<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Người thầy xóm tạm cư</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Người thầy xóm tạm cư</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table5">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="nguoi%20thay%20xom%20tam%20cu.JPG" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Thầy
Thảnh và học trò trong tiết toán tại lớp học tình thương khu phố 2,
P.10, Q.6</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chẳng xa mặt đường
khu dân cư sầm uất là bao nhưng cái xóm tạm cư thuộc khu phố 2 (P.10, Q.6,
TP.HCM) lại lặng lẽ đến lạ: người lớn lam lũ, đám trẻ không được đến trường...
</font></p>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Mới đây thôi đám
trẻ đã được tíu tít đến lớp thầy Thảnh - anh bí thư chi đoàn khu phố.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Dáng nhỏ thó, 15
tuổi, Nguyễn Văn Tuấn mới vào lớp 1 nhưng phải học ban đêm vì ban ngày còn phải
đẩy thùng kem đi khắp bến xe Chợ Lớn mưu sinh. “Ba mẹ em ở Đồng Tháp làm mướn
không đủ sống. Nhà ở nhờ trên đất người ta nên mấy mẹ con lên TP đi bán kem hi
vọng có tiền gửi về để cha mua đất. Mai mốt nếu đủ mình lại về quê” - Tuấn cho
biết. Tuấn là một trong nhiều học trò sớm bươn chải của lớp học tình thương thầy
Thảnh. </font></p>
<table style="border-collapse: separate" borderColor="#ecf2fe" height="100" cellSpacing="5" borderColorDark="#456ae1" cellPadding="0" width="200" align="right" borderColorLight="#4792d9" border="0" id="table6">
<tr>
<td vAlign="center" bgColor="#cfe6f9">
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Lớp học con nhà nghèo nên
cái gì cũng thiếu, nhưng Thảnh cùng bạn bè không để các em phải thiếu vở,
thiếu bút. “Không kịp vận động phường thì tụi mình bỏ tiền túi ra ứng
mua tập vở cho các em trước rồi tính sau” - Thảnh cho biết. Các bạn còn
giảm chi tiêu để góp tiền mua nhang muỗi cho lớp học, hay tặng những
phần quà nhỏ là những cái bánh, viên kẹo để khích lệ động viên các em
học giỏi.</font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cũng tạm cư nhưng Thảnh (quê
huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) vào TP.HCM để làm gia công đồ điện kiếm tiền tiếp
tục đến trường khi đang là học sinh lớp 10. Gần chục năm trọ ở xóm nghèo là nơi
tạm cư của dân các khu vực bị giải tỏa và người dân các tỉnh miền Tây lên TP mưu
sinh, Thảnh mới thấy hết cái thiệt thòi của đám trẻ nơi đây. “Đứa phụ cha mẹ đi
làm thuê, đứa bán vé số, bán kem, đánh giày... Cái chữ không biết nhưng chửi thề,
đầu gấu hết biết” - Nguyễn Thảnh day dứt. Day dứt thôi thì chưa đủ, phải hành
động. “Làm điều gì đó cho các em đây?” là niềm trăn trở mỗi lần Thảnh gặp một em
nhỏ trong xóm tạm cư này. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">“Mải mưu sinh nơi
đất khách, nhiều gia đình không thể cho con đến trường vì đa số các em không còn
giấy khai sinh. Thậm chí có gia đình khi Thảnh đến vận động cho con họ đi học là
bị xua ngay ” - Thảnh cho biết. Bị “xua đuổi” nhưng Thảnh không nản, lớp học
tình thương vẫn ra đời với vài học trò ban đầu. Không biết xoay xở thế nào vì
sau khi khảo sát thấy mỗi em mỗi trình độ, Thảnh bèn vận động thêm hai bạn trong
chi đoàn là Hoàng Hạ và Minh Tiến phụ giúp. Sau thì cả chi đoàn cùng vào cuộc.
Được khu phố ưu tiên cho sử dụng trụ sở nhưng học trò vẫn phải ngồi đất lấy ghế
xúp làm bàn. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Dần dà, những đứa
trẻ đến lớp không chỉ biết đọc, biết làm toán mà còn biết dạ thưa, chào hỏi
người lớn, hàng xóm. Một số gia đình trước đây không muốn cho con ra lớp nay đã
tự dắt con đến “cho tui gửi chú Thảnh mấy đứa để chú dạy cho nó biết đọc biết
viết với nha”. 40 học trò, có lẽ là niềm vui và kết quả đầu tiên mà cả chi đoàn
khu phố 2 có được. Ngồi đất viết ghế xúp, sợ học trò mình vẹo cột sống, mới đây
Thảnh đã xin được gần chục bộ bàn ghế từ Trường tiểu học Phú Định mang về. Cả
nhóm lao vào sửa chữa, lau chùi... </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Như đốm sáng trong
màn đêm tĩnh mịch, trụ sở khu phố 2 rực ánh điện với những giọng ê a đi kèm với
tiếng thước gõ bảng. Lớp học “5 trong 1” nghĩa là cả năm lớp từ lớp 1 đến lớp 5
đều ngồi chung vài cái bàn trong phòng với năm thầy cô là các anh chị đoàn viên
thanh niên trong chi đoàn cùng đứng lớp. Trong đó có “lớp dồn” (gọi vậy là vì
lớp đông nhất và ngày nào cũng có thể nhận thành viên mới vào học đánh vần, tập
viết).</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nói về những học
trò của mình, Thảnh nhớ vanh vách từng tính nết, sở thích đến cả ước mơ của từng
em. Thảnh chia sẻ: “Để thấu hiểu được các em, tôi phải cải trang trông “bụi bụi”
giống tụi nhỏ thì khi tiếp xúc cũng dễ mà tụi nhỏ lại tâm sự thật với mình. Cuộc
mưu sinh trên đường phố khiến các em già hơn so với tuổi nhưng nói chuyện rồi
mới nhận ra rất rõ một điều, nét thơ ngây vẫn còn đó”. Không chỉ dạy chữ, Thảnh
còn mở lớp dạy võ ngay sau giờ học để các em vừa được vui chơi vừa có môi trường
rèn luyện nhân cách. “Học võ là học đạo, trong những lần trò chuyện tôi cũng
giúp các em nhận biết điều tốt và tránh xa những cái xấu” - Thảnh cho biết.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Có duyên với trẻ em
nghèo nên tốt nghiệp đại học Mỹ thuật TP.HCM nhưng Thảnh lại đang cộng tác cho
một chương trình tiếp cận trẻ đường phố. Bài toán cơm áo gạo tiền của một tình
nguyện viên như Thảnh vẫn không làm anh nản mà dường như các em đã mang đến
những niềm vui cho anh bí thư đoàn khu phố.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>