<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:center"><strong>“</strong><strong>CÔNG VIỆC ĐỐI VỚI CON NGƯỜI</strong><strong>” </strong><strong>THEO DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH</strong></p>
<p style="text-align:justify"><strong>Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1969) đã sống một cuộc đời thanh bạch, trong sáng. Người đã hiến dâng trọn cuộc đời để phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Bản “Di chúc” thiêng liêng là tác phẩm có tầm vóc lịch sử, bao trùm tư tưởng và gói trọn tình cảm của Bác Hồ nhắn gửi lại cho đồng bào, chiến sỹ cả nước. Quá trình Bác Hồ viết tập tài liệu “Tuyệt đối bí mật” (sau này là bản Di chúc) bắt đầu từ ngày 10/5/1965; rồi tiếp tục bổ sung vào các năm 1966, 1968 và hoàn tất vào ngày 19/5/1969.</strong></p>
<p style="text-align:center"><img alt="No photo description available." src="https://scontent.fsgn2-6.fna.fbcdn.net/v/t39.30808-6/441041786_760761279569583_3958988147114870836_n.jpg?_nc_cat=111&ccb=1-7&_nc_sid=833d8c&_nc_eui2=AeHIfRfTRRq2SeEngq-awQyLPD8V_jERbUU8PxX-MRFtRdMGktQiAHfOiChYUJv2qx9cAWkfUyjUW7ViYT9WuXAc&_nc_ohc=bTw8gGp2ZVoQ7kNvgHc2_O4&_nc_ht=scontent.fsgn2-6.fna&oh=00_AYDeuT7eTs0vOyAMgrdZtvAGplETObXS7Kb1NwXi2BKK7g&oe=66F1C081" style="height:400px; text-align:center; width:600px" /></p>
<p style="text-align:center"><em>Đại hội Thanh niên tiên tiến Thành phố Hồ Chí Minh làm theo lời Bác năm 2024</em></p>
<p style="text-align:justify">Sinh ra trong gian đoạn đất nước lầm than trước cảnh áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và chế độ phong kiến tay sai, bù nhìn của triều đình nhà Nguyễn, hơn ai hết người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) thấu hiểu đến tận cùng nỗi đau đớn, tủi nhục của nhân dân một nước thuộc địa. Điều đó đã thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước và tìm đến chủ nghĩa Mác – Lênin. Ngay sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài trả lời phỏng vấn trên báo Cứu Quốc ngày 21/01/1946, Người khẳng định <em>“Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.</em></p>
<p style="text-align:justify">Chăm lo Nhân dân, làm tất cả vì lợi ích của Nhân dân, hay nói vắn tắt là “Vì Dân” đã trở thành giá trị cốt lõi, mục tiêu xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh và được minh chứng bằng chính cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại, nhưng vô cùng giản dị, gần gũi của Người. Trong tác phẩm “Di chúc” (1969), Người nhắc “Về việc riêng” chỉ vọn vẹn 79 từ; nhưng hoàn toàn không có gì riêng tư mà tựu trung vẫn là sự lo lắng cho công việc của đất nước, mà bản thân không thể phục vụ Nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.</p>
<p style="text-align:justify">Càng nghiên cứu về các bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các năm 1965, 1968 và 1969, chúng ta cảm nhận rõ nét chân dung vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Cả cuộc đời Bác không một chút riêng tư, mỗi dòng chữ trong Di chúc đều chan chứa tình cảm và lo lắng cho đời sống Nhân dân. Trong bản Di chúc (1968), Người căn dặn: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man”.</p>
<p style="text-align:justify">Trước hết, cần phân tích bối cảnh lịch sử khi Người bổ sung bản Di chúc vào tháng 5/1968. Đây là thời điểm diễn ra cuộc tấn công đợt 2 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Sau này, Trung ương nhận định về ý nghĩa chính trị, quân sự của cuộc Tổng tiến công đã làm “đảo lộn thế chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari”. Vì vậy, Người thể hiện niềm tin chắc chắn rằng quân đội Mỹ nhất định sẽ rút khỏi Việt Nam, chính quyền tay sai Việt Nam cộng hòa nhất định sẽ sụp đổ, nhân dân Bắc – Nam sẽ sum họp một nhà. Nỗi lo lắng của Bác Hồ về hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, chăm lo đời sống Nhân dân thể hiện tầm nhìn xa rộng của Bác; đồng thời phản ánh tính chính nghĩa, giá trị nhân văn của cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.</p>
<p style="text-align:justify">Khi phân tích “công việc đối với con người” trong “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấu cảm tình thương bao la của Người và ngưỡng mộ tầm nhìn vĩ đại, có tính chiến lược lâu dài. Trong suốt 55 năm qua (1969 – 2024), tư tưởng của Bác vẫn luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta triển khai thực hiện.</p>
