<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Lấy chồng lính Trường Sa</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Lấy chồng lính Trường Sa</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="lay%20chong%20linh%20truong%20sa.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Đại úy
Nguyễn Phi Hoành chia tay vợ - chị Vũ Thị Trang - để làm nhiệm vụ ở đảo
xa</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Vợ đại úy Tăng Văn
Ngọc tất tả đón xe từ Kiến Thụy (Hải Phòng) vào Cam Ranh tiễn chồng ra đảo. Sau
cơn say xe vật vã dài 1.300km, nơi nghỉ đêm của hai vợ chồng là nhà nghỉ của đơn
vị giữa rừng thông. Vậy mà, "kiếp sau anh cho em lại làm vợ anh nhé”...</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">"Ở ngoài đảo, anh
có nhìn thấy đất liền không?" - "Không em ạ! Anh chỉ thấy những đảo lân cận",
nghe đến đó người vợ nghẹn lời. Nén lòng, nơi đất liền ngày ngày người vợ ấy lại
đau đáu đón xem bản tin thời tiết nơi "quần đảo bão tố" Trường Sa.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">"Bố!" - tiếng gọi
thân thương ấy vẫn rộn rã trong mỗi gia đình ở khu quân nhân Vùng 4 hải quân
(Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa). Dù bố đang công tác ở đảo xa, đó là một đảo nào đấy
trong quần đảo Trường Sa. Nơi ấy cách đất liền chỉ một nỗi nhớ. </font></p>
<p class="pInterTitle" align="left"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Nỗi nhớ</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Với người vợ, nỗi
nhớ ấy không thể đặt tên. Cũng không thể định lượng. Từ khi chồng tình nguyện
mang balô ra đảo xa sống chung với sóng gió, cũng là lúc người vợ bắt đầu chìm
ngập trong nỗi nhớ thương. Không ai có thể hiểu hết tâm trạng ấy ngoài những
người vợ. Chỉ khi nhìn cái bảng gỗ màu xanh để chấm công của cô giáo tiểu học Hồ
Thị Thành, chồng chị mới chợt hiểu chị đã đếm từng ngày khi anh đi vắng. "Anh đi
Nam Yết được 470 ngày, về 84 ngày, sau đó anh lại đi..." - chị Thành đọc chính
xác từng ngày anh đi, anh về. Đếm từ ngày đi, anh đã chịu hơn mười trận bão.
Trận nào chị cũng rớt nước mắt...</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Thui thủi ngóng
chồng trong căn nhà trống, có chị khóc đến viêm cả mắt, phải nhập viện mổ cấp
cứu. Khổ là vậy, nhưng quanh năm món quà người vợ chờ đợi nhất vẫn là những lá
thư. "Trong thư, chỉ cần anh viết một câu: "anh vẫn khỏe!", mình mới ngủ yên
giấc" - chị Nguyễn Thị Hiền tâm sự. Có lần, chị Hiền chờ thư chồng mãi chẳng
thấy. Ngồi may quần áo mà lòng dạ nóng như lửa đốt. Bình thường chị không tin dị
đoan nhưng từ ngày anh đi đảo xa, chị để ý từng cái hắt xì, cái giựt nơi mí mắt.
Và lần ấy, khi cây kim cứ đâm mãi vào tay, người vợ cứ sợ có điềm chẳng lành và
bật khóc như trẻ con. </font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Vất vả trăm chiều</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table2">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="lay%20chong%20linh%20truong%20sa2.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Phút
sum họp gia đình hiếm hoi của người lính đảo</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chồng đi xa, những người vợ lại
gánh trên vai cả trách nhiệm lẫn công việc của chồng. Gạt nỗi nhớ, các chị gánh
vác cả gia đình. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Với hai bàn tay thô
cứng như đàn ông, chị Lê Thị Thảo Uyên thay chồng chăm sóc các con, cuốc đất,
gánh rau, nuôi mười con heo, một đàn gà. Quê quán hai vợ chồng chị ở Hà Nam.
