<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Nhà</title>
</head>
<body>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span id="lbHeadline" class="text16b" style="width: 100%; font-weight: 700">Nhà
"Samaki", hoa Chăm-pa trên đất Triệu Voi</span></font></p>
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2"> </font></p>
<span id="lbAuthor1" class="author"></span>
<table id="table1" align="left" border="0" cellpadding="0" cellspacing="3" width="1">
<tr>
<td align="left" valign="top">
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<img border="0" src="nha%20samaki.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr height="1">
<td align="left" valign="top">
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font color="#808080">
<span id="AvatarDesc" style="font-family: Arial; font-size: 10pt; font-style: italic">
Đồn biên phòng cửa khẩu Attapư (Lào)</span></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2"><span class="indexstorytext">Quỹ thời gian chỉ có 4
ngày, lại phải di chuyển bằng xe ô tô, vượt hơn 2.000 km đi-về với lịch làm việc
dày đặc, nên suốt ngày chúng tôi hầu như ngồi trên xe. Rất may, dọc chuyến hành
trình sang xứ sở hoa Chăm - pa của nước bạn Lào, nhiều chuyện mắt thấy, tai nghe...
rất ngộ, xua đi mệt nhọc. </span></font></p>
<span id="lbBody" class="indexstorytext">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>"Muốn
nhanh thì phải... từ từ"</strong> </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ TP.HCM, vượt 800 km quốc lộ
14, sau khi nghỉ một đêm ở Kon Tum, chúng tôi đến ngã ba Đông Dương (VN - Lào -
Campuchia). Từ đây đến cửa khẩu Bờ Y còn khoảng 10 km. Bên kia là Nam Lào. Cả
đoàn háo hức. Anh bạn tôi "thề" là sẽ... ngắt một cành hoa Chăm - pa về tặng
người yêu cho cô ấy "lác mắt" chơi. Đang khí thế, thì phát hiện một thành viên
trong đoàn quên mang theo hộ chiếu. Rất may, các anh hải quan VN thông cảm cho
qua. Nhưng đến khi làm thủ tục tại bộ phận hải quan Lào thì anh bạn tôi bị chặn
lại. Anh bạn Lào có lẽ là trưởng bộ phận kiểm tra an ninh cửa khẩu, nói giọng lơ
lớ: "VN - Lào... rất samaki". Anh Tăng Hữu Phong - Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM:
"Vâng! Rất samaki. Nhưng chúng tôi đang rất vội, mong anh thông cảm". </font>
</p>
<table style="width: 20px; height: 10px" align="right" border="0" id="table2">
<tr>
<td>
<p align="center"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="nha%20samaki2.bmp" width="200" height="150"><br>
<em><font color="#808080">Các chiến sĩ tình nguyện VN tại lễ trao nhà
hữu nghị tại Paksé</font></em></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhiều thành viên khác trong đoàn
năn nỉ phụ vào là chúng tôi đi trao nhà hữu nghị ở Paksé - tỉnh Champasak, và
các đồng chí lãnh đạo tỉnh đang chờ chúng tôi ở đó. Anh bạn Lào vẫn tươi cười: "Muốn
nhanh thì phải... từ từ". Căn nhà làm thủ tục nhập cảnh phía bạn Lào rất đơn sơ,
mái tôn, vách ván, sàn đất. Các chi tiết nhập cảnh được viết bằng tay vào cuốn
sổ giấy ca-rô lớn. Không có máy vi tính, việc nhập liệu diễn ra rất sốt ruột.
Nhưng cuối cùng phía bạn cũng giải quyết thủ tục nhập cảnh không hộ chiếu cho
anh bạn đồng nghiệp chúng tôi.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hai bên cửa khẩu Bờ Y là hai hình
ảnh trái ngược. Các anh bộ đội hay nói "Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa" là vậy.
