<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Gói và nấu bánh chưng</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font face="Arial"><b><font color="#0000FF" size="2">
<span id="NewsContentDetail1_MsgSubject">Gói và nấu bánh chưng, bánh tét</span></font></b></font></p>
<div id="VietAd">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Nếu như ở các thành
phố lớn, nhịp sống bận rộn, hối hả đã khiến cho công việc gói bánh chưng,
bánh tét ở nhiều gia đình không thịnh hành thì ở các vùng nông thôn, việc tự
gói và nấu bánh chưng, bánh tét vào những ngày giáp
<span id="link231" onclick="linkClick(231);" onmouseover="displayAd(231); countView('http://www.vietad.vn/click.aspx?ID=231&AdID=138&AuNum=80649&PubID=29&Keyword=t%u1EBFt&TypeID=3')" onmouseout="hideAd();" class="intellitextLink">
Tết</span> cổ truyền vẫn tồn tại và vẫn còn nguyên vẹn những nét đẹp truyền
thống.</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tùy theo nhu cầu và khả năng
mà có nhà gói nhiều, nhà gói ít, nhưng nhà nào cũng hoàn thành công đoạn gói
bánh nội trong ngày để đến chạng vạng tối là bắt đầu nổi lửa nấu bánh. Củi
để nấu bánh là những loại cây lớn, đặc, cháy đượm... Nấu bánh chưng, bánh
tét, lửa phải cháy to, đều. Cả gia đình ngồi bên nồi bánh, vừa uống chè, vừa
rôm rả hàn huyên đủ chuyện. Các cụ già lại say sưa kể cho con cháu nghe về
chàng Hoàng tử Lang Liêu hiếu thảo và nguồn gốc bánh chưng, bánh tét. Đến
khuya, con trẻ lần lượt đi ngủ, chỉ còn những người lớn thay nhau thức canh
và tiếp nước cho nồi bánh.</font></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="center">
<img border="0" src="goi%20va%20nau.jpg" width="350" height="263"></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="center"><i>
<font color="#808080" size="2" face="Arial">Nấu bánh chưng, bánh tét vào
những ngày giáp Tết cổ truyền vẫn tồn tại và vẫn còn nguyên vẹn những nét
đẹp truyền thống</font></i></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tới khoảng canh ba, canh tư,
bánh bắt đầu chín và hương thơm tỏa ra. Đến khi trời hửng sáng thì bánh đã
chín nhừ, hương bay thơm phức, khiến nhiều người có cảm giác thèm ăn. Công
đoạn vớt bánh ra lại càng hấp dẫn. Lửa tắt, vung mở, một mùi thơm ngào ngạt,
tổng hòa từ gạo nếp chín, nhân đậu chín, thịt lợn chín và nhiều loại gia vị
thơm lừng khắp cả nhà, thơm tận sang nhà hàng xóm. Vớt bánh ra, để nguội,
rồi lựa những chiếc đẹp hơn đặt lên bàn thờ gia tiên, hoặc đem biếu bố mẹ,
ông bà, thầy giáo, đó là một phong tục tốt, một nét đẹp văn hóa lâu đời của
người Việt. Và đã có những câu đối rất hay nói về nghĩa cử này:</font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2">"Mẹ lom khom vớt bánh chưng
xanh<br>
Lựa mấy tấm thơm ngon thờ tiên tổ<br>
Ông hí hoáy viết câu đối đỏ<br>
Tìm những từ đặc sắc nhủ cháu con".</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Dù cuộc sống không ngừng phát
triển và thay đổi nhưng ở các vùng nông thôn nước ta từ xưa đến nay vẫn lưu
giữ, nối truyền việc nấu bánh chưng, bánh tét trong dịp Tết cổ truyền, âu đó
cũng là một phần không thể thiếu để làm nên vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam nói
chung và trong sự tinh tế, mặn mà của nếp sống hương đồng gió nội nói riêng.</font></div>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo Phụ Nữ</i></b></font></p>
</body>
</html>