<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Phỏng vấn Anh Tất Thành Cang – B</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font color="#000080" face="Arial" size="2"><b>Phỏng vấn Anh
Tất Thành Cang – Bí thư Thành Đoàn TP.HCM nhân Tháng Thanh niên 2006:</b> </font>
</p>
<p align="center"><font color="#800000" face="Arial" size="2"><b>"ĐỪNG ĐỂ MÔ
HÌNH BÓP CHẾT SÁNG TẠO"</b></font></p>
<p align="center">
<img border="0" src="vitruongsa.jpg" hspace="5" vspace="5" width="400" height="284"><br>
<font face="Arial" style="font-size: 9pt" color="#063AC4">Anh Tất Thành Cang -
Bí thư Thành Đoàn (áo xanh) <br>
trong Đêm giao lưu Vì Trường Sa thân yêu<br>
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><font color="#000080"><b>PV: </b>
Thưa anh, anh có thể nhận định lại chặng đường 5 năm trong nhiệm kỳ VII của tổ
chức Đoàn TNCS thành phố Hồ Chí Minh?</font><br>
<br>
Phải nói là từ mốc 1975 đến dịp kỉ niệm sinh nhật lần thứ 75, tổ chức Đoàn của
chúng ta có mấy bước chuyển quan trọng:<br>
<br>
<b>Bước chuyển thứ nhất:</b> Xác định được nội dung và phương pháp làm công tác
giáo dục thanh thiếu nhi rõ hơn với 4 mảng: giáo dục Chính trị tư tưởng, giáo
dục Truyền thống, giáo dục Đạo đức, lối sống, giáo dục Pháp luật; không còn lúng
túng như trước.<br>
<br>
<b>Bước chuyển thứ hai:</b> mang tính đột phá của phong trào là đi sâu theo từng
đối tượng. Đặc biệt chúng ta nhận rõ vị trí, vai trò của lực lượng thanh niên
đang lao động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Thành Đoàn đã tập trung quyết
liệt đầu tư nâng chất hoạt động dành cho đối tượng này.<br>
<br>
<b>Bước chuyển thứ ba: </b>là công tác cán bộ đã thật sự đi vào nề nếp. Việc rèn
luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bài bản hơn, khoa học và hiệu quả hơn.<br>
<br>
<b>Bước chuyển thứ tư:</b> là tỉ lệ tập hợp thanh niên trên địa bàn thành phố
tăng hơn 390.000 Đoàn viên, vượt mức chỉ tiêu đề ra. Tổ chức Hội Liên hiệp Thanh
niên, Hội Sinh viên được xây dựng một cách bài bản và được sử dụng con dấu đến
cấp phường, xã, thể hiện được tư cách pháp nhân của các tổ chức Hội là điều rất
quan trọng mà trong thời gian dài mười năm trước đây chúng ta chưa xác lập được.<br>
<br>
<b>Bước chuyển thứ năm</b> - trong tất cả các hoạt động đều có tổng kết thực
tiễn, nâng lên thành lý luận và hình thành giải pháp phù hợp. Nghĩa là có sơ
kết, tổng kết thành các chuyên đề. Ví dụ: hoạt động của chi Đoàn Dân quân tự vệ,
Đoàn phường - xã, chi đoàn khu phố - ấp, phong trào tình nguyện, vv...<br>
<br>
<b>Bước chuyển thứ sáu</b>, đó là tổng thể công tác chỉ đạo của Thành Đoàn về
việc tăng cường đi cơ sở và hỗ trợ cơ sở, trong chế độ thi đua, khen thưởng, hội
họp, giao ban, vv...<br>
<b><font color="#666666"><br>
</font><font color="#000080">PV: </font></b><font color="#000080">Với vai trò là
người thủ lĩnh thanh niên, luôn dõi theo sự phát triển của thanh niên thành phố,
phác họa diện mạo của thanh niên hiện nay trong anh là như thế nào?</font><br>
<br>
Để phác họa diện mạo thanh niên, trước hết chúng ta cần phân tích bối cảnh của
thành phố và cả nước để thấy được một số thuận lợi và thách thức đối với thanh
niên. Từ đó, nhìn ra được diện mạo thanh niên trong giai đoạn tới đây.<br>
<br>
Có thể nói tình hình Kinh tế - Chính trị - Văn hóa - Xã hội thành phố và cả nước
ổn định, đời sống nhân dân, trong đó có thanh niên chúng ta được nâng cao. Bên
