<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Những bước chân hy vọng</title>
</head>
<body>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Bài dự thi "Gương sáng sinh viên thành phố
anh hùng"</font></b></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Những bước chân hy vọng...</font></b></p>
<div style="float: right; width: 149px; height: 19px">
<table border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="nhung%20buoc%20chan%20hy%20vong.jpg" width="250" height="201"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mỗi chúng ta, ai cũng được sinh ra và
trưởng thành theo cuộc sống, nhưng hoàn cảnh mỗi người lại rất khác nhau.
Phải chăng đó là lý do tạo nên những ước mơ nồng cháy
nhưng rất riêng trong mỗi con người? Với hoàn cảnh hiện tại của mình, tôi cũng
có ước mơ, hy vọng và tôi cũng có thể cảm nhận được những mơ ước đó của những
người xung quanh có hoàn cảnh như tôi, đặc biệt là em gái mình.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Lớn lên trong một gia đình gồm tám người:
Bà nội, bà mẹ và năm chị em - hai gái, ba trai. <b>Võ Thị Minh Dương</b> là người con
thứ hai trong năm chị em.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhà tôi thuộc Xuân Tây, Cẩm Mỹ, Đồng Nai.
Có lẽ đã từ rất lâu gia đình tôi vẫn chưa lấy gì để chứng minh cho sự khá giả
của mình. Và đến giờ phút này, hình như cả mấy chị em tôi vẫn chưa quên được cái
vị ngọt bùi, sần sật quen thuộc ngày nào của những hạt ngô xay nấu lẫn gạo, cái
không khí quây quần bên chiếc nồi đen ngòm của làn khói củi... Tuy vậy, gia đình
tôi lúc nào cũng hạnh phúc. Bất chợt, những cơn đau vật vã của mẹ, những mùa ho
kéo dài của nội tôi, buộc ánh mắt ngây thơ của đứa trẻ mười tuổi như Dương đã có
những suy nghĩ cho riêng mình: "Lớn lên, con sẽ đi bán nước mắm như chị Lê" -
chị gần nhà tôi. Tiếng nói thốt ra của đứa trẻ học lớp ba chỉ đủ cho mọi người
có thêm trận cười vui vẻ, bởi chưa một ai nghĩ tới tương lai lúc hiện tại đang
rất khó khăn trong từng miếng ăn, cái mặc. Nhưng tôi thấu hiểu lời nói trẻ thơ
của Dương, có lẽ nó cũng như tôi, mong muốn có tiền thuốc thang cho nội để ba mẹ
đỡ phải dầm mưa dãi nắng trên đất lạ quê người.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tuy kém tôi hai tuổi nhưng việc gì Dương
cũng tháo vát hơn tôi, ngay cả học tập. Dương vô tư, nhí nhảnh nhưng cũng thật
đáng thương, chỉ mới tuổi cấp II, lý ra em phải được nô đùa cùng bè bạn, phải
được ở trong nhà trong những ngày mưa to, nắng gắt. Nhưng một buổi đến trường,
buổi còn lại em phải phụ mẹ trồng bắp, bỏ phân cho gia đình người khác. Giữa
những khu vườn cò bay thẳng cánh., không có lấy mảnh chòi che nắng che mưa, bàn
tay Dương vẫn thoăn thoắt cùng mẹ trên những luống cày. Vào những ngày mưa đầu
mùa, em cũng như bao người nông dân khác, vẫn chiếc áo mưa mỏng manh ngoài đồng
làm việc; những buổi trưa hè, chỉ chiếc áo khoác dài tay em cũng có công làm
sạch biết bao khu vườn lạ. Cuối mùa, em lại cùng tôi đi nhặt nhạnh những cành
củi khô vương vãi tận vườn xa đem về đun nấu... Ngày lại qua ngày, cuộc sống cứ
tiếp diễn như bán xe lăn tròn trên lộ chưa tìm thấy đích nơi đâu. Nhiều khi đi
làm về, dù trong màn đêm lạnh giá nhưng tôi vẫn thấy được ánh mắt đầy nghị lực
của em gái mình khi chúng tôi trò chuyện, ánh mắt sáng trong như soi rọi cả con
đường xa thẳm, như xua tan hơi lạnh đêm sương, như hy vọng ngày mai khởi đầu
tuyệt đẹp.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Dương vẫn đi học đều
đặn. Tuy không dành nhiều thời gian cho việc học tập nhưng kết quả lúc nào cũng
như mong muốn. Em hiểu bài tại lớp và nhiều khi còn thuật lại lời giảng của thầy
cô cho chị em tôi nghe lúc làm đồng. Chỉ những buổi "vừa làm vừa học" như vậy mà
chị em tôi cũng học hỏi được rất nhiều từ các môn học của cô bé Dương.
