<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>NGƯỜI DẪN CHƯƠNG TRÌNH</title>
</head>
<body>
<span id="PageContent_News_NewsDetail0">
<p align="center"><font face="Arial" color="#0066ff" size="2"><b>NGƯỜI DẪN
CHƯƠNG TRÌNH</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Người dẫn chương trình là người
thường mở đầu cho các chương trình như: hội nghị, hội thảo, thảo luận...; có khi
dẫn dắt suốt từ đầu đến cuối như: giao lưu, lửa trại, hội diễn văn nghệ... Tùy
theo tính chất và quy mô của từng chương trình, họ có thể giữ vai trò thiết kế,
đạo diễn và cả diễn viên, họ thay mặt Ban tổ chức, đạo diễn, tập thể kịp thời xử
lý những tình huống ngoài ý muốn.<br>
<br>
Người dẫn chương trình có vị trí quan trọng như vậy nên ngoài năng khiếu bẩm
sinh (thể hình, giọng nói...) còn đòi hỏi sự đam mê và sự tự rèn luyện mình một
cách thật nghiêm túc.<br>
<br>
<font color="#3366ff">I.- CÁC LOẠI HÌNH THƯỜNG GẶP KHI DẪN CHƯƠNG TRÌNH:</font></font></p>
<blockquote>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong sinh hoạt Đoàn, Hội
chúng ta thường gặp những loại hình sau đây gồm: <br>
- Nhóm 1: các buổi họp mặt, tọa đàm, hội thảo.<br>
- Nhóm 2: các hội thi, giao lưu, lửa trại, diễn đàn...<br>
- Nhóm 3: các buổi đại hội, các hội nghị quan trọng, kết nạp đoàn viên, hội
viên...<br>
- Nhóm 4: các lễ hội lớn như lễ khánh thành, mitting, lễ kỷ niệm...<br>
- Nhóm 5: các buổi hội diễn văn nghệ, khai mạc hội thao, khai mạc bế mạc một
kỳ trại, khai giảng bế giảng lớp tập huấn...</font></p>
</blockquote>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><font color="#3366ff">II.- CÁCH
XÂY DỰNG MỘT CHƯƠNG TRÌNH:</font><br>
<br>
Như đã trình bày ở phần 1, người dẫn chương trình không chỉ là "diễn viên" thực
hiện vai diễn của mình theo quyết định của Ban tổ chức mà có khi chính ta lại là
người vừa kiêm luôn đạo diễn, viết kịch bản. Do đó, trước khi nhận nhiệm vụ,
người dẫn chương trình cần nắm rõ các ý sau:<br>
<br>
1.- Thông tin chi tiết về chương trình</font></p>
<blockquote>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Mục đích ý nghĩa của từng
chương trình.<br>
- Các yêu cầu cần phải có trong chương trình (đối với Ban tổ chức, người dẫn
chương trình, đối tượng dự chương trình đó).<br>
- Các nội dung cần thể hiện (tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện...)<br>
- Hình thức quy mô cần thể hiện (trang trí, âm thanh, đội hình đội ngũ, ăn
mặc...)<br>
- Thời gian cần có (tổng thời gian, thời gian dự phòng, thời gian giải
lao...)<br>
- Địa điểm dự định tổ chức (thuận lợi, khó khăn, các yếu tố tác động bên
ngoài...)<br>
- Số lượng người dự? Đối tượng nào?<br>
- Tính chất của từng loại chương trình (thật sự nghiêm túc hay vui tươi nhẹ
nhàng...)<br>
- Các phương tiện cần thiết tối thiểu phải có: âm thanh, ánh sáng, trang
trí, đội ngũ tiếp tân...)<br>
- Ban tổ chức gồm có ai? Chia thành bao nhiêu bộ phận? Phân công cụ thể từng
nhân sự, phối hợp các bộ phận. <br>
- Dẫn chương trình là ai? </font></p>
</blockquote>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">2.- Lên chương trình chi tiết: từ
các thông tin trên ta thể hiện ra thành một chương trình (kịch bản) thật chi
tiết. Trong chương trình nên có ghi rõ tiến độ thời gian của từng mục kèm nhân
sự phân công để dễ dàng kiểm tra công việc.<br>
<br>
3.- Lập Ban tổ chức: nên tham mưu cho lãnh đạo thành lập Ban tổ chức đễ dễ điều
hành công việc.<br>
<br>
4.- Tổng dợt chương trình: ở những chương trình có quy mô, nhỏ thì không cần,
nhưng đối với các chương trình có quy mô lớn, đại biểu nhiều, số lượng đông...
