<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>THÀNH ĐOÀN – BẢN HÙNG CA</title>
</head>
<body>
<table border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="center"><b>
<font face="Arial" color="#1532A4" style="font-size: 11pt">THÀNH ĐOÀN –
BẢN HÙNG CA</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cùng với sự ra đời của
Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức TNCS đã hình thành và phát triển tại
Sài Gòn – Gia Định từ những năm 1930, đóng góp to lớn vào quá trình đấu
tranh giành độc lập dân tộc. Đối với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và
chống Mỹ của nhân dân ta, thanh niên Sài Gòn – Gia Định là lực lượng
cách mạng to lớn góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đánh đổ
đế quốc, thực dân, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, xây dựng chủ
nghĩa xã hội. Hiện diện và góp phần cùng 5 cánh quân tiến vào giải phóng
Sài Gòn, ngay trong ngày 30/4/1975 và kéo dài nhiều tháng sau đó, Đoàn
ủy sinh viên học sinh Thành Đoàn đã tổ chức các tổ bảo vệ tài sản, tài
liệu, vận động viên chức chính quyền cũ đến trình diện chính quyền cách
mạng; khởi đầu cho quá trình 30 năm cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân
dân xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố.<br>
<br>
Từ ngày thành phố giải phóng đến nay, với truyền thống năng động, sáng
tạo, Đoàn TNCS và tuổi trẻ thành phố tiếp tục thể hiện tinh thần xung
kích, vai trò tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay sau khi tiếp quản thành phố, Thành Đoàn đã tổ chức các đội thanh
niên tình nguyện tham gia giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, góp
phần cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố từng bước ổn định tình hình,
thực hiện các chính sách chuyển đổi các quan hệ xã hội cũ, xóa bỏ tàn dư
văn hóa đồi trụy, phản động, xác lập quan hệ của chế độ xã hội mới, chế
độ xã hội chủ nghĩa. Trong những năm đổi mới sau Đại hội lần thứ VI của
Đảng, tuổi trẻ thành phố hăng say với các chương trình hành động “Nói và
làm”, đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực, trì trệ, tuyên truyền, vận
động thanh niên và nhân dân tích cực hưởng ứng chủ trương đổi mới của
Đảng. Những năm 1990 trở đi, phong trào thanh thiếu niên thành phố bắt
đầu gặt hái được nhiều thành công lớn, được Đảng bộ, chính quyền và nhân
dân tin yêu. </font>
<p align="center"><font face="Arial" size="2"> <br>
<img border="0" src="TD_banhungca.jpg" width="400" height="300"></font><p align="justify">
<font face="Arial" size="2">
<br>
<br>
<font color="#800000"><b>MƯỜI NĂM ĐẦU SAU GIẢI PHÓNG - NHỮNG ĐỘT PHÁ CỦA
ĐOÀN GÓP PHẦN XÂY DỰNG, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ (1975 – 1985):<br>
</b></font><br>
Ngay trong ngày 30/4/1975, Thành Đoàn Sài Gòn – Gia Định đã tổ chức các
tổ bảo vệ tài sản, vận động công chức chính quyền cũ đến trình diện
chính quyền cách mạng, vận động nhân dân Sài Gòn – Gia Định làm vệ sinh
đường phố, xóa khẩu hiệu, tịch thu sách báo, cờ của chế độ cũ. Ngày
3/5/1975, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Liên hiệp Thanh niên Học sinh
sinh viên giải phóng Sài Gòn – Gia Định, hàng trăm bạn trẻ đã tham gia
lực lượng vũ trang thành phố và đã có trên 3.000 thanh niên ghi tên gia
nhập lực lượng tự vệ tại trụ sở Hội. Các đội tự vệ đã dần dần hình thành
tại các trường học, xưởng máy, khu dân cư. Ngày 5/5/1975, Hội Liên hiệp
Thanh niên Học sinh sinh viên giải phóng Sài Gòn – Gia Định ra lời kêu
gọi thanh niên, học sinh sinh viên không phân biệt xu hướng chính trị,
tôn giáo hãy đoàn kết chung quanh Hội, cống hiến sức mình cho cách mạng,
bảo vệ thành quả cách mạng.<br>
<br>
Ngày 28/3/1976, nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Đoàn, Lực lượng Thanh
niên xung phong thành phố ra đời với lễ ra quân của 15.000 thanh niên
tình nguyện và hơn 1 vạn thanh niên xung phong, mở hướng đi đầu trong
