<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Phạm Thị Thu Dung - Người đưa ti</title>
</head>
<body>
<p class="subtitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Phạm Thị Thu
Dung - Người đưa tin học đến với công nhân:</font></b></p>
<p class="title" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Công nhân là người yêu của mình</font></b></p>
<span class="subcontent">
<div align="right">
<table style="background-color: rgb(255, 255, 255)" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="170" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="thu%20dung.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td class="commentimg">
<p align="center"><font face="Arial" size="2"><font color="#808080">
<i>Phạm Thị Thu Dung</i></font> </font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Còn ít cả về tuổi đời lẫn tuổi
nghề, lại không phải là cán bộ công đoàn, nhưng chị Phạm Thị Thu Dung, Trung tâm
Công nghệ thông tin điện tử Thái Sơn - Bộ Quốc phòng, đã khiến nhiều người xúc
động trước những sẻ chia cuộc sống mà chị dành cho người lao động, đặc biệt là
công nhân. Chương trình “Đào tạo tin học căn bản cho đoàn viên, thanh niên công
nhân” miễn phí được thực hiện mới đây tại Công ty 28 đều do chị gầy dựng và thực
hiện </font></p>
</span>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tiếng lành đồn xa về chương trình
đào tạo tin học căn bản mà chị Phạm Thị Thu Dung đã và đang thực hiện cho công
nhân là mối dây “tơ hồng” dẫn tôi đến gặp chị. Trong mường tượng và suy nghĩ của
tôi, chị hẳn phải lớn tuổi và dày dạn kinh nghiệm nghề nghiệp. Nhưng gặp chị,
tôi phải ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì chị không lớn tuổi, chỉ thuộc thế hệ 8X- thế hệ
mà nhiều người cho rằng sống cho cái tôi là chủ yếu; ngỡ ngàng vì những trăn trở
hướng về công nhân của một người vốn lớn lên tại TP, có cuộc sống khá đầy đủ và
sung túc. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Ý TƯỞNG TỪ SỰ MUỐN CHIA
SẺ.-</strong> Vì sao chị lại nghĩ đến những công nhân khi cuộc sống, công việc,
sinh hoạt... của chị chẳng liên quan gì đến họ? Sau khi biết chị sinh ra và lớn
lên tại quận 10 - TPHCM trong một gia đình khá giả, cuộc sống sinh viên và ngay
cả bây giờ (khi đã đi làm) cũng không có gì thiếu thốn, tôi đã “xoáy” vào chị
câu hỏi đó. Chị cười và lý giải: “Không phải cứ sống cùng mới hiểu và muốn chia
sẻ”. Rồi chị tập cách diễn đạt của người dân tộc, nói: “Cái “bụng” muốn là
được”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chị bắt đầu nghĩ về công nhân khi
còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Theo học Khoa Quản lý công nghiệp Trường
ĐH Bách khoa TPHCM, một khoa có thể làm việc ở nhiều ngành khác nhau, Phạm Thị
Thu Dung muốn “khám phá” xem bản thân mình thích và phù hợp với mảng công việc
nào nhất. “Hồi sinh viên, tôi đã làm thêm trong nhiều lĩnh vực như quản lý chất
lượng, xây dựng kế hoạch giảm chi phí sản xuất cho nhà máy, marketing...”. Chính
thời gian đi để “khám phá” bản thân đó, Phạm Thị Thu Dung được tiếp xúc với rất
nhiều công nhân. “Nhìn cảnh những công nhân ngay đến những kiến nghị của mình
cũng không biết đánh máy, đã có Internet rồi nhưng họ cũng chẳng biết lên mạng
để giao tiếp bạn bè, tôi thấy thương lắm...”. Tích lũy dần những nỗi niềm như
vậy, cô sinh viên Thu Dung tự nhủ: “Sẽ sớm tạo dựng một chương trình tin học cho
công nhân, để giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống xa nhà của họ”. Sau 3 năm
ra trường, giữa năm 2007, chương trình đào tạo tin học miễn phí cho thanh niên
công nhân của chị đã được thực hiện cho hơn 700 công nhân ở quận Gò Vấp - TPHCM.
