<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>CÔNG TÁC TỔNG KẾT ĐÁNH GIÁ</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:12.0pt;
font-family:"Times New Roman";
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
-->
</style>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#FF0000">CÔNG TÁC TỔNG
KẾT ĐÁNH GIÁ, ĐÚC KẾT KINH NGHIỆM - VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM </font></b></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2" color="#000080">PHAN VĂN AN
</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2" color="#000080">UVTV, Trưởng Ban
Kiểm tra Thành Đoàn</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Theo thường lệ, cứ hết đợt hoạt
động lớn hoặc cuối năm, các đơn vị làm báo cáo tổng kết đánh giá để báo cáo về
Đoàn cấp trên, hoặc phục vụ cho kiểm tra, hội nghị tổng kết. Công việc này đã
trở nên thường xuyên. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện tình trạng một số cơ sở Đoàn
còn xem nhẹ, hoặc nhận thức chưa đầy đủ, dẫn đến hạn chế việc phát huy kết quả
đạt được, cụ thể có mấy vấn đề cần quan tâm sau đây: </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thứ nhất, báo cáo đánh giá còn
nặng về thông tin, liệt kê, thiếu tính nhận xét đánh giá. Đây là tình trạng
thường gặp, nhiều đơn vị báo cáo rất dài liệt kê nhiều số liệu, thông tin không
cần thiết, mặc dù đã có báo cáo số liệu. Trong khi đó phần nhận định đánh giá
lại thiếu, chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, không phản ảnh, khái quát được ý nghĩa, nội
dung thông tin đã đưa ra, không đáp ứng được yêu cầu người nghe hoặc cần tìm
hiểu. Điều này giống như một người bán hàng trưng bày giới thiệu rất nhiều món
hàng, say sưa kể tên hết các mặt hàng mình có, nhưng lại không nói được mình
đang chuyên bán mặt hàng gì, đặc điểm của nó như thế nào, cũng như không hiểu
được khách hàng cần mua gì, quan tâm vấn đề gì, thì rõ ràng sẽ không đạt kết quả
tốt. Vì vậy để khắc phục tình trạng trên, báo cáo đánh giá cần cân đối về mặt bố
cục, phần liệt kê, thông tin cần chọn những nội dung, chi tiết có giá trị tổng
hợp, trọng tâm, những giải pháp. Đồng thời đầu tư cho phần nhận xét đánh giá cả
2 mặt mạnh và hạn chế. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thứ hai, nhận xét đánh giá còn
chung chung thiếu cụ thể, chưa bám vào yêu cầu, nội dung trọng tâm đề ra. Đây là
tình trạng một số đơn vị có nêu nhận xét đánh giá. Tuy nhiên, nhận xét đánh giá
đó hầu như đúng cho nhiều đơn vị và đúng cho cả năm trước, năm nay và cả năm
sau, chẳng hạn như: "… Mặc dù có không ít khó khăn, nhưng với quyết tâm cao, đơn
vị đã nỗ lực và đạt được những kết quả đáng khích lệ…"; " … Nhìn chung, năm nay
có nhiều tiến bộ hơn những năm qua…"; " Tuy đã đạt nhiều thành công, song vẫn
còn nhiều lĩnh vực phải khắc phục trong thời gian tới.". Đó là tình trạng nhận
xét chung chung, đại khái, chưa chỉ ra được những mặt mạnh, hạn chế cụ thể, hoặc
chưa nhận xét được việc thực hiện những nội dung trọng tâm đề ra theo chương
trình, kế hoạch. Để khắc phục tình trạng này, trong nhận xét đánh giá cần bám
sát các nội dung trọng tâm đề ra; có những nội dung nhận xét phải nêu cụ thể,
chỉ được tên, tính chất, mức độ để phát hiện vấn đề; có những vấn đề phổ biến
nhận xét phải khái quát được để đúc kết kinh nghiệm. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thứ ba, chưa phát hiện được vấn
đề, chưa đúc kết được kinh nghiệm. Đó là tình trạng có những báo cáo đánh giá
chưa chỉ ra được vấn đề hạn chế cần quan tâm để khắc phục, hoặc chưa chỉ ra vấn
đề cơ bản mang tính quyết định sự thành công, mà còn nêu những vấn đề nhỏ, lẻ,
thứ yếu. Nguyên nhân là chưa phân tích một cách đầy đủ, toàn diện, chưa nghiên
cứu kỹ lưỡng, hoặc chưa sâu sát nắm chắc sự việc. Bên cạnh đó, còn nhiều đơn vị
chưa đúc kết được kinh nghiệm thông qua thực tiễn, chưa phân tích được nguyên
nhân thành công, hạn chế để có bài học kinh nghiệm. Đây là vấn đề khó, đòi hỏi
cán bộ tổng hợp báo cáo phải có khả năng nhận định, đánh giá vấn đề, có quá
trình công tác gắn bó với hoạt động để phát hiện vấn đề từ thực tiễn. Đồng thời,
phải phát huy trí tuệ tập thể thông qua họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn,
tổ nhóm công tác chuyên đề để thảo luận, tranh luận đi đến thống nhất các vấn đề
liên quan. Có như thế thì công tác tổng kết đánh giá mới có chất lượng và đúc
kết được những kinh nghiệm quý báu. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thứ tư, chưa sử dụng kết quả tổng
kết đánh giá để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo. Hiện nay còn nhiều đơn vị
chưa chú ý và xem trọng giá trị, kết quả của công tác tổng kết đánh giá, đúc kết
kinh nghiệm khi xây dựng chương trình, phương hướng hoặc kế hoạch hoạt động mới.
Đây là vấn đề hết sức quan trọng, vì nếu phát hiện vấn đề mà không có kế hoạch
biện pháp để khắc phục, giải quyết hiệu quả thì sẽ không giải quyết được tồn
tại. Thực tế có những đơn vị có hạn chế lặp đi lặp lại nhiều năm mà không khắc
phục được. Hoặc có những mô hình giải pháp hay tại cơ sở nhưng không được nhân
rộng phát huy trong toàn đơn vị. Để khắc phục tình trạng này, việc xây dựng
chương trình, kế hoạch hoạt động mới cần xem lại những tổng kết đánh giá có liên
quan, xem lại nhận xét đúc kết của chương trình trước để đưa vào nội dung và
biện pháp khắc phục, hoặc phát huy trong chương trình mới bên cạnh những nội
dung mới được đặt ra. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Công tác tổng kết đánh giá, đúc
kết kinh nghiệm có vai trò quan trọng giúp công tác chỉ đạo sát thực tiễn và
hiệu quả. Vì vậy không được xem nhẹ và cần có biện pháp để thực hiện tốt công
tác này. </font></p>
</body>
</html>