mặt trận khai hoang, góp sức cho chiến dịch thủy lợi và tham gia sản
xuất tại các vùng ven thành phố. Đây là mô hình thanh niên xung phong
đầu tiên sau đó được nhân rộng trong cả nước sau ngày ngày đất nước
thống nhất với nhiệm vụ chính là xây dựng đất nước. Cùng với vai trò
xung kích trên mặt trận lao động sản xuất, Lực lượng Thanh niên xung
phong ra đời chính là môi trường lý tưởng để giáo dục, rèn luyện con
người mới thông qua thực tiễn lao động. Ngày 19/5/1977, Thành Đoàn phát
động phong trào thiếu nhi tiết kiệm, hăng hái lao động sản xuất, làm “Kế
hoạch nhỏ”, xây dựng đoàn tàu lửa Thống Nhất. Khắp thành phố đỏ thắm màu
khăn quàng trên vai các đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong, với các
phong trào “Nghìn việc tốt”, công tác Trần Quốc Toản (giúp gia đình
thương binh, liệt sĩ), “Hoa điểm 10”… Đặc biệt, phong trào “Kế hoạch
nhỏ” xây dựng đoàn tàu Thống Nhất được đông đảo thiếu niên, nhi đồng
tham gia: nhặt giấy vụn, trồng rau, nuôi gà… Phong trào “Kế hoạch nhỏ”
nhằm mục đích đóng đoàn tàu mang tên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí
Minh ra thăm Lăng Bác xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh, được thiếu nhi
cả nước hưởng ứng và hoàn thành đoàn ngày 13/5/1978. Nhiều “dũng sĩ” kế
hoạch nhỏ được tuyên dương, tham gia chuyến đầu tiên trên đoàn tàu Thống
Nhất ra thủ đô Hà Nội viếng lăng Bác Hồ và tham dự Đại hội Cháu ngoan
Bác Hồ toàn quốc.<br>
<br>
Năm 1978, với tinh thần “tiến công vào công trình, xung phong đi chiến
dịch”, hàng chục ngàn thanh niên thành phố đã ra quân thực hiện 2 đại
công trường thủ công Trần Quang Cơ, Lê Minh Xuân: đào con kênh cấp 1 Cầu
Dừa dài 2.500m, với khối lượng đất đào đắp khoảng 80.000m3, mang nước về
tưới mát trong vụ Đông xuân cho 1.900 ha đất ở Trung Mỹ Tây, Tân Thới
Hiệp, đưa sản xuất vào 2 vụ. Khai hoang 2.000 ha đất, hình thành nông
trường trồng thơm xuất khẩu đầu tiên của thành phố. Thông qua việc tổ
chức thực hiện công trình thanh niên này, Đoàn TNCS thành phố đã khẳng
định được thực lực và bản lĩnh chính trị của mình trong việc tập hợp
thanh niên, từ lực lượng thanh niên tham gia công trình, các cơ sở Đoàn
đã phát triển được 1.300 đoàn viên, trên 10.000 hội viên, được Đảng xét
kết nạp 2 đảng viên mới và 60 đối tượng Đảng. Ban chỉ đạo nông trường
còn bình chọn 30.950 lao động hoàn thành nhiệm vụ, 11.600 lao động tiên
tiến, 804 thanh niên được cấp bằng khen Thành Đoàn.<br>
<br>
Năm 1978 - 1979, phong trào tòng quân bảo vệ biên giới Tây Nam, phong
trào “Đi hồng binh” (thanh niên tình nguyện nhập ngũ) thu hút 300.000
thanh niên đăng ký tham gia “Lực lượng thanh niên xung kích xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc”, nhanh chóng trở thành phong trào của thanh niên cả nước
trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Thành phố sôi sục khí thế của phong trào
thanh niên tập luyện quân sự, học sơ cấp cứu, chuẩn bị các phương án
chiến đấu. Phong trào “Vì tuyến đầu Tổ quốc” thu hút hàng triệu mũi
chông, hàng vạn ngày công xây dựng tuyến phòng thủ biên giới, các trận
địa tên lửa bảo vệ thành phố, các công trình kỹ thuật phục vụ quốc
phòng. Hơn 5.000 thanh niên xung phong đã tham gia suốt cuộc chiến tranh
bảo vệ biên giới Tây Nam và sau đó tiếp tục làm nhiệm vụ tình nguyện
quốc tế giúp nước bạn Campuchia ổn định tình hình, xây dựng chính quyền
cách mạng.<br>
<br>
Trong những năm 1980 – 1982, phong trào thi đua lao động sản xuất được
tập trung đẩy mạnh. Nhà máy dệt Việt Thắng tổ chức Hội thi Thợ trẻ giỏi,
với danh hiệu “Bàn tay vàng” thuộc về đoàn viên Trần Thị Bé Bảy, mở đầu
cho hàng loạt hội thi thở giỏi trẻ về sau; phong trào thi đua “Về trước
kế hoạch trong sản xuất công nghiệp”; phong trào “Năng suất – chất lượng
– hiệu quả” là những mô hình được nhân rộng trong cả nước. Mô hình “Khu
máy Thanh niên” tại Nhà máy dệt Thành Công trở thành điểm sáng trong
thanh niên công nhân, đột phá vào nhiệm vụ sản xuất, sáng kiến cải tiến
