<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổn</title>
</head>
<body>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố
Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2007)</b></font></p>
<p align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>Đồng chí Lê
Duẩn học gương đạo đức Bác Hồ</b></font></p>
<div style="float: right; width: 124px; height: 48px">
<table border="0" cellspacing="1" style="border-collapse: collapse" width="100%" bordercolorlight="#000000" bordercolordark="#000000" id="table1">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="dc%20Le%20Duan.JPG" width="313" height="195"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Hồ
Chủ tịch và đồng chí Lê Duẩn tại lễ kỷ niệm lần thứ 22 Ngày thành
lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đánh giá công lao của đồng chí Lê
Duẩn, Đảng ta khẳng định: "Đồng chí luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ
tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đề ra. Sự
sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và
những tình huống phức tạp". Đồng chí Lê Duẩn - người học trò lỗi lạc của Hồ Chủ
tịch, một cán bộ lãnh đạo giỏi, một tư duy sáng tạo không ngừng của cách mạng
Việt Nam. Thông tin trong Đoàn giới thiệu cùng bạn đọc một kỷ niệm về đồng chí.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tôi được gặp đồng chí Lê Duẩn,
lần đầu tiên ở cuộc họp mặt để học tập gương đạo đức Bác Hồ, nhân kỷ niệm 61 năm
ngày sinh của Người (19/5/1951). Cuộc họp do Khu ủy Khu 4 tổ chức. Cơ quan Khu
ủy Khu 4 lúc đó đóng ở Vinh (Nghệ An). </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mở đầu, đồng chí Lê Duẩn nêu vấn
đề: "Chúng ta học gương đạo đức Bác Hồ là học những gì?". Lần lượt, có ba đồng
chí đứng lên nói, nhưng đều giống nhau: Học đạo đức Bác Hồ là học gương Bác về
trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Nghe xong,
đồng chí nói, có mặt ở đây là những người thuộc hàng cán bộ lãnh đạo của Đảng
cấp khu, cấp tỉnh, mà chỉ trả lời như vậy, chứng tỏ các đồng chí còn thiếu suy
nghĩ. Rồi đồng chí kể lại là đồng chí đã học về gương đạo đức của Bác Hồ, từ một
mẩu chuyện nhỏ về Bác, được đăng trên báo Cứu Quốc. Chuyện kể rằng, sau cuộc
Tổng khởi nghĩa tháng 8- 1945 thành công, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội,
ở nhà số 48 phố Hàng Ngang của một người dân, để soạn thảo Bản Tuyên
ngôn Độc lập. Hôm đó, đồng chí thư ký ra nhắc Bác đi ngủ vì đã quá khuya, thì từ
ngoài đường vang lên tiếng rao của một cháu bé: "Ai mua lạc rang không?". Bác
nói với đồng chí thư ký, dân mình còn khổ quá, trẻ con còn nhỏ vậy mà đêm khuya
chưa được ngủ, còn phải đi kiếm sống. Đồng chí thư ký thấy mắt Bác rưng rưng.
