<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><strong><span style="font-size:14px">Trong suốt 71 năm tham gia hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, và với 68 năm là người chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Đại tướng Mai Chí Thọ đã trải qua những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù ở cương vị và hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Với cương vị lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí luôn đồng hành, gắn bó, tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn thực hiện tốt nhất nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh niên, chăm lo, hỗ trợ cho thanh niên thành phố phát triển toàn diện.</span></strong></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2022/7/35272/53.jpg" style="height:411px; width:600px" /></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:11px"><em>Đồng chí Mai Chí Thọ tham quan triển lãm Xây dựng đường phố tại Phòng Truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 7 năm 1977. Ảnh: Thanhuytphcm.vn</em></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Trong cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí có quá trình gắn bó và trực tiếp tham gia công tác thanh niên. Bản thân đồng chí Mai Chí Thọ (chú Năm Xuân) luôn dành rất nhiều tình cảm cho công tác thanh niên và thế hệ trẻ. Trong Hồi ký “Những mẩu chuyện đời tôi”, đồng chí có chia sẻ “</span><em>Vốn dĩ hoạt động trong Thanh</em><em> niên Dân chủ rồi Thanh niên Phản đế trước Cách mạng tháng Tám, và sau Cách mạng tháng 8/1945, tôi lại hoạt động trong Thanh niên Cứu quốc rồi Thanh niên Giải phóng ở Cần Thơ, <strong>tôi vô cùng say</strong><strong> sưa với công tác thanh niên</strong></em><em>…”</em><em>. </em><span style="font-size:14px">Rồi theo phân công, Đại tướng được giao trọng trách trong ngành công an và trở thành một trong những lãnh đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Ở từng cương vị khác nhau, đồng chí đều có những chỉ đạo sâu sát đối với phong trào của tuổi trẻ thành phố.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><strong><em>1. </em></strong><strong><em>Đồng chí Mai Chí Thọ với các cao trào đấu tranh của học sinh, sinh viên chống Mỹ - Thiệu, giai đoạn 1970 - 1972:</em></strong></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Trong giai đoạn 1970 - 1972, trong vai trò là Phó Bí thư Thành ủy, đồng chí rất quan tâm đối với phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn. Đồng chí thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo rất cụ thể, sâu sát, tình cảm, là sự động viên đối với phong trào chung. Đồng chí dành thời gian, gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp với nhiều thanh niên cảm tình với cách mạng như Lê Văn Nghĩa, nhạc sĩ Trần Long Ẩn …</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Năm 1971, đồng chí Mai Chí Thọ đã dành lời khen cho ca khúc “Người mẹ Bàn Cờ” do nhạc sĩ Trần Long Ẩn phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Nguyễn Kim Ngân: Bài hát có phần lời thơ và âm nhạc nhẹ nhàng, sâu lắng, đi vào lòng người nhưng cũng đồng thời thể hiện được tính Đảng rất rõ nét vì có nội dung tuyên truyền, vận động quần chúng ủng hộ cho phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ ở Thành phố. Những lời động viên đó của đồng chí lãnh đạo Đảng vừa thể hiện sự quan tâm đối với phong trào sáng tác, phong trào văn hóa văn nghệ của tuổi trẻ Sài Gòn, vừa thể hiện quan điểm lãnh đạo của Đảng về nội dung, phương thức của các sáng tác trẻ một cách rất gần gũi mà sâu sắc. Chính những kỷ niệm đó đã làm cho các cán bộ trẻ của Thành Đoàn thêm kính trọng, dành nhiều tình cảm quý mến đối với chú Năm Xuân.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><strong><em>2. </em></strong><strong><em>Đồng chí Mai Chí Thọ chỉ đạo Thành Đoàn chuẩn bị 5 điểm khởi nghĩa trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975:</em></strong></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"> Tháng 4/1975, Ban Thường vụ Thành ủy chủ trương điều chỉnh các lực lượng, cánh quân để chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, hoàn thành giai đoạn chót của cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Đồng chí Mai Chí Thọ được phân công trực tiếp phụ trách các huyện Bình Chánh, Nhà Bè và nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Thời điểm này, Thành ủy có chủ trương tổ chức lại Thành Đoàn để chuẩn bị vào chiến