<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Khi sinh viên vào vai cộng tác v</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>Khi sinh viên
vào vai cộng tác viên dân số</b></font></p>
<div style="float: right; width: 126px; height: 25px">
<table border="1" cellspacing="1" style="border-collapse: collapse" width="100%" bordercolorlight="#000000" bordercolordark="#000000" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="khi%20sv%20vao%20vai%20ctv.jpg" width="220" height="170"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Phường Hiệp Thành, Quận 12 sau
những cơn mưa tầm tã, các con đường đầy nước đọng nhưng không ngăn được bước
chân tình nguyện của chiến sĩ mùa hè xanh. Quần xăn lên quá gối, các bạn lội bộ
đến từng nhà dân tuyên tuyên cách phòng tránh HIV/AIDS và những bệnh lây qua
đường tình dục. “Chị ơi, hiện nay có rất nhiều bệnh lây qua đường tình dục như
HIV/AIDS, giang mai, lậu…. Để quan hệ tình dục an toàn chị phải…” vừa nói bạn
Tăng Công Sơn - SV năm 2 ĐH Mở, vừa lấy trong túi ra chiếc bao cao su khiến cô
thợ may đỏ mặt ấp úng: “Mình chưa có chồng, biết mấy cái này làm gì ?”. Sơn nhẹ
nhàng giải thích: “Đây là kiến thức cơ bản để cho mỗi người tự bảo vệ sức khỏe
cho mình, chị ạ”. Nghe cũng có lý, cô thợ may từ chỗ ngượng ngùng đã dần thoải
mái, cởi mở hơn. Ngoài ra, các bạn còn tuyên truyền các nội dung khác như: hớt
tóc phải thay dao cạo, dùng dụng cụ cá nhân làm móng tay... Dần dần, hình ảnh
các cô cậu tuyên truyền viên đã trở nên quen thuộc đối với người dân. Chị Lê Thị
Phụng - phụ hồ ở khu phố 5, cho biết những hoạt động tuyên truyền của sinh viên
không chỉ mang lại cho chị kiến thức chăm sóc bản thân mà còn là kiến thức để
chị tuyên truyền cho những người xung quanh. <br>
<br>
Để được kết quả, là một nỗ lực rất lớn từ phía các bạn sinh viên vì hầu hết
người dân ở đây thường rất ngại khi đề cập đến những chuyện riêng tư của họ, nếu
không biết cách “khơi mào” thì sẽ rất khó tiếp xúc. Nói về vấn đề này, Công Sơn
- thành viên Đội, cho biết thêm: “Hầu hết những kiến thức mà mình có được đều do
học từ bên ngoài và các anh chị đi trước. Lần đầu tiên nói về các vấn đề này
mình cũng ngại lắm, nhưng sau đó nhận thấy người tiếp nhận thông tin còn ngại
hơn. Nếu mình ngại thì làm sao giải thích cho họ hiểu được nên mình phải tỏ ra
bình tĩnh, tự tin... mới có thể thuyết phục được đối tượng”. Tuy nhiên, cũng gặp
rất nhiều khó khăn, khó nói. Bạn Xuân Diệu - ĐH Mở, cho biết có lần vào nhà gặp
một anh con trai rất dữ dằn, xăm đầy mình và còn làm ra vẻ anh chị, hỏi cái gì
cũng biết rồi, nhưng khi Diệu hỏi lại HIV lây qua những đường nào thì anh này
không trả lời được. Tưởng thế là may, ai ngờ người con trai bảo “muốn biết lây
qua đường nào thì… vào đây” khiến Diệu phải xin phép gởi lại mấy tờ rơi và chuồn
thẳng.</font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">HÀ BÌNH - TRUNG TÂN</font></b></p>
</body>
</html>