<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Chàng SV Việt & hai học bổng tiế</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#FF0000">Chàng SV Việt & hai học bổng tiến sĩ
</font></b> </p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tháng 5-2006 mới tốt nghiệp ĐH nhưng Trần Đăng Khoa, SV Trường
ĐH Austin - University of Texas (UT, Mỹ), đã được hai trường ĐH tại Mỹ mời học
và cấp học bổng cho chương trình đào tạo tiến sĩ (không qua chương trình thạc
sĩ). </font> </p>
<p align="center">
<img border="0" src="chang%20sinh%20vien.JPG" width="214" height="284"></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đó là Trường kinh doanh Tepper thuộc ĐH Carnegie Mellon (CMU),
ngành tối ưu hóa (Operations Research) và UT, ngành toán ứng dụng.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đam mê toán từ nhỏ, năm 2000 sau khi tốt nghiệp THCS tại Trường
Quốc học Quy Nhơn (Bình Định) Khoa thi vào lớp 10 chuyên toán Trường phổ thông
Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) để được “tiếp tục học toán ở một môi trường cạnh
tranh hơn”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Lớp 11 Khoa thi TOEFL đạt 583 điểm và SAT 1.270 điểm. Học xong
lớp 12, Khoa được UT nhận vào học ngành khoa học máy tính (UT là trường nằm
trong top 10 ở Mỹ về giảng dạy khoa học máy tính). Sau một học kỳ, Khoa đăng ký
học thêm ngành toán. UT không có chương trình học bổng cho du học sinh. Khoa làm
trợ nghiên cứu từ năm 2 để nhận hỗ trợ học phí 50%.
</font> </p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đăng Khoa còn là SV của hai chương trình danh dự là Turing
Scholar Program và Dean’s Scholars Program (như chương trình cử nhân tài năng
tại các trường ĐH tại VN). </font> </p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hè 2004, Khoa sang Ấn Độ làm cho Công ty Infosys - một công ty
lớn trên toàn cầu về lĩnh vực công nghệ thông tin, nơi sẵn sàng giao những dự án
quan trọng cho các thực tập viên, do đó hầu hết SV làm việc trên những dự án
thật của công ty đều được học khá nhiều về mặt chuyên môn và có nhiều bạn bè,
kinh nghiệm làm việc quốc tế.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">rở về Mỹ, Khoa tiếp tục tìm kiếm những cơ hội nghiên cứu ở các
nước khác và được giáo sư Bjorn Engquist (dạy toán ở UT và Học viện Kỹ thuật
hoàng gia Thụy Điển - Royal Institute of Technology hoặc KTH) giới thiệu vào
khoa giải tích số (Numerical Analysis) ở KTH. Tháng 1-2005, Khoa nhận được học
bổng nghiên cứu giải tích số trong bảy tháng tại Thụy Điển, do một giáo sư ở KTH
hướng dẫn. </font> </p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Để quyết định mời học và trao học bổng cho chương trình đào tạo
tiến sĩ, các trường căn cứ vào thành tích học tập và nghiên cứu trong suốt thời
gian học ĐH của Khoa. Những trường ĐH lớn ở Mỹ mỗi năm chỉ dành một ít chỉ tiêu
cho những SV thật sự xuất sắc để đào tạo thẳng chương trình Ph.D (tiến sĩ). Do
đó, số SV được nhận học bổng này là không nhiều, nhất là với những trường ĐH
danh tiếng. </font> </p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Như vậy, nếu không có gì thay đổi, Khoa sẽ học tiến sĩ vào
khoảng tháng 8-2006. Hiện Khoa vẫn chưa quyết định sẽ học trường nào và... còn
chờ kết quả ở một số trường khác là ĐH New York (chuyên ngành toán ứng dụng), ĐH
MIT, ĐH Harvard, ĐH Chicago (chuyên ngành kinh tế học).</font></p>
</body>
</html>