<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Những sản vật chỉ bán trong ngày</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font face="Arial"><b><font color="#0000FF" size="2">
<span id="NewsContentDetail1_MsgSubject">Những sản vật chỉ bán trong ngày Tết</span></font></b><font size="2" color="#0000FF">
</font></font></p>
<div id="VietAd">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<strong style="font-weight: 400">Dẫu sang hay hèn, trong ba ngày tết gia
đình nào cũng phải chuẩn bị cho tươm tất, thịnh soạn hơn ngày thường, nên
mới có câu: “Số cô chẳng giàu thì nghèo; Ngày 30 tết thịt treo trong nhà”.
Vì vậy, cho dù ở nông thôn hay phố thị, những phiên chợ giáp tết Nguyên đán
bao giờ cũng được xem là nhộn nhịp, sinh động nhất trong năm.</strong>
</font></p>
<div align="center">
<table id="table58" align="left" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="1">
<tr>
<td align="center">
<p align="justify">
<img border="0" src="nhung%20san%20vat.bmp" width="255" height="198"></td>
</tr>
<tr>
<td align="center" valign="top">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> </font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhà nhà, người người cùng đi
chợ để mua sắm tết, phiên chợ nào cũng đông nghịt người, không khí chợ tựa
hồ như muốn vỡ ra trong muôn vàn âm thanh chào mời ngã giá. Hàng hóa chợ Tết
thì khỏi phải bàn, vô cùng phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã. Đặc
biệt có một số sản vật chỉ thấy người ta bày bán trong những phiên chợ ngày
tết nên càng tôn thêm vẻ long trọng, khác thường của ngày xuân. <br>
<br>
Đối với mỗi gia đình Việt, việc thờ cúng tổ tiên ông bà bao giờ cũng được
xem trọng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”- một đức tính tốt đẹp ngàn
đời của dân tộc ta. Trong nhiều thứ lễ vật dùng để dâng lên tổ tiên ông bà
trong ba ngày tết, không thể thiếu mâm ngũ quả. Tùy theo quan niệm của từng
vùng miền khác nhau mà việc bày biện mâm ngũ quả có những nét đặc trưng
riêng, nhưng tựu trung vẫn là tấm lòng thành kính của người đang sống dâng
cho người đã khuất và khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương
lai. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Xuất phát từ ý nghĩa tinh
thần nên việc trưng bày mâm ngũ quả được rất nhiều người chăm chút (tại
những lễ hội trái cây, ban tổ chức đã mở cuộc thi trưng bày mâm ngũ quả để
chọn ra những nghệ nhân giỏi). Từ đó, nhiều sản vật chỉ để phục vụ cho việc
bày mâm ngũ quả xuất hiện trong phiên chợ ngày tết như dưa hấu tròn, quả
sung, thơm (dứa) nhiều nhánh, đu đủ non, hoa dừa... </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tùy theo từng chủ đề trưng
bày, người mua sẽ lựa chọn các sản vật theo yêu cầu riêng của mình. Ví như
theo chủ đề “cầu vừa đủ xài”, “cầu sung túc”, “cầu đủ xài”... thì các thứ
trái cây chủ đạo sẽ là mãng cầu, đu đủ, xoài, dưa hấu, trái sung. Ngày
thường, trái sung chẳng được mấy ai quan tâm, nhưng tại các phiên chợ tết
mỗi ký có giá từ 30 - 50.000 đồng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cũng như vậy, ngày thường
người ta chủ yếu dùng thân dừa làm vật dụng, trái dừa để giải khát hay chế
biến kẹo bánh, tinh dầu, còn hoa dừa không sử dụng vào việc gì. Riêng những
ngày tết, hoa dừa lại được nhiều người ưa thích mua về để chưng với khát
vọng may mắn, bổng lộc nối tiếp nhau vào nhà như hoa dừa đơm trái ngọt.
</font></p>
<font face="Arial" size="2">
<table id="table59" align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="90">
<tr>
<td align="center">
<p align="justify">
<img border="0" src="nhung%20san%20vat2.bmp" width="400" height="221"></td>
</tr>
</table>
<p align="justify">Tết cũng là mùa của dưa hấu tròn. Chợ nào cũng tràn ngập
dưa hấu, có loại do Việt Nam trồng, có loại được nhập từ Thái Lan (dưa hấu
vàng). Theo quan niệm của nhiều người, nếu tết mua được một trái dưa có ruột
đỏ tươi thì cả năm sẽ gặp nhiều vận may. Để trang trí cho mỗi trái dưa,
nhiều người thường dán lên đó các chữ như “phúc”, “đại cát”, “vạn sự như
ý”... <br>
<br>
Bao lì xì cũng là một nét đẹp không thể thiếu trong ngày xuân. Những ngày
giáp tết đi đến đâu chúng ta cũng có thể nhìn thấy những quầy tạp hóa bày
bán đủ loại bao lì xì từ giấy thường đến giấy kim tuyến hay giấy có nhũ
nhung. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bao lì xì có một ý nghĩa rất
thiêng liêng nên màu chủ đạo bao giờ cũng là đỏ hoặc vàng, trên nền giấy sẽ
in hình phúc - lộc - thọ, cá chép vượt vũ môn hay các chữ “cát tường”, “như
ý”, “đại cát đại lợi”... Với trẻ em, người tặng bao lì xì muốn gửi gắm một
lời chúc khỏe mạnh, học giỏi. Với người già, bao lì xì thay cho lời chúc thọ.
Người nhận được bao lì xì luôn cảm thấy vui vì đó là thành ý của con cháu,
ông bà, người thân thay cho những câu chúc tốt đẹp của một năm mới.<br>
<br>
“Xin” chữ đầu xuân có lẽ là một thú vui tao nhã nhất. Nhân dịp đầu năm,
nhiều người thường cùng bạn bè lên chùa, hay tìm đến các nhà thi pháp “xin”
một cái chữ mang về nhà treo. Người chơi chữ có thể nhờ nhà thi pháp thảo ra
nhiều câu, chữ theo ý thích của bản thân, đó có thể là một bài thơ, một câu
danh ngôn hay chỉ là một chữ duy nhất như chữ “nhẫn”. Chơi chữ vừa là nghệ
thuật tao nhã vừa là một cách răn mình, thiếu thú chơi này mùa xuân sẽ mất
đi nhiều nét hay, thanh tao.</font></div>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo Công An</i></b></font></p>
</body>
</html>