<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><strong>Nhiều kỷ niệm sâu đậm với đồng chí Mai Chí Thọ<em> (được thế hệ chúng tôi kính trọng gọi là chú Năm Xuân)</em> ùa về với các thế hệ cán bộ Thành Đoàn trong những ngày kỷ niệm 100 ngày sinh của chú Năm, nhất là thế hệ đã có dịp là việc trực tiếp với Chú trong kháng chiến cũng như trong những năm đầu đất nước hòa bình, thống nhất. </strong></p>
<p style="text-align:justify">Chúng tôi nhớ lại, khắc ghi những chỉ đạo của Chú về phong trào đấu tranh công khai của học sinh, sinh viên trong cao trào những năm đầu 1970, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, tình cảm, sự chăm lo dìu dắt tổ chức Đoàn thành phố sau năm 1975.</p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2022/7/35277/ch%C3%BA%20Mai%20Chi%20Tho.jpg" style="height:376px; width:600px" /></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:12px"><em>Chú Năm Xuân với thanh niên thành phố. Ảnh: Tư liệu Thành Đoàn</em></span></p>
<p><strong>Hai câu hỏi của chú Năm </strong></p>
<p style="text-align:justify">Hiệp định Pari năm 1973 - Chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết. Trong bối cảnh đó, Thành Đoàn chủ trương di dời từ căn cứ Cần Thơ về căn cứ Củ Chi. Tôi cùng anh chị em trở về thành phố tiếp tục duy trì và tạo thế liên kết phong trào học sinh giữa các trường.</p>
<p style="text-align:justify">Trong ký ức của tôi về Củ Chi, không còn là những kỷ niệm về những ngày tuổi 11 cùng ba tôi đi dưới cánh rừng cao su bạt ngàn, mà thay vào đó là sự tàn phá nặng nề, xơ xác từ trận càn do những cuộc hành quân tàn bạo của đế quốc Mỹ trong hai chiến dịch “Cedar Falls” (08 - 16/01/1967) và “Junction City” (02/02 - 15/4/1967). Mọi thứ tan hoang đến đau lòng!</p>
<p style="text-align:justify">Khi Thành Đoàn trở về căn cứ Củ Chi, tôi hoạt động chủ yếu tại trung tâm thành phố, nên thường xuyên vào - ra để báo cáo tình hình hoạt động của phong trào đô thị, học tập và nhận chỉ đạo từ các đồng chí lãnh đạo Thành Đoàn, là anh Phạm Chánh Trực <em>(Năm Nghị),</em> chị Trương Mỹ Lệ<em> (Tư Liêm), </em>anh Nguyễn Chơn Trung<em> (Sáu Quang).</em></p>
<p style="text-align:justify">Cho đến một ngày cuối năm 1973, chú Năm <em>(Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định)</em> đến làm việc với lãnh đạo Thành Đoàn tại huyện Củ Chi để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa. Tôi lúc này chịu trách nhiệm chỉ đạo chung hoạt động phong trào học sinh tại trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng, đã chuẩn bị bản báo cáo về hoạt động, thành tích của phong trào học sinh trường như: các hoạt động công khai và bán công khai của các đoàn, nhóm học sinh <em>(Đoàn công tác xã hội, nhóm văn nghệ Lên Đường, nhóm Áo xanh kỹ thuật của học sinh khối lớp Đệ ngũ, Đệ tứ; hoạt động của nhóm xung kích,…).</em> Sự phối hợp hành động của trường Cao Thắng với các trường khác và việc xây dựng “lõm căn cứ ”trong nội thành <em>(để sau này là hai trong năm điểm khởi nghĩa của Thành Đoàn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử).</em></p>
<p style="text-align:justify">Khi tôi vừa báo cáo xong, những tưởng được Chú khen về những thành tích của học sinh trong hoạt động cách mạng, nào ngờ Chú hỏi tôi: “<em>Vậy, đồng chí có biết học sinh đi học bằng gì?”</em> và <em>“Buổi sáng học sinh ăn gì?”.</em> Bất chợt được hỏi, tôi nghĩ: <em>“Câu này chưa được mình nghĩ đến huống chi là phải chuẩn bị trong báo cáo của mình”.</em> Tôi bắt đầu vận dụng trí nhớ, nhớ lại xem xung quanh trường bãi xe gồm các loại xe gì, hàng quán bán những gì để suy luận ra và báo cáo với Chú. Chỉ với hai câu hỏi trên của Chú, tôi hiểu hơn về chân dung người lãnh đạo trưởng thành từ cách mạng, luôn gần dân và chiến đấu vì dân.</p>
<p style="text-align:justify">Hơn hết, điều này thể hiện rõ “<em>cái tâm và tầm của người lãnh đạo</em>” - lo cho việc nước chính là phải lo cho đời sống của người dân. Noi gương Chú, dù ở cương vị làm việc nào tôi vẫn luôn cố gắng áp dụng thực tế để mỗi người dân được phục vụ tốt nhất.</p>
<p style="text-align:justify"><strong>Ân cần chăm lo</strong></p>
<p style="text-align:justify">Bước vào giai đoạn mới của đất nước, Trung ương Đoàn và Thành ủy chỉ đạo: “<em>Đoàn cần hết sức chú ý đi sâu, đi sát, suy nghĩ sáng tạo ra những hình thức mới để tổ chức rộng rãi và thu hút đông đảo thanh niên ngoài Đoàn vào các hoạt động xã hội, văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao, giải trí lành mạnh</em>…”</p>
