên)</font></em></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>- Anh Võ Văn Thưởng: Tôi</strong>
nghĩ rằng Đoàn đã tạo ra được những dấu ấn thật rõ, thật ấn tượng khi thu hút từ
5-6 triệu lượt thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện mỗi năm. Qua các
hoạt động ấy thanh niên đã được trưởng thành hơn rất nhiều vì học được nhiều bài
học từ cuộc sống, xã hội cũng đánh giá Đoàn và thanh niên tốt hơn vì những việc
làm thiết thực. Các chiến dịch Hè tình nguyện, chiến dịch Mùa hè xanh, Kỳ nghỉ
hồng, Ngày thứ bảy tình nguyện, Ngày hội hiến máu do các cơ sở Đoàn tổ chức mang
đến cho thanh niên nhiều cảm hứng được cống hiến, được làm việc có ích là dấu ấn
rõ rệt thu hút thanh niên tham gia các hoạt động của Đoàn. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Dĩ nhiên, như vậy vẫn là chưa đủ
chưa xứng với kỳ vọng của xã hội dành cho Đoàn. Đất nước đang có những vận hội
mới để phát triển và chắc chắn sẽ có những phát triển đột phá. Thực tiễn sinh
động của quá trình phát triển ấy chắc chắn sẽ tạo cho Đoàn những cơ hội mới để
tổ chức thêm nhiều chương trình, nhiều hoạt động thu hút thanh niên.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#009900"><em>* Anh nghĩ gì
khi thế hệ trẻ hôm nay luôn đặt mục đích kinh tế lên hàng đầu? Việc vận động sẽ
như thế nào để tập hợp được thanh niên tham gia? Chân thành cảm ơn (nguyễn Hồng
Sơn, 30 tuổi, Nam, Duy Trung, BT chi đoàn)</em></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>- Anh Võ Văn Thưởng:</strong>
Để xây dựng đất nước giàu mạnh, để đất nước sớm ra khỏi tình trạng kém phát
triển thì phát triển kinh tế phải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đoàn TNCSHCM
khuyến khích tuổi trẻ làm kinh tế, làm giàu chính đáng cho mình và đóng góp thật
nhiều cho xã hội, cho đất nước. Đoàn đã có nhiều chương trình, nhiều cuộc vận
động khuyến khích thanh niên làm kinh tế như tuổi trẻ hội nhập kinh tế quốc tế,
xây dựng hình ảnh doanh nhân (bằng giải thưởng Sao đỏ), xây dựng thương hiệu
Việt (bằng giải thưởng Sao vàng đất Việt); khuyến khích thanh niên vượt nghèo
làm giàu bằng tư vấn hỗ trợ vốn vay, chuyển giao khoa học công nghệ, kiến thức
để chuyển đổi cây trồng vật nuôi... Các chương trình ấy đã thu hút được rất
nhiều thanh niên tham gia.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#009900"><em>* Anh sẽ
khuyên thanh niên Việt Nam nên phấn đấu nên làm ở Công ty nhà nước hay công ty
tư nhân? (Ngô Văn Chung, 32 tuổi, Nam, 3 An Dương - Tây Hồ - Hà Nội, KS CNTT)</em></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>- Anh Võ Văn Thưởng:</strong>
Tôi khuyên các bạn hãy chọn nơi mà mình thấy phù hợp để làm việc, để phát huy sở
trường và thi thố tài năng để làm lợi cho gia đình mình, cho xã hội và cho đất
nước được nhiều nhất. Thước đo giá trị của người thanh niên không phải ở chỗ họ
làm cho doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân mà ở chỗ họ đã đóng góp
được gì cho xã hội, cho đất nước.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<span class="indexstorytext" id="lbBody1"><font color="#009900"><i>
<span class="interview_question">* Xin hoi anh, anh co thay dau long khi rat
nhieu nguoi nghi rang, khong phai la tat ca, nhung cung khong phai la it rang
can bo doan la nhung nguoi co hoi? Neu anh thay dung o mot chung muc nao do, xin
hoi anh co giai phap gi de lam cho nguoi can bo doan mai giu duoc hinh anh dep
va trong sang cua minh ?</span> <span class="interview_asker">(Nguyen Tan Son,
30 tuổi, Nam, Melboune, Sinh vien)</span><br>
</i></font><br>
<span class="interview_reply"><b>- Anh Võ Văn Thưởng:</b> Tôi nghĩ đa số cán bộ