cạnh đó, những định hướng lớn của Đảng và Nhà nước ta trong công tác thanh niên
và chiến lược phát triển thanh niên đang rất được quan tâm, Luật Thanh Niên ra
đời có tác động để xã hội nhìn nhận, chăm lo, giáo dục thanh niên đúng với vị
trí và vai trò của mình. <br>
<br>
Tôi cho rằng vấn đề hội nhập quốc tế đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến thanh niên ở
nhiều mặt: lao động xuất khẩu, du học, đầu tư kinh tế quốc tế vào Việt Nam,
thanh niên tham gia vào thị trường lao động quốc tế,... là thời cơ nhưng nó cũng
là thử thách. <br>
<br>
Tất cả những bối cảnh tác động đó đem đến cho thanh niên thành phố một số thuận
lợi và cả khó khăn. Thanh niên có điều kiện tốt hơn để học tập, nâng cao trình
độ kiến thức, tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ; mở ra cơ hội về thu nhập và việc
làm, vv... Thanh niên được chăm lo đời sống văn hoá tinh thần tốt hơn. Song song
đó, tổ chức Đoàn cũng được trang bị các cơ chế, chính sách, điều kiện chăm lo,
hỗ trợ, giáo dục thanh niên nhiều hơn nữa. Trong nền kinh tế tri thức hiện tại,
thanh niên phải có kiến thức. Đã và đang có những tiến sĩ , những nhà quản lý,
lãnh đạo tuổi dưới 30,... những gương tiêu biểu đó trong thanh niên chính là
những giá trị đẹp.<br>
<br>
Đi cùng với sự hội nhập thì văn hoá lai căng, văn hoá không tốt bên ngoài đang
hàng ngày, hàng giờ tác động đến thanh niên. Câu hỏi đặt ra là: "Làm sao chúng
ta giữ gìn bản sắc văn hoá Việt Nam?..". Đồng thời, trong sự cạnh tranh gay gắt
về nguồn nhân lực, nếu bản thân thanh niên không tiếp thu, nỗ lực về trình độ
thì sẽ bị thải hồi trong xu thế hội nhập này.<br>
<br>
Theo tôi, thanh niên phải có "3 trách nhiệm": với bản thân - gia đình và xã hội.
Từ đó ý thức được thời đại, kiên định với mục tiêu "dân giàu nước mạnh xã hội
công bằng dân chủ văn minh"<br>
<br>
Cá nhân tôi cũng suy nghĩ và trăn trở điều này. Bởi thách thức đối với thanh
niên cũng là thách thức của tổ chức Đoàn chúng ta. Công tác tập hợp thanh niên
phải quan tâm tới việc làm sao để gần thanh niên, chia sẻ được với thanh niên.
Và phải luôn luôn "động", phải đa dạng thì mới giáo dục được thanh niên chứ còn
cứng nhắc thì tổ chức chúng ta sẽ thất bại. <br>
<br>
<font color="#000080"><b>PV:</b> Từ những nhận định và dự báo xu hướng phát
triển và tình hình thanh niên như thế, công tác Đoàn thời gian tới theo định
hướng của anh và Ban Thường vụ Thành Đoàn sẽ chú trọng vào những nội dung lớn
nào ?<br>
</font><br>
Có mấy việc tổ chức Đoàn chúng ta cần phải tập trung làm mạnh: <br>
<br>
Tổ chức Đoàn các cấp phải thực sự là người bạn của thanh niên, phải chia sẻ,
thấu hiểu được thanh niên, phải đồng hành với thanh niên. Như vậy, Đoàn vẫn phải
tập trung vào việc chăm lo việc học. đời sống văn hóa tinh thần, giải trí cho
thanh niên. <br>
<br>
Chăm lo tốt cho thanh niên sau đó mới nói đến việc giáo dục thanh niên: tiếp tục
giáo dục toàn diện trên 4 lĩnh vực. Nhưng nội dung, phương pháp và hình thức
giáo dục là mới. Phải thâm nhập bằng sản phẩm văn hoá được sản xuất với công
nghệ cao, đầu tư đúng mức về chất lượng để đến với các bạn thanh niên một cách
gần gũi nhất. Tìm và xây dựng cho được những gương điển hình, những thang giá
trị mới trong thanh niên: Họ là ai? Họ như thế nào? Họ như thế nào thì sống có
lí tưởng? Việc định hướng tư tưởng này thuộc trách nhiệm rất lớn của tổ chức
chúng ta.<br>
<br>
