<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Quá trình hoạt động cách mạng</title>
</head>
<body>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng
chí Nguyễn Đức Cảnh (02/02/1908 - 02/02/2008)</font></b></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Nguyễn Đức Cảnh
- Người chiến sĩ cộng sản kiên trung</font></b></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Quá trình hoạt động cách mạng</font></b></p>
<div style="float: left; width: 93px; height: 29px">
<table border="1" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="nguyen%20duc%20canh.jpg" width="160" height="200"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất
Thái Bình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, Nguyễn Đức Cảnh sớm tỏ ra là
người có chí, thông minh, được thầy giáo quý mến và bạn bè nể trọng. Học hết
tiểu học ở thị xã Thái Bình, Nguyễn Đức Cảnh sang học trường Thành Chung, Nam
Định. Ở đây, Nguyễn Đức Cảnh kết bạn với những thanh niên yêu nước như: Nguyễn
Danh Đới, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Nguyễn Văn Năng, Đặng Xuân Thiều,… Ông
và các bạn say sưa tìm hiểu và kính trọng những hoạt động chống Pháp của các cụ
Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh....</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cuối năm 1925 đầu năm 1926, ông
tham gia nhiều phong trào đấu tranh, trong đó có phong trào đòi thả cụ Phan Bội
Châu, làm lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh… Ngoài ra, ông còn cùng một số học sinh
tham gia diễn kịch ở thành phố Nam Định và thị xã Thái Bình, lấy tiền giúp đỡ
đồng bào bị lũ lụt. Sau hoạt động tham gia bãi khoá, Nguyễn Đức Cảnh bị đuổi học.
Ông lên Hà Nội kiếm việc làm, tự nuôi sống mình và tìm đường đến với cách mạng.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 1927, ông gia nhập nhóm “Nam
Đồng thư xã”, sau này phát triển thành tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng. Tháng
9/1927, Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật sang Quảng Châu (Trung Quốc) gặp Tổng bộ
“Thanh Niên” để thực thi nhiệm vụ mà Quốc Dân Đảng giao cho. Khi đến Quảng Châu,
mặc dù không gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhưng Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật
vẫn kịp dự lớp học chính trị của Tổng bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng do
đồng chí Hồ Tùng Mậu huấn luyện. Qua học tập, cả hai đều dứt khoát ly khai tổ
chức Quốc dân Đảng, tự nguyện gia nhập Hội Việt Nam thanh niên cách mạng. Đây
chính là bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Đức
Cảnh.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tháng 2/1928, Nguyễn Đức Cảnh
được cử làm Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng Hải Phòng, sau đó
được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ và Bí thư Khu bộ Hải Phòng. Ngày
17/6/1929, Đông Dương Cộng sảng Đảng được thành lập, Nguyễn Đức Cảnh được bầu
làm Ủy viên.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tháng 8/1929, Đảng bộ Đông Dương
Cộng sản Đảng Hải Phòng thành lập. Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời gồm 3 đồng chí,
do cấp trên chỉ định: Nguyễn Đức Cảnh làm Bí thư, Hoàng Văn Đoài và Nguyễn Hữu
Căn làm Ủy viên. Ngày 03/2/1930, tại Cửu Long (Trung Quốc), đã diễn ra Hội nghị
hợp nhất 03 tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự chủ trì
của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tháng 5/1930, Nguyễn Đức Cảnh
được Trung ương cử làm Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ. Đến cuối tháng 10/ 1930, Nguyễn Đức
Cảnh được Trung ương cử vào tham gia Xứ ủy Trung kỳ. Hội nghị toàn thể Xứ ủy đã
bầu ông vào Ban Thường vụ Xứ ủy và phân công phụ trách công tác tuyên huấn.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nguyễn Đức Cảnh bị địch bắt tại
Vinh, bị giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Trong nhà tù đế quốc, ông vẫn tích cực
hoạt động cách mạng. Ngày 31/7/1932, Nguyễn Đức Cảnh bị địch xử chém tại Hải
Phòng cùng Hồ Ngọc Lân, khi ấy ông vừa tròn 24 tuổi. Ông đã ra đi mãi mãi ở lứa
tuổi xuân xanh.</font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Một trong những lãnh tụ xuất
sắc của Đảng, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nguyễn Đức Cảnh đã tham gia thành
lập tổ chức tiền thân của Đảng. Từ cuối năm 1928 đầu 1929, phong trào đấu tranh
của công nhân, nông dân phát triển mạnh mẽ, tình thế cách mạng đòi hỏi phải có
một tổ chức cao hơn, đó là Đảng Cộng sản để lãnh đạo phong trào đấu tranh.
Nguyễn Đức Cảnh cùng một số đồng chí khác trong Tổng bộ “Thanh niên” đã kịp thời
nhận thức được đòi hỏi khách quan của phong trào, từ đó tích cực vận động cho
việc thành lập Đảng Cộng sản.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nguyễn Đức Cảnh là một trong
những người tham gia sáng lập Đông Dương Cộng Sản Đảng. Ngày 28- 29/3/1929, chi
bộ Hàm Long triệu tập Đại hội đại biểu toàn xứ Bắc Kỳ. Các đại biểu tán thành
việc thành lập Đảng Cộng sản và cử 4 đại biểu dự Đại hội “Thanh niên” toàn quốc
do Tổng bộ triệu tập. Trong đó, Nguyễn Đức Cảnh và Trịnh Đình Cửu được phân công
dự thảo Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ chuẩn bị thành lập Đông Dương Cộng sản
Đảng.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngày 17/6/1929, các đồng chí
trong chi bộ Hàm Long thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, ra Tuyên ngôn, xuất
bản báo “Búa liềm” làm cơ quan tuyên truyền của Đảng. Ban Chấp hành Trung Ương
lâm thời được thành lập do Ngô Gia Tự làm Bí thư, Nguyễn Đức Cảnh làm ủy viên.
Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã đáp ứng kịp thời những yêu cầu cấp
bách của phong trào cách mạng, đặc biệt là của giai cấp công nhân; cổ vũ và đưa
phong trào phát triển lên một bước mới trên diện rộng và chiều sâu, nhất là ở
Bắc kỳ. Đông Dương Cộng sản Đảng xứng đáng là người mở đường xuất sắc. </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nguyễn Đức Cảnh là một trong
những cán bộ tuyên huấn đầu tiên của Đảng ta với nhiều đóng góp xuất sắc. Đồng
chí đã soạn thảo các tài liệu tuyên truyền trên cơ sở những lý luận cách mạng đã
được học ở Quảng Châu và nội dung các Nghị quyết, chỉ thị của Tổng bộ, in ấn và
phát hành tài liệu đi các cơ sở. Đồng chí đã viết cuốn sách “Trả lời Kơrôteme”,
được in và phát hành rộng rãi để vạch trần bộ mặt thật của bọn thực dân cướp
nước và bè lũ tay sai bán nước. Đây là một đòn chính trị đánh mạnh vào bọn thực
dân, củng cố niềm tin cho công nhân và nông dân vào sự nghiệp cách mạng. Ngoài
ra, đồng chí còn viết nhiều tài liệu tuyên truyền, nhiều bài in trên Báo “Người
lao khổ”, “Tiến lên” mà đồng chí là người phụ trách, đồng thời đóng vai trò quan
trọng cùng với các đồng chí trong Xứ Ủy Trung Kỳ xây dựng, phát triển một hệ
thống báo Đảng từ xứ đến tỉnh và các cơ sở với nhiều bài viết có chất lượng cao.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nguyễn Đức Cảnh là một trong
những người đầu tiên nghiên cứu về giai cấp công nhân và truyền bá chủ nghĩa Mác
- Lê nin vào phong trào công nhân. Đồng chí còn khởi động phong trào vô sản hoá,
tham gia vô sản hoá, tổ chức vô sản hoá. “Vô sản hoá” là một chủ trương đúng đắn,
đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của cách mạng việt Nam. Qua đó, những người Cộng
sản Việt Nam đầu tiên trong đó có Nguyễn Đức Cảnh đã sử dụng phương thức thích
hợp đưa chủ nghĩa Mác-Lê nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
Đồng chí đã gây dựng những cơ sở công hội đỏ đầu tiên và tham gia sáng lập Tổng
Công hội đỏ Bắc kỳ.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bên cạnh những đóng góp tích cực
vào việc thành lập Đảng và tham gia sáng lập Tổng Công hội đò Bắc Kỳ (nay là
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), Nguyễn Đức Cảnh còn có những đóng góp quan
trọng khác cho sự nghiệp cách mạng là được tăng cường về Xứ uỷ Trung kỳ và tham
gia lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; ông còn là người thành lập hai Chi bộ
đầu tiên của Đoàn Thanh niên cộng sản ở nước ta là nhà máy Xi măng và trường
Bônan (nay là trường Ngô Quyền - Hải Phòng), đồng thời chỉ đạo Đoàn Thanh niên
Cộng sản ra báo “Tia lửa” để giáo dục lý tưởng cộng sản trong thanh niên, hướng
dẫn thanh niên vào con đường đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cuộc đời và quá trình hoạt động
cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh là những bài học cách mạng, đó là tấm gương về
tinh thần yêu nước nồng nàn, giác ngộ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa sâu sắc và lập
trường giai cấp kiên định, tấm gương về tinh thần tự chủ, sáng tạo trong học tập,
lao động, rèn luyện và trưởng thành từ phong trào yêu nước, phong trào công nhân,
là tấm gương về phẩm chất, đạo đức của người cộng sản và tác phong lãnh đạo của
cán bộ Đảng được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng, ông còn là tấm gương về
người chiến sĩ cộng sản đấu tranh kiên cường, bất khuất và cống hiến trọn đời
cho lý tưởng cộng sản. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chúng ta tự hào, tôn vinh tấm
gương đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọng đời vì
dân, vì nước. Chúng ta nhận thức sâu sắc hơn, những bài học quý giá mà đồng chí
để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, cho giai cấp công nhân và thế hệ trẻ về niềm
say mê và quyết tâm thực hiện lý tưởng cộng sản, tinh thần học tập và rèn luyện
từ trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, phẩm chất đạo đức cao đẹp của người cộng
sản, phong cách của người lãnh đạo phong trào công nhân. </font></p>
<p align="right" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><b>
<font face="Arial" size="2">TUẤN VŨ </font></b></p>
<p align="right" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><b>
<font face="Arial" size="2">(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)</font></b></p>
</body>
</html>