<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Lớp của Phượng</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Lớp của Phượng</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="lop%20cua%20Phuong.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">"Cô
giáo" Hồ Nhật Phượng đang gò từng nét chữ cho các bé mới vào lớp tình
thương</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Vừa đọc chính tả
cho khối lớp 3 chép vừa cặm cụi viết những bài tính lên bảng để khối lớp 2 làm,
phần bảng còn lại đã được Phượng viết sẵn những mẫu chữ cái để các em nhỏ tập
viết... </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cô bí thư đoàn thị
trấn Nhà Bè (TP.HCM) tất bật với gần 40 học trò đủ trình độ như thế. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Những đứa trẻ ở lớp
học của Phượng quần áo xốc xếch, đầu tóc khét nắng nhưng ánh mắt bé nào cũng
trong veo những ước mơ. Giờ tập đọc, lớp học vang tiếng ê a. Dãy bàn học kế bên,
các bạn nhỏ đang gò từng nét chữ, làm quen với bảng chữ cái.</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Thầy “nghiệp dư”, trò “siêu quậy”</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Không như lớp học
bình thường, dù Phượng cầm cây thước to bản gõ lên bảng giữ trật tự nhưng đám
con trai cứ làm toán xong lại chạy sang dãy bàn khác chọc ghẹo bạn. “Các em sống
tự do ngoài đường phố quen rồi” - Phượng bảo.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ở thị trấn Nhà Bè
có nhiều gia đình cha mẹ lam lũ, con cái không được đến trường, đứa phải bán vé
số, đứa móc bịch nilông... Hình ảnh các em nhỏ làm day dứt lòng cô bí thư đoàn
Hồ Nhật Phượng. “Phải làm gì cho các em?” và Phượng mở lớp học tình thương, được
cô tổ trưởng đồng ý đưa tụi nhỏ về nhà để dạy. Lớp học ban đầu chỉ có bảy em của
xóm nghèo nằm trong khu chùa Lá. Rồi nhiều em đến xin học, Phượng dời lớp vào
đình Phú Xuân và khi về làm tại UBND thị trấn Nhà Bè, Phượng lại xin cho lớp
được về hội trường của ủy ban.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Học trò của Phượng
mỗi đứa mỗi trang đời. Phượng vừa là cô giáo cũng vừa là người chị để san sẻ
những tâm sự của các bạn nhỏ. Đáp lại tấm lòng ấy, vào dịp 20-11 Ngày nhà giáo
VN, đám học trò đứa nào cũng mang một món quà đến lớp tặng cô. “Năm học đầu tiên,
tôi cầm trên tay những trái ổi, trái chuối hột và cành hoa hồng héo do các em
tặng nhân Ngày nhà giáo VN, lòng tôi rưng rưng vì biết rằng các em đã biết tôn
sư trọng đạo” - Phượng chia sẻ. </font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Cho em niềm tin vào đời</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Buổi đầu tiên đứng
lớp, Phượng cho các em giao lưu, giới thiệu tên mình. Đến lượt cô bé Thủy Tiên
là người sau cùng nói về mình, bé không chịu nói, các em bảo Thủy Tiên bị câm.
Ngay tối ấy Phượng đã đi tìm quyển sách ngôn ngữ hình ảnh để dạy cho người câm.
Hôm sau, Phượng bất ngờ khi em thốt lên tiếng “cô”. Biết Thủy Tiên bị tật nên
nói rất chậm, không dám nói trước mọi người, Phượng giúp em sửa từng câu cho
tròn vành; giờ tập đọc nào cô cũng ưu tiên để Thủy Tiên lên đọc trước lớp. “Niềm
hạnh phúc của tôi khi cô bé dám nói trước mọi người không gì tả nổi” - Phượng
tâm sự.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Không chỉ dạy cho
các em học chữ mà sau những buổi học khi thì Phượng dùng hình ảnh để hướng dẫn
các em tìm hiểu quyền trẻ em, cách phòng chống ma túy, với các em gái lớn Phượng
còn hướng dẫn kiến thức về sức khỏe sinh sản. Có hôm bằng những câu chuyện kể,
Phượng truyền những bài học về lòng yêu thương, tinh thần nghị lực phấn đấu của
các bạn trẻ để các em tiếp thêm sức mạnh vượt qua khó khăn của chính mình...
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cuối buổi học, đám
học trò đang nhao nhao nộp tập về cho cô giáo Phượng chấm điểm. Hai bạn nhỏ len
lén đứng nhìn từ ngoài cửa: “Thưa cô cho em đi học với”. Đó là hai chị em Ngọc
Tiên (12 tuổi) và Mạnh Duyên (8 tuổi). Tiên và Duyên chưa một lần được đến
trường, hằng ngày trông em, dọn nhà cho gia đình một người bác, vốn cũng khó
khăn nhưng vẫn cưu mang hai đứa cháu cút côi hơn năm năm nay khi ba mẹ hai em
cùng qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cũng từng được học
cái chữ từ lớp của Phượng, bạn Ngọc Dung đã trở thành cô công nhân ở Khu chế
xuất Tân Thuận, thấy hai bé không được đi học, Dung đã dắt hai em đến lớp như
thế. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>