Đoàn sống trong sáng, hết mình với công việc tuy vất vả nhưng hòa đồng và chia
sẻ với mọi người, luôn lạc quan yêu đời vì vậy nhiều người bảo cán bộ Đoàn là
những người "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Nhưng cũng rất đáng tiếc, trong
đội ngũ cán bộ Đoàn cũng còn có người chưa tốt, chưa gương mẫu. Tôi nghĩ cuộc
sống sẽ rất công bằng và các tập thể thanh niên cũng sẽ rất sáng suốt nhận ra,
đấu tranh để những người ấy tốt lên. </span><br>
<br>
<font color="#009900"><i><span class="interview_question">* Nam 2007, mot cuoc
van dong lon duoc thuc hien trong Doan la "Tuoi tre hoc tap va lam theo loi
Bac". Day la mot cuoc van dong rat thieng lieng nhung lai cuc ki kho tim ra
nhung phuong thuc thuc hien hieu qua. Bi thu co the de ra mot vai giai phap, ap
dung cho cac co so Doan? </span><span class="interview_asker">(Dang Vu Anh, 27
tuổi, Nữ, Ha Noi, Cong chuc Nha nuoc)</span><br>
</i></font><br>
<span class="interview_reply"><b>- Anh Võ Văn Thưởng:</b> "Tuổi trẻ VN học tập
và làm theo lời Bác" là cách làm sáng tạo của Đoàn hưởng ứng cuộc vận động "Học
tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Đảng phát động. Với yêu cầu
làm cho những lời dạy và tấm gương đạo đức của Bác đi vào giới trẻ một cách tự
giác. Thực hiện cuộc vận động này là quá trình không ngừng tự phê bình và phê
bình để xây dựng những thói quen, phẩm chất tốt đẩy lùi, ngăn chặn những thói hư
tật xấu đã và đang hình thành trong giới trẻ. Cách làm thì rất nhiều, tôi xin
nêu ví dụ: Trên cơ sở định hướng nội dung hệ thống tư liệu do Trung ương Đoàn
cung cấp, sự gợi mở hướng dẫn của báo cáo viên mỗi Đoàn cơ sở phải tổ chức được
cho Đoàn viên thanh niên trao đổi, tranh luận, viết cảm nhận của mình trong các
buổi sinh hoạt chuyên đề, xem phim tư liệu về tấm gương đạo đức của Bác. Nêu ra
những thói hư tật xấu của cá nhân và tập thể cần đẩy lùi..., nêu những điều hay
điều tốt cần nhân rộng hoặc phấn đấu thực hiện. Tôi nghĩ nếu có tình cảm và
trách nhiệm thực sự sẽ nảy sinh những cách làm sáng tạo. </span></span></font>
</p>
<div align="center">
<table border="0" cellpadding="0" style="border-collapse: collapse" width="100%" id="table3">
<tr>
<td align="center">
<img border="0" src="toan%20canh%201.jpg" width="350" height="263"></td>
</tr>
<tr>
<td align="center"><i><b>
<font face="Arial" size="1" color="#000080">Anh Võ Văn Thưởng đang
giao lưu với bạn đọc - Ảnh TPO</font></b></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<span class="indexstorytext" id="lbBody2">
<p align="justify"><i><font face="Arial" size="2" color="#009900">
<span class="interview_question">* Tôi là một đoàn viên. Từ lâu nay, trong tổ
chức Đoàn chúng ta vẫn tồn tại năm này qua năm khác các cuộc thi tìm hiểu về các
sự kiện lịch sử, các lễ kỷ niệm... một cách hình thức và phản tác dụng. Đề thi
được gửi về các chi đoàn kèm theo đề cương trả lời, thậm chí cả hướng dẫn, đáp
án trả lời. Thực tế như sau, các bài in được in ra, mỗi đoàn viên chỉ việc điền
tên và gửi, chi đoàn chỉ việc đếm tập hợp đủ bài rồi nộp lên đoàn cấp trên. Mọi
người ai cũng ngao ngán các hình thức thi tìm hiểu kiểu này nhưng nó vẫn tồn tại
hàng năm. Cực chẳng đã mọi người phải tham gia, không chút hào hứng. Bài thi vẫn
đủ, nhưng nó chẳng mang một lợi ích nào cả nếu vẫn nhắm mắt để tổ chức các cuộc
thi kiểu này. Anh có nắm được thực tế và có giải pháp nào để phát huy tính tốt
đẹp của các cuộc thi tìm hiểu? </span><span class="interview_asker">(HPTT, 30
tuổi, Nam, Huế, TT)</span></font></i><span class="interview_reply"></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>- Anh Võ Văn Thưởng:</b> Tổ