việc tổng dợt các nội dung đã có sẵn trong các chương trình là điều bắt buộc.
Đây chính là cơ hội để sửa chữa, hoàn thiện từng chi tiết trong chương trình,
nhằm hạn chế tối thiểu những sai sót có thể xảy ra.<br>
<br>
5.- Kinh phí: dự trù tổng kinh phí cần có cho thực hiện chương trình. Cố gắng
tránh mọi phát sinh sau khi đã được duyệt.<br>
<br>
<font color="#3366ff">III.- MỘT SỐ YÊU CẦU CẦN CÓ Ở NGƯỜI DẪN CHƯƠNG TRÌNH:</font><br>
<br>
<font color="#3366ff">1.- Ý thức chấp hành:<br>
</font><br>
Người dẫn chương trình có vị trí và tầm quan trọng nhất định trong tổ chức hoạt
động, mọi thành bại ở người dẫn chương trình ảnh hưởng rất lớn đến thành bại cả
buổi lễ cho nên người ta thường đòi hỏi cao ở người dẫn chương trình ý thức chấp
hành công việc. Người dẫn chương trình phải lấy sự thành bại qua mỗi lần tổ chức
làm niềm vui, nỗi buồn cho cá nhân mình, là danh dự, uy tín của cả đơn vị, cả
tập thể cho nên mọi sự thay đổi nội dung, thứ tự các tiết mục phải có sự chỉ đạo
trực tiếp và kịp thời từ Ban tổ chức.<br>
<br>
<font color="#3366ff">2.- Trình độ năng lực:</font><br>
<br>
Người dẫn chương trình phải hiểu và nắm chắc mục đích ý nghĩa, yêu cầu, nội
dung, đặc điểm của từng loại chương trình cụ thể để tham mưu kịp thời cho lãnh
đạo và thực hiện công việc cho phù hợp. Người dẫn chương trình cũng cần có uy
tín nhất định, có bề dày kinh nghiệm, biết phát huy được tối đa năng lực các bộ
phận có liên quan như âm thanh, ánh sáng, hậu cần, trang trí, nhạc công... cho
sự thành công của chương trình.<br>
<br>
<font color="#3366ff">3.- Các yêu cầu khác: </font></font></p>
<ul>
<li>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Về cá nhân người dẫn chương
trình phải có kiến thức sâu rộng, am hiểu ở nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn
hóa, địa lý, pháp luật, nghệ thuật, xã hội... để không xảy ra bất kỳ sai sót
nào về kiến thức</font> </li>
<li>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Người dẫn chương trình phải
biết nói năng lưu loát, duyên dáng, diễn cảm, biết nói đùa đúng lúc. Khi cần
phải biết kể chuyện, đọc thơ, hát, chơi trò chơi để làm phong phú cho chương
trình.</font> </li>
<li>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Người dẫn chương trình cần có
ngoại hình dễ xem, biết cách ăn mặc cho phù hợp với từng loại chương trình
và thể hiện sự tôn trọng mọi người (không quá phô trương nhưng cũng không
quá xuề xòa). Người dẫn chương trình nên biết thực hiện chương trình vừa
sức, phù hợp với sở trường và bản thân có nhiều kinh nghiệm.</font> </li>
</ul>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Để đạt được những điều trên,
người dẫn chương trình cần phải học, nếu có điều kiện thì nên học các lớp chuyên
dành cho người dẫn chương trình để nắm được những kiến thức căn bản. Ngoài ra
còn phải tự học ngay ở chính mình qua mỗi lần dẫn chương trình, biết đâu là ưu
điểm để cố gắng phát huy, đâu là hạn chế để khắc phục; học ngay ở những người
