<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Sinh viên làm quan tòa</title>
</head>
<body>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span id="lbHeadline" class="text16b">Sinh viên làm quan tòa </span></font></b>
</p>
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<span id="lbAuthor1" class="author"></span>
<table id="table1" align="left" border="0" cellpadding="0" cellspacing="3" width="1">
<tr>
<td align="left" valign="top">
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<img border="0" src="sv%20lam%20quan%20toa.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
</table>
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2"><span class="indexstorytext">Đúng 8 giờ sáng, chiếc
xe cảnh sát tiến vào sảnh, bị cáo được áp giải đến sau vành móng ngựa, thư ký
đọc nội quy phiên tòa, Hội đồng xét xử bước vào phòng xử án, cáo trạng được công
bố... Bản án được tuyên. Bị cáo cúi đầu nức nở trong sự hối hận muộn màng... Đó
là một phiên tòa giả định của sinh viên tình nguyện (SVTN) trường ĐH Luật TP.HCM
vừa diễn ra ở P.2, Q.Bình Thạnh.</span> </font></p>
<span id="lbBody" class="indexstorytext">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tuy 8 giờ phiên tòa giả định mới
diễn ra nhưng các SVTN cùng thanh niên địa phương đã có mặt từ sớm, chuẩn bị kỹ
càng. Các "diễn viên" trong các vai luật sư, thành viên Hội đồng xét xử, đại
diện Viện Kiểm sát nhân dân, thư ký... đều ăn mặc lịch sự, chỉn chu, sẵn sàng
bước vào phiên tòa. Những "diễn viên" này đã phải vượt qua vòng phỏng vấn về các
kiến thức pháp luật, khả năng thuyết trình trước công chúng và cả tinh thần tình
nguyện để được vào vai. Rồi những ngày miệt mài học kịch bản, tập đi tập lại
nhiều lần để có được sự tự tin, thành thục và cả diễn xuất tốt cho vở kịch -
phiên tòa giả định.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Phiên tòa giả định xét xử bị cáo
Lê Minh Kiệt về tội tổ chức đua xe trái phép đã gây ấn tượng "thật". Thấy bị cáo
ngồi gục mặt trên xe cảnh sát, không ít học sinh tham gia phiên tòa ngơ ngác: "Ủa,
vậy là anh đó bị tù thiệt hả?". Các SVTN hớn hở: "Như vậy là phiên tòa giả định
đã thành công".</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh Lương Hùng Long- Chủ tịch Hội
Sinh viên trường ĐH Luật cho biết: "Phiên tòa giả định là một hoạt động tiêu
biểu trong mùa hè tình nguyện năm nay, thể hiện nét riêng và cũng là ưu thế của
SV trường ĐH Luật. Có tất cả 70 phiên tòa giả định, với trung bình 350 người
tham gia mỗi phiên". Anh Long cho biết thêm, mục đích của phiên tòa là tuyên
truyền pháp luật rộng rãi đến người dân, qua đó giúp SV tích lũy kiến thức
chuyên môn. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Những phiên tòa như thế này mang
lại hiệu quả tuyên truyền cao, được nhiều người ủng hộ. Em Phạm Thị Mỹ Nhung,
học sinh lớp 10 trường Võ Thị Sáu sau khi tham gia phiên tòa giả định, nhận xét:
"Phiên tòa rất giống thật, em xem thấy rất thú vị. Phiên tòa đã cung cấp nhiều
kiến thức về pháp luật, giúp chúng em không phạm những tội tương tự".</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngoài mục đích tuyên truyền pháp
luật, các phiên tòa giả định cũng hướng đến những giá trị nhân văn khác như: sự
nghiêm minh của pháp luật, cảnh tỉnh những gia đình thiếu sự chăm sóc, quan tâm
đến con cái, chắp cánh những ước mơ tuổi trẻ... Đã có những phiên tòa khiến
người xem bên dưới phải xúc động rơi nước mắt. Các "diễn viên" diễn xuất đạt đến
mức có người dân thậm chí tưởng phiên tòa là thật, sau khi kết thúc phiên tòa
liền chạy theo bị cáo để... động viên hoặc chửi bới. Bạn Thanh Mai - SVTN trường
ĐH Luật tâm sự: "Những phiên tòa giả định này giúp người dân có nhiều kiến thức
về pháp luật hơn. Còn SV tụi mình có kinh nghiệm để học thêm về trình tự tố tụng
trên thực tế, chứ không chỉ học về lý thuyết". </font></p>
</span>
</body>
</html>