kỹ thuật. Ở tuyến đầu của nhiệm vụ lao động sản xuất, thanh niên chiếm
70% lực lượng công nhân tại các nông trường, công trường như ở Đắc Nông,
thủy điện Trị An, tuyến đường Nhà Bè – Duyên Hải, công trình thủy lợi
Kênh Đông. Tháng 1/1981, 1.500 thanh niên xung phong đổ quân về Duyên
Hải (nay là Cần Giờ) xây dựng nông trường Đỗ Hòa, mở đầu cho giai đoạn
Thanh niên xung phong tiến hành hạch toán kinh tế độc lập, làm công
trình có tính toán hiệu quả kinh tế. Ngày 19/2/1982, từng đoàn xe cơ
giới và các nhóm thợ nối nhau lên đường ra quân xây dựng công trình thủy
điện Trị An. Năm 1983 mở đầu thời kỳ giao lưu hữu nghị của thanh niên
thành phố, với Festival Thanh niên Việt – Xô lần 5 tổ chức tại thành phố
Hồ Chí Minh, thu hút hơn 17.000 thanh niên thành phố và các tỉnh đến dự,
để lại những ấn tượng đẹp trong đại biểu thanh niên 2 nước. <br>
<br>
Trong 10 năm đầu sau giải phóng, bằng sự ra đời của Lực lượng Thanh niên
xung phong, phương thức tổ chức các đại công trường lao động và sự thể
nghiệm các mô hình xung kích trong lao động, sản xuất, hoạt động Đoàn và
phong trào thanh thiếu nhi đã tạo những bước đột phá cùng Đảng bộ, chính
quyền và nhân dân thành phố vượt ra khỏi những khó khăn của thời kỳ sau
chiến tranh, từng bước xác lập hướng đi bền vững cho công tác Đoàn và
phong trào thanh thiếu nhi, tạo đà cho những bước đột phá tiếp theo
trong thời kỳ đổi mới kể từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng.<br>
<br>
<b><font color="#800000">HAI MƯƠI NĂM ĐỒNG HÀNH CÙNG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI
CỦA ĐẢNG - NHỮNG BƯỚC ĐỘT PHÁ TRONG PHONG TRÀO THANH NIÊN CẢ NƯỚC (1985
– 2005):<br>
</font></b><br>
Năm 1986, hưởng ứng chủ trương đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội
VI của Đảng, Đoàn TNCS thành phố đứng trước yêu cầu bức xúc: “Phải đấu
tranh tự đổi mới chính mình, mạnh dạn gạt bỏ những tư duy và phương thức
lỗi thời, bảo thủ trong Đoàn”. Phong trào “Nói thẳng, nói thật”, “Đấu
tranh cho lẽ phải và sự đổi mới”, các diễn đàn như “Sức mạnh của chúng
ta là ở chỗ nói thật” diễn ra sau Đại hội VI và được duy trì nhiều năm
sau đó. Đoàn cũng đề ra chương trình “Những việc cần làm ngay” của Đoàn.
Từ đây, hiệu quả và chất lượng của những công trình thanh niên bắt đầu
khởi sắc. Phong trào cải tiến máy móc, quy trình sản xuất ở Nhà máy dệt
số 5, chiến dịch “60 ngày đêm” của thanh niên khu vực tiểu thủ công
nghiệp, mô hình “Công trình thanh niên 5%” (tăng 5% năng suất lao động,
giảm 5% chi phí sản xuất, nâng cao 5% chất lượng sản phẩm)… lần lượt ra
đời. <br>
<br>
Giai đoạn 1987 – 1991 là thời kỳ đột phá của Đoàn TNCS thành phố trong
công tác tạo việc làm cho thanh niên gắn với chương trình Mưu sinh lập
nghiệp phát triển mạnh trong thời gian này và sự ra đời của Văn phòng
giao dịch giới thiệu việc làm, sau này là Trung tâm Lao động trẻ, rồi
Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên – mô hình đầu tiên nhanh chóng
được nhân rộng trong cả nước. Tại Đại hội Đoàn thành phố lần IV
(7/1987), các đại biểu đã có cuộc đối thoại về “Việc làm cho thanh
niên”, qua đó khẳng định: phải công bằng trong lao động và cơ hội nghề
nghiệp; phải có chính sách cho lao động đi xa, thanh niên xung phong, bộ
đội; thanh niên bước vào tuổi lao động phải có nghề.<br>
<br>
Năm 1988 – 1992, nhằm đa dạng hóa phương thức tập hợp thanh niên, cuối
năm 1988, mô hình đội thanh niên làm công tác xã hội ra đời với nhiều
hoạt động lạc quyên, cứu trợ, chăm sóc trẻ em, người già neo đơn… Năm
1989, Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên thành phố trực thuộc Thành
Đoàn chính thức ra đời, mở đầu các hoạt động Đoàn tham gia làm công tác
xã hội, đến với những cảnh đời neo đơn, những số phận bất hạnh, thực
hiện các đợt hoạt động cứu trợ thiên tai, lũ lụt… Phong trào khuyến học
– tuổi trẻ sáng tạo được Thành Đoàn chú trọng đầu tư, với hàng loạt
chương trình bảo trợ cho thanh thiếu niên nghèo vượt khó học giỏi, với
