<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Làm gì để quảng bá văn hóa dân t</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#0000FF"><b>Làm gì để quảng
bá văn hóa dân tộc</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Khi Việt Nam trở thành thành viên
của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chính thức tham gia vào "sân chơi" toàn
cầu hóa, thì vấn đề quảng bá văn hóa Việt Nam đã trở thành một vấn đề cấp thiết.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta chọn cái gì để quảngbá, quảng bá
như thế nào và ai làm công việc này?</font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font color="#808080" face="Arial" size="2">
<img border="0" src="quang%20ba%20van%20hoa%20dan%20toc.jpg" width="315" height="220"></font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>Ca trù</i></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Những vấn đề này bước đầu được đề
cập trong hội thảo "Quảng bá văn hóa dân tộc Việt Nam trong nước và nước ngoài"
do Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc và Trung tâm văn hóa
Đức - Á được tổ chức tại Hà Nội. Quảng bá văn hóa dân tộc bằng tấm lòng yêu
thương văn hóa dân tộc. Trong những năm qua, việc quảng bá văn hóa Việt Nam cho
người nước ngoài đến Việt Nam, hoặc đưa văn hóa Việt Nam ra nước ngoài rất nhộn
nhịp: từ các hoạt động biểu diễn văn nghệ, thời trang, ẩm thực, đến triển lãm mỹ
thuật, chiếu phim. Tham gia vào các hoạt động này có thể là các tổ chức của nhà
nước, nhưng cũng có thể là các tổ chức tư nhân. Đặc biệt, việc quảng bá văn hóa
Việt Nam đã được quan tâm trong dịp Hội nghị APEC 2006 vừa qua. Tuy nhiên,
việc quảng bá văn hóa ở nước ta còn làm theo kiểu "mạnh ai nấylàm", chưa có bài
bản, nghiên cứu, chưa có chiến lược dài hơi. Nhiều tiết mục đã được sử dụng
không đúc lúc đúng chỗ. Giáo sư Trần Văn Khê - người đã dành hơn nửa thế kỷ, đi
khắp 5 châu để quảng bá văn hóa Việt Nam cho rằng: văn hóa Việt Nam thể hiện
trước hết trong cách ứng xử, ẩm thực, thời trang rồi mới đến nghệ thuật. Chúng
ta cần phải tự hào rằng những món ăn của Việt Nam như: phở, nem đã được cả thế
giới biết đến. Và trong các từ điển bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc các thứ
tiếng khác, tên các món ăn này không cần dịch người nước ngoài đều hiểu. Cũng
tương tự như vậy, chiếc áo dài Việt Nam giờ đây được thế giới tôn vinh. Giáo sư
đặc biệt lo ngại về hình ảnh trật tự giao thông công cộng của Việt Nam trong con
mắt người nước ngoài. Theo giáo sư, chúng ta cần nhanh chóng lập lại văn hóa
trong lĩnh vực này và trong các hoạt động khác như: nghe nhạc, xem phim, tham
gia hội thảo... Chúng ta có thể quảng bá hình ảnh người Việt Nam trong cách ứng
xử như nụ cười tươi, lòng hiếu khách, những tràngvỗ tay nồng hậu... Giáo
sư - Anh hùng Vũ Khiêu cho rằng: từ cách ăn, cách mặc, cách ở cho đến cách ứng
xử, người Việt đều biểu hiện sự đơn giản, không cầu kỳ, nhưng đẹp và tinh tế.
