<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Cô tân sinh viên bán vé số</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Cô tân sinh viên bán vé số</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="co%20tan%20sv.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Mẹ (trái)
và con kiểm tra lại số vé đã bán được để chiều bán tiếp</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngày chuẩn bị nhập học ở TP.HCM
nhưng từ sáng đến tối Trần Thị Ngọc Giàu, tân sinh viên ngành sư phạm sinh
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, vẫn miệt mài với xấp vé số trên tay bôn ba các nẻo
đường.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Giàu cho biết: "Mỗi
sáng, bốn mẹ con lại đi lấy vé số, chia nhau mỗi người một ngả để bán. Hai đứa
nhỏ chiều đi học nên bán buổi sáng. Trưa mẹ đạp xe về nhà lấy vé bán không hết
đi bán tiếp". Giàu bán vé số ở khu vực chợ Long Hoa (Hòa Thành, Tây Ninh), cách
nhà 9km nên trưa phải ở lại tới chiều mới về. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Sáu năm nay bán vé
số nhưng ước mơ vào giảng đường đại học luôn ngày đêm thôi thúc trong lòng Giàu.
Ngày nào cũng vậy, bán vé số xong là Giàu đạp xe ngay về nhà để vùi vào học. Và
rồi nỗ lực không mệt mỏi ấy đã đơm bông kết trái đầu mùa. Trong lúc đang bán vé
số ở khu vực chợ Long Hoa thì Giàu được bạn báo tin mình đậu đại học. </font>
</p>
<table style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" width="200" id="table2">
<tr>
<td bgcolor="#cfe6f9" valign="center">
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhà Giàu ở
thôn Trường Ân, xã Trường Đông, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Đó là
một căn nhà mái tôn, thấp, nhỏ, phân làm hai: dưới vách đất, bên trên là
các tấm mủ xốp được dùng để che mưa. Thế nhưng nhìn khắp xung quanh
tường nhà dán rất nhiều giấy khen về thành tích học tập của các chị em. </font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Niềm vui, niềm hạnh phúc trào
dâng trong lòng cô bé bán vé số. Giàu muốn chạy về nhà khoe với bố mẹ nhưng khi
nhìn lại xấp vé số trên tay, Giàu lại tiếp tục đi bán đến chiều mới về. Từ khi
biết mình sắp nhập học ở thành phố thì Giàu đi bán càng nhiều nơi hơn nữa: "Phải
cố đạp xe đi thật nhiều chỗ, tới tất cả các quán để bán. Mình chỉ mong sao bán
hết số vé đã nhận về để có thể dành được một ít tiền chuẩn bị đi học".</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Con nhà nghèo nên
cả năm học Giàu chỉ mua nổi một đôi dép và may được hai bộ áo dài mặc từ năm lớp
10-12 (sau đó nhường lại cho em gái vừa lên lớp 10). Sống trong gia đình nghèo
khổ, sự thiếu thốn đã cho Giàu nghị lực. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhà Giàu có năm anh
chị em, hai anh lớn học tới lớp 4 rồi nghỉ học đi bán vé số, bây giờ học nghề ở
thành phố. Ba Giàu bị bệnh lao màng bụng và lao ruột vừa mổ cách đây ba năm. Nhà
không có một mẩu ruộng, chỉ có một mảnh đất nhỏ mà người hàng xóm thương cảnh
nghèo nên bán rẻ cho để cất nhà. Cả bốn mẹ con cùng bán vé số. Người mẹ nói như
tâm sự: "Lúc trước tôi cũng đi làm mướn đủ nghề - cấy, nhổ cỏ... nhưng ngày có
ngày không nên sau này chuyển sang bán vé số". Mỗi ngày thu nhập của cả bốn mẹ
con cũng chỉ đến 40.000 đồng. Chỉ vui một điều là dù một buổi học, một buổi bán
vé số nhưng cả ba chị em Giàu năm nào cũng là học sinh khá, giỏi.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>