dẫn chương trình khác nếu có dịp tham dự. Phải biết tự rèn bản thân từ đi, đứng,
nói, cười, cách diễn tả nội dung bằng ánh mắt, điệu bộ. Thí dụ: để mở đầu cho
một chương trình bao giờ cũng kính thưa... thì ta nên soạn và học thuộc lòng để
khi xuất hiện ta không cần nhìn giấy vẫn nói lưu loát, điều đó tạo sự tin tưởng
ở người dự và ta cũng phần nào tự chủ ở mình hơn vì phút đầu xuất hiện là lúc ta
dễ mất tự tin nhất. Phải học thật nhiều sách các thể loại để tích lũy kiến thức
nhất là thời sự, văn học, nghệ thuật...</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" color="#3366ff" size="2">IV.- MỘT SỐ KINH
NGHIỆM TRONG XỬ LÝ TÌNH HUỐNG:</font></p>
<ul>
<li>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Khi có một người nào đó phát
biểu sai kiến thức, nói dài quá thời gian cho phép... có thể nhờ bộ phận âm
thanh cúp tiếng giùm xem như có sự cố, sau khi sửa âm thanh lại ta có thể
xin lỗi và sang nội dung khác.</font> </li>
<li>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Khi ta hoặc một người nào đó
nói sai, lộn lời, hát lạc giọng... tự tắt micrô để mọi người xem như có sự
cố không lưu ý đến sự việc ta tranh thủ chuyển sang đề tài khác hoặc hát
lại, nói lại...</font> </li>
<li>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Khi cầm micrô trong tay phải
lưu ý các điều sau:<br>
Không để đầu micrô quay về hướng mặt loa, âm thanh sẽ hú gây khó chịu cho
người dự.<br>
Không vỗ tay khi có micrô trên tay, dễ làm hư micrô và gây tiếng ồn không
cần thiết.<br>
Không thổi hơi vào micrô (dễ hư micrô).<br>
Không sử dụng micrô để nói chuyện linh tinh, hát nghêu ngao dễ làm người
khác không hài lòng.<br>
Đối các loại micrô có công tắc trực tiếp khi cần sử dụng thì mở, nếu không
thì nên tắt cho tiện.</font> </li>
<li>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong chương trình, nếu có
các tiết mục văn nghệ nên bố trí người tặng hoa để làm không khí buổi lễ
hưng phấn lên. Việc đặt câu hỏi giao lưu với khán giả cũng là cách làm cho
chương trình sinh động thêm.</font> </li>
<li>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trước khi vào một tiết mục
nên có lời dẫn, tuy nhiên cần tránh nói quá nhiều vì như vậy sẽ làm loãng
nội dung chính.</font> </li>
<li>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Khi cần khán giả đồng tình
với người dẫn chương trình về một vấn đề nào đó thay vì nói: các bạn, các
đồng chí ... có đồng ý với tôi không? nên nói: tôi tin rằng các bạn, các
đồng chí sẽ đồng ý với tôi là: ........................ Tránh đi các phản
ứng ngược từ khán giả.</font> </li>
<li>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Các chương trình có tính chất
vui chơi, giải trí và quy mô lớn... nên bố trí 2 người dẫn chương trình để
chương trình được sinh động hơn.</font> </li>
</ul>
<blockquote>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cuối cùng, nên nhớ tự tin
luôn là một phẩm chất không thể thiếu được của người dẫn chương trình.</font></p>
</blockquote>
</span>
</body>
</html>