<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Như lạc vào cổ tích</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span id="_ctl0_rContent_lbHeadline" class="atc_hl"><b>Như lạc vào cổ tích</b></span></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><span id="_ctl0_rContent_lbDesc">
Chiếc trống đồng Đông Sơn là hồn thiêng núi sông vọng lại tự ngàn xưa. Lưỡi mác
bằng đồng của chiến binh người Mạ vang bóng một thời trong dựng xây vương quốc
của tộc người chủ nhân Nam Tây Nguyên ánh ngời màu thời gian là thông điệp của
quá khứ trải truyền cho muôn thế hệ mai này.</span></font></p>
<span id="_ctl0_rContent_lbBody">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Và còn nhiều hơn thế. Và tất cả
được lộ diện trong một không gian đầy huyền thoại tại Bảo tàng Lâm Đồng nằm trên
độ cao một ngàn năm trăm mét Đà Lạt trong những ngày trước và sau tết nguyên đán
năm nay.<br>
<br>
Mở cửa từ 14.12.2007 và vắt sang tận tuần cuối tháng 2.2008 (sau Tết Mậu Tý),
trong thời gian hơn hai tháng, cuộc triển lãm có chủ đề "Di sản văn hóa các dân
tộc Lâm Đồng trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam" là nơi tái hiện nét
độc đáo của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên lãnh thổ nước Việt Nam thông qua
khoảng 1.000 hiện vật, hình ảnh và phim tư liệu do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc
Việt Nam phối hợp với Sở VHTT Lâm Đồng tổ chức tại Bảo tàng Lâm Đồng – số 4,
Hùng Vương, Đà Lạt. <br>
<br>
Đặc biệt, với khoảng 30% hiện vật, hình ảnh và phim tư liệu, Bảo tàng Lâm Đồng
trong triển lãm lần này đã phần nào khái quát được những nét độc đáo về văn hóa
truyền thống và cả bề dày lịch sử của các tộc người chủ nhân Nam Tây Nguyên là
Mạ, Cơho và Churu. Tại đây, không chỉ được đi dọc chiều dài văn hóa của các dân
tộc từ vùng Tây Bắc đến tận miền sông nước Nam Bộ mà chúng ta còn được ngược lên
Tây Nguyên, đến với vùng cao nguyên Lâm Viên, cao nguyên Drjing (Di Linh), cao
nguyên Blao (Bảo Lộc) rồi xuôi theo dòng sông Đạ Đờng về xứ Đồng Nai Thượng để
đắm mình trong không gian văn hóa và lịch sử của người Cơho, người Churu và
người Mạ.<br>
<br>
Rồi nữa, cũng trong không gian văn hóa đó, việc Bảo tàng Lâm Đồng vừa đưa vào sử
dụng hai ngôi nhà sàn của người dân tộc thiểu số Mạ và Cơho – hai tộc người chủ
nhân Nam Tây Nguyên – còn là một thông tin rất đáng lưu tâm đối với những ai
quan tâm đến vấn đề văn hóa tộc người Lâm Đồng. Điều đặc biệt, hai ngôi nhà sàn
này hoàn toàn không phải là mô hình mà nó được phục dựng theo chính nguyên mẫu
nhà sàn truyền thống của người Mạ và người Cơho. <br>
<br>
Hơn thế, mọi dụng cụ sinh hoạt mang tính văn hóa vật thể trong hai ngôi nhà sàn
cũng được cán bộ Bảo tàng Lâm Đồng cất công đi sưu tầm từ các buôn làng trong
tỉnh để đem về trưng bày. Rồi, giữa hai ngôi nhà sàn nguyên mẫu là mô hình một
chiếc cồng khổng lồ được làm bằng chất liệu compozit. Chiếc cồng có đường kính
lên đến 7m được đặt giữa hai ngôi nhà sàn này không chỉ là vật trang trí thông
thường mà nó còn nhằm mục đích tôn vinh giá trị không gian văn hóa cồng chiêng
Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. <br>
<br>
Không dừng lại là một bảo tàng đơn thuần, với những hoạt động như trên vừa nêu
cho thấy Bảo tàng Lâm Đồng còn vươn xa hơn đó là thực hiện chủ trương đa dạng
hóa các hoạt động nhằm thu hút khách tham quan và khách du lịch trên ý tưởng
hình thành một trung tâm văn hóa – du lịch ngay tại khuôn viên Bảo tàng. Tuy chỉ
là bước khởi đầu nhưng những hoạt động như trên chắc chắn du khách và khách tham
quan Bảo tàng sẽ được lạc vào thế giới cổ tích bằng việc "đi du lịch" dọc theo
chiều dài lịch sử văn hóa của cộng đồng các dân tộc VN, trong đó có cộng đồng
các dân tộc Lâm Đồng.</font></p>
<table class="atc_imgWrap" align="center" cellpadding="0" cellspacing="0" id="table10">
<tr>
<td class="atc_img">
<p align="center"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="nhu%20lac%20vao%20co%20tich.bmp" width="400" height="280"></font></td>
</tr>
<tr>
<td class="atc_imgCaption">
<p align="justify"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Hai
ngôi nhà sàn của người Mạ và người Cơho được phục dựng nguyên mẫu.</font></i></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2"><br>
</font><table class="atc_imgWrap" align="center" cellpadding="0" cellspacing="0" id="table11">
<tr>
<td class="atc_img">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="nhu%20lac%20vao%20co%20tich1.bmp" width="400" height="301"></font></td>
</tr>
<tr>
<td class="atc_imgCaption">
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Tìm
hiểu văn hóa các tộc người thiểu số phía bắc.</font></i></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2"><br>
</font><table class="atc_imgWrap" align="center" cellpadding="0" cellspacing="0" id="table12">
<tr>
<td class="atc_img">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="nhu%20lac%20vao%20co%20tich2.bmp" width="400" height="300"></font></td>
</tr>
<tr>
<td class="atc_imgCaption">
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Chiếc
cồng có đường kính 7m (lớn nhất thế giới?).</font></i></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2"><br>
</font><table class="atc_imgWrap" align="center" cellpadding="0" cellspacing="0" id="table13">
<tr>
<td class="atc_img">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="nhu%20lac%20vao%20co%20tich3.bmp" width="400" height="332"></font></td>
</tr>
<tr>
<td class="atc_imgCaption">
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Cảnh
sinh hoạt văn hóa của đồng bào Tây Nguyên quanh cây nêu.</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo LĐO</i></b></font></p>
</span>
</body>
</html>