dịch Hồ Chí Minh, điều động một số cán bộ Thành Đoàn biệt phái về tăng cường, bổ sung lực lượng cho các các quận, huyện ủy. Thành Đoàn chỉ còn 05 đồng chí trong Ban chấp hành. Trước tình hình đó, với niềm tin vào thanh niên, đồng chí Mai Chí Thọ đã giao nhiệm vụ Thành Đoàn tiếp tục kết nối, xây dựng cơ sở mới, phát triển các đồng chí cảm tình, đôn lên để tham gia vào các vị trí, thực hiện nhiệm vụ khởi nghĩa tại 05 địa điểm: Ngã bảy - Bàn Cờ - Vườn Chuối, Phú Nhuận - Cầu Kiệu, Gia Định - Đa Kao - Cầu Bông, Khánh Hội - Xóm Chiếu. Ngoài ra, đồng chí còn chỉ đạo thêm việc thành lập chi bộ Đảng đồng thời là Ban chỉ huy chịu trách nhiệm phát động quần chúng khởi nghĩa. Điều này thể hiện sự tin tưởng của đồng chí đối với lực lượng của Thành Đoàn, dù trong điều kiện khó khăn vẫn có thể khắc phục và hoàn thành nhiệm vụ chung của Thành ủy giao.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><strong><em>3. </em></strong><strong><em>Đồng chí Mai Chí Thọ với Phong trào Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh:</em></strong></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Những ngày sau khi Thành phố Sài Gòn được giải phóng, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của thanh niên, Thành Đoàn có chủ trương phong trào ca khúc tuổi trẻ, tức là hình thành những tốp vừa đàn vừa hát phục vụ các ca khúc cổ vũ chính trị, phong trào cách mạng, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước cho các lễ hội, đi vào công nhân, học sinh sinh viên, các công trường, nông trường. Nhiều nhóm nhạc trẻ được hình thành, trong đó có cả thành viên các ban nhạc trẻ nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975, tham gia lực lượng thanh niên xung phong thành phố. Khi nhóm nữ 30 tháng 4 được hình thành để tham dự Liên hoan các nhóm ca khúc chính trị tại Bulgaria với hình ảnh áo dài thướt tha, kết hợp đàn điện tử với bộ gõ dân tộc, đồng chí Mai Chí Thọ lúc đó trong cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố nhưng đã sắp xếp thời gian để đến dự buổi phúc khảo chương trình, động viên bằng việc hỗ trợ trang bị cho mỗi ca sĩ 03 chiếc áo dài để phục vụ việc biểu diễn ở nước bạn. Khi về nước nhóm “30 tháng 4” rất hấp dẫn thanh niên, sau đó là phong trào ca khúc chính trị nở rộ khắp nơi ở cơ sở, có nhiều nhóm tiêu biểu như: Nhóm ca khúc Câu Lạc Bộ tháng 9, nhóm nữ Sinco với Hồng Hạnh, nhóm ca khúc Thanh niên Xung phong của Nguyễn Đức Trung, Thúy Hồng, Ngọc Bích…nhóm ca khúc Đại học Tổng hợp của Hoàng Cao, nhóm Ca nhạc dân tộc Phù Sa với Ngọc Yến, Văn Tài, Ngọc Điệp… phong trào ca hát của tuổi trẻ thành phố trở nên sống động, hấp dẫn, lôi cuốn tuổi trẻ đến các lễ hội truyền thống, sân chơi tập thể lành mạnh và đến với Đoàn Thanh niên.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Tại Đại hội tổng kết 8 năm thành lập Lực lượng Thanh niên Xung phong thành phố, đồng chí đã phát biểu: “<em>Đời sống của người Thanh niên Xung phong là một cuộc sống rộng rãi, bao la và vô cùng đẹp đẽ, khác hẳn cuộc sống ích kỷ, chỉ có mình. Đây là cuộc sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Đó chính là cuộc cách mạng văn hóa, cuộc cách mạng xây dựng con người mới của chúng ta. Cái đó không chỉ tác động trong Thanh niên Xung phong là một đội quân xung kích, một dội quân đi đầu dưới sự lãnh đạo của Đảng làm cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa trong thanh niên và tác động đến lối sống của Thành phố. Hình ảnh bộ đồ và mũ tai bèo của Thanh niên Xung phong đã có dấu ấn sâu sắc trong thanh niên và nhân dân Thành phố ta… Chiến thắng mọi khó khăn, cắm cờ lên mọi đích vinh quang và đem lại thắng lợi không chỉ cho Thanh niên Xung phong mà cho toàn Thành phố</em>”. </span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Lực lượng Thanh niên Xung phong Thành phố Hồ Chí Minh (28/3/1976 - 28/3/1986), đồng chí đã đến dự và tặng hoa, chúc mừng và gửi gắm niềm tin đối với phong trào thanh niên xung phong, thổi lên phong trào cách mạng của tuổi trẻt phố sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><strong><em>4. Đồng chí Mai Chí Thọ quan tâm chăm lo xây dựng đời sống chính trị, tinh thần của tuổi trẻ</em></strong></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Là người gắn bó với thanh niên, chú Năm Xuân <em>(tên gọi thân thương khi nhắc về đồng chí Mai Chí Thọ)</em> từng làm việc, gặp gỡ, trao đổi với nhiều đồng chí lãnh đạo, cán bộ Thành Đoàn trước và sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong ký ức của nhiều đồng chí, chú Năm Xuân luôn gần gũi, quan tâm, dành tình cảm, chăm lo đến đời sống của cán bộ, đời sống của thanh niên. Dù bận nhiều công việc tái thiết thành phố sau ngày giải phóng, đồng chí vẫn dành nhiều thời gian để lắng nghe các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Thành Đoàn báo cáo các vấn đề của thanh niên; trực tiếp gặp gỡ và tham gia giải quyết những khó khăn của thanh niên; tham dự và động viên nhiều phong trào của thanh niên. Đến nay, nhiều đồng chí lãnh đạo phong trào thanh niên vẫn còn nhớ những lời căn dặn của đồng chí Mai Chí Thọ: làm hoạt động phong trào phải căn cơ, giải quyết được những vấn đề thực tiễn, phong trào phải gắn với quần chúng nhân dân, không máy móc, sách vở.</span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2022/7/35272/79.jpg" style="height:832px; width:600px" /></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:11px"><em>Mặc dù bận rộn với công việc nhưng Đại tướng Mai Chí Thọ luôn dành thời gian cho những chuyến đi, tiếp xúc, thăm hỏi, động viên những mảnh đời thiếu may mắn. Ảnh: Thanhuytphcm.vn</em></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để chăm lo cho thanh niên, đồng chí cùng lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố rất quan tâm đến đời sống tinh thần của thanh niên, đã quyết định giao nhiều địa điểm, trụ sở của Thành Đoàn, Báo Tuổi trẻ, Nhà Thiếu nhi thành phố để tạo điều kiện cho công tác tập hợp thanh niên thuận lợi hơn, phát triển các điểm hẹn văn hóa lành mạnh cho thanh thiếu nhi, giúp thế hệ trẻ tránh xa các văn hóa phẩm đồi trụy, độc hại ảnh hưởng đến tâm lý, sự phát triển nhận thức của thanh thiếu nhi. Trăn trở với việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển thành phố sau ngày giải phóng, đồng chí đã sớm đặt ra cho Thành Đoàn những vấn đề về giáo dục thanh niên ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng ý thức tiết kiệm, phát triển các địa điểm công cộng như công viên, nhà văn hóa để thanh niên có nơi đến vui chơi, giải trí, sinh hoạt; cán bộ Đoàn cần gắn bó với thanh thiếu nhi để thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ thanh niên khó khăn, thanh niên bị ảnh hưởng của chiến tranh.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Theo lời kể của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải - Tác giả cuốn <strong>Hồi ký </strong><strong>“</strong><strong>Đại tướng Mai Chí Thọ - Ký sự nhân vật</strong><strong>”</strong> [1] chia sẻ về những điều chưa viết trong hồi ký: <em>“</em><em>Thật ngạc nhiên khi nghe ông nói rằng chưa hề học qua một lớp chính trị chính qui nào, chỉ có những lớp học Mác - Lênin trong tù và sau này là học trong thực tiễn đấu tranh cách mạng mà trưởng thành. Ông cũng đọc triết học phương Đông, không đi sâu kiểu học giả mà để nắm bắt vấn đề và cảm nhận cuộc sống. Nhờ vậy mà những lý lẽ của ông như từ trong tim chứ không rập khuôn theo sách vở nào cả</em><em>”</em> [2]. Thế nhưng đồng chí Mai Chí Thọ đã trăn trở đối với việc giáo dục thanh niên về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh: <em>“Tôi nghe nói sinh viên ngán học chính trị, giáo viên sợ nghe câu hỏi. Tôi nhớ ngày xưa Tây có cuốn sách tập hợp để trả lời những câu hỏi về Chủ nghĩa cộng sản. Các anh chị bên Thành Đoàn cũng tập hợp những thắc mắc của thanh niên về Chủ nghĩa xã hội thì hay biết bao”</em><em>…</em> Từ những góp ý, trăn trở của đồng chí Mai Chí Thọ và các đồng chí lão thành cách mạng, nhận thức rõ vai trò trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực sáng tạo các giải pháp mới trong công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho đoàn viên, thanh niên; đổi mới phương thức giảng dạy, học tập, tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin thông qua việc nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo nhiều mô hình, giải pháp, điển hình là Hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “Tầm nhìn xuyên thế kỷ” <em>(dành cho sinh viên các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp)</em> và cuộc thi “Ánh sáng thời đại” <em>(dành cho cán bộ, giảng viên, giáo viên trẻ) </em>do <strong>Ban Thường vụ Thành Đoàn phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đảng ủy Khối Đại học - Cao đẳng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhằm</strong> góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực sự hiệu quả, thiết thực trong việc học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Thành