<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Văn hóa đọc với bạn trẻ hôm nay</title>
</head>
<body>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="center"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Văn hóa đọc với bạn trẻ hôm nay</font></b></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="center"> </p>
<div style="float: right; width: 81px; height: 48px">
<table border="1" cellspacing="1" style="border-collapse: collapse" width="100%" bordercolorlight="#000000" bordercolordark="#000000" id="table2">
<tr>
<td>
<img border="0" src="van%20hoa%20doc.bmp" width="300" height="225"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><span style="color: #808080; font-size: 10pt">
<font face="Arial" size="2"><i>Với các bạn trẻ, để có kiến thức nền
rộng không có gì tốt hơn bằng con đường tự đọc sách, nghiên cứu (ảnh
có tính minh họa).</i></font></span></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="MsoNormal" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-size: 10pt; color: rgb(51, 51, 51)"><font face="Arial">Cùng
với sự phát triển của các phương tiện nghe nhìn, bạn trẻ ngày càng có nhiều cơ
hội tiếp cận với kho tàng kiến thức nhân loại, nhưng liệu điều đó có thể thay
thế hoàn toàn việc đọc sách?</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<font face="Arial" size="2"> </font></p>
<b style><span style="font-size: 10pt">
<p class="MsoNormal" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<font face="Arial" color="#008000">Đọc thời @ </font></p>
</span></b>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-size: 10pt; color: black"><font face="Arial">Tôi thử làm một
cuộc phỏng vấn bất chợt với một số học sinh, sinh viên (HSSV) mà mình gặp. Hồng
Vy (học sinh lớp 11 Trường THPT Trưng Vương) cho biết, lúc rảnh rỗi, Vy chỉ
thích đọc truyện ngắn. Còn Phương Thảo (học sinh Trường PTTH Quốc học) lại chỉ
“kết” truyện tranh Nhật Bản vì ngắn, vui nhộn. Hai nữ sinh này cũng cho biết,
nhiều bạn ở lớp cũng thích xem truyện tranh, vì ngoài “ưu điểm” cực ngắn, truyện
tranh còn có hình ảnh minh họa tình tiết, sống động, nhất là những truyện như
<em>Nữ hoàng Ai Cập, Thám tử Connan</em>.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-size: 10pt; color: black"><font face="Arial">Vốn dân theo môn
toán, lý nên bạn Lê Thị A. H., sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Quy Nhơn, tự
nhận kiến thức về lĩnh vực văn hóa - xã hội của mình hơi kém. Tuy nhiên, cô cũng
không hề có ý định tự nâng cao kiến thức bằng con đường đọc sách. H. giải thích:
“Chỉ riêng việc đọc giáo trình, nghiên cứu thêm một số tài liệu mà thầy giáo cho
đọc thêm đã rất bận rồi. Rảnh rỗi, em lên thư viện đọc tạp chí Hoa Học Trò, báo
Tuổi Trẻ hoặc lướt web kiếm thông tin giải trí. Đọc sách phải có hứng thú, không
có hứng thì sao nạp được”. Cho đến nay, nhà văn Việt <st1:country-region w:st="on"><st1:place w:st="on">
Nam</st1:place></st1:country-region>… duy nhất mà H. từng đọc là Nguyễn Nhật Ánh
với hai tác phẩm <em>Chuyện tình xứ Langbiang</em> và <em>Kính vạn hoa</em>. <em>
Nhật ký Đặng Thùy Trâm</em> và <em>Mãi mãi tuổi hai mươi</em> là hai cuốn sách
H. đọc kể từ ngày vào học đại học, nhưng rồi quyển nào cũng chỉ đọc dở dang.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-size: 10pt; color: black"><font face="Arial">Ngay cả SV khoa
Văn, khi nghề và nghiệp của họ vốn đã gắn với sách vở, tình hình cũng chẳng khả
quan hơn gì mấy. Một giảng viên trẻ khoa Văn Trường Đại học Quy Nhơn nhận xét về
tình trạng đọc của SV: “Nhìn chung, SV vẫn đọc rất thụ động. Phần đông SV đọc
sách để làm các tiểu luận, chuyên đề phục vụ việc học hơn là đọc chủ động, đọc
như một nhu cầu, sở thích và nâng cao tầm hiểu biết của mình. Còn nếu nói về số
sinh viên thực sự quan tâm thời sự văn học thì chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay”.