Nhưng sự so sánh ở đây là sương núi và cây rừng. Bên phía bạn Lào rừng xanh thăm
thẳm, sương sớm quyện quanh lưng chừng núi, đẹp một cách hoang sơ. Cùng một dãy
Trường Sơn, nhưng chỉ cách vài bước bên phía Ngọc Hồi - Kon Tum chỉ lơ thơ một
vài cây đứng trơ vơ trên đỉnh đồi trông rất hiên ngang và thách thức. Anh bạn
tôi ngồi phía sau xe phán một câu nghe chí lý: "Trình độ lâm tặc ở Lào kém xa so
với ở VN".</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Xe chúng tôi băng qua dãy Trường
Sơn. Đường đi heo hút, hiếm khi thấy có bóng dáng người, ngoại trừ mấy chiếc xe
hai cầu chở gỗ hướng về phía VN. Dấu vết chiến tranh không còn nữa. Thay vào đó
là những cánh rừng xanh um, trải dài ngút ngàn suốt hơn 60 km từ cửa khẩu Bờ Y
đến gần thị trấn Attapư. Những câu chuyện vui của các "cây hài" trên xe làm cho
cả đoàn quên hết mệt. 4 giờ chiều, chúng tôi đến địa danh có cái tên nghe rất
quen, vẫn thường được nhắc đến trong chương trình dự báo thời tiết của các nhà
đài - Paksé - thủ phủ của tỉnh Champasak. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Chiến sĩ
tình nguyện VN bị... “mê” Lào</strong></font></p>
<table style="width: 20px; height: 10px" align="right" border="0" id="table3">
<tr>
<td>
<p align="center"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="nha%20samaki3.bmp" width="200" height="150"><br>
<em><font color="#808080">Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM Trần Thành Long
trao nhà hữu nghị tại Paksé</font></em></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Xe chúng tôi chạy thẳng vào làng
Đại học (ĐH) Paksé. Sau khi tách ra khỏi ĐH Quốc gia Vientiane, ĐH Paksé được
coi là ĐH có diện tích rộng nhất nước Lào - khoảng 2.000 ha, với 5 khoa và 4.300
sinh viên (SV). Dự kiến đến năm 2010 ĐH Paksé sẽ nâng quy mô lên 9 khoa với
khoảng 11.000 SV. Ở đây có 16 SV của các trường ĐH tại TP.HCM đang thực hiện
nhiệm vụ "chiến sĩ tình nguyện" do Thành đoàn TP.HCM phát động. Gặp đồng hương
từ VN sang, các bạn SV rất mừng, chắp tay "sa-bong-di" (chào bằng tiếng Lào)!
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bạn Phan Nguyễn Quỳnh Anh - SV ĐH
Khoa học xã hội và Nhân văn, sắp ra trường, cho biết công việc của bạn là giúp
các cán bộ giảng viên của trường ĐH Paksé tu chỉnh, trau dồi Việt ngữ và cách
thức giao tiếp bằng tiếng Việt. Sắp tới đây các "học trò" của Quỳnh Anh sẽ qua
VN bảo vệ luận án thạc sĩ. Mỗi người một việc, từ nghiên cứu, áp dụng trồng các
loại cây ăn quả, cây công nghiệp, đến công tác quản lý SV, thư viện. Tập trung
nhất là hướng dẫn cho các bạn Lào tiếp cận các kỹ thuật cài đặt và quản lý mạng
vi tính nội bộ - loại công việc các bạn Lào còn lơ mơ. Tại buổi tiếp đoàn, Hiệu
phó ĐH Paksé đã không tiếc lời ca ngợi tinh thần "chiến đấu" của các chiến sĩ
tình nguyện VN. Paksé đẹp, nhưng buồn. Mùa mưa đường trơn trượt, tối muốn đi
giải khuây cũng không đi được. "Ở đây không có xe ôm như bên mình, xe tuk tuk
thì tối nó không chạy", Quỳnh Anh nói. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">SV Nguyễn Xuân Trường, năm thứ 4
ĐH Khoa học tự nhiên cho biết, đây là lần đầu tiên bạn làm thanh niên tình
nguyện ở nước ngoài nên cảm xúc rất khó tả. Công việc của Trường là dạy vi tính
và viết giúp bạn một phần mềm về quản lý SV. "Bạn có nhớ nhà không?”, tôi hỏi.
