<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Thủ khoa Đại học Ngân hàng TP</title>
</head>
<body>
<p class="pSuperTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Thủ khoa
Đại học Ngân hàng TP.HCM Đào Thị Kiều Nhi:</font></b></p>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Mừng ít, lo nhiều</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="mung%20it%20lo%20nhieu.bmp" width="150" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Nhi bên
bàn học trong góc nhà của nội</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">“Có đêm mơ thấy trời mưa to lắm
mà rổ mứt chùm ruột, mớ kẹo kéo chưa bán hết, giật mình thức dậy, quờ tay tìm
quang gánh mới biết mình đã bán xong từ chiều”. Kiều Nhi kể về nỗi buồn mà lạ
thay, đôi mắt ráo hoảnh, lấp lánh niềm vui, “em quen cảnh nghèo khó từ bé mà, có
gì đâu”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">... Suốt những năm
trung học, em chưa có một giấc ngủ ngon lành, chập chờn những giấc mơ về một bữa
cơm gia đình đầm ấm có cả ba mẹ, mơ có đĩa cá cho em, bát canh ngon cho bà. Nghe
hỏi tên Đào Thị Kiều Nhi, ngay từ đầu con hẻm sâu hun hút đường Nguyễn Trãi (Qui
Nhơn, Bình Định), bà con khu phố nghèo đã nhiệt tình dẫn vào tận nơi. “Nhi chùm
ruột chứ gì, tội nghiệp, chị em con bé học giỏi lắm, nhất xóm này từ trước tới
giờ đó” - một ông cụ đạp xích lô chỉ dẫn.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">“Ba mẹ ơi, vậy là
con đậu thủ khoa rồi” - Nhi reo lên nho nhỏ. Bà nội em đã 72 tuổi thì băn khoăn:
“Thủ khoa là đậu chắc rồi hả chú, hèn gì nó mừng vậy”. 29 điểm - Nhi đỗ đầu vào
Đại học Ngân hàng TP.HCM. Ba ngày sau, thầy giáo chủ nhiệm đến nhà báo tin em
đạt á khoa Trường đại học Y dược TP.HCM với 29,5 điểm. Lần này, Nhi bật khóc:
“Làm sao báo tin cho ba mẹ con biết hả nội ơi”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cách đây bảy năm,
Nhi vừa lên lớp 6, em gái lớp 4, vì làm ăn thất bát ba mẹ bán nhà, gửi hai chị
em Nhi về ở với bà nội. Ba Nhi lên Đắc Lắc làm thuê, quanh năm làm công đào
giếng, cuốc cỏ mướn các vườn cà phê chỉ đủ ăn và dành dụm vài trăm lâu lâu gửi
về cho con. Rồi những trận sốt rét rừng quật ngã, có khi cả năm trời bặt vô âm
tín. Mẹ dạt vô Sài Gòn buôn gánh bán bưng, góp nhặt từng đồng gửi về giúp bà
nuôi cháu, nhưng lúc có lúc không. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Bà nội già ngày
ngày ra chợ mua đường thô về làm kẹo kéo, mua từng rổ chùm ruột về làm mứt, tằn
tiện nuôi cháu. Từ năm lớp 8, từ 3g sáng Nhi đã theo bà ra chợ, cũng nón mê,
quang gánh tất tả bán buôn. Những đêm khuya, tranh thủ học bài xong là hai chị
em cặm cụi làm kẹo kéo với bà đến khi nghe gà gáy canh đầu mới xong việc, ngả
lưng vài tiếng đã thức dậy ra chợ với đôi tay mỏi nhừ.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cả ba năm trung học
phổ thông, Nhi chỉ có một chiếc áo dài. Năm lớp 12, chiếc áo sờn vải, bục chỉ tứ
tung. Bà nội thương cháu định vay tiền may thêm áo mới “cốt cho nó đỡ mặc cảm”,
nhưng Nhi sợ tốn tiền bảo bà thôi. Cũng suốt ba năm học, Nhi chỉ một đôi dép đến
trường. “Của bền tại người, em giữ kỹ lắm; mình nghèo phải liệu cơm gắp mắm” -
Nhi vừa khâu áo cho đứa em vừa kể với nụ cười hồn nhiên. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">“Người ta ăn gạo
năm, bảy ngàn, bà cháu tui chỉ dám mua gạo ba ngàn một ký. Mùa mưa gió, kẹo mứt
không bán được phải mua nợ mỗi lần dăm ký, rồi chạy chợ trả cho người ta thì họ
mới cho nợ tiếp. Bình thường bao năm nay nuôi lũ cháu chỉ có cơm và rau muống
luộc, giờ nó sắp đi học xa, muốn có chút tiền mua miếng cá, miếng thịt mừng cháu
mà chưa xoay đâu ra, thiệt tội nghiệp” - bà cụ quẹt tay lau nước mắt. </font>
</p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đang bão số 2, mưa
to, gió giật mái tôn bần bật, ba bà cháu co ro ngồi trong góc nhà, nước dột tứ
tung. “Chỉ mong trời phật phù hộ chúng nó học hành nên người để sau này có chén
cơm ăn, tui mới yên lòng nhắm mắt” - mắt bà cụ rơm rớm, thở dài...</font></p>
<table style="width: 437px; border-collapse: separate; height: 106px" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" align="center" border="0" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="5" cellspacing="5" width="437" id="table2">
<tr>
<td bgcolor="#cfe6f9" valign="center">
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">12 năm liền
Nhi là học sinh giỏi. Riêng năm lớp 12, thầy giáo chủ nhiệm thương cô
học trò hiếu học, dạy thêm môn hóa miễn phí, một thầy giáo khác dạy miễn
phí môn toán... “Đậu cả hai trường em mừng ít lo nhiều. Tiền đâu nhập
học, nội cố lắm cũng chỉ vay mượn đủ tiền xe. Em đi học thì thiếu người
giúp nội buôn bán nuôi đứa em, nội đã yếu lắm” - giọng Nhi đầy vẻ lo âu.</font></td>
</tr>
</table>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>