<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Võ đường khiếm thị</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Võ đường khiếm thị</font></b></p>
<table style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table5">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="vo%20duong%20khiem%20thi.bmp" width="150" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p class="tLegend" align="center">
<font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>HLV Anh Hòa hướng dẫn hai
võ sinh thực hành một đòn thế</i></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhiều năm trước ít ai nghĩ người
khiếm thị có thể học võ được. Nhưng gần đây, chỉ riêng tại TP.HCM đã có tới ba
võ đường với sáu câu lạc bộ judo khiếm thị. Tổ chức Đoàn đã khơi mào cho “sân
chơi” đó.</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify">
<font color="#008000" face="Arial" size="2"><b>Học võ bằng... sờ</b></font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Lớp võ judo tại trụ
sở Hội Người mù TP.HCM có gần 30 võ sinh. Ở một góc phòng tập, Hương đang miệt
mài thực hành hàng chục lần một động tác té kỹ thuật vừa học. Ngày đầu học võ,
tối về mình mẩy Hương ê ẩm, bạn đồng môn ở cùng phòng phải xoa bóp, giờ đã dần
quen. “Học võ để phòng thân”, Hương cười mỉm. Gần một giờ quật nhau huỳnh huỵch
trên sàn tập, mồ hôi đẫm lưng, nhưng các võ sinh vẫn nằng nặc đòi “tập nữa cô ơi!”.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chúng tôi đến lớp
judo tại Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu đúng vào buổi tập có thực hành thi đấu
đối kháng cá nhân. Không nhìn thấy nhưng các võ sinh vẫn cứ la hét cổ động rân
trời. Các HLV dạy cho người khiếm thị phải dùng phương pháp “mô phạm xúc giác”.
Không chỉ diễn giải thật chi tiết bằng lời nói, HLV còn phải “đi” động tác thật
chậm để võ sinh... sờ bằng tay lên các điểm vận động, từ đó mường tượng động tác
trong đầu. HLV Anh Hòa cho biết: “Được cái khi đã hiểu bài thì các bạn nhớ rất
lâu, chỉ cần nhắc tên động tác là làm được”. </font></p>
<table style="border-collapse: separate" borderColor="#ecf2fe" height="250" cellSpacing="5" borderColorDark="#456ae1" cellPadding="4" width="200" align="right" borderColorLight="#4792d9" id="table6">
<tr>
<td vAlign="center" bgColor="#cfe6f9">
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Đến nay, TP.HCM có sáu CLB
judo khiếm thị tại Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu, Hội Người mù TP.HCM,
mái ấm Nhật Hồng, mái ấm Thiên Ân, cơ sở Bừng Sáng, chùa Kỳ Quang 2...
với ba võ đường chính đặt tại Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu, Hội Người
mù TP.HCM và nhà tập luyện Phú Thọ. Cuối năm 2006, võ sinh Triệu Thị
Nhỏi đã xuất sắc đoạt một HCB môn judo tại Đại hội thể thao người khuyết
tật châu Á - Thái Bình Dương. </font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font color="#008000" face="Arial" size="2"><b>Hội nhập bằng
tình thương võ đạo</b></font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ý tưởng đó khơi mào
cho công trình thanh niên “Huấn luyện judo cho người khiếm thị” do Đoàn Sở TDTT
TP.HCM làm “chủ xị”. Phải trổ tài “hùng biện” và... năn nỉ dữ lắm mới thuyết
phục được các bạn trẻ khiếm thị, gia đình và chủ cơ sở nuôi dạy trẻ khiếm thị
Bừng Sáng (Q.10) dạy võ miễn phí. “Lúc đó không ai tin người khiếm thị có thể
học võ được” - võ sư Lý Đại Nghĩa cho biết. Anh em cùng nhau góp tiền túi, chạy
đôn chạy đáo lo tươm tất lễ khai giảng, sau đó lại chia nhau đi xin từng bộ võ
phục để sàn tập ra dáng một võ đường.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Lớp võ judo đầu
tiên tại nhà tập luyện Phú Thọ ra mắt vào tháng 5-2004 chỉ có 16 võ sinh nhưng
có tới sáu HLV và gần một chục võ sinh judo sáng mắt cùng tập hỗ trợ. Từ những
buổi tập luyện, các HLV chủ ý xây dựng võ đường như một gia đình ngập tràn yêu
thương. Ở các võ đường khiếm thị, không thấy ranh giới thầy trò, còn các “đệ tử”
cư xử với nhau như anh em ruột thịt. “Mỗi buổi tập HLV được trả bao nhiêu?”.
“Chúng tôi muốn đến với các bạn khiếm thị chứ đâu có bồi dưỡng gì!”, HLV Anh Hòa
tâm sự.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Các võ sinh khiếm
thị đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau trên cả nước. Mỗi bạn một hoàn cảnh, nhưng
giờ đây các bạn được chăm sóc, hỗ trợ học hành. “Từ lúc học võ tôi thấy khỏe hơn,
học giỏi hơn và mất luôn cảm giác sợ hãi mơ hồ lúc trước”, đó là lời tâm sự
không chỉ của võ sinh khiếm thị Nguyễn Đình Ân (Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu).
Và nỗ lực vượt khó của “đệ tử” lắm khi còn tác động ngược lại các “sư phụ”. HLV
Thúy Hồng bộc bạch: “Những lúc gặp khó khăn trong cuộc sống tôi lại nghĩ đến các
bạn ấy”. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>