<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<h2 style="text-align: justify;"><strong><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tướng Henri Navarre trong cuốn sách Đông Dương hấp hối đã coi Chủ tịch Hồ Chí Minh là "đối thủ đáng kính trọng", người có vai trò quyết định trong thắng lợi của nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp.</span></span></strong></h2>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thông tin được thạc sĩ Đào Tuấn Anh - trưởng phòng truyền thông, Bảo tàng Hồ Chí Minh - nói trong tham luận hội thảo khoa học Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức sáng 14-5 tại Hà Nội.</span></span></p>
<p style="text-align: center;"><img src="https://cdn.tuoitre.vn/471584752817336320/2024/5/15/chien-dich-17157372139571924683258.jpg" style="height:396px; width:600px" /><br />
<span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ông Đào Tuấn Anh còn dẫn thông tin tướng Henri Navarre - tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương - từng phát biểu Việt Nam đã chiến thắng thực dân Pháp, bởi Việt Nam có "một lãnh tụ chính trị duy nhất: Hồ Chí Minh", điều mà nước Pháp, quân đội Pháp giai đoạn ấy không có được.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ông Tuấn Anh chỉ ra vai trò lãnh tụ chính trị, linh hồn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược giai đoạn 1946-1954 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. </span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Vai trò này giữ yếu tố quyết định đến thắng lợi của toàn bộ cuộc chiến.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhìn thấy tài năng, trí tuệ và nhân cách của nhà hoạt động cách mạng Võ Nguyên Giáp.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Sau chiến thắng Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947, ngày 20-1-1948, Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên được phong Đại tướng của QĐND VN với một triết lý rất đơn giản nhưng hoàn toàn hợp lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh:</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">"Đánh thắng đại tá thì phong đại tá. Đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, đánh thắng trung tướng phong trung tướng, đánh thắng đại tướng thì phong đại tướng!".</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Lễ phong quân hàm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Hội đồng Chính phủ tổ chức vào ngày 28-5-1948 tại Lục Rã, chân đèo Re.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có một quyết định mà ông gọi là khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình, đó là đổi phương châm tác chiến vào phút chót, từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc thắng chắc".</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Chính quyết định táo bạo này đã giúp quân và dân ta giành được thắng lợi lừng lẫy ở Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nhưng để Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể tự tin đưa ra quyết định dũng cảm, táo bạo, sáng suốt ấy là nhờ vào tài dùng người của Bác Hồ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ông Đào Tuấn Anh dẫn lịch sử kể, khi nhận nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, sau buổi họp trước khi lên đường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi Đại tướng: "Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?".</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đại tướng trả lời: "Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị".</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nghe vậy, Bác Hồ nói: "Tổng tư lệnh ra mặt trận, Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong đảng ủy, cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau".</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bác Hồ căn dặn: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh". Đại tướng đã khắc ghi lời căn dặn ấy của Bác và đã có một quyết định quan trọng đưa quân dân ta tới thắng lợi to lớn.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Theo: Báo Tuổi trẻ</span></span></p>
</body></html>