<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Làm công tác xã hội kiểu chuyên</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" color="#0000FF" size="2">Làm công tác xã hội kiểu
chuyên nghiệp</font></b></p>
<div style="float: right; width: 94px; height: 19px">
<table border="0" style="border-collapse: collapse" width="100%" bordercolorlight="#000000" bordercolordark="#000000" id="table1" cellpadding="0">
<tr>
<td>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="de%20nhung%20trang%20sach.jpg" width="220" height="170"></font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>Một hoạt động của
nhóm CTXH TP</i></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Công tác xã hội (CTXH) là một môn
khoa học, một nghề chuyên môn dựa trên cơ sở các khoa học về hành vi con người
nhằm hình thành các triết lý, quy phạm đạo đức, nguyên tắc và phương pháp hoạt
động để từ đó giúp đỡ các cá nhân, tập thể và cộng đồng gặp khó khăn, khơi dậy
tiềm năng của chính họ, giúp họ tái hòa nhập cộng động. Tuy nhiên, ớ nước ta
hiện nay, đây vẫn còn là một nghề rất mới mẽ, thậm chí chưa được xã hội công
nhận. Làm thế nào để thay đổi được nếp nghĩ ấy? Đó là điều mà một nhóm sinh viên
trường ĐH KHXH&NV Hà Nội đang làm.</font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Công tác xã hội không đơn giản là hoạt
động từ thiện</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Vốn có tiền thân là Đội tham vấn & Hỗ trợ
trẻ em, một nhánh của đường dây tư vấn, giúp đỡ trẻ em lang thang do Ủy ban Dân
số Gia đình và Trẻ em trung ương sáng lập năm 2005, đến đầu tháng 9 năm 2007,
những thành viên nòng cốt trong đội đã quyết định tách ra thành một tổ chức hoạt
động độc lập và cái tên <i>"Đội sinh viên làm công tác xã hội"</i> chính thức ra
đời. Nguyễn Trung Kiên, chủ nhiệm nhóm cho biết ý tưởng này xuất phát từ chính
những kinh nghiệm thực tế mà cậu đã có được trong quá trình học tập cũng như
trong thời gian hoạt động ở dự án hỗ trợ trẻ em lang thang của UBDSGD&TE. "Lâu
nay CTXH luôn bị đánh đồng với hoạt động từ thiện, thậm chí những người đi làm
công việc này đều bị coi là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Tuy nhiên, thực tế
thì đây là một ngành khoa học, một nghề chuyên môn hẳn hoi. Ở nước ta hiện nay
có khoảng hơn 10 trường ĐH, CĐ đào tạo chuyên ngành CTXH. Riêng trường mình
lượng sinh viên được đào tạo về chuyên ngành này rất đông đảo. Vì thế mình nghĩ
tại sao lại không thành lập một tổ chức để những sinh viên ngành CTXH và những
người yêu thích công việc này cùng hoạt động" - Kiên tâm sự.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Để thực hiện mục tiêu này, ngay sau khi
thành lập, đội đã tiến hành "cải tạo" cơ cấu tổ chức, tuyển thêm thành viên và
liên hệ mở rộng cơ sở hoạt động. Đội phân ra làm 6 ban (Ban Chủ nhiệm, ban Tổ
chức, ban Dự án - Tài chính, ban Chuyên môn, ban Thông tin và ban Hậu cần).
Trong đó, ngoài ban Chủ nhiệm chịu trách nhiệm quản lý chung và ban Hậu cần lo
việc chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho toàn đội thì cả bốn ban còn
lại, mỗi ban đều phụ trách một lĩnh vực theo những chuyên môn cụ thể. Đội cũng
tiến hành tuyển thêm thành viên mới với đối tượng tham gia là mọi sinh viên
trong trường. Lý giải điều này, Đoàn Văn Tình, Phó chủ nhiệm nhóm nói: "Thực ra
ngay từ đầu bọn mình đã xác định đội được thành lập là dành chung cho mọi sinh
viên trong trường chứ không riêng gì sinh viên của hai khoa CTXH và XHH. Hơn
nữa, CTXH là ngành có rất nhiều mối liên đới với các ngành khác như Tâm lý, Ngôn
ngữ, Khoa học quản lý... nhất là Tâm lý học vì những đối tượng bọn mình tiếp xúc
đều khác nhạy cảm nên cần phải có những người có khả năng trong lĩnh vực này.