</font></p>
<div align="center">
<table style="border-collapse: collapse" align="center" border="1" bordercolor="#ffffff" cellspacing="1" width="350" id="table2">
<tr>
<td width="350">
<p align="justify">
<img border="0" src="thu%20dung2.bmp" width="350" height="231"></td>
</tr>
<tr>
<td class="commentimg" width="350">
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">
Công nhân đang học vi tính </font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>TỰ VIẾT CẢ GIÁO TRÌNH.-</strong>
Để xây dựng được chương trình đó là cả một quãng thời gian dài đầy vất vả. Chị
Thu Dung phải tự làm mọi việc từ lập kế hoạch chương trình, tìm nguồn kinh phí,
soạn thảo giáo án và cả vận động công nhân đi học. “Công nhân chủ yếu là dân
tỉnh lẻ, xa nhà, thu nhập thấp nên ngại ngần tiếp xúc và cả học tập nữa. Nhiều
người, khi tôi đề cập đến chuyện tin học, họ nhất quyết không chịu học”. Công
tác vận động công nhân đi học (dù là miễn phí) cũng là vấn đề đau đầu. “Nhưng
rồi, mưa dầm thấm lâu, nhờ cả lãnh đạo công ty, anh chị em công nhân cũng hiểu
là học tin học sẽ tốt cho mình”. Chị gọi vui những ngày đó là “làm công tác dân
vận”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Qua khâu vận động, đến khâu...
“soạn giáo trình”. “Qua khảo sát, tôi biết được nếu dùng các giáo trình tin học
căn bản đã có để giảng dạy cho công nhân, chắc chắn sẽ không hiệu quả”. Chị bắt
đầu phải gặp gỡ, thu nhận ý kiến nhiều công nhân, để tìm hiểu xem nhu cầu về ứng
dụng tin học trong đời sống cơ bản là gì. Bộ giáo trình tin học cơ bản với
phương châm: “Cần thiết và chia sẻ” đã được ra đời. Chú Nguyễn Đình Đoán, một
công nhân khoảng 50 tuổi ở Công ty 28, người tham gia các lớp học, nhận xét:
“Tôi cứ nghĩ học tin học thì khó lắm, nhưng từ ngữ trong cuốn giáo trình của cô
Thu Dung phát, tôi đều hiểu được. Vì thế, tôi học rất nhanh”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>SẼ CÒN VƯƠN XA.-</strong>
Chương trình đào tạo tin học căn bản cho đoàn viên, thanh niên công nhân của chị
khi thực hiện tại Công ty 28 đã đoạt được giải đặc biệt công trình thanh niên
tại Đại hội Đoàn toàn quân lần thứ 9 của Bộ Quốc phòng. Nhưng, khi tôi ngỏ ý
khen ngợi, chị liền nói: “Các anh chị em công nhân không ngần ngại đi học, đó
mới là phần thưởng đối với tôi. Vì có họ mới có chương trình này...”. </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chị thực hiện chương trình này
không hề được “một đồng bạc nào” (như lời anh Phạm Xuân Trí, Bí thư Đoàn Thanh
niên Công ty 28), nhưng nhìn nét mặt chị, tôi biết chị vui lắm. Mỗi ngày, sau
giờ tan tầm, chị lại xuống địa điểm học tập của công nhân (Trường CĐ Công nghệ
Thông tin Bách Việt- Nguyễn Kiệm, Gò Vấp) để theo dõi các bạn học tập. “Tôi phải
xuống để ghi nhận lại tình hình về cách giảng dạy của giảng viên, những yêu cầu
của các anh chị công nhân và quan trọng hơn là để sắp xếp chỗ học để họ dễ đổi
ca, thay ca” - chị bộc bạch. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ví lớp học, anh chị em công nhân
là “người yêu của mình”, chị cho biết đang vận động để chương trình đến được với
nhiều công nhân hơn, đặc biệt là ở các vùng ven, ngoại thành. Thu Dung đã làm
việc với nhiều địa phương ở các quận, huyện như: 2, 9, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà
Bè, Hóc Môn..., nhưng cái lấn cấn nhất của chị trong tình hình hiện nay là nguồn
“kinh phí” cho học tập miễn phí đã hết. Tuy nhiên, chị vẫn khẳng định “mình sẽ
tiếp tục chương trình vì rất nhiều người đang cần được hỗ trợ, chia sẻ”. Và hàng
tá việc chị đã, sẽ làm càng khẳng định điều đó. “Sắp tới tôi sẽ tìm nguồn tài
chính ổn định cho chương trình, giúp cho việc học tập của công nhân lâu dài hơn”
- chị tâm sự. “Phải biết lắng nghe để chia sẻ...” - chị tạm biệt tôi bằng câu
nói ý nghĩa đó. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo NLĐO</i></b></font></p>
</body>
</html>