<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Ý nghĩa to lớn về việc Việt Nam</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Ý nghĩa to lớn
về việc Việt Nam được các nước Châu Á đề cử làm thành viên không thường trực của
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2008-2009</font></b></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">1. Vài nét về Hội đồng Bảo an
Liên hiệp quốc</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc là
cơ quan chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên của Liên Hợp quốc,
chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Những nghị
quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc
sẽ có tính chất bắt buộc các nước thành viên Liên Hợp quốc phải thi hành.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Theo Hiến chương Liên Hợp quốc,
Hội đồng Bảo an có thể áp dụng các biện pháp nhằm giải quyết hoà bình các tranh
chấp, xung đột và khi cần thiết, có thể sử dụng các biện pháp, kể cả cưỡng chế
và vũ lực, nhằm loại trừ các mối đe doạ, phá hoại hoà bình, hoặc các hành động
xâm lược. </font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">1.1 Thành viên:</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hội đồng Bảo an gồm 15 nước thành
viên, trong đó có 5 nước ủy viên thường trực là: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc
và 10 thành viên không thường trực do Đại hội đồng Liên Hợp quốc bầu ra với
nhiệm kỳ hai năm trên cơ sở phân chia công bằng về địa lý và có tính tới sự đóng
góp của những nước này vào việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của Liên Hợp quốc và
không được bầu lại nhiệm kỳ kế tiếp ngay sau khi mãn nhiệm.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mười nước thành viên không thường
trực được bầu theo sự phân bổ khu vực địa lý như sau: 05 nước thuộc Châu Phi và
Châu Á; 01 nước thuộc Đông Âu; 02 nước thuộc vùng Mỹ La-tinh và Caribê; 02 nước
thuộc Tây Âu và các nước khác. Nhiệm kỳ 2005 - 2006, các thành viên không thường
trực là Ac-hen-ti-na, Peru (Mỹ La-tinh); Cộng hoà Côngo, Ghana, Tanzania (Châu
Phi); Đan Mạch, Hy Lạp (Tây Âu), Slovakia (Đông Âu); Nhật Bản, Qatar (Châu Á)
Ngày 16-10-2006, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã bầu Bỉ, Indonexia, Ý, và Cộng hoà
Nam Phi cho nhiệm kỳ bắt đầu vào ngày 01/01/2007; ghế thứ năm, được dành cho
Châu Mỹ La Tinh và đảo Caribbean, được Guatemala và Venezuela tranh cử bất
phân thắng bại. Sau 47 lần bầu, Panama được chọn làm ứng cử viên thỏa hiệp giữa
hai bên vào ngày 1-11-2006.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>1.2 Chức năng, quyền hạn: </b>
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Là một trong sáu cơ quan chính
của Liên Hợp quốc, Hội đồng Bảo an được thành lập nhằm duy trì hoà bình và an
ninh quốc tế. Theo Điều 39 của Hiến chương Liên Hợp quốc, Hội đồng Bảo an là cơ
quan duy nhất của Liên Hợp quốc có quyền quyết định đánh giá pháp lý các mối đe
doạ đối với hoà bình, phá hoại hoà bình hoặc hành động xâm lược, và sẽ khuyến
nghị hoặc quyết định các biện pháp cần được tiến hành phù hợp với các Điều 41 và
42, để duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế. Trong khi thực thi
chức năng này, Hội đồng Bảo an là cơ quan với tư cách thay mặt cho tất cả các
thành viên Liên hợp quốc Trên thực tế, những chức năng mà Hội đồng Bảo an được
trao nhằm 3 mục tiêu: gìn giữ hoà bình, vãn hồi hoà bình và kiến tạo hoà bình.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong khi các cơ quan khác của
Liên Hợp quốc chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị đối với các
chính phủ của các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc. Ngược lại, các quyết định
và nghị quyết của Hội đồng Bảo an: theo chương VII Hiến chương, khi đã được
thông qua đều mang tính chất ràng buộc và tất cả các thành viên của Liên Hợp
quốc đều có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Những quyền hạn cụ thể giao cho
