<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>V</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" color="#0000FF" size="2">V.I. Lê-nin -
Vị lãnh tụ vĩ đại của những người Cộng sản và nhân dân lao động trên thế giới</font></b></p>
<div style="float: left; width: 91px; height: 29px">
<table border="1" width="100%" id="table1">
<tr>
<td><img border="0" src="Lenin.bmp" width="176" height="199"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">V.I. Lê-nin tên thật là Vladimir
Ilits Ulianov, người là lãnh tụ vĩ đại của những người cộng sản và nhân dân lao
động trên toàn thế giới. Nhân dịp kỷ niệm kỷ niệm 137 năm ngày sinh V.I.Lênin
(22/4/1870 - 22/4/2007), Thông tin trong Đoàn giới thiệu cùng bạn đọc đôi nét về
tiểu sử của Người. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Lãnh tụ V.I. Lê-nin tên thật là
Vladimir Ilits Ulianov, các bí danh đã dùng là V. Ilin, K. Tulin, Karpov và
những bí danh khác. Ông là nhà lí luận chính trị người Nga, nhà triết học, người
phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, người sáng lập Đảng
Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Liên Xô, người sáng lập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế
III). Sinh trưởng trong một gia đình trí thức ở Ximbiaxkơ (Simbirsk, nay là
Ulianôpxkơ). Năm 1891, tốt nghiệp đại học Luật với tư cách thí sinh tự do;
lập nhóm macxit đầu tiên ở Xamara (Samara); từ năm 1893, lãnh đạo những người
macxit ở Pêtecbua (Peterburg). Năm 1894, viết "Những người "bạn dân" là thế nào
và họ đấu tranh chống những người xã hội - dân chủ ra sao?" nhằm phê phán chủ
nghĩa dân túy. Năm 1895, bị tù rồi bị đày đi Xibia (Sibir'). Năm 1900, trở về
Nga, rồi ra nước ngoài hoạt động, gặp Plêkhanôp (G. V. Plekhanov), cùng với
Plêkhanôp ra báo "Tia lửa" (Iskra), tờ báo cách mạng macxit đầu tiên của nước
Nga. Lênin đã nghiên cứu kế hoạch xây dựng một đảng macxit kiểu mới, lần lượt
viết "Làm gì" (1902) trình bày kế hoạch xây dựng đảng về mặt tư tưởng, "Một bước
tiến hai bước lùi" (1904) nêu ra nguyên tắc xây dựng đảng về mặt tổ chức, "Hai
sách lược của đảng xã hội dân chủ trong cách mạng dân chủ" (1905) trình bày lí
luận chuyển từ cách mạng tư sản dân chủ sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Năm
1905, Lênin về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng chống chế độ Nga
hoàng. Cách mạng 1905 thất bại, Lênin lại phải ra nước ngoài và sống lưu vong
cho đến 1917. Trong thời kì cách mạng thoái trào, Lênin quan tâm đấu tranh chống
chủ nghĩa xét lại trong triết học. Tác phẩm "Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh
nghiệm phê phán" (1908) phát triển những khái niệm cơ bản của triết học macxit (như
vật chất, kinh nghiệm, chân lí, thực tiễn, nhân quả, tự do và tất yếu), đặt vấn
đề tính đảng trong triết học. Những bài bút kí của Lênin về triết học, chủ yếu
viết từ 1914 đến 1916, sau này được tập hợp dưới tên "Bút kí triết học", đã đưa
ra được nhiều ý kiến mới mẻ về phép biện chứng, về sự thống nhất, sự đồng nhất,
sự phù hợp giữa phép biện chứng, lôgic học và lí luận nhận thức. Năm 1912, báo "Sự
thật" ra đời ở Pêtecbua do Lênin chỉ đạo từ nước ngoài. Lênin phát triển tư
tưởng của Mác (K. Marx) và Enghen (F. Engels) về nhiều vấn đề lí luận và thực
tiễn cách mạng như vấn đề dân tộc trong các tác phẩm "Nhận xét phê phán về vấn
đề dân tộc" (1913), "Về quyền dân tộc tự quyết" (1914)... Những năm đầu Chiến
tranh thế giới I, Lênin xây dựng lí luận và sách lược Bônsêvich về những vấn đề
chiến tranh, hòa bình và cách mạng, vạch mặt phái trung gian [Kauxky (K. Kautsky),
Tơrôtxki (L. D. Trockij)] và phái Sôvanh - xã hội. Trong tác phẩm " Chủ nghĩa đế
quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản" (1916), Lênin tiếp tục nghiên cứu
phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, vạch ra quy luật phát triển kinh tế và
chính trị trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc. Tháng 4/1917, về nước sau khi chế
độ Nga hoàng bị lật đổ từ tháng 2. Lênin đưa ra "Luận cương tháng Tư", cương
lĩnh đấu tranh chuyển cách mạng tư sản dân chủ thành cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Viết "Nhà nước và cách mạng" (1917), Lênin lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Mười
thắng lợi và trở thành chủ tịch Hội đồng ủy viên nhân dân. Tháng 8/1918, bị
thương do mưu sát. Trong những năm Nội chiến, Lênin lãnh đạo những người
Bônsêvich chống lại thù trong giặc ngoài, bảo vệ nhà nước Xô Viết. Theo sáng
kiến của Lênin, Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) được thành lập 1919, Lênin trở
thành lãnh tụ của phong trào cộng sản quốc tế, người soạn thảo chủ yếu chiến
lược và sách lược của phong trào. Năm 1920, viết "Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong
phong trào cộng sản", phê phán nguy cơ của chủ nghĩa cơ hội "tả" đã xuất hiện.
Sau Nội chiến, Lênin đề ra kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển từ "chính
sách cộng sản thời chiến" sang "chính sách kinh tế mới", mà nội dung chủ yếu là:
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">1) Xây dựng chủ nghĩa xã hội
không thể chỉ dựa vào nhiệt tình, mà phải quan tâm đến lợi ích thiết thân của
người lao động, coi đó là động lực xây dựng chủ nghĩa xã hội. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">2) Phải coi trọng sản xuất hàng
hóa, chuyển từ chính sách trưng thu sang chính sách thuế lương thực. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">3) Sử dụng thành phần kinh tế tư
bản nhà nước, coi đó là một hình thức trung gian quan trọng để quá độ lên chủ
nghĩa xã hội. Lênin đề ra con đường của Liên Xô quá độ lên chủ nghĩa xã hội là
công nghiệp hóa và xây dựng công nghiệp nặng, hợp tác hoá nông nghiệp, tiến hành
cách mạng văn hóa, khởi xướng kế hoạch điện khí hóa đất nước (kế hoạch Gôenrô).
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Học thuyết của Lênin - chủ nghĩa
Lênin - là sự vận dụng học thuyết của Mác vào những điều kiện lịch sử mới và
phát triển sáng tạo, cụ thể hóa nó dựa trên kinh nghiệm của cách mạng Nga và
phong trào cách mạng thế giới, sau khi Mác và Enghen mất, đặc biệt trong các vấn
đề như lí luận về chủ nghĩa đế quốc, về cách mạng xã hội chủ nghĩa (cách mạng xã
hội chủ nghĩa có thể thắng lợi đầu tiên ở một nước hay một số nước), học thuyết
về xây dựng đảng kiểu mới, cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội. </font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">ĐAN THANH (tổng hợp) </font></b>
</p>
</body>
</html>