Theo đồng chí Lê Duẩn thì câu chuyện nhỏ đó đã thể hiện cái đức lớn của Bác Hồ,
cái đức lớn bắt nguồn từ sự cảm thông sâu sắc với nỗi khổ của con người. Chính
từ tình cảm sâu đậm này mà tuổi trẻ, một mình với hai bàn tay trắng Bác đã ra đi
tìm đường cứu dân cứu nước, bôn ba qua nhiều nước, vừa tự kiếm sống, tự rèn
luyện, tự học tập để hoạt động cách mạng và trở thành vị lãnh tụ của Đảng, được
cả dân tộc tin yêu. Bác Hồ nêu được gương sáng về đạo đức: Trung với nước, hiếu
với dân, cần kiệm liêm chính chí công vô tư... cũng bắt nguồn từ đây.</font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2" color="#808080">
<img border="0" src="dc%20Le%20Duan1.JPG" width="388" height="172"></font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2" color="#808080"><i>Hồ Chủ tịch, các đồng chí Lê Duẩn,
Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp gặp các cán bộ cấp cao toàn quân, tháng 5/1969</i></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đồng chí cho rằng, học gương đạo
đức Bác Hồ là học cho được cái gốc, tức là học cho được cái tâm của Bác trước
nỗi khổ của con người. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Xong vấn đề này, đồng chí lại hỏi:
"Chúng ta thường nói, người cộng sản phải giữ vững lập trường, vậy giữ vững lập
trường là thế nào?". Đồng chí phụ trách trường Đảng của Khu ủy đã trả lời rằng,
hai chữ "lập trường" gốc từ chữ Hán, "lập" là đứng, "trường" là chỗ. "Lập trường"
là chỗ đứng. Nhưng đây là chỗ đứng về chính trị. Trong xã hội có nhiều giai cấp
có quyền lợi khác nhau nhưng Đảng phải đứng về phía quyền lợi của giai cấp công
nhân, là giai cấp tiên tiến nhất. Đứng trên lập trường giai cấp công nhân, trước
hết là Đảng lãnh đạo nhân dân giành cho được chính quyền rồi Đảng thay mặt giai
cấp công nhân và nhân dân nắm chính quyền để bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng
đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi nghe, thầm
khen đồng chí vừa trả lời, đúng là "một cây lý luận". Nhưng đồng chí Lê Duẩn lại
nhận xét là giải thích như vậy không sai nhưng còn thiếu, còn dài, còn khó hiểu.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Còn thiếu vì nói đến chủ nghĩa
cộng sản mà không nói tạo điều kiện để cho con người được sống với nhau trong
tình thương và sống theo lẽ phải. Tức là sống không còn thù hằn nhau và sống chỉ
phục tùng lẽ phải, ngoài ra không phải phục tùng một quyền lực nào khác kể cả
quyền lực Nhà nước. Đồng chí biết chúng tôi đều đã học tiếng Pháp nên còn đệm
thêm tiếng Pháp "non violence, sans soumission" (không bạo lực, không phục tùng).
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Để nói ngắn và dễ hiểu thì giữ
vững lập trường giai cấp công nhân là biết yêu quý người lao động, phấn đấu cho
người lao động được độc lập và được sống tự do, hạnh phúc. Nói xong đồng chí hỏi:
"Có đúng vậy không, các đồng chí" và chúng tôi vỗ tay.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đồng chí lại hỏi: "Là đảng viên
cộng sản, có ai đã kiểm điểm, mỗi ngày mình đã ra khỏi Đảng mấy lần hay không?".
Đây là câu hỏi hoàn toàn mới lạ. Thấy cả hội trường im lặng, đồng chí nói rõ
thêm: hàng ngày, được trực tiếp chứng kiến cảnh người lao động sống cực nhọc,
đói khổ, chịu cảnh bị khinh rẻ, bị áp bức bóc lột, nhân cách bị chà đạp... mà
dửng dưng không chút động lòng, như vậy là đã ra khỏi Đảng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cuối cùng đồng chí gút lại, học
gương đạo đức Bác Hồ là phải học từ cái tâm, từ những xúc động đến rưng nước mắt
của Bác trước nỗi khổ của con người, là vận dụng bài học đó để suy nghĩ về lập
trường giai cấp công nhân của Đảng, để suy nghĩ về thực chất của hai chữ "vào
Đảng". Rồi đồng chí hỏi lớn tiếng: "Các đồng chí có đồng ý như vậy hay không?".
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tất cả vỗ tay một tràng dài.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Được nghe đồng chí Lê Duẩn nêu
vấn đề và giải thích, chúng tôi dự cuộc họp mặt hôm ấy rất thích thú và đều cho
rằng, học gương đạo đức Bác Hồ với sự suy nghĩ như đồng chí Lê Duẩn, đúng là rất
sâu sắc. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><i><b>Theo Báo CA TPHCM</b></i></font></p>
</body>
</html>