Thời gian cứ thế trôi đi, em Dương lại
phải chia tay với ngôi trường cấp II yêu dấu với danh hiệu học sinh giỏi môn Văn
cấp Tỉnh. Tuy Dương không dành nhiều thời gian cho việc học, nhưng từ khi vào
lớp 1 năm nào em cũng đạt học sinh giỏi mỗi kỳ.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bước vào lớp 10 của trường PTTH chuyên
Lương Thế Vinh ở thành phố Biên Hòa như mở ra cho Dương một chân trời mới, thời
gian này cô không được sống gần gia đình nữa, một khó khăn bước đầu cho một học
sinh thôn quê đặt chân lên thành thị với biết bao thử thách. Nhưng khó khăn như
một môi trường lạ để Dương tự khẳng định mình. Vào ở cô nhi viện Biên Hòa, được
tiếp xúc với các em mồ côi có từng hoàn cảnh khác nhau, cô như đi vào cuộc sống
mới. Gần gũi các em trong mỗi tối dạy kèm, cô càng cảm thông với các em trong sự
thiếu hụt tình thương của mái ấm gia đình. Tự dưng cô cảm thấy mình còn rất may
mắn so với những đứa bé vô tội. Cô không có gì cho chúng, chỉ dạy chúng học bài,
làm bài và những mòn quà nhỏ cho những em vượt trội sau những kỳ lãnh lương.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Không biết em gái tôi yêu môn Văn tự bao
giờ, mỗi bước đi, mỗi suy nghĩ, mỗi ước mơ, mỗi gặp gỡ đều được em gói trọn
trong những cuốn "nhật ký" của mình. Nhiều tác phẩm, đôi khi tôi chỉ lướt qua
trang nhưng đối với em, từng lời lẽ như đi sâu vào trong suy nghĩ vậy. Môn văn
dường như tô điểm cho em tôi sự mềm mại, yêu đời. Tuy hát không hay nhưng em rất
thích văn nghệ, thích lấy những tác phẩm đã từng học, từng đọc để kể lại cho bà
và mẹ nghe trong những chuyến về thăm nhà. Em mong muốn được trở thành giáo viên
dạy Văn, như muốn truyền đạt những nỗi niềm sâu thẳm của từng nhân vật trong các
câu chuyện, nhưng cánh cửa sư phạm đã không mĩm cười trước sự mong muốn đó. Em
đã trượt. Em cảm thấy toàn thân tê liệt, đau như chưa từng được đau và hầu như
không có loại thuốc giảm đau nào có hiệu nghiệm lúc này...</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Về nhà, thời gian dần trôi trong sự mòn
mỏi đau buồn, thấy ba mẹ vốn gầy lại càng gầy guộc, rồi những chứng bệnh của mẹ
bắt đầu thức tỉnh. Chứng kiến sự đau đớn khôn cùng của mẹ mà Dương không biết
phải làm gì. Tự dưng cô bé yêu văn chương muốn đổi nghề, cô muốn trở thành bác
sĩ để khám chữa bệnh cho mẹ và cho tất cả chị em phụ nữ khác. Sau cơn sốc quá lớn trong sự nghiệp học
tập của mình, Dương lại tham gia kỳ thi kế tiếp. Cô thử sức mình trong hai khối
A và B. Kết quả cô đậu hai trường. Cô quyết định chọn khối B với ngành bác sĩ.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cánh cửa Đại học Y dược chào đón cô với
bao tìm tòi mới lạ. Cô đã học thêm nhiều điều tại đây và có dịp cô lại kể cho
tôi nghe những gì cô được học sau những buổi đạp xe từ quận 5 qua thăm tôi. Và giờ đây, em tôi đã là sinh viên năm hai
của trường cùng nghề nghiệp ổn định - gia sư tại nhà cho hai cậu bé học lớp 11
chuyên Hóa và 12 chuyên Toán, cô đã trở thành chị gia sư đáng tin cậy cho các
bậc phụ huynh, bởi không chỉ dạy hai môn mà cô còn có thể dạy nhiều môn theo đề
nghị của học sinh mình.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngoài thời gian đi học, đi dạy, Dương hay
lên thư viện, nhà sách tìm những thông tin liên quan bỗ trợ cho ngành học của