hàng loạt hoạt động: học bổng Cooperman năm học 1989 – 1990, 1990 –
1991, Giải thưởng Lê Quý Đôn, Hội nghị điển hình Sinh viên năm 1990, Đại
hội tuyên dương học sinh giỏi năm học 1991 – 1992. <br>
<br>
Năm 1994 diễn ra hàng loạt sự kiện của phong trào thanh niên và công tác
Đoàn thành phố. Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè năm 1994 lần đầu tiên
được tổ chức, tập trung thực hiện công tác xóa mù chữ, với 700 thanh
niên tình nguyện tham gia, xóa mù cho hơn 3.000 người ở 5 huyện ngoại
thành, mở ra một thời kỳ mới về phương thức tổ chức, huy động lực lượng,
về cách thức Đoàn tham gia giải quyết các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của
thành phố, của địa phương, đơn vị. Năm 1994, chương trình “Đoàn trợ sức
thanh niên trên đường mưu sinh lập nghiệp” đã chuyển từ việc chăm lo cho
thanh niên thông qua trợ vốn, giải quyết việc làm, đến mục tiêu “tiếp
sức và vận động thanh niên giúp nhau mưu sinh lập nghiệp”, khơi dậy ý
thức tự lực, tự cường, góp phần tạo ra nguồn nhân lực trẻ năng động,
sáng tạo, dám nghĩ, dám làm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại
hóa. Cũng trong năm 1994, có 2 sự kiện quan trọng đánh dấu việc Đoàn trợ
sức thanh niên mưu sinh lập nghiệp: sự ra đời của Văn phòng Hướng dẫn
phát triển kinh tế Thanh niên (Trung tâm Thông tin tư vấn kinh tế Thanh
niên hiện nay), và việc thành lập Hội Doanh nghiệp trẻ, tập hợp những
thanh niên là chủ doanh nghiệp. <br>
<br>
Từ những thành công của các phong trào hành động, số đoàn viên không
ngừng tăng qua các năm: 10.607 năm 1975, 94.738 năm 1980, 163.536 năm
1985. Số đoàn viên ưu tú được phát triển Đảng tương ứng là 518, 1.334,
3.199 đảng viên.<br>
<br>
Trong giai đoạn 1995 – 2005, kiên trì thực hiện 2 phong trào “Thanh niên
lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước”, hoạt động Đoàn và phong trào thanh
niên thành phố có những chuyển biến rõ rệt. Những điểm mới trong giai
đoạn này là: hoạt động tình nguyện, công tác quốc tế thanh niên, công
tác tập hợp thanh niên ngoài quốc doanh, Đoàn tham gia thực hiện các
chương trình, công trình, đề án kinh tế – xã hội lớn.<br>
<br>
Chiến dịch Mùa hè xanh xuất phát từ Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè năm
1994, đến năm 1997 phát triển thành chiến dịch Mùa hè xanh và năm 2000
được nhân rộng cả nước (bằng chiến dịch thanh niên, sinh viên học sinh
tình nguyện hè hàng năm). Sau 10 năm tổ chức, chiến dịch Mùa hè xanh đạt
đỉnh cao trong 2 năm 2003 – 2004 với quy mô trên 100.000 thanh niên tình
nguyện tham gia mỗi năm, với phương châm “1 địa bàn 4 lực lượng” (1 địa
bàn: địa bàn dân cư; 4 lực lượng: thanh niên địa bàn dân cư, học sinh
sinh viên, công nhân lao động, lực lượng vũ trang), gắn với việc tổng
kết 10 năm phong trào thanh niên tình nguyện trong thời kỳ đổi mới đã
tạo hình ảnh đầy sức sống cho tổ chức Đoàn. Hằng năm, trong 2 tháng hè,
hàng trăm ngàn thanh niên tình nguyện đã tham gia thực hiện các nội
dung: hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng,
gia đình chính sách; tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh đô thị,
bảo vệ môi trường, xây dựng các đội hình thanh niên tình nguyện trong
chiến dịch thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội tại địa bàn chiến
dịch, các đội hình chuyên thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn ứng dụng
chuyên môn để thực hiện các công trình phát triển kinh tế xã hội, chăm
sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn v.v… <br>
<br>
<br>
Kỳ nghỉ hồng là phương thức tình nguyện mới được thiết kế theo đặc thù
của thanh niên công nhân thành phố được Thành Đoàn tổ chức thí điểm
trong dịp Tháng Thanh niên năm 2004 (3/2004) lập tức tạo được sự đồng
thuận của thanh niên và xã hội. Vào các ngày nghỉ cuối tuần, thanh niên
công nhân và cán bộ, công chức trẻ tổ chức các đợt hoạt động đi về vùng