<p style="text-align:justify"><strong><em>Thứ nhất, chăm lo gia đình chính sách, thương bệnh binh.</em></strong></p>
<p style="text-align:justify">Kể từ khi có Đảng lãnh đạo (1930), đồng bào và chiến sỹ cả nước đã anh dũng chiến đấu, đặt trọn niềm tin vào đường lối cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội do Đảng và Bác Hồ đề ra; sẵn sàng hy sinh để thống nhất đất nước. Trong Di chúc, Người căn dặn: <em>“</em><em>Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.</em></p>
<p style="text-align:justify">Hiện nay, trên cả nước có khoảng 9 triệu người có công, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sỹ; gần 500.000 thân nhân liệt sỹ; trên 117.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Họ là những con người đã hy sinh một phần xương máu hoặc bằng sự mất mát của người thân nhằm thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chính vậy, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, Nhà nước cụ thể hóa bằng các chính sách, pháp luật đối <a href="https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/827437/thuc-hien-tot-chinh-sach-voi-nguoi-co-cong-voi-cach-mang%2C-gop-phan-bao-dam-an-sinh-xa-hoi%2C-phat-trien-ben-vung-dat-nuoc.aspx">với người có công với cách mạng</a>, đảm bảo an sinh xã hội (như Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng); đã góp phần xoa dịu nỗi đau thương của các thương bệnh binh và gia đình liệt sỹ.</p>
<p style="text-align:justify"><strong><em>Thứ hai, ưu tiên chăm lo đời sống Nhân dân về mọi mặt.</em></strong></p>
<p style="text-align:justify">Bác Hồ đã sớm dự báo và chuẩn bị chu đáo những việc cần làm khi đất nước được thống nhất. Trong bản “Di chúc” (1968), Người đã căn dặn chi tiết những việc mà Đảng và Nhà nước cần có kế hoạch tổng thể để hồi phục đất nước sau chuyến tranh: <em>“</em><em>Ở đây nói về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân</em><em>”</em><em>. </em>Lời căn dặn của Người mang tính hoạch định chiến lược cho những vấn đề mà đất nước phải đối mặt sau chiến tranh, và những yêu cầu mới nhằm nâng cao đời sống của Nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội.</p>
<p style="text-align:justify">Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (năm 1991) của Đảng đã chỉ rõ mục tiêu và đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa là <em>“</em><em>con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân</em><em>”. </em>Thực hiện Di chúc của Người, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân. Đến hết năm 2023, nước ta nằm trong top <strong><em>40</em></strong> nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới; GDP bình quân đầu người ước đạt <strong><em>101,9</em></strong> triệu đồng và đứng trong nhóm thu nhập trung bình cao.</p>
<p style="text-align:justify"><strong><em>Thứ ba, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.</em></strong></p>
<p style="text-align:justify">Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò và trách nhiệm của thanh niên. Ngày từ trước thời điểm Đảng ta thành lập, Người đã chủ trương tập hợp những thanh niên Việt Nam ưu tú, giàu lòng yêu nước, trở thành hạt nhân để thành lập Cộng sản Đoàn (02/1925); rồi thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (01/6/1925) – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ kinh nghiệm thực tiễn cách mạng của mình, Người luôn quan tâm việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Trong Di chúc (1968), Bác căn dặn <em>“</em><em>Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đề hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết</em><em>”.</em></p>
