<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Blouse trắng tình nguyện</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Blouse trắng
tình nguyện</font></b></p>
<blockquote dir="ltr" style="margin-right: 0px">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Những chuyến đi nghĩa
tình</strong></font></p>
</blockquote>
<div align="right">
<table align="right" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" width="1" id="table1">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="tinh%20nguyen.bmp" width="224" height="168">
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><i><font color="#808080" face="Arial" size="2">Bác
sĩ trẻ Phan Minh Hoàng (BV Đại học Y dược TPHCM) khám bệnh cho người
nghèo ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đêm cuối năm, 23 giờ, một chiếc
xe cồng kềnh xuất phát từ TPHCM chở đoàn bác sĩ - y tá cùng thuốc men, dụng cụ y
tế của CLB Y tế tình nguyện TPHCM tìm đến huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai). </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tờ mờ sáng, tại điểm đến, đã có
cả trăm đồng bào dân tộc nghèo từ các bản làng xa xôi đứng đợi như thể cả đêm
không ngủ. Bỏ qua sự chào hỏi xã giao và bất đồng ngôn ngữ, các thầy thuốc bắt
tay ngay vào việc khám bệnh, phát thuốc. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bệnh nhân có người mới lần đầu
được nhìn thấy bác sĩ, được bác sĩ áp ống nghe vào ngực, vào lưng mà mắt miệng
cứ cười tít. Bác sĩ Trần Thị Ngọc Bích (Bệnh viện Nhi đồng 1) chia sẻ: Đến đây
mới thấy đồng bào mình còn nghèo lắm, cầm bịch thuốc trên tay mà mắt ai cũng
rưng rưng…</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một ngày khác, hơn 30 bác sĩ -
dược sĩ - điều dưỡng của Viện Tim TP đã đến với huyện nghèo Lộc Ninh, tỉnh Bình
Phước. Bác sĩ trẻ Nguyễn Trí Thành vừa ân cần hỏi han ông Điểu Dũng 67 tuổi, vừa
chẩn bệnh, ghi toa, rồi dặn đi dặn lại liều lượng thuốc uống được ghi trên toa.
Bệnh nhân tiếp theo là một cô bé ôm bụng nhăn nhó. Chẩn đoán ban đầu cô bị đau
ruột thừa cấp, phải mổ gấp. Nhìn cô bé ai cũng hiểu sẽ không có tiền đâu để
chuyển viện. Một cuộc “hội chẩn” diễn ra gấp gáp, 300.000 đồng được các bác sĩ -
điều dưỡng góp vội chuyển đến tay cô bé kèm lời động viên mau khỏi bệnh… </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Lỉnh kỉnh những máy móc siêu âm,
điện tim, các chiến sĩ Mùa hè xanh trẻ tuổi của ĐH Y Dược TP đến với huyện Chợ
Lách, tỉnh Bến Tre khám, chữa bệnh cho người nghèo. Bác sĩ Phan Minh Hoàng tâm
sự: “Thời sinh viên, chúng tôi đã từng khoác áo xanh tình nguyện tham gia chiến
dịch Mùa hè xanh đến với những vùng quê nghèo. Còn giờ đây, chúng tôi thay màu
áo xanh bằng blouse trắng nhưng chất tình nguyện vẫn còn nguyên như thuở ban đầu”.
</font></p>
<blockquote dir="ltr" style="margin-right: 0px">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Chân dung “blouse
trắng tình nguyện”</strong></font></p>
</blockquote>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tốt nghiệp xuất sắc ĐH Y Dược năm
1998, bác sĩ Vũ Trí Thanh trong mắt bạn bè đồng nghiệp ở Bệnh viện ĐH Y Dược
TPHCM là một thủ lĩnh Đoàn năng động. 10 năm qua, khoác lên mình chiếc ba lô
tình nguyện, anh đã đến nhiều vùng quê nghèo, chữa khỏi bệnh cho nhiều bệnh nhân
gia cảnh khó khăn. Mỗi chuyến đi, mỗi vùng đất đã để lại nhiều kỷ niệm khó quên.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cuối năm 2007, trong chuyến khám
chữa bệnh từ thiện ở Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, bác sĩ Thanh đã phát hiện một
cháu nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh có biến chứng ảnh hưởng tới phổi khiến bé không
thể sinh hoạt, vui chơi như bạn bè đồng trang lứa. Để mổ tim cho bé, cần từ
2.500 – 3.000 USD, quá sức với gia cảnh của bé. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh đã vận động nhà tài trợ và
đồng nghiệp hỗ trợ nhưng vẫn chưa đủ. Anh liền gọi điện thoại cho Tiến sĩ Nguyễn
Hoàng Bắc, Phó Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược và nhận được câu trả lời từ “sếp”:
Cứ đem bé về mổ, thiếu bao nhiêu, bệnh viện lo! Bác sĩ Thanh tâm sự: “Một thời
gian sau ca mổ ấy, nhìn bé chơi đùa cùng bạn bè và nụ cười hạnh phúc của cha mẹ
bé, chúng tôi hiểu đó chính là hạnh phúc của người thầy thuốc”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bác sĩ Đoàn Văn Phụng, khoa Giải
phẫu tim, Bệnh viện Chợ Rẫy, đến với CLB Y tế tình nguyện TPHCM từ năm 2004.
Những năm qua, ở những nơi CLB tìm đến, từ nơi khó khăn nhất, nơi tâm bão đi
qua, nơi mà đời sống dân nghèo đến mức không có tiền chữa bệnh, bác sĩ Phụng
luôn có mặt cùng đồng nghiệp. Do chuyên khoa tim nên cứ mỗi khi đo huyết áp,
nghe mạch thấy không ổn định là các đồng nghiệp lại chuyển bệnh nhân đến anh.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Với bác sĩ Châu Phú Thi, khoa
Ngoại lồng ngực Bệnh viện Chợ Rẫy thì rất nhiều lần ngay sau đêm trực ở bệnh
viện, anh lại hăng hái khoác ba lô lên đường. Không chỉ có bác sĩ Thanh, Phụng
hay Thi mà còn rất nhiều những bác sĩ trẻ khác ở TPHCM vẫn khoác ba lô lên đường
tình nguyện đến vùng sâu, vùng xa chăm sóc sức khỏe cho dân nghèo. Họ – như lời
phát biểu của Tiến sĩ - bác sĩ Trần Sơn Thạch, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng
Vương tại buổi ra mắt Hội Thầy thuốc trẻ TP - “Đã chọn nghề bác sĩ là phải có
đam mê, trách nhiệm và chấp nhận hy sinh…”.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo SGGPO</i></b></font></p>
</body>
</html>