<p style="text-align:justify">Từ chủ trương này, Thành Đoàn giao cho Nhà Văn hóa thanh niên hình thành nhóm ca khúc Rạng Đông dự “Liên hoan ca khúc chính trị” tại Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1981, tạo mô hình mới cho phong trào văn nghệ của thanh niên thành phố và cả nước: phối dựng ca khúc cách mạng với dàn nhạc điện tử. Nhà Văn hóa thanh niên cùng các nhạc sĩ Chánh Trực, Thanh Trúc phải đi “tuyển” nghệ sĩ, ca sĩ, cuối cùng tập hợp được: Sĩ Thanh, Hồng Danh, Thanh Long Bass, Hùng Organ,…</p>
<p style="text-align:justify">Trước giờ khởi hành làm nhiệm vụ quốc tế, đoàn thiếu cây đàn Organ (do kinh phí không đảm bảo). Thành Đoàn cử tôi đến nhà chú Năm <em>(đang là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh), </em>xin duyệt kinh phí để mua đàn. Chú chia sẻ: <em>“Bây giờ khó khăn quá nhiều đơn vị nhà nước “người ta” phải bán đàn piano để trả lương mà Thành Đoàn “mấy đứa” lại đi mua đàn”</em>. Tuy nói vậy, nhưng Chú chỉ đạo thư ký hẹn tôi ngày hôm sau lên Ủy ban nhân dân thành phố để nhận văn bản đồng ý. Nhóm ca khúc chính trị Rạng Đông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn. Nhóm này đã truyền cảm hứng cho phong trào ca khúc chính trị trong nước.</p>
<p style="text-align:justify">Tiếp theo thắng lợi của nhóm ca khúc chính trị Rạng Đông, nhóm nữ ca khúc chính trị “30 tháng 4” được hình thành dự Liên hoan các nhóm ca khúc chính trị tại Bulgaria gồm Kim Phương, Cẩm Vân, Kim Yến, Thúy Quang, Ngọc Hạnh, Minh Nguyệt, Bạch Lý,… Đây là mô hình từ ý tưởng trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có nhóm nhạc trẻ CBC toàn nữ gây ấn tượng trong giới nhạc trẻ thành phố. Nhưng nhóm “30 tháng 4” này với hình ảnh nữ nghệ sĩ Việt Nam thướt tha áo dài, kết hợp đàn điện tử với bộ gõ dân tộc đã tạo nên dấu ấn khó quên với bạn bè quốc tế và trong nước.</p>
<p style="text-align:justify">Tôi còn nhớ buổi mời chú Năm đến duyệt chương trình. Sau chương trình, Chú không đóng góp gì về kịch bản chương trình, Chú chỉ hỏi: “<em>Mỗi cháu được may mấy áo dài để diễn?”.</em> Kim Phương trả lời: <em>“Dạ! Một áo dài”.</em> Chú nói: <em>“May cho mỗi cháu thêm áo dài, không lẽ thành phố không lo nổi cho mỗi cháu ba chiếc áo dài hay sao”. </em>Rồi nhóm “30 tháng 4” được Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đoàn TNCS Dimitrov (Bulgaria): <em>“Nhóm ca khúc chính trị được yêu thích nhất”.</em></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2022/7/35277/ch%C3%BA%20Mai%20Chi%20Tho%202.jpg" style="height:396px; width:600px" /></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:12px"><em>Tấm ảnh kỷ niệm của đồng chí Phạm Xuân Bình với chú Năm Xuân. Ảnh: Tư liệu Thành Đoàn</em></span></p>
<p style="text-align:justify"><strong> Bài hát chú Năm yêu thích</strong></p>
<p style="text-align:justify">Ngày chú Năm qua đời, các đồng chí cựu cán bộ Thành Đoàn và nòng cốt phong trào học sinh, sinh viên tập trung đông đủ bên di ảnh của Chú. Ai cũng xúc động nhớ ngày sống trong chiến khu Chú hay kêu Thành Đoàn qua ăn cơm với Chú trong căn cứ Thành ủy, Chú hay mắng yêu: “<em>Mấy đứa ăn ở phải căn cơ, căn cứ, “mấy đứa” ăn ở lôi thôi, cứ bươi dưới lùm cây một lỗ là chui vào nằm, qua đây ăn cơm với chú”.</em></p>
<p style="text-align:justify">Rồi khi cao trào những năm đầu 1970 bùng nổ, Chú quan tâm phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Lúc các nhạc sĩ sinh viên vào căn cứ, Chú mời vào hát cho Chú nghe. Chú yêu thích bài “Bà mẹ Bàn Cờ<em>” (Nhạc: Trần Long Ẩn, Thơ: Nguyễn Kim Ngân),</em> rồi bài “Tự nguyện” <em>(Sáng tác: Trương Quốc Khánh). </em></p>
<p style="text-align:justify">Tại lễ tang của Chú, hơn 30 cựu cán bộ Thành Đoàn và nòng cốt phong trào học sinh, sinh viên đứng nghiêm trang bên di ảnh của chú Năm cùng đồng ca bài “Tự nguyện” như lời hứa trong giờ phút vĩnh biệt người Chú thân thương của các thế hệ trẻ thành phố:</p>
<p style="text-align:justify"><em>“Nếu là chim tôi sẽ làm loài Bồ câu trắng</em></p>
<p style="text-align:justify"><em>Nếu là hoa tôi sẽ làm một đóa hương dương</em></p>
<p style="text-align:justify"><em>Nếu là mây tôi sẽ làm một vầng mây ấm</em></p>
<p style="text-align:justify"><em>Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương…”</em></p>
<p style="text-align:right"><strong>PHẠM XUÂN BÌNH - HOÀNG ĐÔN NHẬT TÂN </strong></p>
</body></html>