Để Đoàn thật sự mạnh, trong xây dựng Đoàn phải giữ vững truyền thống của tổ chức
Đoàn nhưng không thể áp dụng nguyên mẫu mô hình tổ chức Đoàn giai đoạn 1975 vào
giai đoạn 2007 - 2012. Như vậy sẽ có những đòi hỏi rất mới: sức hút tự thân để
thanh niên đến với Đoàn. Làm sao chất lượng đoàn viên phải nâng cao lên để tăng
tỉ lệ đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng? Công tác tổ chức cơ sở của Đoàn
phải có nhiều cái mới. Mô hình Chi Đoàn như thế nào trong học chế tín chỉ? Chi
Đoàn như thế nào trong đơn vị ngoài quốc doanh?<br>
<br>
Công tác cán bộ cũng cần đổi mới cách nghĩ, cách làm. Cán bộ Đoàn phải mạnh thực
chất: bản lĩnh chính trị, giỏi vận động quần chúng, giỏi chuyên môn hơn thanh
niên, không phải chỉ nói được mà phải làm được và làm tốt.<br>
<br>
Tóm lại, 5 năm tới, phong trào thanh niên phải đi đúng nguyên tắc tự thân của
nó, là tổ chức của thanh niên, do thanh niên và vì thanh niên. </font></p>
<p align="center">
<img border="0" src="tongkercongtac.jpg" hspace="5" vspace="5" width="400" height="292"><br>
<font face="Arial" style="font-size: 9pt" color="#063AC4">Lễ tổng kết công tác
Đoàn và <br>
phong trào thanh thiếu nhi thành phố năm 2005<br>
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><font color="#000080"><b>PV:</b>
Luôn vận động để đổi mới là yêu cầu bức thiết trong công tác Đoàn, thời gian vừa
qua có những mô hình, giải pháp sáng tạo nào mà anh tâm đắc? Những mô hình đó có
thể được mở rộng trong toàn thành và các cơ sở Đoàn hay không ?</font><br>
<br>
Theo tôi thì nên hạn chế nói đến mô hình, vì chính mô hình sẽ bóp chết sáng tạo.
Nếu học theo thì anh em cán bộ Đoàn cơ sở sẽ bị hạn chế trong suy nghĩ đểsáng
tạo ra mô hình khác. Việc nhân rộng mô hình chúng ta cũng khoan đề cập tới mà
cần chú trọng học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.<br>
<br>
Hiện nay đa phần các hoạt động mới và thành công là do sử dụng phương thức, giải
pháp hiệu quả. Hợp tác xã thanh niên nông thôn hiện nay chúng ta đang làm được
đầu tư có hiệu quả, nhưng nếu so với mô hình Hợp tác xã của Nhật Bản vốn rất
chuẩn với mức kinh phí lên đến cả triệu đô la (dù có thể so sánh này là khập
khiễng) thì khó có thể gọi là mô hình được. Thêm nữa, dự án Hợp tác xã rau sạch,
rau an toàn nói trên đang rất thành công ở Củ Chi nhưng nếu đem mô hình này áp
dụng tại Nhà Bè hay Cần Giờ có thể sẽ thất bại.<br>
<br>
Trong thâm tâm tôi, "mô hình" phải là cái gì đó rất chuẩn. Cho nên, chúng ta chỉ
nên dùng cụm từ: loại hình mới, phương thức mới, cách làm hay, giải pháp sáng
tạo. Ví dụ: giải pháp cho thanh niên vay 30 tỉ, Ngân hàng chính sách xã hội,
giải pháp đưa cán bộ về cơ sở, loại hình hoạt động của Đoàn giúp thanh niên làm
kinh tế, vv...<br>
<br>
Vì vậy, tìm một mô hình tâm đắc thì tôi cho là không quan trọng bằng việc tìm ra
những giải pháp có hiệu quả, giá trị để nghiên cứu tiếp tục, từ đó sáng tạo thêm
nhiều giải pháp mới. <br>
<br>
Tổ chức Đoàn vốn luôn phải "động", "động" trong cách nghĩ, trong cách làm, trong
tư duy của người cán bộ Đoàn sáng tạo ra loại hình, giải pháp mới. Cuối cùng,
mục tiêu duy nhất của chúng ta là chăm lo, giáo dục và rèn luyện thanh niên sống
có nghĩa tình hơn, sống lý tưởng hơn, sống có ước mơ, hoài bão lớn hơn.<br>
<br>
<font color="#000080">Xin chân thành cảm ơn anh!</font></font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2">MINH CHÂU<br>
<br>
</font></p>
</body>
</html>