chức các cuộc thi tìm hiểu chính là để khuyến khích người dự thi tự tìm tòi
nghiên cứu nâng cao sự hiểu biết và nhận thức của mình về những sự kiện lịch sử
để yêu và tự hào hơn về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Đảng. Trong
thực tế đã có nhiều cuộc thi rất thành công thu hút được đông đảo thanh niên
tham gia, để lại dấu ấn tốt trong xã hội như: cuộc thi "Tuổi trẻ VN tiến bước
dưới cờ Đảng", "75 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản VN".... </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cũng trong thực tế đã xuất hiện
một số cách làm hình thức, chạy theo chỉ tiêu thành tích dẫn đến việc làm sẵn
một bài rồi photo cho cả trường cả lớp. Cải tiến và nâng chất việc tổ chức các
cuộc thi, khắc phục được cách làm hình thức ấy sẽ trả lại cho các cuộc thi ý
nghĩa tốt đẹp của nó. Để làm được điều đó thì sự chỉ đạo của Ban Bí thư T.Ư Đoàn
thôi chưa đủ mà còn cần sự tự giác của cả đội ngũ cán bộ Đoàn, của các cấp bộ
Đoàn và của chính người dự thi. </font></span><font face="Arial" size="2"><br>
<br>
<i><font color="#009900"><span class="interview_question">* Trong thời đại hiện
nay, đã xuất hiện những mặt trận tập hợp thanh niên rất mới, đó là Internet, là
Blog, là Forum… Và không thể phủ nhận sức ảnh hưởng rất lớn của những mặt trận
không chính thức này đến thanh niên ở rất nhiều phương diện, từ suy nghĩ, tâm tư
đến hành động. Song song đó là sự ảnh hưởng đáng báo động của những thứ văn hóa
đen, những văn hóa độc hại và phản động ngày càng tràn lan trên mạng. Vậy vai
trò của Đoàn trong việc định hướng suy nghĩ, hành động cũng như giáo dục thanh
niên trong kỉ nguyên số sẽ như thế nào? </span><span class="interview_asker">
(Phạm Nguyễn Thanh Quang, 21 tuổi, Nam, 12/2B Nguyễn Huy Tự, P.Đakao, Q.1, TP.Hồ
Chí MInh, Sinh viên)</span></font></i></font><span class="interview_reply"></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>- Anh Võ Văn Thưởng:</b>
Internet mang đến cho giới trẻ cơ hội học tập và làm giàu kiến thức thật to lớn,
nó cũng làm cho khoảng cách của mọi người ngắn lại. Những ứng dụng của nó như
blog, chat-room, forum, game online... tạo điều kiện cho giới trẻ được thể hiện
cái tôi, cái riêng có của mình một cách độc đáo và sáng tạo; giao lưu với các
bạn bè gần xa trong điều kiện thời gian, không gian khác nhau, vì vậy đã thu hút
được rất nhiều bạn trẻ. Tôi biết được đã có rất nhiều cuộc gặp gỡ offline của
những blogger, chatter, game club với nhiều hoạt động bổ ích và thú vị. Đoàn
TNCS hoan nghênh các hoạt động đó và coi việc chưa đến được với các bạn là thiếu
sót của mình trong giai đoạn hiện nay. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tôi cũng biết cũng có những blog,
chat-room, forum, game làm cho nhiều bậc phụ huynh mất ăn, mất ngủ, nhiều bạn
trẻ phờ phạc, tiều tuỵ sức khỏe. Đó là mặt trái vì đã lạm dụng. Đoàn sẽ tham gia
cổ vũ và phát triển những yếu tố tích cực như tôi vừa nói thông qua việc bình
chọn và giới thiệu cho bạn trẻ những web, blog, forum, game... hay và giàu tính
giáo dục, dành những phần thưởng xứng đáng cho những bạn trẻ có những đóng góp
tích cực để tạo ra những web, blog hay đó. Nội dung này đã được Ban Bí thư Trung
ương Đoàn đề cập trong xây dựng chương trình công tác năm 2007. </font></p>
<span class="indexstorytext" id="lbBody3">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#009900"><em>* Thưa anh
Thưởng, có hôm mấy đứa bạn em đã cá nhau người ngồi ăn cơm một mình ở quán “cơm
bụi” có phải là anh. Sau đó em đã nhận ra đúng là anh thường ăn cơm bụi mỗi suất
chỉ từ 10-15 ngàn tại một quán cơm ở đường Nguyễn Du? Có phải đó là anh không ạ?