</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<b style><span style="font-size: 10pt; color: #008000"><font face="Arial">Nghe
nhìn thay cho đọc?</font></span></b></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-size: 10pt; color: black"><font face="Arial">Anh Phan Thái Sơn,
giáo viên PTTH tại tỉnh Quảng Ngãi, hiện đang học cao học ngành Ngữ văn tại
Trường Đại học Quy Nhơn, cho biết: “SV chủ yếu là đọc sách chuyên ngành. Một
phần vì không có nhiều thời gian, phần khác không phải SV nào cũng có điều kiện
mua sách về đọc. Riêng với các em học sinh thì lấy đâu ra thời gian mà đọc sách
khi mà phải tất bật với quỹ thời gian eo hẹp học chính khóa, học phụ đạo ở
trường. Vả lại, khi văn hóa nghe nhìn ngày càng phát triển, lớp trẻ có nhiều lựa
chọn trong cách hưởng thụ văn hóa. Họ ngày càng thích nghe nhìn hơn”. </font>
</span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-size: 10pt; color: black"><font face="Arial">Lý do anh Sơn nêu
ra cũng là lý do được hầu hết các bạn HSSV đưa ra, nhằm biện hộ cho tình trạng
SV ít đọc sách. “Đôi khi, cũng muốn mua một vài quyển sách, nhưng SV, vốn đã
luôn ở trong tình trạng “viêm màng túi” thì tiền đâu. Còn sách ở thư viện, thì
đa phần vừa cũ vừa thiếu, không đáp ứng nổi nhu cầu đa dạng của SV”- bạn Đỗ Luân
V., SV năm ba Trường Đại học Quy Nhơn nói. Tuy nhiên, theo chúng tôi, với những
người thực sự thích đọc, thích tìm hiểu, thì những lý do trên không phải là
những rào cản lớn bởi vì khi đã coi nhu cầu đọc, nâng cao kiến thức như một nhu
cầu thiết yếu của cuộc sống thì tự khắc sẽ có cách giải quyết. </font></span>
</p>
<p class="MsoNormal" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-size: 10pt; color: black"><font face="Arial">Cuộc phỏng vấn
ngẫu nhiên trên có thể không phản ánh được hết thực trạng đọc chung của các bạn
trẻ nhưng dễ nhận thấy với các bạn ít đọc sẽ dễ hổng kiến thức chung, thậm chí
hổng cả những điều sơ đẳng nhất về lịch sử, địa lý, xã hội. Bạn Đỗ Luân V. tâm
sự: “Nhiều khi em cũng không hiểu SV như chúng em học gì, nghiên cứu gì cao siêu,
trong khi lịch sử nước nhà cũng không rành, tình hình trong nước và khu vực
chẳng biết gì nhiều”. V.<span style> </span>kể, có lần thầy giáo dạy môn Lịch
sử Đảng dạy lớp của V. đã phải than trời không biết SV học tập kiểu gì mà không
biết đến nguyên phi Ỷ Lan là ai, thậm chí là ông hay bà (!).</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-size: 10pt; color: black"><font face="Arial">Với sự ra đời
ngày càng phong phú của các phương tiện nghe, nhìn khiến xu hướng nghe, nhìn
đang lấn át văn hóa đọc trong giới trẻ. Tuy nhiên, không gì có thể thay thế được
việc đọc bởi bên cạnh đọc còn là suy nghĩ, tìm tòi, tra cứu và là phương cách
hay nhất để làm giàu vốn ngôn ngữ và tri thức của mình. Với các bạn trẻ, tự tạo
cho mình một thói quen đọc sách, trau dồi kiến thức về kinh tế, xã hội, chính
trị ngoài chuyên môn là cách để tự “nâng tầm”. Trong thực tế, không ít bạn trẻ
tốt nghiệp với tấm bằng loại khá, giỏi trên tay đã phải chịu “bó tay” trong
những lần phỏng vấn xin việc vào các công ty tuyển dụng nước ngoài. Bởi lẽ, các
nhà phỏng vấn không hỏi chuyên môn mà toàn hỏi chuyện “trên trời dưới đất”, kiểu
như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước ta là ai, Việt Nam có bao nhiêu triệu dân, bao
nhiêu dân tộc, bạn sẽ giải quyết nạn ô nhiễm môi trường ra sao nếu là bộ trưởng…
Tưởng dễ, nhưng hóa ra lại rất khó nếu như bạn không có kiến thức nền đủ rộng.</font></span></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo Báo Bình Định</i></b></font></p>
</body>
</html>