Hội đồng Bảo an được quy định ở các chương VI, VII, XII của Hiến chương Liên Hợp
quốc, song những điều khoản quan trọng nhất có liên quan tới việc duy trì hoà
bình và an ninh quốc tế, đặc biệt là việc giải quyết hoà bình các tranh chấp
quốc tế và sử dụng những biện pháp an ninh tập thể cưỡng chế, được quy định cụ
thể va chi tiết nhất ở chương VI và VII.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Theo Hiến chương, Hội đồng Bảo an
có thể tiến hành điều tra bất cứ một tranh chấp nào hoặc bất cứ một tình thế nào
có thể dẫn tới những xung đột quốc tế hoặc đe doạ hoà bình và an ninh quốc tế,
và có thể đưa ra những khuyết nghị về các phương thức cũng như nội dung cụ thể
để giải quyết những xung đột đó. Những xung đột và những tình huốn có khả năng
đe doạ hoà bình và an ninh quốc tế có thể do các nước thành viên Liên Hợp quốc,
Đại hội đồng hoặc Tổng thư ký Liên Hợp quốc nêu ra trước Hội đồng Bảo an. Một
nước không phải thành viên Liên Hợp quốc cũng có thể đưa cuộc tranh chấp (trong
đó bản thân nước đó là một bên tham gia tranh chấp) ra trước Hội đồng Bảo an để
cơ quan này xem xét giải quyết, với điều kiện là nước đó phải thừa nhận trước là
sẽ tuân thủ trách nhiệm giải quyết hoà bình cuộc tranh chấp theo quy định của
Hiến chương Liên Hợp quốc. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Theo Hiến chương, tất cả các nước
thành viên Liên Hợp quốc phải cam kết cung ứng cho Hội đồng Bảo an, căn cứ theo
những thoả thuận đặc biệt thông qua thương lượng đối với những đề xuất của Hội
đồng Bảo an, những lực lượng vũ trang, những trợ giúp và các phương tiện cần
thiết khác để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>1.3 Cơ cấu:</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hội đồng Bảo an có các ủy ban và
cơ quan phụ trợ sau:</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Các Ủy ban thường trực: gồm ủy
ban chuyên gia về các vấn đề thủ tục, ủy ban về các cuộc họp của Hội đồng Bảo an
không diễn ra tại trụ sở Liên Hợp quốc và ủy ban về việc kết nạp thành viên mới.
Các ủy ban này đều có đại diện của các nước thành viên Hội đồng Bảo an. </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Ban Tham mưu quân sự: bao gồm
các Tổng chỉ huy quân đội (Chiefs of staff) của tất cả các nước thành viên hoặc
đại diện của họ. Chức năng, nhiệm vụ của Ban là tư vấn cho Hội đồng về tất cả
các vấn đề liên quan đến các yêu cầu quân sự để bảo vệ, duy trì hoà bình và an
ninh quốc tế, việc sử dụng và chỉ huy các lực lượng đặt dưới sự chỉ đạo của Ban,
kể cả các qui định về vũ trang, và giải trừ quân bị nếu có thể. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Ủy ban chống khủng bố: ủy ban
này được thành lập theo Nghị quyết 1373 (2001) về một số biện pháp chống
lại các mối đe doạ đối với hoà bình và an ninh quốc tế của các hành động khủng
bố, nhằm giám sát việc thực hiện nghị quyết này. Các nước thành viên Liên Hợp
quốc phải trình bản báo cáo về các bước tiến hành để thực hiện Nghị quyết 1373
lên ủy ban, lần đầu tiên trong vòng 90 ngày và các lần sau theo thời gian biểu
của ủy ban. Ủy ban gồm tất cả 15 thành viên của Hội đồng Bảo an. ủy ban thành
lập 3 tiểu ban, mỗi tiểu ban do một Phó Chủ tịch ủy ban làm chủ tịch, để xem xét
sơ bộ bản báo cáo của các nước thành viên. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Các ủy ban cấm vận, hiện nay có
7 ủy ban cấm vận là: ủy ban Nghị quyết 661 của Hội đồng Bảo an về Irắc, ủy ban
Nghị quyết 748 về Libi, ủy ban Nghị quyết 751 về Somali, ủy ban Nghị quyết 918
về Ruanđa, ủy ban Nghị quyết 985 về Liberia, ủy ban Nghị quyết 1132 về Xiêra
Lêôn, ủy ban Nghị quyết 1267 về Ápghanixtan. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Các hoạt động và lực lượng gìn
giữ hoà bình: gồm Tổ chức giám sát ngừng bắn ở Trung Đông (UNTSO) (1948), Nhóm
quan sát viên quân sự ở Ấn Độ và Pakistan (UNMOGIP) (1949), Lực lượng ở Síp (UNFICYP)
(1964), Lực lượng quan sát viên không can dự (UNDOF) (1974), Lực lượng lâm thời
ở Li băng (UNIFIL) (1978), Phái đoàn quan sát Irắc-Côét (UNIKOM) (1991)...
