<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Lớp xóa mù chữ ở Ia Rvê</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span id="lbHeadline" class="text16b" style="width: 100%">Lớp xóa mù chữ ở Ia
Rvê</span> </font></b></p>
<table id="table1" align="left" border="0" cellpadding="0" cellspacing="3" width="1">
<tr>
<td align="left" valign="top">
<p align="justify">
<img border="0" src="lop%20xoa%20mu%20chu.bmp" width="180" height="109"></td>
</tr>
<tr height="1">
<td align="left" valign="top">
<p align="center"><font color="#808080">
<span id="AvatarDesc" style="font-family: Arial; font-size: 10pt; font-style: italic">
Thầy giáo biên phòng và lớp học xóa mù </span></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><span class="indexstorytext">"Không
thể để người dân nơi biên giới mù chữ như thế được. Phải mở ngay một lớp học!"
- đó là suy nghĩ của các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đồn Ya Tmốt. Nhưng khi bắt
tay vào xây dựng trường lớp, họ đã gặp không ít khó khăn... </span></font></p>
<span id="lbBody" class="indexstorytext">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thôn 14, xã Ia Rvê, huyện Ea Suop,
tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 30 nóc nhà của đồng bào dân tộc Dao đỏ đến từ các tỉnh
phía Bắc vào năm 2004. Tuy mới được hình thành nhưng cơ sở hạ tầng ở đây như
điện, đường, trường, trạm đã được chính quyền đầu tư rất đầy đủ, trẻ em đến tuổi
đều được vận động đến trường. Thế nhưng có một nghịch lý là do cuộc sống du canh,
du cư nên không một người lớn tuổi nào trong thôn biết đọc, biết viết. Tất cả
mọi giấy tờ liên quan đến gia đình đều được họ xác nhận bằng mỗi một cách là "lăn
tay". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ thực tế trên, đồn biên phòng
quyết định giao cho thiếu úy Vũ Lương Hiếu, thiếu úy Ngô Văn Điềm và thiếu úy
Mai Xuân Nam trực tiếp phụ trách lớp học xóa mù. Hằng đêm, 3 chàng sĩ quan trẻ
luôn tất bật, cứ người này đứng lớp thì hai người còn lại chạy vòng ngoài: người
thì đến tận nhà gọi học trò đi học, người chăm lo hậu cần cho lớp học bằng cách
ra xã, thậm chí lên huyện xin các cơ quan, ban ngành đóng góp lương thực, thực
phẩm để mang về phân phát cho học trò... Sĩ số lớp chỉ gói gọn gần 40 người
nhưng chẳng lúc nào thấy họ rảnh việc, hết tập đọc, tập viết, tập hát lại đến mở
radio nói chuyện thời sự theo yêu cầu của học trò. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Những ngày đầu, những người lính
vô cùng mệt mỏi với học trò. Những bàn tay chỉ quen cầm dao, cầm cuốc giờ phải
lóng nga, lóng ngóng với những quyển vở, cây viết. Thế nhưng, chỉ mấy tháng sau,
không khí lớp học đã đổi khác. Trưởng thôn Hoàng Thồng Nần, lớp trưởng và cũng
là học viên cao tuổi nhất cho biết: "Lớp học của bộ đội biên phòng vui lắm! Lúc
đầu không ai muốn đi học vì bận đi nương đi rẫy. Giờ thì vợ chồng phải nhường
nhau, người này đi học thì người kia phải trông nhà". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Học chưa được bao lâu, thế mà khi
chúng tôi đến thăm lớp, rất nhiều người đã đọc được, viết được. Họ rất vui khi
không còn phải điểm chỉ bằng mười đầu ngón tay mỗi khi có việc gì liên quan đến
giấy tờ. Không chỉ dạy bà con học chữ, những người lính biên phòng còn mang đến
cho học trò của mình những bài giảng về tình yêu quê hương, đất nước. Chị Sàm
Múi Nai - một học viên của lớp vui vẻ nói: "Từ trước đến nay, mình chỉ hát được
dân ca của dân tộc Dao thôi. Để chuẩn bị cho ngày khai giảng, các thầy giáo đã
bỏ ra 4 đêm liền dạy cho cả thôn của mình tập hát Quốc ca đó. Giờ thì ai cũng
hát được rồi!". </font></p>
</span>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><i><b>Theo TNO</b></i></font></p>
</body>
</html>