Năm Tý nói chuyện chuột

Năm Tý nói chuyện chuột

Năm Tý nói chuyện chuột

Gần như một thông lệ của báo xuân, hễ năm con nào thì người ta nói chuyện về con ấy. Năm nay năm Mậu Tý nên xin sơ lược vài nét về chuột. Chuột sống khắp nơi trên trái đất, có thể nói nơi nào có cây cỏ, có người là nơi ấy có chuột.

Ở Việt Nam có nhiều loại chuột nhưng đại khái có mấy loại sau đây:

- Chuột cống là loại chuột to, có con nặng từ nửa ký tới một ký. Gọi nó là chuột cống có lẽ vì nó chuyên sống ở các cống rãnh trong thành phố. Ở miền quê thì chúng sống ở trong hang.

Chuột cống có hai loại, loại cống gà và cống nhum. Cống gà sống quanh quẩn trong vườn gần chuồng gà, chuồng heo. Cống nhum sống ở đồng, ăn cây, củ, cua ốc. Thịt cống nhum khá ngon. Chuột cơm nhỏ con có lông màu vàng sậm, chúng cũng ăn cây, củ, cua ốc. Chúng là mối hại lớn của nhà nông. Thịt chúng không thua kém thịt cống nhum.

Về mùa nước nổi ở miệt Hậu Giang, Châu Đốc... bạn có dịp thưởng thức món thịt chuột.

- Một loại chuột khác, giống chuột cơm nhưng chúng ăn ở trên ngọn cây dừa nên gọi là chuột dừa. Chúng là loại sạch nhất, sang nhất nhưng không thấy ai ăn thịt vì bắt được chúng không phải chuyện dễ.

- Chuột nhắt và chuột chù. Chuột chù còn được gọi là chuột xạ, chúng sống quanh quẩn trong nhà với người, chúng chia đôi giang sơn. Chuột nhắt hoạt động phần trên cao, chuột chù phần thấp dưới đất. Chuột chù tuy hôi hám nhưng không phá hại. Người ta còn tin tiếng reo của chuột chù sẽ đem đến điều lành cho gia chủ. Thường người ta tin vào câu nói về sự may mắn: Nhất là đôm đốm vào nhà, nhì là chuột rúc (tiếng reo), thứ ba bông đèn (ngày xưa thắp đèn bằng dầu lửa nên tim đèn có bông). Mèo không dám đụng tới chúng vì mùi hôi của chúng, ai nghe (ngửi) cũng ngán. Mèo nào lỡ táp nhằm nếu không bệnh cũng vật vờ đôi ba ngày. Còn chuột nhắt thì khỏi chê, chúng phá hại đến tận cùng, đục khoét tủ bàn, kho tàng, dinh thự, cắn phá quần áo, sách vở không chừa một thứ gì mà không cắn phá. Biệt tài của chúng là chạy rất nhanh trên xà nhà nên mèo bắt được nó cũng rất khó.

Ngày xưa những người đi buôn bằng thuyền nan rất sợ chuột nhắt, vì một con lọt được vào thuyền là nó khoét lủng đáy, nếu không cảnh giác thuyền sẽ chìm. Chủ thuyền thường lập một trang nhỏ với khói hương nghi ngút gọi là bàn thờ ông Tý.

Sau hết có hai loại chuột người ta nuôi để chơi hoặc làm thí nghiệm đó là chuột bạch và chuột tàu còn được gọi là con bọ. Chuột bạch lớn hơn ngón chân cái, có bộ lông trắng muốt thỉnh thoảng có con vá, được nuôi trong lồng kẽm, hay lồng kính, lồng chia làm hai phần, một bên có thang quay vòng để chúng leo, bên kia để ngủ và ăn.

Chuột tàu lớn hơn thường có vá màu nâu, màu đen cũng có con toàn trắng. Nuôi chúng thường để dùng vào việc thí nghiệm y khoa.

Bắt chuột là việc làm cần thiết ở miền quê để trừ mối hại cho nhà nông. Bắt chuột có nhiều cách: bắt bằng bẫy sập, bẫy đập, bằng hóa chất, bằng keo dính. Người ta còn đuổi chuột bằng chà vi. Chà vi là một cái lồng có hom và hai tấm đăng. Chuột chui vào lồng là không ra được. Đuổi chuột thường vào lúc hoàng hôn hay sáng sớm, người ta tìm những đám lác rậm biết có chuột trong đó, người ta đặt lồng vào một nơi, dùng hai mảnh đăng hai bên, khi chuột bị đuổi gặp đăng nên chúng phải chạy vào chà vi. Nhưng cách săn chuột dễ nhất là vào mùa nước nổi, người ta dùng chĩa nhọn đâm chuột khi chuột phải sống trên các ngọn cây. Với một chiếc xuồng và một cây chĩa, người ta có thể đâm hàng trăm con trong một ngày để ăn hoặc để bán.

Thịt chuột đồng xào sả ớt với ngũ vị hương thì quả là một món nhậu tuyệt vời cửa dân nhậu. Một đặc sản có một không hai của miền Tây Nam Bộ.

Theo Công An TP.HCM

BÌNH LUẬN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sáng 8/1/2024, tại Hội trường Nhà Thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội nghị tổng kết hoạt động hệ thống Nhà Thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh năm 2024.

Agile Việt Nam
;