(Thanh Nguyen, 20 tuổi, Nam, Hà Nội, sinh vien)</em></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>- Anh Võ Văn Thưởng:</strong>
Tôi vẫn thỉnh thoảng ngồi ăn cơm "bụi" ở đường Nguyễn Du. Tôi nghĩ rằng đó là
việc bình thường như bao bạn trẻ khác.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#009900"><em>* Xin duoc
hoi ve trinh do hoc van cua anh? (vo long quan, 27 tuổi, Nam, 135 rue gểnal
leclẻ, sinh vien)</em></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>- Anh Võ Văn Thưởng:</strong>
Tôi tốt nghiệp thạc sĩ Triết học trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<span class="indexstorytext" id="lbBody4"><font color="#009900"><i>
<span class="interview_question">* Anh suy nghĩ gì về đời sống tinh thần của
đông đảo công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay? Anh có quan tâm đến vấn đề
đó không? Anh suy nghĩ như thế nào về hiện tượng sinh viên các trường đại học,
cao đẳng ở TP.HCM theo đạo ngày càng tăng? Cảm ơn anh rất nhiều! </span>
<span class="interview_asker">(Hai Au, 22 tuổi, Nam, Thu duc tp ho chi minh,
sinh vien)</span></i></font><br>
<br>
<b>- Anh Võ Văn Thưởng: </b>Thanh niên công nhân tại các khu công nghiệp hiện
nay gặp rất nhiều khó khăn trong hưởng thụ các sinh hoạt văn hoá, tinh thần.
Việc hỗ trợ các hoạt động nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho thanh niên ở các
khu công nghiệp, khu chế xuất là một nội dung Đoàn rất quan tâm và đã tổ chức
được nhiều hoạt động bổ ích như các đêm hội thanh niên công nhân, hội khỏe thanh
niên công nhân, chương trình văn nghệ vòng quanh các khu chế xuất, khu công
nghiệp. Tuy nhiên, so với nhu cầu của các bạn các hoạt động đó còn rất ít ỏi.</span></font></p>
<div align="center">
<table border="0" cellpadding="0" style="border-collapse: collapse" width="100%" id="table4">
<tr>
<td align="center">
<img border="0" src="anh%20thuong%203.jpg" width="350" height="315"></td>
</tr>
<tr>
<td align="center"><b><i>
<font face="Arial" size="1" color="#000080">Nụ cười luôn nở trên môi
khi anh nhận được những câu hỏi khó từ bạn đọc</font></i></b></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<span class="indexstorytext" id="lbBody4"><i><font color="#009900">
<span class="interview_question">* Thưa anh Thưởng, trong bối cảnh hiện nay, em
nghĩ rằng Đoàn cũng cần sự chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp trong hoạch định chiến
lược, điều hành, trong công tác đào tạo và xây dựng cơ sở. Suy nghĩ của anh như
thế nào về vấn đề này? (Nguyễn Tiến Quỳnh, 24 tuổi</span>;<span class="interview_asker">Quang
Bình, 28 tuổi, Nam, Hà Nội, kỹ sư)</span></font></i><br>
<br>
<b>- Anh Võ Văn Thưởng: </b>Ban Bí thư T.Ư Đoàn luôn đòi hỏi: khi xác định nội
dung một chương trình công tác phải thật sự khoa học, phù hợp với thực tiễn cuộc
