<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>NÂNG CAO NĂNG LỰC THAM MƯU ĐỂ ĐÁ</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:12.0pt;
font-family:"Times New Roman";
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
-->
</style>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#FF0000">NÂNG CAO NĂNG
LỰC THAM MƯU ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CÔNG TÁC ĐOÀN TRONG TÌNH HÌNH MỚI </font></b></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2" color="#000080">TRẦN AN PHONG
</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2" color="#000080">Cán bộ Văn phòng
Thành Đoàn</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được tổ
chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ tập thể lãnh đạo, cá nhân
phụ trách, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cá nhân, tập thể liên
quan trong việc tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ cũng như từng nội dung
hoạt động cụ thể. Từ nguyên tắc và mối quan hệ này, công tác tham mưu thể hiện
vai trò của nó, là khâu quan trọng hình thành nội dung của một hoạt động, đợt
hoạt động, chương trình công tác Đoàn, giữ vai trò quyết định sự thành công của
nội dung công tác khi triển khai thực hiện trong thực tế. Xét ở khía cạnh tổ
chức thực hiện, công tác tham mưu giữ vai trò hết sức quan trọng, góp phần quyết
định vào sự thành công của từng hoạt động cũng như diện mạo công tác Đoàn và
phong trào thanh niên. Trong những năm qua, công tác Đoàn và phong trào thanh
niên trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có bước phát triển mới, sâu về nội dung,
rộng về quy mô, đối tượng, tạo sự lan tỏa trong thanh niên và xã hội. Trong phạm
vi bài này, chúng tôi xin đề cập đến vai trò của công tác tham mưu và việc nâng
cao năng lực tham mưu để đáp ứng yêu cầu công tác Đoàn trong tình hình mới. </font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Tham mưu và người tham mưu </font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tham mưu là góp ý kiến về chủ
trương, kế hoạch và biện pháp cho một người hay một tổ chức, ví dụ ý kiến tham
mưu cho cấp ủy, tham mưu cho lãnh đạo. Tham mưu gắn liền với đề xuất. Đề xuất là
nêu ra, góp thêm ý kiến để giải quyết cho đúng, cho hợp lý, ví dụ đề xuất ý
kiến, đề xuất cách làm hay. Trong thực tế, việc tham mưu thường xuất phát từ hai
trường hợp: một là xây dựng phương án, kế hoạch (sau đây gọi tắt là kế hoạch)
cho một nội dung đã được xác định trước, ví dụ tham mưu kế hoạch tổ chức đêm hội
văn hóa chào mừng năm mới 2006; hai là đề xuất nội dung mới và kèm theo đó là kế
hoạch tổ chức thực hiện. Trường hợp thứ hai thường xuất phát từ một sáng kiến,
giải pháp hiến kế có tính mới, sáng tạo. Văn kiện đại hội, chương trình công tác
năm, kế hoạch một đợt hoạt động, chuyên đề củng cố và nâng cao chất lượng hoạt
động Đoàn cơ sở… là những nội dung, vấn đề công tác tham mưu. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của
mỗi cấp bộ Đoàn và đặc điểm công việc của từng cá nhân, mỗi cán bộ Đoàn đều có
nhiệm vụ làm công tác tham mưu. Tùy yêu cầu của từng kế hoạch cụ thể, công tác
tham mưu có thể do một cá nhân, bộ phận thực hiện, nhưng thường là do nhiều cá
nhân, bộ phận cùng phối hợp thực hiện, trong đó người phụ trách (theo chức năng,
nhiệm vụ), người đề xuất (đối với sáng kiến, giải pháp hiến kế mới) giữ vai trò
quyết định của nội dung tham mưu. Căn cứ nội dung, tính chất công việc, chương
trình công tác, có thể phân loại công tác tham mưu thành hai loại chính: một là
tham mưu chủ trương, cơ chế (tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Đoàn cấp trên);
hai là tham mưu nội dung công tác hoặc hoạt động cụ thể theo chức năng, nhiệm
vụ, lĩnh vực phụ trách (tham mưu chương trình công tác năm, đêm hội văn hóa,
ngày hội việc làm...). </font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Yêu cầu của công tác tham mưu </font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Làm tốt công tác tham mưu là góp
phần rất lớn vào việc chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nội dung công
tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Để công tác tham mưu đạt hiệu quả, người
làm công tác tham mưu cần lưu ý một số vấn đề sau:</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Nắm vững và vận dụng hiệu quả
chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nghị quyết, chương trình của Đoàn,
nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Đối với những nội dung lớn,
mang tính trung, dài hạn thì phải đặt trong tổng thể công tác Đoàn và phong trào
thanh thiếu nhi của đơn vị phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển; đối với các nội
dung liên quan đến các ban ngành, đoàn thể khác thì phải xem xét sự phù hợp của
nó trong tổng thể tình hình, nhiệm vụ kinh tế, xã hội chung của địa phương, đơn
vị.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Có thực tiễn công tác Đoàn và
phong trào thanh thiếu nhi; hiểu rõ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp
của thanh niên; nắm rõ những vấn đề mang tính đặc thù của địa phương, đơn vị.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Người tham mưu cần có sự am
hiểu nhất định về nội dung tham mưu, có sự sáng tạo, nhạy bén để đưa ra những
nội dung, giải pháp tham mưu mang tính mới, sáng tạo; liên hệ và gắn kết với
thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Cần đặt nội dung tham mưu
trong tổng thể chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của địa
phương, đơn vị để đảm bảo sự hài hòa giữa các nội dung. Đặt nội dung tham mưu
trong tổng thể cũng giúp người tham mưu xác định được đâu là nội dung trọng tâm,
trọng điểm, đâu là nội dung cần duy trì thường xuyên, nội dung mang tính đột
phá, từ đó có giải pháp tham mưu phù hợp.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Đảm bảo tính trung thực, khoa
học, sáng tạo… nâng cao năng lực tham mưu </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Công tác Đoàn và phong trào thanh
thiếu nhi ngày càng phát triển, vấn đề nâng cao năng lực cán bộ Đoàn luôn được
đặt ra, trong đó năng lực tham mưu là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để
đánh giá năng lực cán bộ, đồng thời công tác tham mưu là loại lao động mang tính
đặc thù, thể hiện quá trình rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành của người cán bộ
Đoàn. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trước hết là công tác chuẩn bị
xây dựng kế hoạch tham mưu. Để tham mưu hiệu quả một nội dung công việc, người
cán bộ Đoàn phải bỏ ra nhiều công sức lẫn tâm huyết. Mỗi nội dung tham mưu phải
là dấu ấn của cá nhân, tập thể tham mưu, kết tinh trí tuệ và công sức của người
tham mưu. Xác định được điều đó tức là xác định được tinh thần, thái độ, trách
nhiệm, tình cảm cũng như niềm say mê, sự hứng khởi đối với nội dung tham mưu.
Thực tiễn cho thấy có những nội dung được tham mưu một cách hời hợt, sơ sài, bị
cho là dưới tầm, lạc đề, chung chung, máy móc vô cảm, thậm chí sao chép cái cũ…
thể hiện cách làm bị động, đối phó, là những điều hết sức nên tránh. Việc đề ra
mục đích, yêu cầu của kế hoạch, tiến độ thực hiện, tiến hành ra soát lại tình
hình thực trạng, xem xét khả năng, nguồn lực liên quan đến kế hoạch để tính toán
việc huy động, khai thác và phân bổ nguồn lực là những yếu tố cơ bản giúp cho
quá trính tham mưu hiệu quả. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tiếp theo là xây dựng nội dung,
giải pháp thực hiện. Trong bước này, người tham mưu cần phát huy tính chủ động,
sáng tạo trong suy nghĩ, tìm tòi giải pháp cho nội dung tham mưu. Dựa trên sự
chuẩn bị, đánh giá tình hình và kinh nghiệm thực tiễn, đây chính là lúc người
tham mưu vận dụng khả năng tư duy, nhận xét của mình để xây dựng những nội dung,
giải pháp chính cho kế hoạch. Trong thực tế, không hiếm trường hợp người tham
mưu gặp lúng túng hoặc cảm thấy thiếu tự tin khi đề ra các nội dung, giải pháp
tham mưu. Trong trường hợp này, cần tìm gặp, với những người có trách nhiệm hoặc
người am hiểu nội dung đang tham mưu để trao đổi, thảo luận, xác lập nội dung
cho kế hoạch, tránh tình trạng "tự biên, tự diễn", dẫn đến sự chủ quan, xa rời
thực tế, hoặc nêu chung chung nội dung, giải pháp tham mưu. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bước kế tiếp là dự thảo kế hoạch,
đưa ra các nội dung tham mưu, dự kiến biện pháp tổ chức thực hiện, tiến độ thời
gian. Khi dự thảo kế hoạch, cần lưu ý đến yêu cầu, thể thức văn bản của Đoàn,
trong đó quan trọng nhất là chức năng thông tin và chức năng chỉ đạo của văn
bản. Tổ chức lấy ý kiến của những tập thể, cá nhân liên quan trước khi hoàn
chỉnh, ban hành kế hoạch. Đối với một số kế hoạch lớn như chương trình công tác
năm, các công trình, đề án, người tham mưu phải chuẩn bị những số liệu, căn cứ
để chứng minh, lý giải trong quá trình tổ chức hội nghị hoặc cuộc họp lấy ý
kiến. </font></p>
</body>
</html>