<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Những kỹ sư toán học trẻ</title>
</head>
<body>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span id="lbHeadline" class="text16b">Những kỹ sư toán học trẻ "sinh" ra VTS</span>
</font></b></p>
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<span id="lbAuthor1" class="author"></span>
<table id="table1" align="left" border="0" cellpadding="0" cellspacing="3" width="1">
<tr>
<td align="left" valign="top">
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<img border="0" src="nhung%20ky%20su%20toan%20hoc%20tre.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr height="1">
<td align="left" valign="top">
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="center">
<span id="AvatarDesc"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">
Nhóm tác giả chương trình chấm thi VTS</font></i></span></td>
</tr>
</table>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<font face="Arial" size="2"><span class="indexstorytext">Đã qua rồi thời kỳ các
nhà toán học chỉ biết đến nghiên cứu, rồi công bố công trình khoa học đó trên
báo và tạp chí. Giờ đây, nhóm kỹ sư trẻ thuộc Viện Toán học (Viện Khoa học và
Công nghệ Việt Nam) còn ứng dụng toán học xây dựng Chương trình thi trắc nghiệm
VTS. </span> </font></p>
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span id="lbContinue" class="time_zone"></span>
<span id="lbBody" class="indexstorytext"></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<font face="Arial" size="2">4 thành viên là Nguyễn Quang Minh, Đỗ Văn Hiệp,
Nguyễn Ngọc Chiến và Đinh Hữu Toàn thuộc thế hệ cuối 7X, đầu 8X. So với "cây đa,
cây đề" ở Viện, họ chỉ là "lính mới" chập chững vào nghề. Từ một đề tài nhỏ của
Viện Toán học, các kỹ sư trẻ đã phát triển lên thành một sản phẩm thương mại.
Giới thiệu về "đứa con" đầu tay, Trưởng nhóm Nguyễn Quang Minh cho biết: "Phần
mềm nhận dạng và chấm điểm phiếu thi trắc nghiệm VTS được dùng để thiết lập máy
chấm thi trắc nghiệm từ các máy tính cá nhân và máy quét. Sau khi cài đặt phần
mềm này, máy tính sẽ có chức năng xử lý các thông tin trên phiếu bài thi như một
máy chấm thi trắc nghiệm chuyên dụng". </font></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Khi bắt tay vào viết phần mềm, nhóm đã nghiên cứu
khá kỹ các loại máy chấm thi có bán trên thị trường. Một số máy được ưa chuộng,
giá thành khá đắt. Một chiếc máy của Anh sản xuất có giá khoảng 300 triệu đồng.
Chiếc máy của Trung Quốc giá cũng không dưới 100 triệu đồng. "Những trường ĐH
lớn có thể bỏ ra một số tiền lớn để mua, nhưng với một trường trung học ở tỉnh
lẻ, điều này là bất khả kháng. Vì thế, bọn mình đặt ra mục tiêu, phần mềm chấm
thi này phải có độ chính xác cao so với các phần mềm trên thị trường, dễ sử dụng
và giá phải rẻ hợp với người Việt Nam" - Quang Minh nói. </font></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Với nhóm kỹ sư quen ngồi bàn giấy, khó khăn lớn nhất
không phải là quá trình nghiên cứu mà là công đoạn đưa sản phẩm đi... "tiếp thị".
Ban đầu, phần mềm chỉ có chức năng đơn giản là đưa ra kết quả chấm thi. Sau
nhiều lần "tiếp thị" không thành, cuối cùng một trường phổ thông ở Hải Phòng đã
chấp thuận cho thử nghiệm. Suốt mấy tháng trời, các thành viên trong nhóm thay
nhau chạy ngược chạy xuôi từ Hà Nội xuống Hải Phòng. Sản phẩm chưa hoàn thiện,
bị khách hàng chê... lại về chỉnh sửa, bổ sung thêm. Đỗ Văn Hiệp nhớ lại: "Trung
bình cứ nửa tháng lại có một phiên bản mới ra. Tốc độ thay đổi nhanh đến mức
hacker cũng không tài nào theo kịp". Để có được chương trình ưng ý như hiện nay
với nhiều chức năng: nhận dạng và kết xuất dữ liệu từ phiếu bài thi; nhận đáp án,
thang điểm và chấm điểm; tổng hợp thông tin về kết quả thi; lưu nhật ký chấm thi
và cung cấp các công cụ xử lý các phiếu bài thi mắc lỗi hình thức; kiểm định kết
quả; bảo mật phòng khi bị chỉnh sửa điểm..., các thành viên trong nhóm không còn
nhớ nổi đây là phiên bản thứ bao nhiêu. </font></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Đúng như mục tiêu đề ra, máy chấm thi trắc nghiệm
"made in Viện Toán học" là sự kết hợp giữa máy tính cài phần mềm trắc nghiệm VTS
và máy quét ảnh giá thành không đến 30 triệu đồng, rẻ bằng 1/10 máy của Anh. Máy
của nhóm có những ưu điểm so với máy ngoại nhập như: in méo, in lệch, không đạt
chuẩn về hình thức... vẫn có thể chấm bài được. Đỗ Văn Hiệp cho hay: "Nếu sử
dụng máy ngoại nhập, những lỗi này chắc chắn sẽ bị loại khi đưa vào máy chấm.
Như vậy sẽ giảm tốc độ chấm thi. Ngoài ra, phần mềm của bọn mình còn dễ sử dụng
hơn word. Không cần người phải có trình độ cao về tin học. Một nhân viên văn
phòng, nhân viên thư viện chỉ cần được hướng dẫn trong vòng 1 giờ là có thể sử
dụng dễ dàng". </font></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Sau một năm nghiên cứu, máy được đưa ra thị trường
và đến nay đã có hơn 30 đơn vị đang sử dụng chương trình chấm thi VTS. Trong đó,
nhiều trường phổ thông tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hòa Bình đã đưa vào sử
dụng trong kỳ thi học kỳ. Các Sở Giáo dục của Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Tây đưa
vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, theo Nguyễn Quang Minh: "Tự hào nhất là
khi chiếc máy chấm thi đưa vào trường ĐH Giao thông vận tải đã giúp trường này
trở thành trường công bố điểm sớm nhất trong kỳ thi ĐH-CĐ". Từ thành công này,
các nhà toán học trẻ đang tiếp tục nghiên cứu đưa ra những sản phẩm thương mại
như: phần mềm chứng thực và chữ ký điện tử; xử lý phim cũ... </font></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
</span>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="right"><i><b>
<font face="Arial" size="2">Theo TNO</font></b></i></p>
</body>
</html>