<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Thầy thuốc của người nghèo</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Thầy thuốc của người nghèo</font></b></p>
<table style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="thay%20thuoc%20cua%20nguoi%20ngheo.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p class="tLegend" align="center"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Bác sĩ Vũ Trí Thanh (phải)
khám bệnh tình nguyện cho đồng bào dân tộc Tây nguyên</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngày bé, anh mê chiếc máy bay đến
kỳ lạ và mơ ước lớn lên sẽ trở thành phi công chứ không phải khoác chiếc áo
blouse trắng. Vậy mà chỉ một lần ốm phải nằm viện, cảm động trước sự chăm sóc
của các bác sĩ, cuộc đời anh đã chuyển hướng...</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhiều lúc anh tự
cảm ơn lần ốm đó, cảm ơn duyên tình cờ ngày ấy đã tạo nên một cái tên thạc sĩ -
bác sĩ Vũ Trí Thanh của ngày hôm nay.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>1. </strong>
Khép lại giấc mơ lái máy bay ngày bé, Vũ Trí Thanh trở thành SV y khoa. Thật ra
việc trở thành bác sĩ của anh có lẽ một phần thừa hưởng gen từ người bác sĩ,
người thầy đầu tiên - cha anh. Và Thanh tốt nghiệp y khoa loại xuất sắc cùng năm
người bạn khác. Đó là khóa học đầu tiên trong lịch sử Trường ĐH Y dược TP.HCM có
đến sáu SV cùng tốt nghiệp xuất sắc. Cả sáu bác sĩ xuất sắc đều được tuyển thẳng
vào học bác sĩ nội trú. Bốn người đã công tác và sinh sống ở nước ngoài, chỉ còn
anh và một đồng nghiệp nữa hiện đang làm việc tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. </font>
</p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh đi nhiều. Hầu
hết các tỉnh thành trong nước anh đều đã đặt chân đến! Có thể tuần này vừa gặp
anh ở vùng cao Tây nguyên thì ngay tuần sau đã thấy anh đang lội đường ruộng ở
vùng quê đồng bằng Nam bộ. Và sang cả Lào khám bệnh cho người nghèo. Mỗi chuyến
đi là một dịp trải nghiệm, là một sự sẻ chia và cũng là để tích lũy thêm những
bài học thực tế nên anh thường mang theo rất nhiều SV của mình đi cùng. </font>
</p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Còn nhớ dịp đến Côn
Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) cuối năm 2006, dù không đủ phương tiện như đất liền
nhưng anh đã quyết định mổ lấy khối u vùng ngực cho một bệnh nhân nữ. Ca phẫu
thuật nhanh gọn, bệnh nhân được xuất viện ngay sau phẫu thuật. Nhưng điều làm
anh vui nhất chính là sau này, bác sĩ phụ trách Trung tâm y tế quân dân y Côn
Đảo - người cùng anh thực hiện ca phẫu thuật nói trên, đã học được từ anh thao
tác, kinh nghiệm chẩn đoán và tiến hành phẫu thuật với những trường hợp tương tự.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>2. </strong>
Người bác sĩ trẻ ấy tâm sự: không thể quên và cũng không kịp phản ứng vì quá bất
ngờ khi một người cha đã quì gối lạy tạ anh cùng êkip vừa hoàn thành ca mổ bước
ra. Đó là một bệnh nhi bị tim bẩm sinh mà anh và mọi người gặp được trong chuyến
khám bệnh tại Vũng Liêm (Vĩnh Long). Bệnh quá nặng, không thể để lâu nhưng khoản
tiền gần 3.000 USD cho ca phẫu thuật mà bệnh viện báo giá cách đó hai năm vượt
ngoài sức tưởng tượng của gia đình. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau khi vét sạch
tiền túi, vận động những người đi cùng vẫn không đủ, anh đã trực tiếp cầu cứu
ban giám đốc và nhận lệnh đưa bệnh nhi về ngay bệnh viện phẫu thuật, chi phí còn
lại bệnh viện lo. Những câu chuyện như thế khó mà kể hết! </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Làm công tác quản
lý, bác sĩ phẫu thuật tim mạch, nghiên cứu sinh, giảng viên, cán bộ Đoàn và tận
dụng cả ban đêm để học ngoại ngữ. Bận đến vậy nhưng những chuyến đi xa hiếm khi
nào thiếu anh. Không ít lần anh tự nhận những chuyến đi tình nguyện đã trở thành
một phần không thể thiếu trong cuộc sống, rằng hễ còn người nghèo, còn bệnh nhân
ở những nơi khó khăn cần đến bác sĩ, anh sẽ vẫn còn tiếp tục lên đường. </font>
</p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>3. </strong>
Anh vừa nhận nhiệm vụ mới - chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM, được chính thức
ra mắt tối 24-2. Nhưng anh lại trăn trở nhiều hơn vì hoạt động giờ đã có hội, có
dáng thành hình chắc chắn phải khác hơn màu áo của đội blouse trắng tình nguyện.
Mấy hôm nay anh tất bật đi lại động viên gia đình một bệnh nhi bị tim bẩm sinh ở
Cà Mau, chuẩn bị các thủ tục cho ca mổ miễn phí hoàn toàn (ngày 26-2) "mở hàng"
hoạt động của Hội Thầy thuốc trẻ. Cũng lại là đi tìm mạnh thường quân, cũng là
đích thân anh phẫu thuật cho bệnh nhân như cách anh vẫn từng làm để tiết kiệm
chi phí. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngay trong Tháng
thanh niên này sẽ là hai chuyến khám chữa bệnh cho hàng ngàn bà con miền Tây Nam
bộ. Là kế hoạch xây dựng trang web để trao đổi thông tin rộng hơn, và cũng để
kêu gọi sự chung tay của cộng đồng cho những hoạt động nghĩa tình. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Có người gọi vị bác
sĩ mới ngoài 30 tuổi ấy là người bác sĩ tình nguyện số một; có người gọi anh là
bác sĩ của những chuyến đi... Còn vị phụ huynh của bệnh nhi được anh trực tiếp
phẫu thuật tim miễn phí mới đây gọi anh là thầy thuốc của người nghèo…</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>