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Các lực lượng chính trị và kiến
tạo hoà bình: gồm Văn phòng chính trị ở Bougainville (UNPOB) (1998), Văn phòng
kiến tạo hoà bình ở Cộng hoà Trung Phi (BONUCA) (1999), Lực lượng trợ giúp ở
Ápghanixtan (UNAMA) (2002), Văn phòng đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp
quốc về vấn đề trắc (2003)... các ủy ban khác: gồm ủy ban đền bù Liên Hợp quốc (UNCC)
(1991), ủy ban giám sát, kiểm tra và thanh tra (UNMOVIC) (1999). </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>Các Toà án quốc tế:</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">+ Toà án tội phạm quốc tế Ruanđa
được thành lập năm 1994 theo Nghị quyết 955 của Hội đồng Bảo an, theo chương VII
của Hiến chương để xử các cá nhân phạm tội diệt chủng và các tội ác chống loài
người trên lãnh thổ Ruanđa và lãnh thổ các nước láng giềng trong năm 1994.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">+ Toà án tội phạm quốc tế về Nam
Tư cũ thành lập năm 1993 theo Nghị quyết 808 của Hội đồng Bảo an để xét xử các
cá nhân chịu trách nhiệm cho các vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế gây
ra trên lãnh thổ Nam Tư cũ từ 1991. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Các tổ chức khác như cơ quan
chỉ huy của Liên Hợp quốc tại bán đảo Triều Tiên (UNC) (1950) được thành lập
theo Nghị quyết 85 (1950) của Hội đồng Bảo an. Cơ quan này yêu cầu tất cả các
thành viên cung cấp lực lượng quân sự ở bán đảo Triều Tiên cho phép đặt các lực
lượng này dưới quyền chỉ huy thống nhất của Mỹ. Các đơn vị chiến đấu được đưa
đến từ 16 nước, phần lớn là phương Tây, ngoài ra có các nước đang phát triển như
Côlombia, Êtiôpia, Philípin, Nam Phi, Thái Lan. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>2. Sự chuẩn bị của Việt Nam</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra chủ
trương ứng cử làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc rất
sớm, ngay từ năm 1997. Kể từ đó, Việt Nam đã bắt đầu tiến hành vận động các nước
thành viên Liên Hợp quốc thông qua các cuộc tiếp xúc ở các cấp, đặc biệt là cấp
cao, cũng như thỏa thuận ủng hộ lẫn nhau với các nước . . . Vừa qua, chúng ta đã
chính thức có công hàm gửi tất cả các nước trong Đại hội đồng Liên Hợp quốc về
việc ra ứng cử là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008 -
2009. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Phản ứng của các nước đối với
việc Việt Nam ứng cử làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an là khá tích
cực Chúng ta đã nhận được sự ủng hộ của các nước ASEAN và nhiều nước khác, trong
đó có những nước lớn có vai trò quan trọng ở một số khu vực trên thế giới.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mười năm qua kể từ tháng 2-1997,
khi chính thức đăng ký tranh cử vào Hội đồng Bảo an, trong khuôn khổ chính sách
đối ngoại vì hoà bình, đa phương và đa dạng hoá quan hệ quốc tế, Việt Nam đã
tiến những bước dài, tham gia tích cực và ngày càng sâu rộng hơn vào công việc
của Liên Hợp quốc, đặc biệt trong lĩnh vực duy trì hoà bình và an ninh quốc tế,
là một thành viên có trách nhiệm của tổ chức toàn cầu lớn nhất này. Đây là cơ sở
quan trọng đầu tiên để các nước trong và ngoài khu vực ủng hộ Việt Nam. Cho đến
nay, Việt Nam đã nhận được cam kết ủng hộ của nhiều nước, đặc biệt là các nước
Châu Á đều nhất trí giới thiệu Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của châu lục này
vào chức ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc. Điều này
có ý nghĩa rất quan trọng trong bôi cảnh việc dàn xếp giữa các thành viên Liên
