<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>3 chàng trai miệt vườn và</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" hasbox="2" align="center"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF">3 chàng trai miệt vườn và “dự án
bông gòn”</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" hasbox="2" id="table6">
<tbody hasbox="2">
<tr hasbox="2">
<td hasbox="2">
<p align="justify">
<img border="0" src="3%20chang%20trai.JPG" width="198" height="148"></td>
</tr>
<tr hasbox="2">
<td hasbox="2">
<p class="tLegend" align="center">
<font face="Arial" size="1" color="#808080"><i>Thầy Nguyễn Ngọc Hải
</i><em>(ngồi)</em><i> cùng Trần Trung Hoàng, Võ Phi Thoàn và Phan
Phước Duy</i><em> (từ trái qua)</em></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sáng 3-6, tại Hà Nội, ba chàng
trai lớp 10 ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) bất ngờ đoạt giải nhất trong cuộc thi
quốc gia với đề tài xử lý nước nhiễm dầu bằng gòn. </font></p>
<p class="pBody" hasbox="2" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ba chàng
trai sẽ đại diện cho VN đi Thụy điển thi tài với học sinh toàn thế giới.</font></p>
<p class="pBody" hasbox="2" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đưa ba
trò ra Hà Nội, nghe tin các trò đoạt giải nhất đến gần một giờ rồi mà thầy
Nguyễn Ngọc Hải, giáo viên sinh học Trường An Lạc Thôn, vẫn còn run. “Thầy hiệu
trưởng biết tin này thì mừng lắm, nhưng run quá, tôi chưa dám gọi cho thầy” -
thầy Hải chân thành nói.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mọi chuyện bắt đầu từ tháng
9-2006, ba học sinh Phan Phước Duy, Trần Trung Hoàng và Võ Phi Thoàn vừa vào học
lớp 10A2. Mùa nước, các trò đến trường bằng đò nên thấy nhiều vết dầu loang trên
sông. “Tác giả” của chúng là các cơ sở sửa chữa máy móc và buôn bán xăng dầu
trên sông. Vừa lúc trường phát động cuộc thi bảo vệ nguồn nước, ba bạn rủ nhau
viết một “đề tài”, theo lời thầy Hải thì chỉ giống một... bài văn. Ý tưởng được
diễn đạt chừng nửa trang A4: dùng “quả gòn” để hút dầu tràn. Đề tài thì chẳng
giống... đề tài rồi, nhưng ý tưởng của ba cậu học trò làm thầy Hải giật mình.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Phát động cuộc thi
bảo vệ nguồn nước, cả trường có tới 146 “đề tài” tham gia. Thầy Hải làm giám
khảo chính, chọn được bảy đề tài vào chung kết, trong đó có đề tài “Gòn, bông
băng cho nước nhiễm dầu”. “Ban đầu chúng em đi thu gom đủ thứ vật liệu, từ bã
mía xin ở các xe nước mía ngoài cổng trường, xơ dừa của bà con để làm thí
nghiệm. 10 gam bã mía, xơ dừa có thể hút được 50ml dầu. Riết rồi thấy quả gòn
(loại cây được trồng nhiều ở địa phương) tước ra là thấm dầu tốt nhất. “Khi ra
thực địa, nhóm đã dùng hai thanh nhựa dài ghép thành hình chữ V. Xơ quả gòn tước
nhỏ đặt vào một chiếc rổ lớn, chặn rổ vào đáy chữ V theo chiều nước chảy. Để
tránh sóng đánh làm trôi vết dầu, nhóm đã dùng lục bình làm “thành” chắn sóng”-
Phan Phước Duy kể. </font></p>
<div style="float: left; width: 205px; height: 166px">
<table border="0" width="100%" id="table7">
<tr>
<td bgcolor="#0066FF"><font face="Arial" size="2">Cuộc thi quốc gia
bảo vệ nguồn nước được SIDA Thụy Điển tài trợ, báo <em>Khoa Học Đời
Sống, </em>Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, Bộ GD-ĐT, Bộ Tài
nguyên môi trường tổ chức thường niên cho học sinh THPT từ năm 2003.
Năm 2006-2007, lần tổ chức thứ tư có 1221 bài dự thi của học sinh
đến từ 22 tỉnh, thành phố. </font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="pBody" hasbox="2" align="justify"><font face="Arial" size="2">Theo
Duy, ưu thế của gòn so với bông gòn thông thường và các vật liệu khác là thấm
dầu rất tốt, nhưng lại thấm rất ít nước. Sau khi lọc nước bằng gòn, nhóm của Duy
thấy nước không còn váng dầu, trở lại trong sạch (mặc dù Duy chẳng dám chắc là
đã lọc hết 100% váng dầu hay chưa). Duy kể vùng Kế Sách quê Duy gòn nhiều lắm.
Nhà nào cũng có cây gòn, bà con thường dùng quả làm ruột gối gối đầu cho êm, lá
gòn dùng để xe nhang... Vì vậy chi phí cho xử lý váng dầu tràn không nhiều.
</font></p>
<p class="pBody" hasbox="2" align="justify"><font face="Arial" size="2">Huyện Kế
Sách, nơi thầy trò thầy Hải giảng dạy và học tập nằm ở ngã ba tiếp giáp ba tỉnh
Hậu Giang, Vĩnh Long và Sóc Trăng. Trường còn mấy lớp lợp tôn, mùa mưa thì dột,
hè đến thì nóng nung người, dù trường có quạt trần nhưng vẫn không đủ sức xua đi
cái nóng. Gia đình cả ba chàng trai đều sống bằng nghề làm vườn. Ba chàng trai
vừa đi học, vừa làm vườn giúp gia đình. Ba năm liên tục tham gia cuộc thi bảo vệ
nguồn nước, năm nay Trường An Lạc Thôn cùng với Trường THPT Lê Quý Đôn (thị xã
Ngã Bảy, Hậu Giang) và Trường THPT Thảo Nguyên (Mộc Châu, Sơn La) đoạt luôn giải
tập thể. </font></p>
<p class="pBody" hasbox="2" align="justify"><font face="Arial" size="2">Với giải
nhất này, sắp tới Thoàn, Duy, Hoàng sẽ đại diện học sinh VN tham gia cuộc thi
dành cho học sinh thế giới, tổ chức tại Thụy Điển vào tháng tám tới. Hoàng nói
cây gòn quê em đẹp lắm. Hoàng và các bạn sẽ mang theo hình ảnh tuyệt đẹp ấy khi
“mang chuông đi đánh xứ người”. </font></p>
<p class="pBody" hasbox="2" align="right"><b><i><font face="Arial" size="2">Theo
TTO</font></i></b></p>
</body>
</html>