sống với nhu cầu và nguyện vọng của giới trẻ; khi tổ chức một hoạt động cụ thể
phải chặt chẽ về chương trình hấp dẫn thanh niên và giàu tính giáo dục; khi đi
cơ sở phải biết phát hiện mô hình hay để nhân rộng, phát hiện vấn đề khó để giải
quyết; cán bộ Đoàn luôn phải đặt mình trong "trường suy nghĩ" của thanh niên,
biết sử dụng những công cụ hiện đại trong làm việc... Tôi nghĩ đó chính là hướng
đến sự chuyên nghiệp trong công tác của Đoàn. <br>
<br>
<font color="#009900"><i><span class="interview_question">* Chào anh, với tư
cách là thủ lĩnh của thanh niên, anh nghĩ gì khi mà một đoàn viên thanh niên khi
bặp khó khăn về một vấn đề gì đó (như học hành, việc làm, nơi sinh hoạt cộng
đồng, vốn vay hỗ trợ làm ăn...), nơi đầu tiên họ nghĩ đến không phải là tổ chức
Đoàn - người bạn của thanh niên? Anh sẽ làm gì để khắc phục thực tế này? (Hùng
Văn, Q.Bình Thạnh, TP.HCM;</span><span class="interview_asker"> Văn Nam, 22
tuổi, Nam, Đà Nẵng, sinh viên)</span><br>
</i></font><br>
<strong>- Anh Võ Văn Thưởng:</strong> Tôi buồn vì Đoàn chưa đủ sự tin cậy đối
với thanh niên. Nguyên nhân của sự thiếu tin cậy ấy chính là Đoàn cơ sở ở đấy
chưa đủ mạnh, chưa biết hoặc không đủ khả năng để quan tâm đến những vấn đề
thiết thân của đối tượng mà mình hướng đến. Khắc phục thực tế ấy chính là quá
trình nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn cơ sở. Đấy là một quá trình thường
xuyên liên tục mà bắt đầu là từ việc nâng chất đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở. Nếu
đồng chí Bí thư Đoàn cơ sở trên địa bàn dân cư biết tìm chỗ sinh hoạt cho thanh
thiếu nhi, địa chỉ các trung tâm dạy nghề, nắm chắc thủ tục vay vốn, những nơi
đang cần lao động... đồng chí Bí thư Đoàn cơ sở trong trường học biết được nhiều
danh mục tài liệu hay, địa chỉ những nơi cho thuê máy tính giá rẻ, địa chỉ những
nhà trọ, thủ tục vay tín dụng học tập... để giới thiệu cho thanh niên thì chắc
chắn sẽ lấy lại lòng tin của thanh niên. Thanh niên sẽ đến với Đoàn nhiều hơn.
<br>
<br>
<font color="#009900"><i><span class="interview_question">* Có khi nào anh đi
bar, sàn, vào vũ trường?</span> <span class="interview_asker">(Nguyễn Thái Tình,
20 tuổi, Nam, TP.HCM, sinh viên)</span><br>
</i></font><br>
<b>- Anh Võ Văn Thưởng:</b> Khi làm Bí thư Thành đoàn TP.HCM, tôi cũng có một
vài lần cùng các bạn đến vũ trường, các bar nhưng thực tình tôi không biết khiêu
vũ.<br>
<br>
<font color="#009900"><i><span class="interview_question">* Anh có thần tượng
không? Thần tượng của anh trong lĩnh vực nghệ thuật? Chính trị? Thể thao? </span>
<span class="interview_asker">(Thu Thảo, 20 tuổi, Nam, Cần Thơ, sinh viên)</span><br>
</i></font><br>
<b>- Anh Võ Văn Thưởng:</b> Có nhiều người tôi rất ngưỡng mộ và kính trọng. Họ
có mặt trong mọi lĩnh vực hoạt động: khoa học, chính trị, văn hoá, thể thao...