Hợp quốc để trở thành thành viên Hội đồng bảo an vốn không đơn giản, dễ dàng.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ tháng 11-2007, theo quy định
mới: nếu trúng cử Việt Nam có thể bắt đầu tham gia công việc của HĐBA Liên Hợp
quốc mặc dù tới tháng 1-2008 Việt Nam mới chính thức trở thành ủy viên không
thường trực HĐBA. Để chuẩn bị đảm nhiệm trọng trách này, từ nhiều năm qua Việt
Nam đã cử cán bộ tham dự các khoá đào tạo trong và ngoài nước để nâng cao kỹ
năng ngoại giao đa phương và nắm bắt các vấn đề liên quan chức năng hoạt động
của Hội đồng Bảo an; tổ chức hội nghị, hội thảo với sự tham gia của nhiều ngành
hữu quan trao đổi về công tác chuẩn bị tham gia công việc của Hội đồng, kể cả cơ
chế phối hợp trong nước và giữa trong nước với cơ quan đại diện tại Liên Hợp
quốc Từ hai năm qua, Phái đoàn Đại diện Thường trực tại Liên Hợp quốc đã được
tăng cường thêm cán bộ để chuẩn bị; khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên
không thường trực Hội đồng Bảo an sẽ được tăng cường thêm. Trở thành thành viên
Hội đồng Bảo an, trách nhiệm của Việt Nam sẽ lớn hơn rất nhiều so với một thành
viên bình thường của Liên Hợp quốc. Với phương châm đa dạng hoá, đa phương hoá
các quan hệ quốc tế, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước; với vai
trò và tiếng nói của mình được các bạn bè quốc tế đánh giá cao, khi trở thành
thành viên Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ phấn đấu hết sức mình để cùng các nước
thành viên Hội đồng Bảo an chia sẻ trách nhiệm trong việc gìn giữ hoà bình và an
ninh quốc tế của Liên Hợp quốc. Chính vì vậy chúng ta đã nghiên cứu mọi hoạt
động liên quan đến Hội đồng Bảo an, kể cả việc nghiên cứu các hoạt động gìn giữ
hoà bình của Liên Hợp quốc để khi đủ điều kiện chúng ta sẽ tính tới việc tham
gia các hoạt động này. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>3. Ý nghĩa thắng lợi của việc
Việt Nam được đề cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp
quốc khóa 2008 - 2009</b> </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Sự kiện Việt Nam được đề cử là
ứng cử viên duy nhất của Châu á vào ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo
an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009 được nhóm các nước thuộc châu lục này tại
Liên Hợp quốc nhất trí thông qua thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của thế
giới nói chung và Châu Á nói riêng đối với những đóng góp tích cực và vai trò
quan trọng của Việt Nam trong các hoạt động của Liên Hợp quốc. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đây không chỉ là một thông lệ
quan trọng tại LHQ khi các nhóm nước theo khu vực địa lý tiến hành mà là một sự
đồng thuận về cam kết chính trị cao nhất của các nước Châu Á đối với chính phủ
và nhân dân Việt Nam, là sự chứng nhận vị thế và khả năng của Việt Nam, sự tin
cậy của cộng đồng quốc tế giao trách nhiệm lớn lao cho Việt Nam. Trở thành thành
viên của Hội đồng Bảo an là thắng lợi quan trọng của công cuộc 20 năm đổi mới,
đồng thời minh chứng rõ nét sự lãnh đạp nhất quán, đúng đắn trong đường lối đối
ngoại của Đảng và Nhà nước ta.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngay trong Tuyên ngôn Độc lập
khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh dân
tộc Việt Nam đã "gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít", khẳng định sự
ủng hộ đối với các nước đồng minh sáng lập ra Liên Hợp quốc. Đồng thời tháng
01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện cho đại diện Liên Xô, Anh và Mỹ ở Liên
Hợp quốc yêu cầu các nước này công nhận nền độc lập của Việt Nam và kết nạp Việt