Cưới nhau xong, anh nhận nhiệm vụ ở Vùng 4, chị đùm túm bế con vào Cam Ranh cùng
chồng. Anh đi công tác hết đảo Tốc Tan, đến đảo Núi Le và bây giờ là đảo Sơn Ca.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Xa chồng, một nách
hai con chị trồng rau để có thêm thu nhập. Có lúc, 1g sáng, người phụ nữ ấy lụi
cụi dậy nấu bún giò để sáng bán cho những người trong xóm. Giờ đây chị đang
trông ba đứa trẻ hàng xóm để kiếm thêm tiền cho con ăn học. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Với gương mặt bơ
phờ sau một đêm thức trắng, chị Đinh Thị Hoa than thở: "Đêm qua, cháu lại trở
bệnh!". Mùa này, khi cơn gió chướng lồng lộng thổi từ nhà trước ra nhà sau cũng
là lúc chị Hoa vất vả với căn bệnh hen phế quản mãn tính của con. Ở nhà, chị
luôn chuẩn bị một cái túi gồm chăn, màn và vật dụng cần thiết nhất. Khi con lên
cơn là có thứ để quơ đến bệnh viện ngay. Người phụ nữ này quen rồi với cảnh khóa
trái cửa "nhốt" con lớn ở nhà, rồi một mình quấn áo mưa đưa con nhỏ đi bệnh viện
trong đêm đen gió lạnh. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Còn với người vợ
trẻ Ngô Thị Hải Oanh, đây là những ngày tháng sống trong sự khắc khoải, vất vả
nhưng cũng đầy hạnh phúc. Những ngày chồng đang công tác ngoài xa hơn trăm hải
lý, cũng là những ngày Oanh mang nặng đẻ đau và nuôi con một mình. Ngày ngày,
người phụ nữ 25 tuổi này một tay bế con, một tay làm tất tật mọi việc nhà. Nhưng
trong thư gửi chồng chị Oanh chỉ kể rằng con rất ngoan, rất hay cười, rất giống
bố, khi cười có cái má lúm đồng tiền...</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tháng rồi, có ngày
đài dự báo bão sắp đổ bộ vào đất liền. Vừa cùng bao người vợ lính bì bõm đội mưa
xúc cát đắp bờ bao, chị Lê Thị Xuyến vừa nhớ: "Giữa biển khơi, chắc anh hứng
chịu sóng gió nhiều hơn nữa!". Rồi chị khóc…</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">"Đồng chí” ở nhà gắng hoàn thành
nhiệm vụ!</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table3">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="lay%20chong%20linh%20truong%20sa3.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Chị Ngô
Thị Hằng chuẩn bị quà tết gửi ra đảo cho chồng</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cam Ranh mùa gió lộng. Trong
những căn nhà vắng đàn ông, cái bóng đèn đã hư hàng tháng trời vẫn chưa có người
sửa. Trước sân nhà, có người vợ đang tuốt lá mai cho hoa ra kịp tết để đón chồng
về. Có người lại thui thủi chuẩn bị đón một giao thừa vắng bóng đàn ông. </font>
</p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong gian nhà nhỏ,
vợ thượng úy Phan Văn Hoàng xếp vào giỏ nào gà, ngan, tập thơ, rượu và mấy nén
nhang... để gửi tàu ra Trường Sa Lớn. Nhang cho anh thắp bàn thờ Bác Hồ, thổ
công ngoài đó. Mấy con gà, ngan, rượu gửi chung cho đơn vị ăn tết. Quà riêng cho
anh là lá thư. Năm năm rồi, chị cứ đón tết một mình như thế.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Khi tàu giao quân
chuẩn bị khởi hành, vợ đại úy Tăng Văn Ngọc còn tất tả đón xe từ Kiến Thụy, Hải
Phòng vào Cam Ranh tiễn chồng đi. Sau cơn say xe vật vã dài 1.300km, chị được
đơn vị anh bố trí gặp anh ngay trong nhà nghỉ của Vùng 4. "Đêm nay, mình ngủ
giữa rừng thông đấy em ạ!". "Ừ, vậy đó! Nhưng kiếp sau, anh cho em lại làm vợ
anh nhé! Đổi lại, anh phải cho em làm lính đảo và anh ở nhà nuôi con" - chị nửa
đùa nửa thật. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tàu lại ra khơi.
Trong tiếng còi rền vang giục giã, cũng như bao cuộc chia ly khác, những vòng
tay ôm nhau thật chặt và những giọt nước mắt. Một người lính nói nhanh với vợ: "Đồng
chí ở nhà gắng hoàn thành nhiệm vụ nhé!".</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>