Ngoài ra những sinh viên khoa Báo chí, Khoa học quản lý... cũng rất cần thiết
cho đội trong lĩnh vực thông tin hay tổ chức quản lý các hoạt động của đội".
Hiện nay số lượng thành viên của đội là gần 50 người (bao gồm cả cộng tác viên)
được chia ra làm ba nhóm, hoạt động thường xuyên tại ba cơ sở là Tỉnh Hội người
mù Hà Tây (số 56 Tô Hiệu), Hội người khiếm thính (21 Lạc Trung) và nhóm Hoa
Hướng Dương (nhóm những phụ nữ bị nhiễm HIV, tại số 5/180 Nguyễn Lương Bằng).</font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">"Tự lực cánh sinh" - một tư duy nghề
nghiệp nghiêm túc</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bất cứ một nhóm hay tổ chức nào muốn tồn
tại và hoạt động đều phải có nguồn kinh phí nhất định. Tuy nhiên, nếu như phần
lớn các tổ chức sinh viên khác chỉ trông chờ vào những nguồn tài trợ xin từ bên
ngoài thì Đội sinh viên làm CTXH ngay từ đầu đã có ý thức phải tồn tại bằng sức
lực của mình. "Nếu chỉ dựa vào viện trợ bên ngoài thì sẽ rất khó khăn, vì thế
trong cơ cấu tổ chức của bọn mình có riêng một bộ phận chuyên lo phần tài chính
của đội là ban Dự án. Bộ phận này có nhiệm vụ "thiết kế" những dự án có tính khả
thi cho đội hoạt động. Sau đó viết đề cương dự án và đi xin kinh phí hoạt động.
Vẫn là hình thức xin tài trợ nhưng không phải là "xin không" mà khoản kinh phí
ấy có được là do chính những ý tưởng của bọn mình. Đây cũng là một trong những
kiến thức chuyên môn mà bọn mình được học" - Sơn, trưởng ban Dự án - Tài chính
tiết lộ. Sơn còn cho biến thêm hiện nay đội đang gấp rút triển khai dự án Thâu
băng cho người kiếm thị và hoàn tất đề cương dự án để xin tài trợ trong thời
gian tới.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngoài ra, trong ban Dự án - Tài chính còn
có bộ phận Kinh doanh do Huyền (SV khoa Ngôn ngữ) phụ trách. Nhóm này sẽ thường
xuyên đề xuất và triển khai những ý tưởng kinh doanh nhằm bổ sung thêm vào tiền
quỹ cho đội hoạt động. Trên thực tế đây chỉ là những ý tưởng nhỏ và nguồn tiền
thu được cũng không nhiều nhưng nó rất cần thiết để đội có thể huy động những
khoản tiền "nóng" cho những hoạt động trước mắt trong khi chờ những dự án lớn ra
đời. Chính sách hiện tại của đội vẫn là "lấy ngắn nuôi dài", kết hợp cả nguồn
thu từ đội và những nguồn tài trợ ở bên ngoài. Đây không chỉ là tư tưởng chủ
động, tự giác trong hoạt động mà còn là một tư duy nghề nghiệp nghiêm túc. Điều
mà những sinh viên này đang hướng tới là có thể tự "nuôi sống" bằng sức lực của
chính mình bằng một nghề nghiệp thực sự.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">"Hiện tại ở nước ta CTXH vẫn là một nghề
còn đầy mới mẻ nhưng trong tương lai CTXH chắc chắn sẽ là một nghề hấp dẫn bạn
trẻ. Tất cả những việc bọn mình đang làm đều mới chỉ là những sự "mò mẫm" ban
đầu. Cũng không dám nói là sẽ làm được những điều to tát nhưng bọn mình rất hy
vọng nhưng hoạt động của nhóm sẽ giúp mọi người có một cái nhìn mới về những
người làm CTXH, đó thật sự là một nghề cao quý và đáng trân trọng".</font></p>
<p align="right"><i><b><font face="Arial" size="2">Theo Báo Sinh viên Việt Nam</font></b></i></p>
</body>
</html>