Nam vào Liên Hợp quốc. Điều này cho thấy Việt Nam từ lâu đã nhận thức đầy đủ về
vai trò quan trọng của Liên Hợp quốc và mong muốn được tham gia tổ chức này.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Gần 30 năm là thành viên của Liên
Hợp quốc, Việt Nam cũng đã phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách, có lúc bị
phân biệt đối xử, thậm chí bị kỳ thị, bởi các thông tin sai lệch, nhất là sau
khi cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước kết thúc. Với đường lối đối ngoại đúng
đắn vì hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc, Việt Nam đã kiên trì đường lối chính
nghĩa, tham gia ngày càng tích cực và chủ động vào nhiều hoạt động của Liên Hợp
quốc trên nhiều lĩnh vực liên quan đến hoà bình an ninh, giải trừ quân bị, phát
triển kinh tế-xã hội, dân số và bảo vệ môi trường. Thực hiện chính sách đối
ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế,
sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, Việt Nam đã chủ động tham gia
vào nhiều cơ chế hoạch định chính sách của Liên Hợp quốc như Phó Chủ tịch Đại
hội đồng Liên Hợp quốc năm 1997, 2000 và 2003; thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã
hội của Liên Hợp quốc (1998-2000); Hội đồng Thống đốc cơ quan Năng lượng Nguyên
tử Quốc tế (1991-1993, 1997-1999 và 2003-2005); Hội đồng Chấp hành Chương trình
Phát triển và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (2000-2002); ủy ban Nhân quyền (2001-
2003), Hội đồng Điều hành Liên minh Bưu chính Thế giới (1999- 2004), Liên minh
Viễn thông Quốc tế (2003-2007) và hiện đang là Chủ tịch Đại hội đồng khoá 33 Tổ
chức Nông lương quốc tế… Việc các nước Châu Á đồng thanh giới thiệu Việt Nam làm
ứng cử viên duy nhất vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an chính
là sự thừa nhận đường lối đúng đắn và đóng góp tích cực quan trọng của Việt Nam
vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Tham gia Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ
cùng các nước có vai trò quan trọng trên thế giới đảm đương nhiệm vụ duy trì hoà
bình và an ninh quốc tế theo quy định của Hiến chương Liên Hợp quốc, hoạch định
và triển khai các quyết định của cơ quan này về các vấn đề chính trị, an ninh
của thế giới. Thông qua hoạt động tại Hội đồng Bảo an, chúng ta sẽ đóng góp gián
tiếp vào việc duy trì ổn định, an ninh, bảo vệ lợi ích của Việt Nam. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Do chức năng và nhiệm vụ Hội
đồng Bảo an là cơ quan quan trọng nhất của tổ chức Liên Hợp quốc, việc trở thành
thành viên của Hội đồng Bảo an sẽ tiếp tục nâng cao vị thế quốc tế của ta và đó
sẽ là cơ hội tất để Việt Nam thúc đẩy quan hệ với các nước trên thế giới. Điều
đó càng có giá trị hơn khi chúng ta tổ chức thành công Hội nghị APEC lần thứ 14
và gia nhập WTO (năm 2006). Việt Nam có triển vọng trở thành thành viên không
thường trực của Hội đồng Bảo an không chỉ khẳng định vị thế của nước ta trên
trường quốc tế, thể hiện sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, mà
còn cho thấy bước phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc
tế. Từ đó càng củng cố vững chắc niềm tin tưởng của nhân dân ta vào đường lối
đổi mới, vào sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng đất nước Việt Nam dân
giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân Chủ, văn minh. Đây cũng là cơ hội lớn để
Việt Nam tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức, tận dụng các lợi thế
của thời đại phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><i><b>(Trích Tài liệu tuyên truyền
của Ban TTVH Trung Ương)</b></i></font></p>
</body>
</html>