Trong quảng bá văn hoá Việt Nam, chúng ta phải thể hiện bản chất của dân tộc
Việt Nam là yêu chuộng hoà bình, anh hùng và văn hiến, bản chất của con người
Việt Nam là anh hùng và nhân văn. Ông Vũ Mão - Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại của
Quốc hội cho rằng: Đôi khi, chỉ bằng một bài hát được thể hiện đúng lúc đúng chỗ
cũng tạo nên không khí cởi mở hơn trong cuộc gặp gỡ, thảo luận, đem
lạihiệu quả tốt hơn. Theo ông, mỗi người làm công tác ngoại giao phải hết sức am
hiểu văn hoá dân tộc mình và văn hóa của bạn. Ngoại giao văn hóa là vào lòng
người tốt nhất. Chia sẻ những suy nghĩ về quảng bá văn hóa, bà Tôn Nữ Thị Ninh -
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội cho rằng: để quảng bá văn hóa tốt,
chúng ta phải hiểu sâu sắc về văn hóa Việt Nam và tìm hiểu xem thế giới đang
nhìn chúng ta như thế nào. Có như thế mới xác định được đúng con đường chúng ta
phải đi. Bà Tôn Nữ Thị Ninh nói rằng bà cảm thấy đau lòng khi các nghệ sĩ biểu
diễn Nhã nhạc Cung đình Huế mặc các bộ quần áo biểu diễn nhăn nhúm, may bằng vải
rẻ tiền. Bà cho rằng nếu đã làm nghệ thuật truyền thống thì phải làm đến nơi đến
chốn, chúng ta cần tự tôn trọng chính mình ngay từ trang phục biểu diễn. Hay các
món ăn trong các buổi chiêu đãi bạn bè quốc tế, cũng cần chọn những món ăn thuần
Việt. Từ Đức trở về quê hương, Giáo sư - Tiến sĩ Thái Kim Lan - Giám đốc Trung
tâm văn hóa Đức- Á qua nhiều chục năm làm công việc quảng bá văn hóa nước ngoài
cho rằng: mỗi người Việt Nam là một sứ giả văn hóa. Nhưng muốn làm được vai trò
ấy, chúng ta phải hiểu sâu bản chất của văn hóa. Công tác quảng bá văn hóa hiện
nay mà chúng ta đang làm nhiều khi chỉ là giới thiệu hình thức bề ngoài, chứ
chưa nêu được cái gốc của văn hóa. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên đóng khung
văn hóa, bởi văn hóa luôn luôn sống động, phát triển. Đặc biệt là phải thấy sự
phát triển nhuần nhuyễn giữa văn hóa và kinh tế. Gieo chất men yêu văn hóa trong
tâm hồn giới trẻ, đó là một giải pháp quan trọng được các nhà văn hóa, nhà ngoại
giao khẳng định nhằm đưa công việc quảng bá văn hóa ngày càng tốt. Chỉ khi chúng
ta giáo dục để cho lớp trẻ hiểu những cái hay, cái đẹp của văn hóa dân tộc, thì
từ đó chúng mới yêu và mới có thể truyền bá nó tới bạn bè quốc tế. Hiện nay, hầu
hết giới trẻ ở nước ta chưa biết chèo, tuồng, ca trù, đàn ca tài tử... là gì.
Nếu chúng ta làm nghệ thuật truyền thống mà chưa làm bật lên cái hay, cái hấp
dẫn, thì khó mà bảo giới trẻ yêu thích nó. Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng: giới trẻ
cần phải là những người "thông minh" khi chọn lựa những sản phẩm văn hóa sẽ ập
tới ồ ạt cùng với quá trình hội nhập quốc tế. Hãy là người hiện đại, nhưng giữ
được bản sắc văn hóa Việt, phải làm sao để hai thứ đó hòa quyện nhuần nhuyễn với
nhau. Một giải pháp nữa cũng được các đại biểu nêu ra, đó là chính sách quan tâm,
hỗ trợ cho hoạt động quảng bá văn hóa của nhà nước. Bộ Văn hóa - Thông tin cần
có đề án tuyên truyền văn hóa Việt Nam ra nước ngoài; chuẩn bị đội ngũ các nhà
nghiên cứu văn hóa kế cận để nối tiếp sự nghiệp của các bậc "đại thụ" như: Vũ
Khiêu, Hữu Ngọc, Trần Văn Khê.v.v... Quảng bá văn hoá dân tộc không bao giờ tách
bạch, mà hòa quyện trong mọi lĩnh vực của đời sống: từ chính trị, kinh tế đến
ngoại giao, giao lưu nghệ thuật. Những ý kiến, kinh nghiệm của những nhà nghiên
cứu, nhà ngoại giao tâm huyết với văn hóa nêu trong hội thảo, sẽ là những gợi mở
quí báu cho tất cả những người đang góp sức dựng xây để các giá trị văn hóa Việt
Nam tạo được dấu ấn rõ ràng trong bức tranh văn hóa đa sắc màu của thế giới.
</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b>Theo VOV</b></font></p>
</body>
</html>