<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Giải pháp cho hoạt động Đoàn</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Giải pháp cho hoạt động Đoàn: Vẫn là đáp ứng nhu cầu bạn trẻ</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="giai%20phap.jpg" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Tư vấn
tâm lý - một nhu cầu khá lớn của các bạn công nhân. Trong ảnh: chuyên
viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thu Hiên trao đổi tâm tình với các bạn công
nhân trong chương trình "Kaila cùng sức trẻ 2007" do báo Tuổi Trẻ tổ
chức</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">550 đại biểu là cán bộ đoàn tại
15 tổ thảo luận trong hội nghị cán bộ do Thành đoàn TP.HCM tổ chức hai ngày 21
và 22-2 đã bàn thảo nhiều giải pháp cho chương trình hành động Đoàn, phong trào
thiếu nhi thành phố trong năm 2008. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Các giải pháp cuối
cùng cũng chỉ nhằm một mục tiêu: gắn bó, đáp ứng hơn nữa nhu cầu bạn trẻ.</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Không gắn với nhu cầu, hoạt động
Đoàn sẽ hình thức</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">"Nhất thiết phải có
nghiên cứu khoa học về nhu cầu của bạn trẻ. Chúng ta không thể cứ ngồi với nhau
bàn tính đưa ra phong trào này, hoạt động kia rồi vận động bạn trẻ tham gia,
hưởng ứng như 20 năm trước" - bạn Lê Ngọc Hưng (Q.1) thẳng thắn phát biểu tại tổ
thảo luận số 3. Bạn cũng cho rằng nếu không thường xuyên tìm hiểu, khảo sát kỹ
về nhu cầu thì những hoạt động của Đoàn dễ bị đi vào lối mòn, "lạc hậu" so với
xu hướng bạn trẻ. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chẳng hạn cuộc vận
động "Tuổi trẻ VN học tập và làm theo lời Bác" chưa có nhiều cách làm, chỉ xoay
quanh những cuộc thi kể chuyện, viết nhật ký... "Vậy tại sao chúng ta không đưa
lên diễn đàn để trưng cầu ý kiến" - Hưng đề nghị. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Một giải pháp khác
cho công nhân trẻ do anh Trần Thiên Long, phó bí thư đoàn khu chế xuất, khu công
nghiệp, nêu: nên chuyển hướng khai thác nguồn quĩ cho công nhân vay học tập thay
vì làm ăn. Anh cho biết: "Vừa rồi ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp cho
vay hỗ trợ học tập 1 tỉ đồng thì hồ sơ xin vay đã lên đến 2 tỉ”. Bí thư Đoàn
Tổng công ty Du lịch Sài Gòn Thượng Mỹ An thì đề xuất: "Các quận đoàn, đoàn cơ
sở mạnh dạn đỡ đầu cho các phường, xã còn nhiều khó khăn của các huyện ngoại
thành, có thể là đào tạo tin học, ngoại ngữ để chúng ta tiến tới mặt bằng chung
của phong trào Đoàn toàn thành phố". </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh Nguyễn Văn
Hiền, Đoàn khối cơ sở Bộ Công nghiệp, cho rằng hoạt động Đoàn trong các doanh
nghiệp cần phải gắn với lợi ích thiết thực của doanh nghiệp, phải đáp ứng được
nhu cầu đời sống của người lao động. Các công trình thanh niên, phong trào thanh
niên tại các doanh nghiệp phải hiệu quả. Anh Hiền nói: "Trong điều kiện hiện nay
tại các doanh nghiệp, Đoàn phát động, kêu gọi đoàn viên tiết kiệm, chống lãng
phí. Trong quá trình sản xuất, việc tiết kiệm này vừa có lợi cho doanh nghiệp
vừa góp phần cải thiện đời sống đoàn viên". </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh Hiền còn đưa ra
giải pháp cho việc vận động đóng góp cho Trường Sa, thay thế việc bán vé số bằng
cách tổ chức "Ngày vì Trường Sa". Với hoạt động này có thể tổ chức nhiều nội
dung: đi bộ vì Trường Sa, bán áo đồng phục gây quĩ...</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Cán bộ Đoàn: mấu chốt vấn đề</font></b></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" align="right" border="0" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="1" cellspacing="5" width="200" id="table2">