Trường lắc đầu. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Nhà "Samaki"</strong>
</font></p>
<table style="width: 20px; height: 10px" align="right" border="0" id="table4">
<tr>
<td>
<p align="center"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www2.thanhnien.com.vn/Uploaded/minhnguyet/15.8.07/Bao6d.jpg" border="0"><br>
<em><font color="#808080">Đoàn MTTQ và Thành đoàn TP.HCM thăm và tặng
nhà tình thương tại làng Đức Long, Đăk G'lei, Kon Tum</font></em></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chia tay các bạn SV, xe chúng tôi
ra ngoại ô Paksé để trao "nhà hữu nghị" cho ông Bun-mi-đuông -pha-chăn, một cựu
chiến binh Lào từng tham gia chiến đấu ở Trường Sơn. Đây là một trong 5 căn nhà
hữu nghị do Ủy ban MTTQ TP.HCM trao tặng cho phía bạn Lào trong chuyến đi này.
Lễ bàn giao nhà được tổ chức đơn sơ nhưng đậm nghĩa tình, có sự chứng kiến của
chính quyền địa phương và nhiều hộ dân Lào chung quanh đó. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM Trần
Thành Long nói, ông từng trao nhiều căn nhà tình thương, nhưng đây là lần đầu
tiên ông làm việc này trên đất nước hoa Chăm-pa. Nhìn ánh mắt bà con Lào, tôi
biết bà con cảm động lắm. Thấy một cô gái trẻ Lào đến dự lễ, miệng cứ cười chúm
chím, bạn tôi áp dụng ngay một câu tiếng Lào vừa học được: "VN - Lào samaki". Cô
gái gật đầu, nhưng có vẻ không hài lòng cho lắm. Một bạn SV tình nguyện đứng
cạnh tôi nhắc nhỏ: "Chỉ nói VN - Lào đoàn kết không thôi thì không đủ đâu, sẽ
xúc phạm tình cảm thiêng liêng của họ". "Chứ nói sao mới phải", tôi hỏi. Phải
nói: "Việt - Lào xoỏng ái noọng" (Việt - Lào hai anh em), hoặc "Việt - Lào
samaki mạng nhơn" (Việt - Lào đoàn kết muôn năm). Hóa ra là vậy. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sáng sớm hôm sau, theo lịch trình
chúng tôi quay về Đăk G'lei trao nhà tình thương. Điện thoại từ Ủy ban MTTQ tỉnh
Kon Tum gọi qua cho biết, ở đó đồng bào Giẻ - Triêng đang đội mưa chờ. Từ thị
trấn Đăk Tô đến xã Đăk Long xa hơn 40 km, giáp ranh tận Trà Bồng, Trà My. Trời
mưa, đường trơn trượt, xe phải tăng-bo một đoạn do làm đường. Chúng tôi lội bộ
gần 500 mét dưới cơn mưa rừng lất phất, không có áo mưa. Đến đoạn đường khoảng
200 mét dẫn vào làng Dục Lang, xã Đăk Long, hiện do một nhóm thanh niên tình
nguyện thi công, đang trong giai đoạn... chờ lún, cả đoàn gồng chân đi qua. Đồng
bào Giẻ - Triêng cũng đội mưa đón đoàn. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Được trao chìa khóa nhà tình
thương do Ủy ban MTTQ TP.HCM tặng cho, bà mẹ liệt sĩ Y Brớt cứ nắm lấy tay Chủ
tịch Trần Thành Long không chịu buông. Bà con bỏ rẫy ở nhà chờ... người TP ghé
thăm, chuẩn bị sẵn mấy ché rượu cần. Nhưng khách không ở lại. Cụ già làng cầm
rượu chạy theo... </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Rời Đăk G'lei, chúng tôi hiểu vì
sao Thành đoàn TP.HCM lại mở chiến dịch đưa các SV TP.HCM đến vùng núi rừng xa
tít tắp này. Ăn ngủ với dân làng Giẻ - Triêng, các em thấu hiểu những khó khăn
mà bà con đang nếm trải. Rất nhiều buôn làng của người Bana, Sê-đăng, Brâu,
Rơmâm..., tỷ lệ hộ đói nghèo còn phổ biến ở mức 60 - 70%. Nói như Phó bí thư
Thành đoàn Tăng Hữu Phong: "Đến với đồng bào các SV sẽ nhận lại được nhiều thứ,
học được nhiều điều. Đó là hành trang cần thiết trong hành trình tương lai của
các bạn ấy<i><b>".</b></i></font></p>
</span>
<p align="right"><i><b><font face="Arial" size="2">Theo TNO</font></b></i></p>
</body>
</html>