sâu, vùng xa, những địa phương khó khăn tổ chức các hoạt động công tác
xã hội, xây dựng, sửa chữa nhà, trường học, khám bệnh, phát thuốc… Trong
năm 2004, cấp thành tổ chức được 4 đợt, cấp quận huyện Đoàn và Đoàn
tương đương đã tổ chức hàng chục đợt Kỳ nghỉ hồng, với tổng giá trị hỗ
trợ, làm lợi ước khoảng 1 tỷ đồng.<br>
<br>
Bên cạnh việc tập trung thực hiện các phong trào tình nguyện, việc phát
huy thanh niên tham gia phát triển kinh tế – xã hội còn được cụ thể hóa
trong các phong trào, chương trình hành động của từng đối tượng thanh
niên. Thanh niên trên địa bàn dân cư có phong trào xây dựng khu phố, ấp
AST (an toàn, sạch đẹp, văn minh, nghĩa tình); thanh niên nông thôn thực
hiện phong trào VKT (vốn – kiến thức, kỹ thuật – tay nghề, khuyến nông);
thanh niên công nhân có các phong trào CKT (chất lượng – kiểu dáng –
tiết kiệm, tiếp thị), 3T (thương hiệu – tay nghề – thị trường), phong
trào “3 trách nhiệm” trong khu vực hành chính sự nghiệp (trách nhiệm
nhân dân, trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với cơ quan – đơn vị);
thanh niên học sinh sinh viên có phong trào “Sinh viên 3 tốt” (học tập
tốt, rèn luyện tốt, thể lực tốt), hoạt động nghiên cứu khoa học; thanh
niên lực lượng vũ trang: phong trào “Giành 3 đỉnh cao quyết thắng”,
“Thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”.<br>
<br>
Đại hội Đoàn thành phố lần VII (2001 – 2005) đã đề ra 4 đề án, 2 công
trình thanh niên tham gia chăm lo thanh thiếu nhi và phát triển kinh tế
xã hội, gồm: Đoàn tham gia thực hiện trật tự văn minh đô thị (tổ chức
các chiến dịch trật tự an toàn giao thông, Tháng an toàn giao thông hàng
năm, các hoạt động vì thành phố xanh – sạch – đẹp…); Đoàn tham gia
chương trình mục tiêu 3 giảm (giảm tội phạm, giảm mại dâm, giảm ma túy):
vận động thanh niên nghiện ma túy đi cai nghiện, phối hợp với cơ quan
chức năng tố giác tội phạm, giao lưu, tặng quà cho học viên tại các
trường, trung tâm cai nghiện…; Đoàn tham gia chăm sóc trẻ em có hoàn
cảnh đặc biệt khó khăn: tổ chức các lớp học phổ cập, lớp học tình
thương, cử các đội thanh niên tình nguyện đến sinh hoạt, chăm sóc trẻ em
có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các nhà mở, mái ấm…; Đoàn tham gia hỗ
trợ phường, xã nghèo: hỗ trợ ngày công, quà tặng, kinh phí, chuyển giao
khoa học kỹ thuật… nhằm tạo chuyển biến về kinh tế – xã hội, giúp thoát
nghèo cho 10 xã nghèo trong thành phố. Phát huy thành quả của các đề án
trên, nhân Tháng Thanh niên năm 2004, Ban Thường vụ Thành Đoàn đã tham
mưu với Ủy ban Nhân dân thành phố và được Thường trực Ủy ban Nhân dân
thành phố cho phép triển khai thực hiện 4 đề án mới: Đoàn tham gia thực
hiện Cải cách hành chính; thực hiện 1.000 công trình xanh - sạch - đẹp
chào 30 năm giải phóng thành phố; phổ cập tin học cho 300.000 thanh
niên; tuyên truyền giáo dục pháp luật cho 200.000 thanh niên thành phố.<br>
<br>
Đại hội Đoàn TNCS thành phố nhiệm kỳ VII cũng đã quyết định thực hiện 2
công trình nhằm chăm lo nhu cầu, lợi ích chính đáng của thanh niên:<br>
<br>
- Công trình thanh niên "Xây dựng Trung tâm sinh hoạt dã ngoại thanh
thiếu nhi thành phố tại Cần Giờ" triển khai thực hiện từ năm 2001 đến
nay, Ban Thường vụ Thành Đoàn đã tập trung các giải pháp thông tin cổ
động cho công trình như tổ chức các hoạt động gây quỹ, vận động đóng góp
trong đoàn viên hội viên, đội viên, bán vé số, …. với tổng kinh phí thu
được 16,5 tỷ đồng.<br>
<br>
- Công trình “Phổ cập trung học cơ sở trong thanh niên”: các cơ sở Đoàn
chủ động thực hiện nhiều giải pháp vận động thanh niên, tham mưu cấp ủy,
chính quyền các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên địa
phương, đơn vị tham gia các lớp bổ túc văn hóa. Ban Thường vụ Thành Đoàn
tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố thành lập Trường Bổ túc văn hóa Thành
Đoàn nhằm góp phần tăng cường giải pháp thực hiện phổ cập trong thanh
niên. Kết quả đã vận động được 62.850 thanh niên ra lớp học phổ cập,
