<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Cô SV khuyết tật và chiến dịch 1</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Cô SV khuyết tật và chiến dịch 10.000 đồng</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="co%20sv%20khuyet%20tat.bmp" width="150" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Huỳnh
Thị Nương (phải) “Nếu biết vượt lên số phận thì sẽ thành công”</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cất tiếng khóc chào đời, cô gái
trẻ Huỳnh Thị Nương (sinh năm 1984 ở Phước An, Krông Păc, Đắc Lắc) cũng như bao
đứa trẻ khác. Nhưng khi lên 3 tuổi, sau một cơn sốt bại liệt, đôi chân của Nương
teo tóp và không thể tự đi lại. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhà có đến 8 anh
chị em, bố mẹ làm nông với không biết bao nhiêu khó khăn. Các anh chị của Nương
lần lượt nghỉ học, những tưởng mọi khó khăn của gia đình, bản thân đã đánh gục
cô gái nhỏ nhắn ấy. Nhưng không: “Hồi đó khó khăn, song mình ham học lắm”, Nương nói.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Các năm cấp 1, 2, 3
đi học xa nhà nên có lúc anh chở, lúc bạn chở, lúc phải thuê nhà trọ nhưng Nương
chưa bao giờ vắng học trên lớp. Để rồi năm nào Nương cũng đạt thành tích tốt
trong học tập. Dù khó khăn, dù có người đã từng ái ngại khi thấy cô đăng ký thi
đại học nhưng Nương mặc kệ. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 2003 cô đậu vào
Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Nói đến đây Nương se lòng: “Đi nhập học mình chỉ có
800.000 đồng, đó là món tiền chắc bóp của mẹ cha…".</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Vào được giảng
đường Nương nuôi quyết tâm “Phải học cho thật giỏi” và điều đó đã thành sự thật.
Chúng tôi tò mò về 4 năm dùi mài kinh sử của Nương, cô SV khoa Địa lý nhẹ nhàng
cho biết: “Mình “săn” học bổng của các công ty tài trợ cho SV nghèo, khuyết tật,
học giỏi và nhờ vào nguồn học bổng khuyến khích học tập”. Trong hoàn cảnh ấy cô
luôn tự nhủ: “Không được đứng lại, chờ đợi ai đó giúp mình mà phải tự vận động,
tự bươn chải”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Không chỉ học cho
riêng mình mà Nương còn tham gia vào nhóm Đồng hành gồm đa số là những SV khuyết
tật của trường để “chia sẻ yêu thương, truyền cho nhau sức mạnh”. Huỳnh Thị
Nương, Phan Mạnh Tân… là những thành viên cùng mở sạp báo ngay trước cơ sở của
ĐH KHXH&NV TP.HCM (Linh Trung, Thủ Đức) để gây quỹ cho nhóm…</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tham gia các hoạt
động xã hội, đi làm thêm, cô SV nhỏ nhắn, có đôi chân khó di chuyển ấy đã làm
tốt tất cả bằng lòng nhiệt huyết của mình để “khẳng định người khuyết tật (NKT)
chỉ là người có khiếm khuyết thân thể chứ không phải là “người thừa”.</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Chiến dịch 10.000 đồng</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nằm trong danh sách
những SV khá giỏi được làm khóa luận tốt nghiệp, Nương cứ suy nghĩ mãi rồi chọn
đề tài: “Tìm hiểu vấn đề việc làm của NKT vận động ở TP.HCM hiện nay”. Cô tâm
niệm “Mình là NKT mà không tìm hiểu về những vấn đề liên quan đến NKT, đặc biệt
là vấn đề việc làm thì ai sẽ tìm hiểu”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nghĩ là làm, từ
trước tết vừa rồi Nương đã chuẩn bị một kế hoạch dài hơi cho việc đi thực tế.
Chọn ba quận, huyện xa nhau trên địa bàn TP.HCM gồm Q.3, Q.9 và huyện Củ Chi,
Nương một mình một xe chạy hết chỗ này đến chỗ khác để lấy mẫu, phỏng vấn và thu
thập số liệu. Có hôm đi xuống tận Củ Chi để phỏng vấn Nương phải ở lại địa bàn
vài ngày nhưng “vui và thích lắm”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cũng trong lúc làm
đề tài nghiên cứu Nương gặp một trường hợp NKT quá khó khăn nhưng muốn tự lực
lao động, nên sau nhiều ngày trăn trở Nương đề ra “Chiến dịch 10.000 đồng” (mỗi
tấm lòng nhân ái sẽ đóng góp 10.000 đồng/suất cho nhân vật NKT khó khăn nhưng
đầy nghị lực). Chị Châu Thị Nhung ở Củ Chi lọt vào “tầm ngắm” của chương trình
và bài về nhân vật Châu Thị Nhung đã được post lên web
<a onclick="return onLinkClick(this)" location="yes" statusbar="yes" menubar="yes" scrollbars="yes" titlebar="yes" toolbar="yes" resizable="yes" width="800" height="600" href="http://www.nktvn.com/">
http://www.nktvn.com/</a> mà Nương cộng tác. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Một “làn sóng” ủng
hộ chị Nhung được lan tỏa và mang lại hiệu ứng tốt. Mỗi người góp 10.000 đồng và
cuối cùng “Chiến dịch 10.000 đồng” thành công với việc trao cho nhân vật một
chiếc xe lăn, phần quà và số vốn hỗ trợ là 500.000 đồng. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tuy nhiên, với
Nương đó chưa phải là biện pháp căn cơ để NKT hòa nhập mà phải làm cho họ tự
tin, làm việc và học tập. Đồng thời làm cho xã hội có cái nhìn khác về NKT, đừng
giúp họ như là “kẻ cả” mà hãy cùng hòa nhập với NKT. Nói rồi Nương đưa ra “triết
lý”: “Nếu cứ giúp đỡ theo kiểu bảo bọc, che chở thì “sức đề kháng” trước hoàn
cảnh, khó khăn của NKT sẽ giảm. Với “Chiến dịch 10.000 đồng” Nương mong sẽ
truyền được “lửa” lao động cho nhân vật…”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chia tay tôi, Nương
thông báo tin vui từ khóa luận của mình rằng Nương được 9,4 điểm từ hội đồng
khoa học. Cũng phải thôi, ngay hôm bảo vệ trước hội đồng chúng tôi đã được nghe
TS. Ngô Thanh Loan (Giảng viên hướng dẫn) khen Nương: “Em đã làm được điều mà
tôi nghĩ nhiều SV bình thường cũng không dễ gì làm được”.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>