phố Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Hằng năm, Nhà xuất bản Trẻ xuất bản, tái bản các tài liệu hỏi - đáp về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những vấn đề ứng dụng trong thực tiễn như “Ngân hàng câu hỏi tìm hiểu Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, “Nhân cách Bác Hồ - Mỗi người có thể học ở Bác một số điều”, “Học sinh kể chuyện Bác Hồ”, …để thanh niên có thể tìm hiểu, giải đáp những vấn đề thắc mắc về chủ nghĩa cộng sản. Nhiều năm qua, các cấp bộ Đoàn cũng thường xuyên tổ chức các sân chơi, chương trình, hoạt động để phát triển tư duy phản biện, nâng cao nhận thức và khả năng lý luận chính trị trong đoàn viên, thanh niên; xây dựng, duy trì và nâng chất, củng cố các câu lạc bộ Lý luận trẻ; phát huy đội ngũ giảng viên, giáo viên trẻ các môn lý luận chính trị trong tham gia nâng chất việc học tập các bài học lý luận chính trị cho đoàn viên, thanh niên, sáng tạo các sản phẩm, ứng dụng công cụ hiện đại trong quá trình học tập và giảng dạy các môn lý luận chính trị; triển khai hiệu quả các đợt sinh hoạt chính trị, sinh hoạt chi đoàn chủ điểm để kịp thời cung cấp thông tin, tạo diễn đàn trao đổi, bàn luận các vấn đề lý luận và thực tiễn.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Xúc động trước tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của chú dành cho tuổi trẻ thành phố, trong tang lễ của đồng chí Mai Chí Thọ, hơn 30 cán bộ Đoàn, đoàn viên đã có mặt bên linh cữu của chú, hòa nhịp bài hát “Tự nguyện” của nhạc sĩ sinh viên Trương Quốc Khánh sáng tác. Đó cũng là bài hát chú Năm Xuân thích nhất và nhiều lần đề nghị các nhạc sĩ sinh viên biểu diễn trong những dịp gặp gơ với tuổi trẻ.</span></p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-size:14px">“Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng</span></em></p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-size:14px">Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương</span></em></p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-size:14px">Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm</span></em></p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-size:14px">Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương”</span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Noi gương đồng chí Mai Chí Thọ, khắc ghi những lời căn dặn, chia sẻ, thể hiện niềm tin của chú dành cho thế hệ trẻ thành phố, tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay tiếp tục nỗ lực, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập, nghiên cứu, phát triển và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, tình cảm, trách nhiệm, lý tưởng cách mạng cho thanh niên, đồng hành với thanh niên trong học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện, tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng, tình cảm của đồng chí Mai Chí Thọ - Chú Năm Xuân đối với tuổi trẻ thành phố.</span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2022/7/35272/CATP2.jpg" style="height:338px; width:600px" /></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:11px"><em>Ngày 01- 02/7/2022, Đoàn Thanh niên Công an Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sinh hoạt truyền thống nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đại tướng Mai Chí Thọ. Ảnh: Đoàn CATP</em></span></p>
<p style="text-align:right"><strong><span style="font-size:14px">BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ĐOÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH</span></strong></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">-----------------</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><strong>Tài liệu tham khảo:</strong></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">[1] Nguyễn Thị Ngọc Hải (2018), Hồi ký “Đại tướng Mai Chí Thọ - Ký sự nhân vật”, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">[2] Nguyễn Thị Ngọc Hải (2005), Đại tướng Mai Chí Thọ và những điều chưa viết trong hồi ký, Báo Công an Nhân dân, truy cập tại https://cand.com.vn/Truyen-thong/Dai-tuong-Mai-Chi-Tho-va-nhung-dieu-chua-viet-trong-hoi-ky-i324205</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><em>* Tham luận tại Hội thảo khoa học “Đại tướng</em><em> Mai Chí Thọ</em><em> với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh” của Bộ Công an và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức ngày 12/7/2022.</em></span></p>
</body></html>