<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Từng lớp thanh niên vỗ tay theo giai điệu, ngân vang lên những ca khúc hào hùng ngày ấy, đó chính là những cảm giác tự hào của những khán giả trong chương trình nghệ thuật giới thiệu chân dung âm nhạc - nhạc sĩ Tôn Thất Lập với chủ đề Tôn Thất Lập - Vang mãi những bài ca diễn ra tại Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh. </strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tham dự đêm nhạc có đồng chí Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; đồng chí Trương Mỹ Hoa - Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Phó Chủ tịch nước; đồng chí Dương Anh Đức - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; đồng chí Trần Thế Thuận - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hồ Chí Minh; đồng chí Phan Thị Thanh Phương - Thành ủy viên, Bí thư Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh… cùng bà Lê Liên Hương - phu nhân nhạc sĩ Tôn Thất Lập và gia đình cố nhạc sĩ.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2023/8/36340/hat-cho-dan-toi-nghe.jpg" style="height:400px; width:600px" /></span></span></p>
<p style="margin-left:0px; margin-right:0px; text-align:center"><em><span style="font-size:12px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến và các cô chú trong Câu lạc bộ truyền thống Thành Đoàn TP.HCM biểu diễn "Hát cho dân tôi nghe" - Ảnh: T.T.D.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="color:#FF0000"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Cánh chim từ vùng lửa đỏ</strong></span></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nhạc sĩ Tôn Thất Lập là một người con trong dòng tộc cung đình Huế. Ông sinh ngày 25/02/1942 tại Phước Ninh – Đà Nẵng, nhưng cả ấu thơ của ông được giáo dưỡng tại kinh thành Huế. Tuổi thơ Tôn Thất Lập đã chứng kiến cảnh nước mất nhà tan. </span></span><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cha là cán bộ Việt Minh nên từ nhỏ ông sớm thuộc làu câu chuyện về vị vua yêu nước Duy Tân mà cha dạy. Mang trong mình tâm hồn lãng mạn, chính những năm tháng đầu thanh xuân ở đây, ông đã có những giai điệu đầu tiên của đời nhạc sĩ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Những ca khúc đầu tay của ông hầu hết mang tính trữ tình, nhưng trong khúc tình ca ấy, nỗi đau chiến tranh, sự u uẩn của tuổi trẻ vẫn phảng phất: "Đêm đêm tiếng ca hao gầy đậu xuống môi em/ Trút hơi sau cùng giải thoát nhân gian...". </span></span><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cuối năm 1966, chiến tranh ngày càng lan rộng. Sông Hương hiền hòa nổi sóng. Bên nhịp cầu Tràng Tiền, nhìn quê nhà điêu linh, chia cắt, Tôn Thất Lập cảm thấy nhói đau.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Chàng sinh viên Tôn Thất Lập ôm đàn, hát trong sóng nước mênh mang: “Hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào/ Hát qua đêm thiên thu, lửa cháy trên trại giặc thù/ Hát âm u trong đêm, muôn cánh tay đang dậy lên/ Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang/ Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang...”. Và rồi từ Huế, Tôn Thất Lập vào Sài Gòn với hành trang là ca khúc “Hát cho dân tôi nghe”, xem lời hát, tiếng đàn là cung tên, giáo mác nhắm vào giặc thù.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2023/8/36340/1-giao-luu.jpg" style="height:400px; width:600px" /></span></span></p>
<p style="margin-left:0px; margin-right:0px; text-align:center"><em><span style="font-size:12px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Từ trái qua: Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Kiệt và MC Quỳnh Hoa chia sẻ về cố nhạc sĩ - Ảnh: T.T.D.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đối với nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, để có thể cất tiếng hát ở nơi đây không là điều dễ dàng. Đó chính là sự đấu tranh cho phong trào giải phóng dân tộc của đồng bào ta nói chung và phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" nói chung.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Và chúng ta ngồi tại nơi đây nhằm tri ân sự cống hiến của cố nghệ sĩ Tôn Thất Lập - người anh cả của phong trào.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Theo nhạc sĩ Tôn Thất Thành - em ruột nhạc sĩ Tôn Thất Lập - cho biết nhạc sĩ Tôn Thất Lập là một người anh kính mến, là tấm giương sáng đã động viên, định hướng con đường âm nhạc cho ông.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Anh Lập mất là sự hụt hẫng trong gia đình. Tôi luôn cố gắng làm sao cho anh Lập an lòng nơi chín suối” - nhạc sĩ Tôn Thất Thành nghẹn ngào chia sẻ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="color:#FF0000"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Một tấm lòng quả cảm</strong></span></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trong đêm nhạc, những bài ca cho những người đi giữ quê hương của chiến sĩ đấu tranh bằng vũ khí âm nhạc - nhạc sĩ Tôn Thất Lập được cất lên từ những năm tháng “Cuộc đời xanh ảo tưởng/ chết theo trăng ngày xưa/ Tìm theo tình quay mặt/ Buồn theo mây chiều mưa” (Năm tháng và tình yêu – Trần Quang Long), Tôn Thất Lập đã dám đứng lên, xốc vũ khí âm nhạc và “xuống đường” hát cho đồng bào tôi nghe.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Một chiến sĩ thực thụ! Một chiến sĩ xông trận với một niềm tin son sắt: Chiến thắng. Niềm tin son sắt ấy đã trở thành nguồn nhiên liệu cảm hứng để Tôn Thất Lập tiếp tục sáng tác sau khi nước nhà đã thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2023/8/36340/23%20(2).jpg" style="height:441px; width:600px" /></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:12px"><em>Một buổi biểu diễn văn nghệ "Hát cùng đồng bào tôi" của chiến sĩ chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh những năm 2000 nhằm tái hiện lại các bài ca của Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Sáng tác và đấu tranh trong lòng địch, trực diện với sự truy bắt, khủng bố, những nghệ sĩ khi đó phải có một lòng quả cảm vô song. Nhưng trên tất cả, sau hơn 50 năm nhìn lại, có thể nói họ đã làm được nhiều hơn thế.