<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Chương trình</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:12.0pt;
font-family:VNI-Times;
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
-->
</style>
</head>
<body>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial" size="2"><b>
Chương trình "Trò chuyện cùng doanh nhân”</b></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial" size="2"> </font></p>
<p class="MsoNormal" align="center" style="text-align: center">
<font face="Arial" color="#0000FF"><b><span style="font-size: 10pt">Cảnh báo về
thị trường năm 2008</span></b></font></p>
<p class="MsoNormal" align="center" style="text-align: center"> </p>
<div style="float: left; width: 84px; height: 19px">
<table border="0" width="100%" id="table1" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td>
<img border="0" src="canh%20bao%20ve%20thi%20truong.jpg" width="250" height="187"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial" size="2">
Cuối tuần qua, chương trình <i>“Trò chuyện cùng doanh nhân – Business Dinner
2008”</i> do Trung tâm Tư vấn Kinh tế Thanh niên (trực thuộc Ủy Ban Hội Liên
hiệp Thanh niên TP.HCM) khởi xướng đã “mở màn” tại khách sạn Rex với chủ đề “Năm
mới bàn chuyện thâm nhập thị trường mới”. Tham dự có ông Lương Văn Tự – nguyên
Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Việt Nam gia nhập WTO,
ông Trương Trọng Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM
(ITPC) và 9 doanh nhân…</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial" size="2"> </font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify">
<font face="Arial" size="2" color="#008000"><b>Nhận diện thời cơ và thách thức
để thâm nhập thị trường mới</b></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial" size="2">Thị
trường luôn là vấn đề cốt tử của mỗi doanh nghiệp. Các chuyên gia và doanh nhân
tham gia bàn tròn cho rằng, khái niệm thị trường mới không chỉ bao hàm thị
trường nước ngoài mà còn bao hàm cả thị trường nội địa. Theo ông Lương Văn Tự,
hiện tại, thị trường thế giới và ASEAN đang rộng mở với những tín hiệu khả quan:
WTO chiếm 97% GDP, 85% thương mại hàng hóa và 90% thương mại dịch vụ toàn cầu;
ASEAN đã ký Hiệp định mậu dịch tự do về hàng hóa và dịch vụ với Trung Quốc và
Hàn Quốc, đang đàm phán đối tác kinh tế ASEAN với Nhật, đang đàm phán FTA (Hiệp
định tư do thương mại) với Uc và An Độ… Với thị trường trong nước, sau một năm
gia nhập WTO Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu: đầu tư tăng trưởng cao
đạt 20,3 tỷ USD (năm 2006 là 10,2 tỷ USD), xuất khẩu đạt 48,3 tỷ USD (tăng
21,5% so với năm 2006), nhập khẩu đạt 60,7 tỷ USD (tăng 35% so với năm 2006),
thị trường chứng khoán tăng mạnh cả vốn đầu tư nước ngoài và trong nước, thị
trường bất động sản tan băng và đã có lúc quá nóng. Bên cạnh đó là sự chủ động
đầu tư đổi mới công nghệ cũng như liên kết hợp tác của các doanh nghiệp. Với tất
cả những thành tựu đó, Việt Nam đang được coi là “ngôi sao đang lên”, thu hút
nhiều nhà đầu tư quốc tế. Và đây cũng được xem là những tiền đề thuận lợi cho
cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc thâm nhập thị trường mới.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial" size="2">Tuy
nhiên, thời cơ bao giờ cũng đi liền với thách thức. Năm 2008 là năm thứ 2 Việt
Nam phải tiếp tục cắt giảm khoảng 1.800 dòng thuế, tiếp tục phải mở cửa thị
trường theo lộ trình. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát
triển nhanh của nền kinh tế, nguồn lực chất lượng cao vẫn thiếu ở tất cả các
ngành nghề, lạm phát cao ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng và phát triển bền
vững của nền kinh tế, nhập siêu cao chứng tỏ các nhà xuất khẩu chưa tận dụng
được thị trường sản xuất hàng xuất khẩu…</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial" size="2"> </font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify">
<font face="Arial" size="2" color="#008000"><b>Củng cố thị trường nội địa và
những cảnh báo</b></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial" size="2">Ông
Nguyễn Thành Nhơn – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần công nghệ Nhơn Hữu trăn trở:
“Dường như các doanh nghiệp Việt Nam rất ngại đi làm ăn xa, doanh nghiệp thành
lập ở TP.HCM thì chỉ quan tâm đến thị trường TP.HCM hoặc các tỉnh lân cận, rất
ít người mạnh dạn đầu tư ra miền Trung hay miền Bắc. Như vậy, vô tình chúng ta
đã để ngỏ thị trường cho nuớc ngoài xâm nhập. Theo tôi, trong năm 2008, các
doanh nghiệp nên mở rộng việc bán hàng ra các tỉnh phía Bắc như Hà Nam, Nam Định…”.
Đồng tình với ý kiến này, ông Lương Văn Tự đề xuất: “Chúng ta nên học người Nhật
trong việc giữ thị trường nội địa. Ở Nhật, hàng hóa tiêu thụ trong nước luôn có
chất lượng tốt nhất, hàng xuất khẩu chỉ nằm ở vị trí số 2 và số 3. Nhờ biện pháp
này mà hàng hóa nước ngoài khó có chỗ đứng tại thị trường Nhật. Còn ở Việt Nam
thì ngược lại, hàng xuất khẩu có chất lượng tốt hơn. Vợ chồng mà không yêu nhau
thì sẽ có người khác xen vào, thị trường cũng thế thôi”. Ông Trương Trọng Nghĩa
cảnh báo: “Thị trường 2008 sẽ khác thị trường 2009. Với khoảng 1.800 dòng thuế
được cắt giảm năm 2008, theo tôi, các doanh nghiệp nên chuẩn bị cho cột mốc
1/1/2009, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phân phối, thương mại, ngân
hàng…”.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial" size="2">Đề
cập đến lĩnh vực phân phối, các ý kiến đều thống nhất trong việc nhận định thành
công của Metro tại thị trường Việt Nam là nhờ chính sách đầu tư mạnh cho hệ
thống quản lý (trong khi doanh nghiệp Việt Nam thì đầu tư nhiều hơn cho cơ sở
vật chất). Trước thực trạng các nước đang tăng cường nhập khẩu vào Việt Nam, đòi
hỏi doanh nghiệp trong nước phải chú trọng đến hệ thống phân phối vì ngoài việc
đẩy mạnh doanh số xuất khẩu, muốn tồn tại trong sân chơi toàn cầu, doanh nghiệp
phải củng cố thị trường nội địa.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial" size="2">
Thách thức đặt ra với các doanh nghiệp trong năm 2008 là chi phí sản xuất tăng,
chi phí quản lý tăng. Ở góc độ nhà quản lý, ông Trương Trọng Nghĩa nhận định, để
thắng cạnh tranh trong năm 2008, Việt Nam phải đẩy mạnh việc xuất khẩu hàng chế
biến, tăng hàm lượng giá trị nội địa trong sản phẩm dệt may và da giày. Còn với
góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trần Quang – Chủ tịch HĐQT Công ty FutureOne
khẳng định: “Cuộc chơi này bắt buộc phải liên kết. Sản xuất chỉ là yếu tố cơ bản,
muốn thành công cần phải đẩy mạnh tiếp thị và bán hàng”.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial" size="2"> </font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: right"><i><b>
<font face="Arial" size="2">Theo Doanh nhân Sài Gòn</font></b></i></p>
</body>
</html>