trong đó số đoàn viên thanh niên tốt nghiệp là 12.756 người. <br>
<br>
Công tác giao lưu quốc tế thanh niên trong giai đoạn này được đầu tư đẩy
mạnh với việc thành lập Ban Quốc tế Thành Đoàn. Cùng với việc tổ chức
đón tiếp Tàu Thanh niên Đông Nam Á (SSEAYP) hàng năm, tổ chức hoặc tham
gia các hoạt động giao lưu thanh niên quốc tế với thanh niên và các tổ
chức thanh niên các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản… Chiến dịch Mùa hè
xanh, các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng tại Cần Giờ, Củ Chi… cũng
thu hút thanh niên tình nguyện quốc tế tham gia.<br>
<br>
<br>
<font color="#800000"><b>MỘT SỐ THÀNH TỰU NỔI BẬT TRÊN CÁC MẶT HOẠT ĐỘNG</b></font><br>
<br>
<b>1. Hiệu quả trong công tác giáo dục:</b><br>
<br>
Giáo dục chính trị tư tưởng tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục
đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, làm cho thanh niên nhận thức
đầy đủ và toàn diện về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về
mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội của nước ta. Các hoạt
động giáo dục tạo được dấu ấn trong những năm qua: Cuộc thi Olympic các
môn khoa học Mác – Lênin với chủ đề “Tầm nhìn xuyên thế kỷ”, các đêm hội
văn hóa, các hoạt động tìm hiệu tư tưởng Hồ Chí Minh, cuộc thi “Âm vang
Điện Biên” (thu hút 138.000 bài dự thi), cuộc thi “75 năm lịch sử vẻ
vang của Đảng Cộng sản Việt Nam” (trên 100.000 bài dự thi), học tập các
chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh,… đã thu hút hàng triệu lượt đoàn
viên, thanh niên tham gia.<br>
<br>
Giáo dục truyền thống tập trung làm cho chủ nghĩa yêu nước Việt Nam giữ
vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của thanh niên thành phố, thông
qua các hoạt động du khảo về nguồn, thăm các di tích lịch sử, căn cứ
cách mạng, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức các hội thi tìm
hiểu nhân vật lịch sử cách mạng; hành trình đến với bảo tàng; mỗi tháng
tìm hiểu 1 danh nhân;… được cấp thành và cơ sở tổ chức thường xuyên,
liên tục.<br>
<br>
Giáo dục đạo đức – lối sống thông qua 8 phẩm chất cơ bản là “Yêu nước,
hiếu thảo, kính thầy, thương người, hiếu học, trung thực, kỷ luật, tiết
kiệm” trở thành yêu cầu rèn luyện của thanh niên thành phố, góp phần xây
dựng nếp sống văn minh trong thanh thiếu niên. Công tác giáo dục đạo đức
– lối sống thông qua tuyên dương điển hình đã được kiên trì tổ chức từ
cơ sở đến cấp thành hàng năm với nhiều đối tượng thanh niên trên các
lĩnh vực: học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh, thanh niên chậm tiến
có nhiều tiến bộ,… các cấp bộ Đoàn đã tổ chức tuyên dương, động viên và
khen thưởng cho hơn 10.000 đoàn viên, thanh niên. <br>
<br>
Giáo dục pháp luật nhằm giáo dục ý thức công dân, hình thành văn hóa
pháp luật, vận động thanh thiếu nhi nâng cao ý thức chấp hành pháp luật,
sống và làm việc theo pháp luật thông qua các nội dung: tuyên truyền về
an toàn giao thông, Luật Nghĩa vụ quân sự, luật Hôn nhân và gia đình,
pháp luật lao động, phòng chống ma túy… Nhiều mô hình về giáo dục pháp
luật đã được thực hiện ở cơ sở Đoàn như: mô hình “Phiên tòa giả định”,
“Phiên tòa lưu động”, phối hợp với các ngành nội chính để tuyên truyền,
tư vấn pháp luật cho thanh niên; tổ chức các đội hình xung kích tuyên
truyền pháp luật trong trường học, trên địa bàn dân cư, thanh niên công
nhân tại các khu chế xuất – khu công nghiệp…<br>
<br>
<b>2. Hiệu quả đạt được về công tác xây dựng Đoàn, tập hợp thanh niên:<br>
</b><br>
Cùng với hiệu quả đạt được về mặt phong trào và công tác giáo dục, công
tác xây dựng Đoàn, tập hợp thanh niên luôn luôn được các cấp bộ Đoàn chú
trọng đầu tư. Tính đến 6 tháng đầu năm 2005, toàn thành phố có 395.392
đoàn viên sinh hoạt trong 15.389 chi đoàn thuộc 4 khu vực: quận huyện,
công nhân lao động, lực lượng vũ trang, đại học chuyên nghiệp. Trong
những năm qua, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất
nước, nhiều khu chế xuất – khu công nghiệp được xây dựng và đi vào hoạt
động. Thực hiện phương châm “Ở đâu có thanh niên, ở đó có Đoàn – Hội”,
Ban Thường vụ Thành Đoàn đã thành lập Đoàn Các khu chế xuất – khu công
nghiệp thành phố (đơn vị Đoàn tương đương quận huyện), hiện có 3.119
đoàn viên sinh hoạt tại 26 đầu mối cơ sở Đoàn trực thuộc tại 3 khu chế
xuất, 11 khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Năm 2002, Ban Thường vụ
Thành Đoàn tiếp tục thành lập Ban Công tác Ngoài quốc doanh với chức
năng tập hợp thanh niên – xây dựng chi đoàn, chi hội trong các doanh
nghiệp ngoài quốc doanh; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, chăm lo
đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên công nhân với tên gọi “Vòng
quanh khu chế xuất – khu công nghiệp” được thanh niên công nhân và xã
hội đánh giá cao, là hoạt động phong trào tiêu biểu trong công tác tập
hợp thanh niên ngoài quốc doanh của cả nước, tạo bước đột phá trong việc
tiếp cận và xây dựng tổ chức, xây dựng lực lượng ở khu vực khó này. Qua
3 năm thực hiện, đến nay Đoàn TNCS các cấp đã xây dựng được 454 chi
đoàn, Đoàn cơ sở, 506 chi hội thanh niên với 29.653 đoàn viên, hội viên
ở các đơn vị ngoài quốc doanh.<br>
<br>
<br>
<font color="#800000"><b>MỘT SỐ CÔNG TRÌNH, ĐỀ ÁN TIÊU BIỂU</b></font><br>
<br>
<b>1. Công trình đại thủ công Trần Quang Cơ: </b><br>
<br>
Ngày 15/1/1978, hơn 16.000 thanh niên đã ra quân thực hiện công trình
đại thủ công Trần Quang Cơ. Trong 10 ngày, hàng chục nghìn thanh niên đã
tiến hành đào con kênh cấp 1 Cầu Dừa dài 2.500m, với khối lượng đất đào
đắp khoảng 80.000m3, mang nước về tưới mát trong vụ Đông xuân cho 1.900
ha đất ở Trung Mỹ Tây, Tân Thới Hiệp, đưa sản xuất vào 2 vụ.<br>
<br>
<b>2. Công trình Lê Minh Xuân:</b> <br>
<br>
Ngày 2/5/1978, hàng ngàn đoàn viên thanh niên đã dự lễ khởi công và bắt
tay thực hiện công trình Lê Minh Xuân, khai hoang 2.000 ha đất, hình
thành nông trường trồng thơm xuất khẩu đầu tiên của thành phố. Thông qua
việc tổ chức thực hiện công trình thanh niên này, Đoàn TNCS thành phố đã
khẳng định được thực lực và bản lĩnh chính trị của mình trong việc tập
hợp thanh niên, từ lực lượng thanh niên tham gia công trình, các cơ sở
Đoàn đã phát triển được 1.300 đoàn viên, trên 10.000 hội viên, được Đảng
xét kết nạp 2 đảng viên mới và 60 đối tượng Đảng. Ban chỉ đạo nông
trường còn bình chọn 30.950 lao động hoàn thành nhiệm vụ, 11.600 lao
động tiên tiến, 804 thanh niên được cấp bằng khen Thành Đoàn.<br>
<br>
<b>3. Chiến dịch Mùa hè xanh và phong trào thanh niên tình nguyện: <br>
</b><br>
Xuất phát từ Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè (1994 – 1996) với hoạt động
xóa nạn mù chữ trong thanh niên thành phố, năm 1997, chiến dịch Ánh sáng
văn hóa hè chuyển thành Chiến dịch Mùa hè xanh và đến năm 2000 được
Trung ương Đoàn nhân rộng cả nước, trở thành hoạt động tình nguyện hàng
năm được tổ chức với quy mô lớn, huy động hàng trăm thanh niên tham gia,
đóng góp trên hai triệu ngày công, làm ra giá trị kinh tế – xã hội trên
20 tỷ đồng. Cùng với chiến dịch Mùa hè xanh, các hoạt động tình nguyện
như : kỳ nghỉ hồng, chiến dịch trật tự an toàn giao thông, Ngày chủ nhật
xanh, Ngày thứ bảy tình nguyện… mỗi năm huy động gần nửa triệu lượt
thanh niên tham gia, làm ra giá trị kinh tế – xã hội hàng trăm tỷ đồng,
tạo môi trường rèn luyện và trưởng thành, tạo hình ảnh đẹp của thanh
niên trong trong xã hội và trong chính thanh niên. Từ thực tiễn sinh
động của phong trào thanh niên thành phố trong 20 năm qua, các hoạt động
công tác xã hội, về nguồn, chiến dịch Mùa hè xanh và phong trào tình
nguyện đã được Trung ương Đoàn và các tỉnh, thành bạn nghiên cứu nhân
rộng, tạo sức lan tỏa trên phạm vi cả nước.<br>
<br>
<b>4. Các đề án, công trình thanh niên của Đại hội Đoàn thành phố lần
VII (2001 – 2005): <br>
</b><br>
- Đề án Đoàn tham gia thực hiện trật tự văn minh đô thị: Tổ chức các