Đó là những con người thật và tôi học ở mỗi người những điều có thể học được.</span></font></p>
<p align="justify"><i><font face="Arial" size="2" color="#009900">
<span class="interview_question">* Qua các cuộc thi, giải thưởng trong nước và
quốc tế thì xuất hiện rất nhiều tài năng trẻ, các tài năng trẻ đã mang vinh dự
về cho Thanh niên Việt Nam qua các cuộc thi quốc tế như Robot, Toán, Lý, Hoá,
... Tuy nhiên, tổ chức Đoàn - Hội vẫn chưa có chương trình hay chính sách hỗ trợ
cụ thể các tài năng trẻ này phát triển năng khiếu để trở thành nhân tài phục vụ
cho sự phát triển của đất nước. Tôi được biết Báo Thanh niên đã thành lập "Quỹ
đào tạo nhân tài đất Việt" và Thành Đoàn TP.HCM có "Quỹ bảo trợ Tài năng trẻ"
nhưng hoạt động còn mờ nhạt, chưa thật sự tạo dấu ấn của tổ chức Đoàn - Hội. Tôi
xin đề xuất với anh (Anh Võ Văn Thưởng) nên quan tâm hơn nữa những chính sách
phát triển Tài năng trẻ, cụ thể: nên đầu tư vào "Quỹ đào tạo nhân tài đất Việt"
nhằm chọn những Tài năng trẻ đạt các giải thưởng cao cho đi du học ở nước ngoài
để sau 5 năm, 10 năm sẽ có nguồn nhân lực giỏi phục vụ cho sự phát triển của đất
nước. Như thế, chúng ta hy vọng Việt Nam sẽ xuất hiện những chuyên gia, nhà khoa
học đầu ngành và nhà lãnh đạo trẻ dưới 30 tuổi. Tôi hy vọng Anh sẽ có chương
trình hành động riêng cho sự phát triển năng khiếu của Tài năng trẻ Việt Nam.
(Văn Thành, TP.HCM;</span><span class="interview_asker"> Trần Mỹ Phụng, 23 tuổi,
Nam, TP.HCM, Kinh doanh)</span></font></i></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>- Anh Võ Văn Thưởng: </b>Các
tài năng trẻ nếu được bồi dưỡng tốt sẽ trở thành nhân tài phục vụ cho sự phát
triển đất nước. Trung ương Đoàn là đơn vị quan tâm đến việc phát hiện, hỗ trợ,
bồi dưỡng tài năng trẻ từ rất sớm và đã chủ động phối hợp với nhiều ngành để
chăm lo cho tài năng trẻ. Các loại Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ, quỹ khuyến học
khuyến tài, các giải thưởng hình thành từ rất sớm. Từ năm 1994, đã thành lập
trung tâm phát triển khoa học công nghệ và tài năng trẻ, từ năm 1993, đã thành
lập Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ VN với nhiều nhánh hoạt động khác nhau và gần đây là
quỹ Đào tạo nhân tài đất Việt - Báo Thanh Niên. Đã có nhiều bạn trẻ tài năng
nhận được sự hỗ trợ, góp sức từ các chương trình đó. Trong đó có những người đã
thành danh trên nhiều lĩnh vực được xã hội biết đến như: Nguyễn Tử Quảng, Đào
Thiên Hải, Nguyễn Anh Tuấn... Cái thiếu hiện nay là một chính sách cụ thể của
nhà nước đối với tài năng trẻ. Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã và sẽ tiếp tục kiến
nghị với Thủ tướng Chính phủ giao cho Trung ương Đoàn trụ trì, phối hợp với các
bộ, ngành xây dựng chính sách hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ để trình Chính phủ
thông qua. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><font color="#009900"><i>
<span class="interview_question">* Xin anh cho biet: Trong tuong lai the he tre
co duoc doi xu cong bang khong? trong khi nha nuoc luon quan tam den ly lich.