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Chính phong trào này đã cho ra đời những ca khúc, mà ngoài giai điệu thì đã có tiết tấu rất rõ nét. Ngôn ngữ âm nhạc ở đây cũng là một thứ ngôn ngữ mới, đi vào lòng dân chúng, đặc biệt tác động đến tầng lớp sinh viên – thế hệ trí thức trẻ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Di sản ca khúc phong trào để lại có thể nói chính là nền tảng của nhạc nhẹ miền Nam sau giải phóng. Và hơn thế nữa, những gương mặt thủ lĩnh sáng tác trong phong trào đó, sau này cũng chính là những cánh chim đầu đàn của nhạc nhẹ miền Nam như Tôn Thất Lập”- Nhạc sĩ Doãn Nho.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="color:#FF0000"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Hàng triệu trái tim của người trẻ yêu nước </strong></span></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đối với nhạc sĩ Tôn Thất Lập, thời gian là một phạm trù con người chẳng thể nào “trốn” được. Hãy dành thời gian cho thật có ý nghĩa, một đời sống sinh động như trồng vài “bông hoa nhỏ bé” chẳng hạn.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ông luôn nhắn nhủ thế hệ Trẻ hôm nay rằng: Trái tim các bạn phải biết rung động cùng với đất nước và cùng cả thế giới. Cuộc sống, tư duy của các bạn phải gắn liền với dân tộc..., điều quan trọng nhất vẫn là tâm hồn và trái tim.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2023/8/36340/12.jpg" style="height:450px; width:600px" /></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:12px"><em>Các ca nghệ sĩ trẻ cùng nhau hát lên những bài hát gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Tôn Thất Lập - Ảnh: Tư liệu</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Chia sẻ tại chương trình, đồng chí Trần Thu Hà - Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Thành phố cho biết, những ca khúc Hát cho dân tôi nghe, Dậy mà đi, Xuống đường, Lúa reo trên khắp đồng bằng... của ông được hát vang trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên miền Nam, từng lay động hàng triệu con tim Việt Nam.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đến nay, những ca khúc ấy vẫn vẹn nguyên giá trị, khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần hăng hái xung phong của lớp trẻ vì lý tưởng cao đẹp, thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước,... và những người trẻ hôm nay còn hát vang.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đối với Thành Đoàn, thật may mắn khi có Câu lạc bộ Truyền thống - Thành Đoàn, khi mỗi lần các cô chú trong Câu lạc bộ tập văn nghệ, Tuổi trẻ Thành phố sẽ càng thêm hiểu và thêm yêu những gì mà bản thân đã có được và góp phần động viên thành niên vùng lên xung kích trong đóng góp, tham gia xây dựng đất nước.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trong thời gian tới, bên cạnh những chương trình đã được thực hiện về dòng nhạc cách mạng, Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh sẽ có những hoạt động để lan tỏa dòng nhạc này hơn nữa, các ca khúc của nhạc sĩ Tôn Thất Lập đến nhiều hơn với thanh thiếu nhi và người dân TP. Hồ Chí Minh.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"> </p>
<div class="content " style="color: rgb(38, 38, 38); font-family: "PT Sans", sans-serif; font-size: 15px; text-align: justify;">
<div class="txtbox-content" style="max-width: 100%; width: 600px; margin: 10px auto; padding: 15px 20px; border-width: 2px 2px 2px 10px; border-style: solid; border-color: rgb(159, 34, 78); border-image: initial; background: rgb(255, 238, 244);">
<h3><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Vang mãi những ca khúc của Tôn Thất Lập</strong></span></span></h3>
<p><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Đêm nhạc<em> Tôn Thất Lập - Vang mãi những bài ca</em> có sự tham gia biểu diễn của nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, ca sĩ Vân Khánh, Phương Thanh, Hiền Thục, Lân Nhã, Quốc Đại, Thanh Ngọc, Duyên Huyền, Thanh Sử, Cao Công Nghĩa, Dương Quốc Hưng, Tùng Lâm, Lưu Hiền Trinh, Phan Ngọc Luân… và các thành viên của Câu lạc bộ truyền thống Thành Đoàn TP.HCM.</span></span></p>
<p><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Những ca khúc tiêu biểu ở các giai đoạn sáng tác trong hơn 60 năm qua của cố nhạc sĩ Tôn Thất Lập được biểu diễn như: <em>Hát cho dân tôi nghe, Hát cho quê hương, Lúa reo trên khắp cánh đồng, Xuống đường, Người đợi người, Hát trong tù, Đồng lúa reo…</em></span></span></p>
<p><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Và những bản tình ca như <em>Tình ca tuổi trẻ, Trị An âm vang mùa xuân, Mưa thì thầm, Oẳn tù tì, Cô bé dễ thương, Tình yêu mãi mãi</em>… cũng được biểu diễn.</span></span></p>
<p><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Xem kẽ phần trình diễn là phần giao lưu với nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Kiệt… và vợ nhạc sĩ Tôn Thất Lập về quá trình sáng tác, phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên, cũng như những kỷ niệm gắn bó khó quên.</span></span></p>
<p><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Đêm nhạc khép lại với ca khúc <em>Tình yêu mãi mãi</em> qua tiếng hát ca sĩ Lân Nhã và Thanh Ngọc, đọng lại nhiều cung bậc cảm xúc trong mỗi người.</span></span></p>
</div>
</div>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>MINH NHẬT</strong></span></span></p>
<p style="text-align:right"> </p>
</body></html>