<tr>
<td bgcolor="#cfe6f9" valign="center">
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Một số giải pháp khác: Thành
đoàn cần sớm tập trung xây dựng một đội ngũ cán bộ Đoàn có tri thức, uy
tín đối với thanh thiếu nhi. Muốn làm tốt việc này phải đổi mới nội
dung, phương thức đào tạo cán bộ Đoàn, Hội, Đội gắn với việc chuẩn hóa
đội ngũ cán bộ, đào tạo theo chức danh theo hướng chuyên nghiệp hơn.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">
<font color="#030303">Cũng cần tính toán "đầu ra" hợp lý, công bằng cho
cán bộ đoàn, việc hỗ trợ đời sống của cán bộ đoàn cơ sở để các bạn đủ
sức góp sức cho Đoàn; đồng thời quyết liệt đầu tư nhiều hơn trong việc
cử cán bộ cấp thành về hỗ trợ cơ sở.</font> </font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Theo các đại biểu, "lối ra" cho
chất lượng hoạt động Đoàn hiện nay vẫn dừng ở bài toán cán bộ Đoàn. Đây là vấn
đề mang tính cấp thiết nhất để duy trì sức sống, sức hấp dẫn của đoàn trong
thanh niên. Anh Trần Anh Cường, bí thư Đoàn Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia
TP.HCM), cho rằng: "Đoàn cần phải tiếp thị hình ảnh của mình đến thanh niên, mà
muốn làm tốt việc này cần phải có đội ngũ cán bộ giỏi để đủ sức cạnh tranh trong
việc quảng bá "thương hiệu" của Đoàn". </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh Trần Văn Thành,
phó bí thư Đoàn Trường ĐH Lao động xã hội cơ sở II, đưa ra thực trạng: "Nhiều
cán bộ đoàn cơ sở còn thiếu kỹ năng, nghiệp vụ công tác đoàn không nắm vững,
nhất là những cán bộ trẻ mới nhận việc, làm sao đoàn có sức hút trong thanh
niên...".</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cũng vậy, một thực
trạng khác mà anh Nguyễn Thanh Quang, bí thư đoàn khu chế xuất, khu công nghiệp,
đã nêu ra: việc bổ nhiệm bí thư Đoàn phường xã thời gian qua do "đẩy qua đẩy
lại" người từ các nhiệm vụ khác sang nên có người thậm chí không có năng lực tổ
chức hoạt động. Theo anh, cần mở lớp đào tạo rộng rãi để đầu tư lực lượng cho
các nơi chứ không phải lấy cán bộ sẵn và chờ nhiệt huyết.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cũng đến từ Đoàn
khu chế xuất, khu công nghiệp, bạn Trần Hảo Trí nêu thêm một bất cập: Trong thời
đại xã hội đa dạng hóa hiện nay, nhu cầu hiểu biết về chính trị của bạn trẻ rất
nhiều, Đoàn cần khuyến khích các bạn được học tập chứ đừng ràng buộc, hạn chế độ
tuổi..., như vậy mới tìm ra được cán bộ đoàn có đủ trình độ nhận thức chính trị.
Trí nói: "Chúng tôi đã nhiều lần gặp ban tổ chức Thành đoàn hỏi các lớp trung
cấp, cao cấp chính trị thì được trả lời "chờ có lớp đã”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Có mặt tại tổ thảo
luận số 1, Bí thư Thành đoàn Tất Thành Cang trao đổi ngay: "Tôi đồng ý để các
đồng chí đi học, nhưng nói cụ thể danh sách gồm những ai. Năm ngoái tại Tháng
thanh niên tôi đề nghị mỗi quận huyện cử một người đi học mỗi năm. Nhưng cuối
năm chẳng có một ai cả. Mình có lớp và Thành đoàn lo hết, không để cho cán bộ
đoàn đóng học phí nhưng không có người học". </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh Cang cũng đặt
ra một giải pháp: "Cán bộ đoàn là một nguồn bổ sung cho hệ thống chính trị. Tôi
mong muốn cán bộ đoàn ở các trường ĐH đã có bằng cấp chuyên môn, có thể học bổ
sung trung cấp thanh vận, cao cấp chính trị. Như vậy chúng ta "bắn một mũi tên
trúng ba mục tiêu": tốt nghiệp ĐH, nâng cấp chính trị, nâng cao hệ thống chính
trị phường xã”.</font></p>
<p class="pAuthor" align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>