<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Tình nguyện không tuổi</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>Tình nguyện
không tuổi</b></font></p>
<div style="float: right; width: 48px; height: 25px">
<table border="1" cellspacing="1" style="border-collapse: collapse" width="100%" bordercolorlight="#000000" bordercolordark="#000000" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="tinh%20nguyen%20k%20tuoi.jpg" width="220" height="164"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cả tuần nay bà con xã Thạnh Hoà
huyện Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang không khỏi ngạc nhiên khi thấy một ông già
trong màu áo xanh tình nguyện đang cặm cụi đo đạc, trộn hồ cùng làm đường với
đoàn sinh viên tình nguyện Học viện Hành Chính Quốc Gia. Bà con thắc mắc: Sao
sinh viên tình nguyện gì mà già dữ vậy? Ông Tư chỉ cười: Tình nguyện mà!</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chiến dịch MHX 2007, đoàn viên,
sinh viên HV Hành Chính Quốc Gia vinh dự được đón bác Đào Văn Tư cùng tham gia
tình nguyện tại mặt trận tỉnh Kiên Giang. Ban Chỉ huy đã bố trí cho bác Tư cùng
ở với các bạn sinh viên tình nguyện xã Thạnh Hoà. Cái tên bố Tư nhanh chóng ra
đời trong tình cảm yêu thương, kính trọng của mọi người. Năm nay bố đã 74 tuổi,
vậy mà nhìn dáng người hãy còn rất khoẻ không giống một ông cụ chút nào. Ở cái
tuổi này người ta đã ở nhà cùng con cháu vậy mà bố lại đi tình nguyện. Chuyện
quả thực xưa nay hiếm!</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hôm nay, tôi có dịp cùng bố đi
làm đường tại xã Thạnh Hoà. Đây là một tuyến đường nhỏ dọc bờ kênh ở ấp Chà Gào,
phục vụ chính cho việc đi lại của bà con nơi đây. Biết đi làm đường, bố dặn
chúng tôi phải chuẩn bị cơm nước đầy đủ bởi bố bảo: “Nuôi quân tốt, quân khoẻ
thì việc gì cũng có thể làm được”. Rồi bố giục bọn tôi dậy thật sớm.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sáng sớm, 12 bạn sinh viên tình
nguyện đã cùng bố đi xuồng tới UBND xã Thạnh Hoà. Trao đổi với chính quyền địa
phương bố đã xác định: “Làm đường chúng ta phải thống nhất, làm cho đàng hoàng.
Khi làm phải tiết kiệm nhưng công trình phải có chất lượng, không cần xây đường
dài, cái quan trọng là xây làm sao để bà con đi lại lâu dài được bởi mình phục
vụ dân mà!”. Bắt tay làm việc với sinh viên tình nguyện còn có anh Hồ - Thường
vụ huyện Đoàn Giồng Riềng và toàn thể bà con nơi đây. Biết sinh viên tình nguyện
về làm đường, bà con ai nấy hết sức phấn khởi ra phụ rất đông.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bọn trẻ chúng tôi do chưa có kinh
nghiệm đang loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu thì bố đã xông xáo vào chặt cây,
cắm cọc, căng dây. Bố bảo chúng tôi đi mượn cuốc, xẻng, chổi; lấp những ổ gà,
quét trước sạch sẽ con đường trước khi làm. Như một thợ làm đường lành nghề, bố
Tư lôi trong túi ra đầy đủ các đồ nghề đã chuẩn bị từ trước, nhanh chóng đo đạc,
định vị con đường. Vừa làm, bố vừa chỉ cho chúng tôi cách thức làm đường, đo đạc
thế nào, trộn hồ, tráng xi măng… Bố dặn rất kỹ: “Làm đường không nên tráng bằng
mà phải tráng mô lên một chút cho nó thoát nước, mặt đường không bị đóng rêu, bà
con mới đi lại dễ dàng!”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thấy bố lớn tuổi, bọn tôi tranh
không cho bố khiêng cát, đá. Bố la, nằng nặc đòi làm. Nhìn bố làm việc luôn tay
luôn chân, tay chắc khoẻ bê từng thúng cát, ít ai nghĩ rằng bố đã 74 tuổi. Bọn
thanh niên chúng tôi cứ thế mà làm theo bố, không đứa nào dám chểnh mảng. Thỉnh
thoảng hỏi um lên: “Bố ơi, nước thế này đã đủ chưa?” hay “Bố ơi, chỗ này tráng
như thế nào?”…Bà con trong ấp ai thấy bố làm cũng thương, nhiều cụ cũng ra làm
cùng.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Làm đường, trộn hồ, tráng ximăng…
tất cả bố đều biết. Đối với người lính Cụ Hồ đã cống hiến cả một đời cho đất
nước thì có việc gì, có khó khăn gì mà bố chưa từng trải qua. Khi biết bố đã 2
lần đạp xe một mình ra đi dọc Trường Sơn ra thăm lăng Bác, bà con ai nấy đều rất
xúc động. Còn đối với bọn trẻ chúng tôi bố Tư là một tấm gương lớn, chiến đấu
không ngừng nghỉ. Thế hệ chúng tôi sinh sau đẻ muộn, không phải nếm trải nhiều
gian khổ như bố chợt thấy mình nhỏ bé, còn quá nhiều điều phải học hỏi, phải đi,
phải làm. Và để trở thành một người như bố thì cần cả một cuộc đời tình nguyện.</font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">TRẦN LÊ CẨM TÚ</font></b></p>
</body>
</html>