Theo em biet do lich su de lai mien nam hien rat nhieu nguoi vi ly lich ma bi
doi xu khong tot mac du ho co trinh do, nang luc, dao duc va tinh than rat dan
toc. (N.H.M, T.G</span><span class="interview_asker">; Thanh Thuy, 21 tuổi, Nam,
Hà Nội, Sinh viên)</span></i></font><br>
<br>
<b>- Anh Võ Văn Thưởng: </b>Tôi nghĩ việc quan tâm đến lý lịch của cán bộ nhân
viên để theo dõi và quản lý thì Nhà nước nào cũng thực hiện. Tôi tin tưởng rằng
mọi thanh niên có trình độ, năng lực, đạo đức, yêu đất nước, yêu chế độ này đều
được đối xử công bằng, đều có cơ hội để thi thố tài năng để đóng góp cho đất
nước. </font></p>
<span class="indexstorytext" id="lbBody5">
<p align="justify"><i><font face="Arial" size="2" color="#009900">
<span class="interview_question">* Hien nay chung ta dang phat dong phong trao
TN lam kinh te gioi. Nhung viec ho tro khuyen khich ve von cho TN thi trong
nhung nam qua tuy da co nhung von bo sung qua it dan den TN chua co dieu kien
tham gia phat trien. Trong thoi gian toi BBT T.Ư Đoan da co giai phap gi de ho
tro kip thoi cho DVTN tham gia phat trien kinh te T.Ư Doan co quan tam nhieu den
Doan khoi Dan Chinh Dang khong? Day la luc luong dong dao, co tinh dac thu, vi
DVTN phan lon la CBCC, co trinh do, co dieu kien de cong hien, phat huy? Vay T.Ư
Doan co chu truong, co ke hoach, de an gi de thuc day cong tac doan trong khoi
nay? </span><span class="interview_asker">(Nguyen Mai Nguyen, 25 tuổi, Nam,
TP.HCM, nhân viên văn phòng)</span></font></i></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>- Anh Võ Văn Thưởng:</b> Qua
sự phối hợp giữa Trung ương Đoàn và ngân hàng chính sách xã hội và từ các nguồn
quỹ khác, mỗi năm, toàn Đoàn có khoảng 1.500 tỷ đồng tiền vốn để phát vay cho
thanh niên làm kinh tế bằng các dự án sản xuất, kinh doanh... Số tiền này tuy
không lớn lắm nhưng cũng không nhỏ. Có nhiều tỉnh thành Đoàn vẫn không giải ngân
được khi thanh niên khát vốn.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đoàn viên thanh niên là cán bộ
công chức thuộc đoàn khối dân chính đảng là một bộ phận rất quan trọng của Đoàn.
Trong nhiều năm qua, chương trình tuổi trẻ tham gia cải cách hành chính là một
nội dung chủ yếu của đối tượng này. Qua đó phát huy tích cực sáng kiến của đoàn
viên thanh niên tham gia thực hiện các mô hình cải cách hành chính để phục vụ
người dân tốt hơn, nâng cao ý thức của cán bộ công chức trẻ trong phục vụ nhân
dân. <br>
<br>
<font color="#009900"><i><span class="interview_question">* Kính thưa đồng chí
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, việc thành lập ủy ban Quốc gia về thanh niên VN chỉ ở
cấp T.Ư thì việc chỉ đạo, điều hành, giám sát thực hiện Luật TN ở cơ sở có nhiều
hạn chế. Vậy theo đồng chí có nên pát triển ủy ban Quốc gia về thanh niên VN
xuống cấp tỉnh, huyện, xã không? Hoặc có nên đề nghị thay bằng việc thành lập Bộ
TN không?</span> <span class="interview_asker">(Long Thanh, 21 tuổi, Nam, Ha
Noi, CNV)</span></i></font></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>- Anh Võ Văn Thưởng:</b> Ủy
ban Quốc gia về thanh niên VN không phải là một bộ hoặc một cơ quan ngang bộ.