<p style="text-align:justify">Việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là xuất phát từ quy luật khách quan của thời đại; là nhiệm vụ sống còn, quyết định vận mệnh của dân tộc và. Niềm vinh dự lớn lao của thế hệ trẻ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh là được Đảng, Bác Hồ và Nhân dân rất mực tin tưởng để gánh vác trọng trách xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, con người mới của xã hội xã hội chủ nghĩa phải hội đủ hai yếu tố <strong><em>“hồng”</em></strong> và <strong><em>“chuyên”</em></strong>. Trong đó, yếu tố “hồng” phản ánh mức độ nhận thức chính trị, giác ngộ lý tưởng cách mạng của con người mới. Sau này, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (ngày 21/11/2021) đã đúc kết về các giá trị con người Việt Nam gồm: “<em>Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo</em>”. Bên cạnh đó, “hồng” phải đi đôi với “chuyên”; vì yếu tố “chuyên” phản ánh trình độ chuyên môn, hay chính là khả năng đóng góp của một cá nhân đối với xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu, thanh niên không chỉ có lý tưởng cách mạng và nhận thức chính trị đúng đắn; thanh niên phải có chuyên môn nghiệp vụ, khả năng lĩnh hội kiến thức, sáng tạo tri thức mới, làm chủ khoa học công nghệ.</p>
<p style="text-align:justify">Tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và các địa phương đã cụ thể hóa nhiều chủ trương, quan điểm thành cơ chế, chính sách, pháp luật đối với thanh niên và trẻ em. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá khẳng định quan điểm: “Chăm lo, phát triển, thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước”. Thanh thiếu niên và trẻ em được tạo điều kiện trong học tập, rèn luyện và cống hiến cho đất nước. Vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nét thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ và chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh thiếu nhi.</p>
<p style="text-align:justify"><strong><em>Thứ tư, </em></strong><strong><em>xóa bỏ mọi rào cản để đoàn kết toàn dân tộc.</em></strong></p>
<p style="text-align:justify">Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời ý chí đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ tạo sức mạnh để thống nhất đất nước và <em>“xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”</em> theo di nguyện của Người. Muốn đoàn kết dân tộc thì trước hết phải xóa bỏ mọi rào cản do sự khác biệt về quan điểm chính trị, tôn giáo, dân tộc… Trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ trước khi rời Việt Nam sang Pháp dự Hội nghị Phôngtennơblô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: <em>“Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta… Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang”</em>. Đến bản “Di chúc” (1968), Người đã căn dặn cụ thể những việc cần làm đối với người dân của chế độ cũ bị lầm đường lạc lối: <em>“</em><em>Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu</em><em>.</em><em>.. thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện</em><em>”</em><em>.</em></p>
<p style="text-align:justify">Từ tấm lòng độ lượng, nhân văn và ý chí đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), Trung ương Đảng và Nhà nước đã tập trung tuyên truyền, giáo dục người dân bị lầm đường lạc lối dưới chế độ cũ để nhanh chóng hòa nhịp cuộc sống mới, làm người lương thiện. Bên cạnh đó, chúng ta đã giữ chân và trọng dụng nhiều nhà khoa học, người tài năng trên các lĩnh vực của chế độ cũ tiếp tục làm việc, cống hiến cho nước nhà. Từ đó, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng thêm vững chắc; những tàn dư về tư tưởng chính trị, kinh tế - xã hội của chế độ cũ đã nhanh chóng bị xóa bỏ; toàn dân quyết tâm đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.</p>
<p style="text-align:justify">Qua nghiên cứu “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cảm nhận sâu sắc về một tầm lòng yêu nước, thương dân, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tác phẩm mang tính chỉ dẫn, đặt nền tảng cho Đảng ta xây dựng Cương lĩnh, đường lối cách mạng sau khi thống nhất đất nước; đặc biệt là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong đó, vấn đề về con người hay công việc đối với con người luôn được Bác Hồ trăn trở và căn dặn kỹ lưỡng; vừa là mục tiêu, vừa là động lực của tiến trình phát triển đất nước. Càng thấu hiểu những lời lẽ bình dị nhưng sâu sắc, chan chứ tình cảm của Người trong bản “Di chúc”, mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ như càng tiếp thêm động lực để tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.</p>
<p style="text-align:right"><strong>Nguyễn Đăng Khoa</strong></p>
<p style="text-align:center"> </p>
<p style="text-align:justify"> </p>
</body></html>