chiến dịch trật tự an toàn giao thông, Tháng an toàn giao thông hàng
năm, các hoạt động vì thành phố xanh – sạch – đẹp….<br>
<br>
- Đề án Đoàn tham gia chương trình mục tiêu 3 giảm (giảm tội phạm, giảm
mại dâm, giải ma túy): Vận động thanh niên nghiện ma túy đi cai nghiện,
phối hợp với cơ quan chức năng tố giác tội phạm, giao lưu, tăng quà cho
học viên tại các trường, trung tâm cai nghiện…<br>
<br>
- Đề án Đoàn tham gia chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Tổ
chức các lớp phổ cập, lớp học tình thương, các đội thanh niên tình
nguyện sinh hoạt, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các
nhà mở, mái ấm…<br>
<br>
- Đề án Đoàn tham gia hỗ trợ xã nghèo: Hỗ trợ ngày công, quà tặng, kinh
phí, chuyển giao khoa học kỹ thuật… nhằm tạo chuyển biến về kinh tế – xã
hội, giúp thoát nghèo cho 10 xã nghèo trong thành phố. <br>
<br>
Phát huy thành quả của các đề án trên, nhân Tháng Thanh niên năm 2004,
Ban Thường vụ Thành Đoàn đã tham mưu với Ủy ban Nhân dân thành phố và
được Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép triển khai thực hiện
4 đề án mới: Đoàn tham gia thực hiện Cải cách hành chính; thực hiện
1.000 công trình xanh - sạch - đẹp chào 30 năm giải phóng thành phố; phổ
cập tin học cho 300.000 thanh niên; tuyên truyền giáo dục pháp luật cho
150.000 thanh niên thành phố.<br>
<br>
- Công trình thanh niên Xây dựng Trung tâm sinh hoạt dã ngoại thanh
thiếu nhi thành phố: Vận động đoàn viên hội viên, đội viên, bán vé số
ủng hộ, vận động các nguồn lực xã hội với tổng kinh phí 10,45 tỷ đồng.
Đến nay, công trình đã hoàn thành giai đoạn 1, khánh thành và đưa vào sử
dụng trong tháng 2/2005. <br>
<br>
- Công trình thanh niên Phổ cập trung học cơ sở trong thanh niên được
triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ VI (1996 – 2001), tiếp tục được thực
hiện trong nhiệm kỳ VII (2001 – 2005) với nhiều giải pháp vận động thanh
niên, tham mưu cấp ủy, chính quyền các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện
cho thanh niên tham gia các lớp bổ túc văn hóa; tham mưu Ủy ban Nhân dân
thành phố thành lập Trường Bổ túc văn hóa Thành Đoàn nhằm tăng cường
giải pháp phổ cập trong thanh niên; vận động được 62.850 thanh niên học
phổ cập, trong đó số tốt nghiệp 12.756 người. <br>
<br>
- Công trình Xây dựng 1.000 phòng học: Công trình của Đại hội Đoàn TNCS
thành phố nhiệm kỳ VI (1996 – 2001), được triển khai nhằm thể hiện vai
trò, trách nhiệm của Đoàn, đoàn viên thanh niên góp phần cùng xã hội
chăm lo sự nghiệp giáo dục, giải quyết sự bức xúc về trường, lớp của học
sinh thành phố. Kết quả: vận động đoàn viên, thanh niên và các nguồn lực
xã hội đóng góp 16,5 tỷ đồng, xây dựng 235 phòng học đúng tiêu chuẩn (70
triệu đồng/phòng học).<br>
<br>
<br>
<font color="#800000"><b>CÁC PHONG TRÀO ĐẶC THÙ GẮN VỚI CÁC ĐỊA BÀN, ĐỐI
TƯỢNG</b></font><br>
<br>
Bên cạnh việc tập trung thực hiện các phong trào tình nguyện, việc phát
huy thanh niên tham gia phát triển kinh tế – xã hội còn được cụ thể hóa
trong các phong trào, chương trình hành động của từng đối tượng thanh
niên:<br>
<br>
- Thanh niên trên địa bàn dân cư: phong trào xây dựng khu phố, ấp AST
(an toàn, sạch đẹp, văn minh, nghĩa tình).<br>
<br>
- Thanh niên nông thôn: phong trào VKT (vốn – kiến thức, kỹ thuật – tay
nghề, khuyến nông).<br>
<br>
- Thanh niên công nhân: phong trào CKT (chất lượng – kiểu dáng – tiết
kiệm, tiếp thị), 3T (thương hiệu – tay nghề – thị trường), phong trào “3
trách nhiệm” trong khu vực hành chính sự nghiệp (trách nhiệm nhân dân,
trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với cơ quan – đơn vị).<br>
<br>
- Thanh niên học sinh sinh viên: phong trào “Sinh viên 3 tốt” (học tập
tốt, rèn luyện tốt, thể lực tốt), hoạt động nghiên cứu khoa học. <br>
<br>
- Thanh niên lực lượng vũ trang: phong trào “Giành 3 đỉnh cao quyết
thắng”, “Thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”.<br>
</font></td>
</tr>
</table>
</body>
</html>