Theo Luật Thanh Niên, Uỷ ban Quốc gia về thanh niên VN là cơ quan tư vấn của Thủ
tướng Chính phủ về công tác thanh niên, giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ
chức, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành về thanh niên. Việc
kiểm tra giám sát thi hành Luật thanh niên là một nhiệm vụ thuộc nội dung quản
lý nhà nước về công tác thanh niên. Đây là trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ
quan ngang bộ, UBND các cấp. Công việc này sẽ thực hiện tốt nếu thực hiện tốt cơ
chế phối hợp giữa Uỷ ban Thanh niên với các bộ ngành, các đại phương, các đoàn
thể cũng như cơ chế giám sát việc thi hành pháp luật, chính sách nói chung trong
quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được hoàn thiện. </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trên thế giới có nhiều nước không
có cơ quan Chính phủ về công tác thanh niên. Ở một số nước, cơ quan Chính phủ
được ghép trong một bộ đa ngành. Mỗi cách tổ chức có mặt mạnh và hạn chế của nó.
Hiện nay, nhà nước đang tiến hành cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy theo hướng
tinh gọn, hiệu quả. Việc xem xét tổ chức các cơ quan Chính phủ sẽ được Quốc hội
khoá 12 thảo luận và quyết định.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<span class="indexstorytext" id="lbBody6"><font color="#009900"><i>
<span class="interview_question">* Nhiều bạn du học sinh rất mong muốn đóng góp
những kiến thức và trí lực nhỏ bé của mình cho đất nước, T.Ư Đoàn đã có những
“kênh” nào để tạo điều kiện cho các bạn thể hiện chưa?</span>
<span class="interview_asker">(Nguyễn Minh Trung, 30 tuổi, Nam, Tp.HCM, Kỹ Sư)</span><br>
</i></font><br>
<b>- Anh Võ Văn Thưởng:</b> Công tác đoàn kết tập hợp thanh niên đang học tập,
lao động ở ngoài nước là một phần không thể tách rời của công tác Đoàn và phong
trào thanh niên. Mục tiêu là hướng đến hỗ trợ những nhu cầu, nguyện vọng chính
đáng của các bạn như: giao lưu, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau, tìm hiểu thông tin về
đất nước. Hướng thanh niên ở ngoài nước phục vụ Tổ quốc thông qua những hành
động thiết thực như: tuyên truyền, quảng bá những thành tựu, hình ảnh đất nước,
con người VN đối với bạn bè quốc tế. Nhưng đây là một hạn chế của Đoàn trong
tình hình hiện nay. Vừa qua Trung ương Hội Sinh viên VN và một số tỉnh, thành
Đoàn đã tổ chức được những cuộc gặp gỡ với thanh niên, học sinh về quê ăn tết và
được sự đồng tình ủng hộ của các bạn. Trong thời gian tới Trung ương Đoàn sẽ làm
tốt hơn công tác này. <br>
<br>
<font color="#009900"><i><span class="interview_question">* Phổ cập Internet cho
thanh niên nông thôn có ý nghĩa gì, và chương trình này đem lại kiến thức gì cho
thanh niên nông thôn ? </span><span class="interview_asker">(Trần Văn Dũng, 41
tuổi, Nam, 33, Mậu Thân, TP Cần Thơ, cán bộ nhà nước)</span></i></font><br>
<br>
<b>- Anh Võ Văn Thưởng:</b> Học tập ứng dụng Công nghệ thông tin đã trở thành
một yêu cầu cấp thiết của thanh niên, trong đó có thanh niên nông thôn. Phổ cập
internet cho thanh niên nông thôn sẽ giúp cho thanh niên nông thôn có được những
kiến thức về máy tính và internet, có cơ hội để khai thác tìm hiểu kho tàng tri
thức trên mạng với những nội dung bổ ích và thiết thực với chính mình như: các
kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi có năng suất cao, cách bảo quản chế biến sản phẩm
sau thu hoạch, tham khảo giá nông sản ở các thị trường. Nếu giỏi hơn, thanh niên
nông thôn sẽ tự xây dựng được những trang web để giới thiệu về sản phẩm của mình
ra thị trường trong nước và thế giới. Tôi biết hiện nay, nhiều thanh niên nông
thôn đã làm được điều đó như trang web giới thiệu về: buởi năm roi, về các loại
cá cảnh, các loại giống cây trồng.</span></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<span class="indexstorytext" id="lbBody7">11h10, buổi trực tuyến đã khép lại với
những phát biểu ngắn của anh Võ Văn Thưởng.</span></font></p>
</span></span></span></span>
</span>
</body>
</html>