<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Gặp gỡ nhà khoa học trẻ Nguyễn Đ</title>
</head>
<body>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>Gặp gỡ nhà khoa học trẻ Nguyễn
Đắc Vinh:</b></font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font color="#0000FF" face="Arial" size="2">
<span id="lbHeadline" class="text16b" style="width: 100%; font-weight: 700">Phải
sống cởi mở, biết lắng nghe</span></font></p>
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font color="#0000FF" face="Arial" size="2">
<span id="lbHeadline" class="text16b" style="width: 100%; font-weight: 700"> </span></font></p>
<span id="lbAuthor1" class="author"></span>
<table id="table1" align="left" border="0" cellpadding="0" cellspacing="3" width="1">
<tr>
<td align="left" valign="top">
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<img border="0" src="phai%20song%20coi%20mo.bmp" width="180" height="135"></td>
</tr>
<tr height="1">
<td align="left" valign="top">
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="center">
<font color="#808080">
<span id="AvatarDesc" style="font-family: Arial; font-size: 10pt; font-style: italic">
Anh Nguyễn Đắc Vinh hướng dẫn SV làm thí nghiệm </span></font></td>
</tr>
</table>
<span class="indexstorytext">
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Năm 2000, Nguyễn Đắc Vinh tốt nghiệp đại học STU (Cộng
hòa Czech) với tấm bằng Tiến sĩ hóa học ngành công nghệ hóa bảo quản thực phẩm.
Không như nhiều lưu học sinh Việt Nam chọn con đường lập nghiệp ở nước ngoài,
Vinh về nước giảng dạy tại khoa Hóa, trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội. Cũng từ
đây, anh đã gặt hái thành công trên con đường nghiên cứu khoa học. Mới đây,
Nguyễn Đắc Vinh được bình chọn là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt
Nam năm 2006.</font></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify"></span>
<span id="lbBody" class="indexstorytext"><font face="Arial" size="2"><b><em>*
Anh đã sống và học tập ở nước ngoài hơn 10 năm, một môi trường quá tốt để anh
phát triển sự nghiệp nghiên cứu khoa học, lý do khiến anh quay trở về Việt Nam?</em>
</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Tôi chưa bao giờ có ý định lập
nghiệp ở nước ngoài. Tôi rất yêu Việt Nam, nơi đó có gia đình, bạn bè, nơi đã
nuôi dưỡng mình ăn học thành người. Tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là về nước
tìm được công việc phù hợp với ngành học của mình. Tôi lựa chọn trường ĐH Khoa
học tự nhiên Hà Nội dù vẫn biết, làm giảng viên ĐH, không phải là công việc có
thu nhập lý tưởng, nhưng là cơ hội để tôi theo đuổi hoài bão của mình và có thể
truyền đạt lại những kiến thức đã học cho các bạn sinh viên. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b><em>* Liệu có dễ dàng hòa nhập
với môi trường mới hay không khi anh đã xa Việt Nam quá lâu? </em></b>
</font></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<font face="Arial" size="2">- Quả thật, chẳng dễ dàng chút nào. Đang quen với
môi trường sống ở nước ngoài, về Việt Nam khí hậu thay đổi nên mình đổ bệnh,
bệnh người ta hay gọi là "ngã nước". Người gầy rộc, xanh xao. Phải mất một năm
chạy chữa, tôi mới thích nghi được với môi trường sống. Rất mừng, tôi được các
đồng nghiệp ở khoa Hóa nhiệt tình giúp đỡ. </font></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<em>
<table style="width: 179px; height: 229px" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="2" frame="box" rules="all" id="table2">
<tr>
<td bgcolor="#D7EBFF">
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<font face="Arial" size="2">7 năm giảng dạy tại trường ĐH Khoa học tự
nhiên, Nguyễn Đắc Vinh đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài NCKH cấp bộ
và thành phố như: Nghiên cứu đề xuất phương án xử lý nước thải của làng
nghề tơ lụa Vạn Phúc-Hà Đông; Nghiên cứu chế tạo thiết bị xử lý arsen
trong nước quy mô hộ gia đình; Nghiên cứu đề xuất công nghệ xử lý các
chất ô nhiễm trong nước thải từ Công ty dệt len Mùa đông; Nghiên cứu xử
lý nước thải bằng phương pháp sinh học nhiều bậc...</font></td>
</tr>
</table>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<font face="Arial" size="2"><b>*Anh học công nghệ hóa bảo quản thực phẩm, nhưng
trên thực tế những đề tài anh đã và đang thực hiện lại liên quan nhiều đến vấn
đề xử lý nước thải. Phải chăng anh chưa có "đất để dụng võ"? </b></font></em>
</p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<font face="Arial" size="2">- Ở nước ngoài, công nghệ bảo quản thực phẩm rất
phát triển. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay là ô nhiễm môi
trường. Tôi nghĩ, là nhà khoa học trước hết phải biết đề tài mình đang nghiên
cứu có thiết thực hay không, có ích cho xã hội hay không, chứ không phải là
nghiên cứu cái gì mình thích, làm xong rồi bỏ đó. Vì thế, trước mắt tôi "ưu tiên"
cho nghiên cứu các thiết bị xử lý nước thải, nước thải sinh hoạt. Bước đầu, đã
chuyển giao công nghệ thành công, nước thải đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam. Còn các
đề tài về bảo quản thực phẩm, tôi vẫn đang thực hiện đấy chứ. Tôi cũng đã có
nhiều bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế về lĩnh vực này. Việt Nam là
một nước có nền nông nghiệp phát triển, về lâu dài, tôi sẽ tiếp tục theo đuổi
các đề tài bảo quản thực phẩm như: tách chất ô xy hóa từ các phế phẩm nông
nghiệp, tìm hợp chất chống ô xy hóa an toàn, rẻ tiền từ các loại gia vị và hương
liệu...</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b><em>* Hiện nay, nhiều lưu học
sinh Việt Nam đang băn khoăn giữa việc về hay ở. Là người đã trở về, không chỉ
gặt hái thành công trong sự nghiệp, anh có lời khuyên nào với các bạn trẻ?</em></b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Việt Nam bây giờ cũng đã có
nhiều thay đổi rất nhiều, điều kiện làm việc cũng tốt hơn. Với tôi, không nơi
đâu bằng quê hương mình, được làm việc, được cống hiến ở quê hương mình vẫn là
tốt nhất. Quan trọng là mình phải sống cởi mở, biết lắng nghe, học hỏi từ những
người xung quanh. Thực tế cho thấy, ở trường Khoa học tự nhiên Hà Nội, đa số
những giảng viên trẻ đều đã từng là du học sinh trở về. Chúng tôi đã và đang nỗ
lực hết mình đóng góp chung vào sự phát triển của nền giáo dục và nghiên cứu
khoa học nước nhà. </font></p>
</span>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><i><b>Theo TNO</b></i></font></p>
</body>
</html>