<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Nhà nông trẻ xuất sắc</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span id="lbHeadline" class="text16b" style="width: 100%">Nhà nông trẻ xuất sắc</span>
</font></b></p>
<table id="table1" align="left" border="0" cellpadding="0" cellspacing="3" width="1">
<tr>
<td align="left" valign="top">
<p align="justify">
<img border="0" src="nha%20nong%20tre.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr height="1">
<td align="left" valign="top">
<p align="center"><font color="#808080">
<span id="AvatarDesc" style="font-family: Arial; font-size: 10pt; font-style: italic">
Bố con anh Đặng Đức Ninh đang kiểm tra lại lúa đang thí nghiệm</span></font></td>
</tr>
</table>
<span class="indexstorytext">
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">75 bạn trẻ xuất sắc nhất, đại
diện cho hàng chục ngàn thanh niên nông thôn của cả nước sẽ được nhận Giải
thưởng Lương Định Của năm 2007 vào tối mai 16.11 tại Hà Nội.</font></div>
</span><span id="lbBody" class="indexstorytext">
<div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>
Sống lại một làng nghề</strong></font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chàng trai Nguyễn Hữu Tài
ở xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây) - chỉ mới 31 tuổi nhưng đã
nuôi khát vọng phát triển nghề đan mây tre trở thành mũi nhọn phát triển
kinh tế của cả một vùng quê với các sản phẩm "thống lĩnh" thị trường
trong nước và trên thế giới. </font></div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Khi còn đi học phổ thông, Tài
đã nghĩ đến các sản phẩm làng nghề quê mình với nhận định: sản phẩm mây tre
đan có nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường các nước phát triển. "Nhưng
tại sao nó vẫn thất bại khi bước ra thị trường thế giới?" - Tài tự đặt câu
hỏi. Sau đó Tài tự tìm hướng đi: "Lúc đó, thấy người tiêu dùng các nước quan
tâm nhiều đến mẫu mã, chủng loại, kỹ thuật của sản phẩm và qua tìm hiểu
thông tin thị trường, mình đã mạnh dạn lập kế hoạch, tổ chức xây dựng làng
nghề và đầu tư dạy nghề cho thanh niên trong xã". </font></div>
<table style="width: 20px; height: 20px" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="3" frame="box" rules="all" id="table2">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="nha%20nong%20tre2.bmp" width="150" height="178"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<div align="center">
<em><font color="#808080" face="Arial" size="2">Anh Nguyễn Hữu Tài</font></em></div>
</td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thành công không dễ, vì khó khăn
đầu tiên mà anh vấp phải là trình độ của người lao động. Do chưa ý thức được
chất lượng và mẫu mã sản phẩm, nên làm ra có nhiều khi... bị ế hàng, thiệt hại
về kinh tế không nhỏ. Nhưng rồi có quyết tâm và lòng tin, Tài đã thành công.
Hiện nay, cùng với đào tạo nghề cho thanh niên địa phương, Nguyễn Hữu Tài còn
nhận những người khuyết tật vào làm việc tại cơ sở để giúp họ có nguồn tự nuôi
sống bản thân. Từ chỗ chỉ có 100 lao động với doanh thu trên 50 triệu đồng/năm,
đến nay, số lao động tại Công ty TNHH Liệp Tuyết do Tài làm giám đốc đã lên đến
2.000 người (lao động có mức lương trên 1 triệu đồng/tháng), đạt tổng doanh thu
năm 2006 là 5 tỉ đồng. "Ý định nung nấu hiện nay của Tài là gì?" - tôi hỏi. "Làm
sao đó phải giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động thất nghiệp tại địa
phương" - Tài trả lời ngay.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngoài tấm bằng kỹ sư kinh tế (trường
ĐH Nông nghiệp I), Tài còn tiếp tục học thêm một văn bằng kinh tế nữa của trường
ĐH Ngoại thương Hà Nội. Nguyễn Hữu Tài chia sẻ: "Mình có nghề nhưng không thể
thiếu kiến thức nếu muốn phát triển nó anh ạ!"...</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Bát cơm
thơm dẻo</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Là một người con quê ở vùng lúa
Thái Bình, lớn lên trong một gia đình làm công việc nghiên cứu, chuyển giao kỹ
thuật nông nghiệp, ngay từ nhỏ, Đặng Đức Ninh (33 tuổi, ở TP Thái Bình, tỉnh
Thái Bình) đã thấu hiểu được nỗi cơ cực của người nông dân. Vì điều kiện kinh tế
gia đình khó khăn, anh vừa phải tìm công việc mưu sinh, vừa theo cha là kỹ sư
Đặng Tiểu Bình làm những công việc của một cán bộ kỹ thuật nông nghiệp. </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đã nhiều lần, hai bố con anh cùng
trăn trở suy nghĩ và nhận thấy rằng bà con nông dân ở Thái Bình từ trước đến nay
vẫn hay cấy giống lúa Q5 với diện tích trồng chiếm tỷ lệ lớn, năng suất cao,
nhưng chất lượng gạo lại thấp. Thực tế đó ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế, gạo
sản xuất ra khó tiêu thụ. Phải tìm ra những giống lúa có chất lượng tốt, năng
suất cao, giá thành đầu tư về giống thấp, tránh được sâu bệnh... là suy nghĩ của
Ninh lúc đó.</font></p>
<table style="width: 149px; height: 175px" align="right" bgcolor="#c6e7f0" border="0" cellpadding="0" cellspacing="1" frame="box" rules="all" id="table3">
<tr>
<td bgcolor="#D2E9FF">
<div align="justify">
<font face="Arial" size="2">Giải thưởng Lương Định Của là phần
thưởng cao quý của T.Ư Đoàn dành tặng hằng năm cho các nhà nông trẻ
có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển
giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề và xây dựng
nông thôn mới. </font></div>
</td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh đã âm thầm thuê ruộng, tự bỏ
tiền túi tích cóp làm chi phí. Sau 10 năm nghiên cứu, hai cha con kỹ sư họ Đặng
đã khảo nghiệm thành công một giống lúa mới mang tên BC15 - cho năng suất cao,
chống chịu sâu bệnh tốt, cơm dẻo, ngon. Hỏi về những vất vả trong từng ấy năm
nghiên cứu, anh Ninh chỉ cười rồi kể một câu chuyện mà anh tâm đắc nhất: một lần
anh đưa giống BC15 cho một cô bạn ở Hà Tây đem về sản xuất, lúa tốt vàng một
khoảnh đồng, năng suất cao hơn hẳn ruộng liền kề. Khi nhà cô ấy có giỗ, xát gạo
ăn mọi người khen nức nở, thế là bà con cùng xóm đề nghị vụ tới cô về Thái Bình
mua giúp. Hiện nay, BC15 đã có mặt tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hải Phòng, Nam
Định.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đặng Đức Ninh cho biết: "Ngoài
thành công của giống lúa BC15, tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu để tạo ra các giống
lúa khác bổ sung cơ cấu giống lúa hiện nay, phục vụ yêu cầu của sản xuất". Ít ai
biết rằng, mãi tận năm 2003 Đặng Đức Ninh mới tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp Hà Nội
sau 7 năm nghiệp học bị gián đoạn...</font></p>
<p align="right"><b><i><font face="Arial" size="2">Theo TNO</font></i></b></p>
</span>
</body>
</html>