mình. Bởi số tiền hàng tháng kiếm được của Dương chỉ đủ chi tiêu tạm thời. Cô
không muốn gia đình phải lo lắng cho cô. Bởi cô hiểu sau cô còn những đứa em
cũng đang học xa nhà, cũng có những khó khăn như cô đã từng gặp, hơn nữa, số
tiền kiếm được của gia đình cũng khó trang trải đủ cho một lúc năm chị em.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Và dù bận đến đâu, cô vẫn tranh thủ về
thăm các em ở cô nhi viện Biên Hòa, kịp chỉ cho các em những bài toán khó, những đoạn
văn còn chưa liền mạch... Cô ao ước được tham gia chiến dịch "mùa hè xanh", được
đi khắp các tỉnh miền quê, gặp gỡ các gia đình khó khăn và dạy các em nhỏ học
tập trong mỗi dịp hè. Nhưng cô vẫn chưa thực hiện được, bởi cô còn phải làm thêm
để có tiền chi phí cho năm học tiếp theo... Mặc dù vậy, cô vẫn hy vọng các em nhỏ
ai cũng ngoan, học giỏi và thành đạt. Riêng cô, cô ý thức được rằng mình còn
phải cố gắng nhiều hơn trong học tập cũng như trong công việc, để lúc ra trường
có thể giúp ích cho mọi gia đình, đặc biệt là gia đình mình, để xứng đáng với
những công lao thầm lặng của ba mẹ.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hiện tại tôi và Dương cũng rất ít gặp
nhau, không còn những cảnh nhổ cỏ, bắt sâu trong những chiều mưa tầm tã, không
còn sớm đi, tối về trên con đường lạnh giá quen thuộc. Nhưng chị em tôi đang đi
trên một con đường khác rộng hơn, lớn hơn. Chúng tôi hy vọng sẽ gặp nhau ở nấc
thang thành đạt.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trên đoạn đường chúng tôi đi cũng gặp biết
bao cảnh khó khăn, bất hạnh với biết bao con người cùng những ước mơ khát vọng
của mình, luôn phải nỗ lực trong mọi việc, đặc biệt là cuộc sống mưu sinh.
Tôi viết về em mình với một tình thương vô bờ bến và lòng xót xa vô
hạn. Tôi cũng là một đứa con trong gia đình nên tôi hiểu cảm giác của em tôi như
thế nào trước cảnh ba mẹ còn khổ cực, các em còn nhỏ dại. Nhiều người cho rằng
"vì đông con nên gia đình mới nghèo và vì nghèo nên gia đình mới khổ, nghèo mà
còn cho con đi học, chỉ khổ thêm thôi". Có lẽ vậy, nhưng nếu gia đình tôi không
phải là gia đình hiếu học thì đã khác rồi. Năm chị em tôi đang dần lớn, từng
người, từng người lại bộc lộ năng lực và lòng ham muốn học hỏi của mình. Chúng
tôi cũng ý thức được cái nghèo nhưng chỉ tiếc vì có những ước mơ nhiều khi chưa
thực hiện được. Có những lúc nhìn cô mỏi mệt vì công việc, chán nản vì điểm học
sa sút tôi không biết phải an ủi làm sao. Chúng tôi chỉ tự nhủ "mỗi cây mỗi hoa,
mỗi nhà mỗi cảnh". Và dù khó khăn đến đâu, tôi cũng rất lấy làm hãnh diện bởi em
tôi vẫn luôn cố gắng, chưa bao giờ bỏ cuộc. Rồi đây, gia đình tôi cũng sẽ thay
đổi khi em tôi ra trường như Dương từng khẳng định với tôi. Nhưng ngày đó còn xa
quá. Và chặng đường phía trước sao mà lắm gian nan. Tôi chỉ mong nó luôn giữ
quyết tâm của mình để đi nốt quãng đường còn lại, bởi cuộc sống mưu sinh
vất vả dễ khiến cho con người ta ngã quỵ. Nhưng tôi tin em mình sẽ làm được như
từ trước tới giờ nó đã và đang làm.</font></p>
<p align="right" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><b>
<font face="Arial" size="2">VÕ THỊ MINH THÙY</font></b></p>
<p align="right" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><i><b>
<font face="Arial" size="2">(Trường TH Văn thư Lưu trữ
TƯ II)</font></b></i></p>
</body>
</html>