<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>New Page 3</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
“Tên lửa”... học trò</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="ten%20lua%20hoc%20tro.bmp" width="150" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Nạp khí
cho “tên lửa” chuẩn bị phóng</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mỗi chiều thứ năm hằng tuần, học
trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) lại rủ nhau đi coi... phóng tên
lửa. Hơn ba tháng nay, hàng chục “tên lửa” do chính học trò nghiên cứu, chế tạo
đã được phóng đi ngay tại... sân trường.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Sân trường tiết học
cuối vắng lặng, ngay góc hành lang cuối dãy C lại khá rộn ràng, nhộn nhịp với
gần chục gương mặt học trò đang túm tụm bên nhau với đủ loại đồ đạc lỉnh kỉnh.
Đó là không gian riêng nhà trường ưu tiên dành cho các thành viên CLB Khoa học
của trường, và nơi đây đã trở thành “xưởng chế tạo” tên lửa của học sinh hơn ba
tháng nay. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cả nhóm người ngồi
dưới nền, chăm chú vào những đoạn ống nối, van bơm khí, rồi đo đạc, dùi, cắt
những chai nhựa, thùng giấy. Các “kỹ sư vũ trụ” đang rã mấy “tên lửa” cũ. Thầy
Nguyễn Thành Tương, giáo viên vật lý, cho biết: “Các em đang chế tạo tên lửa đấy.
Tất cả mọi thứ đều do các em tự mày mò, nghiên cứu, sáng chế...”. Thật ra, đây
là trò chơi khoa học phóng “tên lửa” bằng nước của Nhật Bản, mà thầy Tương biết
đến hồi tham dự hội thảo giáo dục vũ trụ tại ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2006. “Họ
mang theo mô hình, biểu diễn thử rất hấp dẫn, tôi nghĩ ngay phải mang về phổ
biến cho học trò mình chơi để phát triển đam mê khoa học sáng tạo”, thầy Tương
nói.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ sự hỗ trợ, tư
vấn, hướng dẫn một vài nguyên tắc hoạt động cơ bản của thầy cô bộ môn vật lý, cả
nhóm quyết tâm chế tạo tên lửa cho riêng mình. Sau giờ học trên lớp, mọi người
chia nhau đọc tài liệu, nghiên cứu về các nguyên tắc hoạt động của tên lửa. Mấy
tháng trước, cứ sau giờ học Phước Thịnh “nhào” vô Internet ngay “lần theo những
cú phóng của tên lửa trò chơi quốc tế - water rocket”.</font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table2">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="ten%20lua%20hoc%20tro2.bmp" width="156" height="204"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Một
người đứng bơm, người giữ miệng chai để giật dây rút cho “tên lửa” bay
lên</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Suốt gần hai tháng tìm tòi,
nghiên cứu, cuối cùng cả nhóm cũng cho xuất xưởng những chiếc “tên lửa”. Thầy Lê
Thịnh đánh giá: “Các em chế tạo được “tên lửa” trò chơi này chúng tôi rất bất
ngờ”. Tuy hình thức không bắt mắt như “tên lửa” mô hình của Nhật (chế tạo bằng
máy với kiểu dáng hiện đại) nhưng “tên lửa” của học trò Trường Lê Hồng Phong
cũng đã bay vút lên bầu trời, lại có ưu thế hơn: siêu rẻ!</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">“Tên lửa” là hai
chai nước ngọt nhựa được gắn chặt với nhau bởi một đoạn ống nước nhựa có đường
kính 21mm. Đầu “tên lửa” được gắn chóp nhọn để không bị cản không khí và nhét
đầy đất sét tạo quán tính khi phóng lên cao.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Khâu chuẩn bị phóng
“tên lửa” khá nhanh, chưa đầy 5 phút: đổ nước vào chừng 1/3 chai, gắn “tên lửa”
vào giàn phóng rồi dùng bơm cho khí vào trong chai thật căng... Một người đứng
bơm, người giữ miệng chai để giật dây rút cho “tên lửa” bay lên. Chiếc thứ hai
nhanh chóng được đưa vào giàn phóng, lần này “tên lửa” bay cao hơn và rớt trên
mái ngói. “Dù bị dính keo không bung được” - mọi người xôn xao. Trước đây, “tên
lửa” chưa có dù, thường bay mất luôn hoặc khi rớt xuống bị hư đầu (bằng giấy).
Nhóm nghĩ ra phải làm dù giữ “tên lửa”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Sự cố nhanh chóng
được khắc phục, những chiếc “tên lửa” sau đều rời giàn phóng rất mạnh mẽ bay vút
lên bầu trời hàng chục mét rồi bung dù hạ cánh an toàn. “Tụi mình đang nghiên
cứu làm tên lửa hai tầng, phóng ngoạn mục hơn. Tên lửa khi phóng lên cao tách
thành hai khoang riêng biệt rồi phun nước trên không...” - Phước Thịnh mơ ước.
</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>